Ban Đại diện điện Trường Bà và các ban lâm thời trong lễ hội

Một phần của tài liệu Vấn đề phục dựng lễ hội điện Trường Bà ở huyện Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi (Trang 108 - 112)

Chương 3: DI TÍCH VÀ LỄ HỘI ĐIỆN TRƯỜNG BÀ TRONG LỊCH SỬ

3.2. Ban Đại diện điện Trường Bà và các ban lâm thời trong lễ hội

Điện Trường Bà là cơ sở thờ tự của riêng làng Xuân Khương, được quản lý bởi thiết chế tự quản của làng, không lệ thuộc vào thể chế nhà nước. Toàn bộ hoạt động trong phạm vi điện Trường Bà đều do Ban Đại diện điều hành. Đó là một bộ máy được bầu lên bởi các cửa họ trong làng, là những người đại diện cho dân có

trách nhiệm trông coi, quản lý, bảo quản điện và tổ chức các sinh hoạt tín ngưỡng diễn ra tại Trường Bà. Nhân sự trong Ban Đại diện Trường Bà xưa kia bao gồm ông

cả, ông thủ bổn, ông trùm, ông giáp, ông thủ từ và ông thủ sắc. Những thành viên này đều do dân trong làng bầu lên, mỗi vị trí có những tiêu chuẩn riêng. Ông cả là người đứng đầu ban đại diện Trường Bà có quyền lớn nhất, chịu trách nhiệm chỉ đạo chung. Ông cả phải hội đủ các yếu tố là người lớn tuổi, có uy tín, thông thạo chữ nghĩa, phép tắc và các phong tục. Ông cả tuy không nằm trong bộ máy tổ chức làng xã nhưng đã kinh qua nhiều chức sắc hoặc là người giàu có, người đứng đầu tộc họ, thuộc các tộc họ lớn ở địa phương được người dân trọng vọng, kính nể. Cho đến nay, các bậc cao lão trong làng Xuân Khương còn nhớ được một số ông Cả trong những năm gần đây: Cả Nhị (họ Bùi, nhưg không rõ Bùi nào vì trong làng có nhiều họ Bùi), Cả Viên (họ Đặng), Cả Bộ (họ Huỳnh). Cả Ba (họ Huỳnh), Cả Ẩm (họ Nguyễn), Cả Ba (họ Nguyễn), Cả Nghệ (họ Trần), Cả Lữ (họ Châu), Cả Bút (họ Trần).

Dưới ông cả là các ông thủ bổn, ông trùm, ông giáp, ông thủ từ và thủ sắc. Ông thủ bổn là người quản ruộng, giữ của cho Trường Bà. Thời bấy giờ, để có kinh phí trang trải các hoạt động tín ngưỡng ở Trường Bà, làng Xuân Khương cắt một phần đất ruộng trưng vào quỹ đất của Bà. Phần đất ruộng Bà được ông cả giao cho thủ bổn quản lý. Ông thủ bổn phát canh cho dân trồng lúa trên đất này. Sau mỗi mùa vụ, dân làng trích phần trăm lúa đã được thu hoạch trên đất ruộng Bà xung vào hòm quỹ. Người được chọn làm thủ bổn phải là người linh lợi, thông thạo việc tính toán, có uy tín, được người dân nể trọng. Các ông trùm, ông giáp là những người giúp việc cho ông cả. Ông thủ từ là người trông giữ điện thờ, chăm lo hương khói cho Bà, giữ gìn vệ sinh trong khuôn viên điện. Ông thủ sắc là người trông coi sắc

Bà, phải là người địa phương, nhà cửa khang trang, gọn gàng thuận tiện cho việc đặt hòm sắc.

