Mấy nét cơ bản về huyện Trà Bồng sau Đổi mới (1986)

Một phần của tài liệu Vấn đề phục dựng lễ hội điện Trường Bà ở huyện Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi (Trang 132 - 136)

Chương 4: QUÁ TRÌNH TRÙNG TU DI TÍCH VÀ PHỤC DỰNG LỄ HỘI ĐIỆN TRƯỜNG BÀ SAU ĐỔI MỚI

4.2. Bối cảnh của việc phục dựng lễ hội điện Trường Bà

4.2.1. Mấy nét cơ bản về huyện Trà Bồng sau Đổi mới (1986)

Trà Bồng là huyện miền núi có tổng diện tích tự nhiên là 760,3 km2; dân số toàn huyện có 58.046 người, với 06 cộng đồng dân tộc anh em cùng sinh sống gồm: Kinh, Cor, Hrê, Xơ đăng (nhóm Ca Dong), Hoa, Mường, Tày. Trong số đó, người Cor chiếm 60,87%; người Việt chiếm 33,33%; người Xơ đăng (nhóm Ca Dong) chiếm 3,52%; người Hrê chiếm 1,86%; các dân tộc còn lại chỉ chiếm chưa đầy 1% dân số. Trong toàn bộ diện tích tự nhiên, diện tích đồi núi chiếm phần lớn đất đai; địa hình của huyện thấp dần từ Tây sang Đông, bị cắt xẻ dữ dội, tạo nên hệ thống sông suối chằng chịt trong các thung lũng nhỏ hẹp. Phần đồng bằng ở phía Đông thuộc các xã Trà Bình, Trà Phú và Trà Xuân chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Cảnh quan Trà Bồng kỳ vĩ với nhiều ngọn núi cao trên dưới 100 mét như núi Tà Cút (1.442m), núi

Cà Đam (1.415m), núi Răng Cưa (1.100m), núi Chóp Vung (905m), núi Hòn Giót

(865m). Các dòng sông chính của Trà Bồng gồm sông Trà Bồng, sông Giang, sông Trà Bói, suối Cà Đú, suối Trà Cân, suối Nun. Đặc biệt, Trà Bồng còn có suối khoáng Thạch Bích có chất lượng được đánh giá là tốt, hiện đã và đang được khai thác đóng chai và đưa ra thị trường. Thảm thực vật Trà Bồng có tính đa dạng sinh học cao, điển hình cho loại hình rừng nhiệt đới. Hệ động vật phong phú về chủng loài. Vì thế, rừng Trà Bồng tương đối giàu lâm thổ sản. Đất đai Trà Bồng tuy có độ dốc lớn, không có ưu thế trong việc trồng cây lương thực, nhưng lại thích hợp với cây quế và các loại cây lâu năm. Nhìn chung, phần lớn diện tích tự nhiên huyện Trà Bồng không thuận lợi cho việc trồng cây lương thực nhưng lại có tiềm năng trong việc trồng các loại cây hàng hóa lâu năm và phát triển du lịch. Mặc dù giàu tiềm năng, đến nay Trà Bồng vẫn là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Quảng Ngãi, xếp phía dưới cùng các huyện Sơn Tây và Sơn Hà.

Đến năm 2003, sau nhiều lần tách nhập các đơn vị cấp xã, Trà Bồng trở thành một trong bốn huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi với 19 xã và thị trấn. Cuối năm 2003, 9 xã phía tây huyện Trà Bồng được tách ra, lập thành huyện mới với tên gọi Tây Trà; phần còn lại gồm 10 xã và thị trấn Trà Xuân (thị trấn huyện lỵ) giữ nguyên tên gọi huyện Trà Bồng. Nhưng đến tháng 1 năm 2020, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIV) lại ban hành Nghị quyết nhập các xã của huyện Tây Trà về lại Trà Bồng. Như vậy, sau hơn chục năm chia tách, khuôn vi huyện Trà Bồng đã trở lại trạng thái của thời kỳ 1975-2003. Đây là động thái hoàn toàn hợp lý. Sau 17 năm được chia tách, huyện mới Tây Trà đã không phát huy được các thế mạnh của địa phương, không kiến tạo được bản sắc riêng, không thúc đẩy được công cuộc xóa đói giảm nghèo, không tìm được một vị trí địa lý khả dĩ xây dựng một đô thị trung tâm mới và tạo thành một cực tăng trưởng ở miền tây Quảng Ngãi.

Đến thời điểm hiện tại, đời sống kinh tế - xã hội, và văn hóa của người dân các dân tộc trong huyện đã có những bước phát triển vượt bậc so với thời kỳ trước năm 1986. Tất cả các xã trong huyện đều đã có các cơ sở vật chất thiết yếu nhằm phục vụ và cải thiện dân sinh: điện, đường, trường và trạm. Nhưng những số liệu thống kê về hiện trạng nghèo của huyện Trà Bồng vẫn cho thấy một bức tranh khá

ảm đạm. Theo “Báo cáo kết quả thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế

- xã hội ở v ng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 – 2021”, ngày

31 tháng 5 năm 2022, của UBND huyện Trà Bồng: kết quả điều tra hộ nghèo, cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021-2025 cho thấy, toàn huyện có 14.194 hộ, với 58.046 nhân khẩu; riêng số hộ nghèo là 6.035 hộ, chiếm tỷ lệ 42,52%. Trong tổng số 6.035 hộ nghèo của toàn huyện, số hộ nghèo dân tộc thiểu số là 5.586 hộ với 24.572 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 92,56% [133].