Với người dân làng Xuân Khương, lễ hội điện Trường Bà là dịp để dân chúng thể hiện lòng thành kính biết ơn đối với công lao bảo trợ của Bà và bày tỏ những nguyện vọng, mong muốn về một cuộc sống an bình, no ấm. Để bảo đảm lễ hội được diễn ra suôn sẻ, mọi ước vọng đều được thần linh thấu hiểu, công việc

chuẩn bị cho lễ hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Người dân nơi đây quan niệm, bất kỳ một sai sót nhỏ nào trong việc tiến hành nghi lễ cũng có thể đem lại những hậu quả khôn lường, như có thể bị Bà và các thần thánh quở phạt, nhẹ thì việc làm

ăn, trồng trọt, buôn bán thất thu; nặng thì bệnh tật, tai nạn thậm chí chết chóc. Thành kính và chu đáo trong công việc chuẩn bị là sự đảm bảo an toàn cho cuộc sống, vận mệnh của từng cá nhân và cả cộng đồng.

Thời gian chuẩn bị lễ hội thường diễn ra từ nhiều tháng trước với những công việc khác nhau. Trước hết, ông cả phối hợp với lý trưởng tổ chức họp dân bàn

kế hoạch thực hiện lễ hội. Để có cơ sở cho việc họp dân, các thành viên trong Ban Đại diện Trường Bà tiến hành kiểm tra ngân quỹ và dự kiến kế hoạch tổ chức lễ hội. Trong cuộc họp dân, ông Cả đưa các vấn đề đã được thống nhất trong các cuộc họp Ban Đại diện được đem ra phổ biến để dân nắm bắt thông tin và đóng góp ý kiến. Cũng trong cuộc họp này, Ban Đại diện và dân làng còn bầu ra các ban lâm thời chịu trách nhiệm chuẩn bị hậu cần, tổ chức lễ và hội: Ban khánh tiết, Ban tế tự, Ban hậu cần… Ban khánh tiết khoảng chừng 20 người ở độ tuổi trung niên, đảm đương các công việc sắp xếp, bố trí nhân lực tham gia trong lễ hội. Ban tế tự gồm 1 chánh

tế, 1 bồi tế, 5 phân hiến, 7 người rót rượu, 1 tư nghi, 1 tư văn, 12 học trò lễ, khoảng

từ 32 đến 40 học trò gươm. Ngoài ông Cả đứng vai chánh tế, ban tế tự là những người uy tín, cao tuổi mới được đưa vào đứng đối diện với thần linh. Các ông tư nghi và tư văn cũng được người dân lựa chọn rất kỹ lưỡng. Tư văn là người viết văn

tế thần, tư nghi là người xướng văn tế trong lễ hội, do đó phải là người thông thạo chữ Nho, am tường lễ tục và có lối sống chuẩn mực. Nhân sự trong đội học trò lễ chủ yếu là học trò đang theo học trong Trường Bà, con em các gia đình có chức vị, hoặc con em của những người dân có đạo đức, lối sống tốt ở địa phương. Các học trò lễ có nhiệm vụ hầu lễ buổi tế bà, đem rượu trầu cau lên bàn thờ cho bà, theo để hầu bà. Học trò lễ phải chọn lựa khắt khe vì họ được coi là những người gần gũi thần, gần gũi việc quan, đồng thời cũng là đội ngũ kế thừa việc tế tự sau này. Chính

vì thế, nhóm học trò lễ luôn được chỉ dạy một cách nghiêm cẩn từng chi tiết nhò. Học trò gươm là lực lượng bảo vệ cho Bà. Một đội gươm như vậy khoảng 40 người,

lựa số thanh niên trẻ tuổi từ 18 đến 22 tuổi, vóc người đẹp và diện mạo sáng sủa. Dẫn đầu nhóm học trò gươm là một ông tổng gươm và một ông phó gươm, đều ở tuổi trung niên. Theo truyền thuyết, cấp dưới của Bà là Bạch Hổ tướng quân. Đội học trò gươm chính là thuộc hạ của Bạch Hổ tướng quân. Trong mỗi kỳ lễ hội, các màn trình diễn của đội học trò gươm thu hút được sự quan tâm và tán thưởng của đông đảo người dự khán. Bên cạnh đó còn có ban nhạc lễ, gồm các tay trống, kèn, đờn cò, gõ phách, mõ, sáo, cặp bạc (chập cheng/chũm chọe). Riêng kèn có ít nhất hai người chơi vì phải thổi liên tục trong quá trình hành lễ.

Công việc cần chuẩn bị không kém phần quan trọng là chuẩn bị về lễ vật. Kinh phí mua sắm lễ vật dâng cúng Bà trong lễ hội Xuân chủ yếu được lấy từ quỹ ruộng Bà, một phần khác do các phú hộ trong làng quyên góp. Lễ vật chuẩn bị bao gồm bò, heo, gạo, nếp, rượu, thuốc, hoa quả… Bên cạnh đó, các thương nhân người Hoa và người Kinh còn tiến cúng tiền bạc hoặc một số lễ vật khác. Lễ vật được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đảm bảo những thức dâng cúng Bà và các thần phải thơm ngon, đẹp mắt và theo lệ tục của địa phương. Những cá nhân được phân công chuẩn

bị lễ vật phải chú tâm vào việc lựa chọn sao cho thật đúng với những kiêng kỵ, quy định nghiêm ngặt của làng. Thông thường, sau khi lễ hội kết thúc, ông cả sẽ xin keo

để biết được việc tổ chức lễ hội có khiến Bà hài lòng hay có những thất soát nào. Trong trường hợp, Bà cho keo lễ vật dâng cúng không được đầy đủ hoặc không đúng theo quy định, những người được phân công chuẩn bị lễ vật phải nhận trách nhiệm trước làng.

Một công việc cũng được người dân coi trọng và triển khai từ sớm là chuẩn

bị các vai diễn trong hội hát bội. Đây được xem là hoạt động không thể thiếu của ngày hội, trước là để hầu Bà, sau là cho nhân dân thưởng thức. Đảm nhận việc hát bội là đội ngũ nghệ nhân trong làng gồm khoảng 10 người, đặt tên là “Bồng nguyên

bang”. Để có những tiết mục trình diễn xuất sắc, các nghệ nhân phải tập luyện trước

khi lễ hội diễn ra hàng tháng. Họ cũng rất chú trọng việc truyền dạy hát bội cho con

em trong làng. Vì vậy, hết thế hệ này sang thế hệ khác, gánh hát bội ở địa phương vẫn được duy trì để phục vụ Bà và dân chúng trong ngày hội.

Gần sát ngày khai hội, người dân sẽ tiến hành dọn dẹp làm vệ sinh nhà hội và hậu cung, tỉa chân nhang và lau rửa đồ thờ. Các đồ tế khí được đem ra lau chùi sạch

sẽ, nếu quá cũ hay bong tróc thì thuê thợ sơn son thiếp vàng. Kiệu Bà, cờ quạt, cửa võng…được cất giữ nay được đem ra bày biện, kiểm tra lại để chỉnh đốn và sửa chữa. Toàn bộ khu thờ tự được quét dọn, trang trí, sửa chữa nếu có chỗ hỏng hóc,

để chuẩn bị tốt cho ngày hội sắp tới. Nhân đây, ban tế tự cũng kiểm tra trang phục

tế lễ có đầy đủ, lành lặn, sau đó giao cho các thành viên trong ban hậu cần giặt giũ, phơi phóng cho tinh tươm, sạch đẹp. Ngoài ra, người dân còn vệ sinh, tu sửa đường

sá, phát quang cành cây dây leo hai bên đường để chúng không vướng mắc vào kiệu rước sắc Bà gây ra sự đổ vỡ. Những công việc chuẩn bị này tưởng như đơn giản nhưng không kém phần quan trọng đối với sự thành công trong ngày hội Bà.

Một phần của tài liệu Vấn đề phục dựng lễ hội điện Trường Bà ở huyện Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi (Trang 108 - 112)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(207 trang)