Về hiện trạng phân bố các tộc người, tại huyện Trà Bồng, người Việt sinh sống chủ yếu ở thị trấn Trà Xuân, 2 xã Trà Bình, Trà Phú và khu vực trung tâm các

xã miền núi; người Cor phân bố đều khắp ở tất cả các xã miền núi. Người Mường

và người Tày là những nhân tố mới phát sinh trong những năm từ 1990 trở lại đây, nhưng họ không sống thành bản làng riêng mà xen cư cùng các dân tộc tại chỗ. Riêng người Hoa là trường hợp khá đặc biệt. Trong những năm 1976-1978, đa số người Hoa đã rút khỏi huyện Trà Bồng. Bộ phận còn lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ, họ từng bước hòa nhịp vào cuộc sống của người Việt, và trong phần kê khai nhân thân, tất

cả số này đều khai nhận là người Việt. Vì thế, trong nhiều tài liệu chính thức được xuất bản, trong danh sách các tộc người ở huyện Trà Bồng, không có tên người Hoa. Chỉ từ nửa sau những năm 1990, sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, những người Hoa Trà Bồng mới tìm lại sự tự tin, họ kết nối với cộng đồng người Hoa ở các địa phương khác, đặc biệt là các nhóm Hoa ở thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam).

Những biến động nhỏ về thành phần tộc người không ảnh hưởng nhiều đến khối đoàn kết toàn dân. Quan hệ giữa người Việt và người Cor trên địa bàn Huyện

có biểu hiện tương đối bình hòa. Theo khảo sát, giữa người Việt và người Cor có nhiều mối quan hệ liên hôn: chồng Cor, vợ Kinh; hoặc ngược lại. Không ít cán bộ người Việt (giáo viên, cán bộ y tế…) lên vùng người Cor công tác đã lựa chọn ở lại định cư lâu dài và kết hôn với người Cor sở tại. Tuy nhiên, một vài nhân tố mới phát sinh khác đã và đang tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Trước hết, đó là hiện tượng một số hộ gia đình người Việt lên vùng đồng bào Cor bao mua đất canh tác, dẫn đến

tình trạng không ít hộ người Cor bị mất đất, bị bần cùng hóa. Nhưng điều dễ nhận thấy nhất là khoảng cách về mức sống giữa người Cor và người Việt ngày càng bị kéo dãn. Cũng theo “Báo cáo kết quả thực hiện chủ trương, chính sách phát triển

kinh tế - xã hội ở v ng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 – 2021”, ngày 31 tháng 5 năm 2022, của UBND huyện Trà Bồng,đồng bào dân tộc

thiểu số chỉ chiếm khoảng 66% dân số của huyện, nhưng tỷ lệ hộ nghèo lại chiếm hơn 92%[133], chứng tỏ mức sống chung của người dân tộc thiểu số thấp hơn nhiều

so với người Việt. Một điều tra nhân học - dân tộc học khác cũng cho biết, số lượng các hộ dân tộc thiểu số tham gia vào kinh doanh buôn bán nhỏ hầu như không đáng

kể. Tại thị trấn Trà Xuân và các xã trong huyện, người Việt và một số ít người Hoa

cơ bản nắm trong tay thị trường bán lẻ (vật liệu xây dựng, quần áo, giày dép, và các mặt hàng tiêu dùng khác). Tình trạng đồng bào mua thiếu, phải chịu lãi xuất cao hoặc bị xiết nợ dẫn đến mất đất canh tác đã xuất hiện ở không ít địa phương.

Trong quá trình Đổi mới - phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, đồng bào các tộc người ở huyện Trà Bồng cũng chịu những áp lực rất lớn của xu thế Hiện đại hóa và Toàn cầu hóa.Văn hóa truyền thống các tộc người bị mai một không phải là nguy cơ tiềm ẩn, mà là một hiện thực. Với sự áp dụng chính sách đất đai và quản lý

xã hội mới, sở hữu truyền thống bị bãi bỏ, phương thức tự quản thôn làng được thay thế bằng thể chế nhà nước. Đến năm 1992, ngôi nhà dài cuối cùng được dỡ bỏ, kiến trúc nhà cửa của người dân các dân tộc thiểu số hoàn toàn biến mất. Đa số nhà cửa của người Cor ở huyện Trà Bồng ngày nay đều có dáng dấp của ngôi nhà người Việt ở nông thôn đồng bằng Trung bộ. Trong cuộc sống hàng ngày, sự thay đổi thói quen trong văn hóa tiêu dùng của đồng bào các tộc người thiểu số cũng là hiện tượng rất dễ nhận biết. Điều đó biểu hiện qua những thay đổi trong cách phục trang

và cơ cấu bữa ăn hàng ngày. Tuy không thực sự coi người Việt là khuôn mẫu, nhưng không thể phủ nhận một thực tế là trang phục cũng như ẩm thực của người Cor ngày càng gần gũi người Việt. Trong cộng đồng người Cor, các tiện ích hiện đại như xe máy, TV, tủ lạnh, điện thoại thông minh đã trở nên phổ biến.

Mặc dù là huyện miền núi, không có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển

cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, cuộc sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Trà Bồng cũng là một huyện còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Đó là cảnh quan thiên nhiên còn tương đối hoang sơ, với thảm thực vật và hệ động vật phong phú về chủng loại. Đó là tiềm năng phát triển các loại cây đặc sản, cây hàng hóa và vốn tri thức vô cùng đắc dụng của người dân đối với các loại cây trồng này.

Đó là các tầng văn hóa lịch sử còn nhiều góc khuất chưa được khám phá. Và đó còn

là những tiềm năng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, du lịch nghiên cứu, và du lịch tâm linh.

Một phần của tài liệu Vấn đề phục dựng lễ hội điện Trường Bà ở huyện Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi (Trang 132 - 136)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(207 trang)