Những chuyển biến thể hiện qua hệ thống chính sách

Một phần của tài liệu Vấn đề phục dựng lễ hội điện Trường Bà ở huyện Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi (Trang 159 - 164)

Chương V: PHỤC DỰNG LỄ HỘI ĐIỆN TRƯỜNG BÀ: SOI CHIẾU TỪ LÝ LUẬN ĐẾN THỰC TIỄN

5.1. Những chuyển biến trong nhận thức xã hội về vai trò của văn hóa nói chung, thực hành văn hóa tâm linh nói riêng

5.1.1. Những chuyển biến thể hiện qua hệ thống chính sách

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Đảng

và Nhà nước tiến hành công cuộc cải cách, triệt để xóa bỏ các tàn dư của chế độ thuộc địa, chế độ quân chủ phong kiến trên miền Bắc. Trong văn hóa tâm linh, các nghi lễ và lễ hội được coi là tàn dư của chế độ thuộc địa nửa phong kiến. Phong trào

chống lại “các hủ tục lạc hậu”, “mê tín dị đoan” được phát động ở tất cả các địa phương. Quan điểm về văn hóa tâm linh của Đảng và Nhà nước gần như là sự sao chép các chính sách xã hội và văn hóa của Trung Quốc. Các thực hành văn hóa tâm linh của cộng đồng trong phạm vi thôn làng đều bị bài trừ, chỉ các nghi lễ trong gia đình/gia tộc như tang ma, cúng giỗ… mới được phép duy trì. Đầu những năm 1960, Đảng và Nhà nước phát động tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất; cách mạng khoa học - kỹ thuật; và các mạng tư tưởng văn hóa, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt. [45:558-559]. Đầu thập niên

1970, các cơ quan quản lý văn hóa của nhà nước ban hành “Quy ước nếp sống mới”. Trên cơ sở đó, chính quyền các địa phương đã có những văn bản hướng dẫn

cụ thể về việc tổ chức lễ cưới, lễ tang và đám giỗ. Các nghi lễ ở đình làng, đền miếu, đạo quán hoàn toàn không được đề cập đến, mặc nhiên bị coi là “phản văn hóa”. Cũng trong thời gian này, Đảng và Nhà nước thường phát động tổ chức các ngày lễ kỷ niệm gắn với thành tựu của cách mạng: chào mừng ngày thành lập Đảng 3/2; chào mừng ngày Quốc tế Lao động 1/5; kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5; hoặc Quốc khánh 2/9. Trong những ngày này, các địa phương bao giờ cũng tổ chức mít tinh, diễu hành, hô vang các khẩu hiệu ca ngợi lãnh tụ, ca ngợi sự nghiệp của Đảng. Thông qua đó, các nhà quản trị địa phương hướng tới mục tiêu củng cố tinh thần đoàn kết, động viên tinh thần sản xuất và chiến đấu. Trong 2 thập niên, 1960-1970, nhiều đình đền miếu mạo bị phá bỏ hoặc trưng dụng cho các mục đích ngoài tín ngưỡng.

Nhưng cũng trong khoảng đầu thập niên 1970, các cơ quan quản lý văn hóa

đã có những động thái nhằm nới lỏng thái độ đối với một vài lễ hội truyền thống gắn với việc kỷ niệm những Anh hùng dân tộc có công chống giặc ngoại xâm như An Dương Vương, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… Lúc này, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn cam go, ác liệt. Tinh thần yêu nước chống ngoại xâm cần được kích hoạt mạnh hơn nữa nhằm động viên các lực lượng xã hội tăng gia sản xuất, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên cả 2 miền Nam Bắc. Nhưng không vì thế, các lễ hội ở đình làng hay đền miếu khác được phép tổ chức.

Tháng 4 năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, các chính sách kinh tế, xã hội và văn hóa ở miền Bắc được áp dụng trên cả nước. Hầu hết các lễ hội truyền thống đều bị cấm đoán. Tình trạng xuống cấp của các cơ sở thờ tự trở nên nên phổ biến và ngày càng trầm trọng. Tỉnh Quảng Ngãi nói chung, huyện Trà Bồng nói riêng, cũng không là ngoại lệ. Như chúng tôi đã trình bày ở các chương trước, tại làng Xuân Khương trước 1945 có nhiều cơ sở thờ tự của nhiều tín ngưỡng khác nhau: điện thờ Nữ thần, đình làng, chùa chiền, thánh thất Cao Đài,… Trong kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược, hầu hết các cơ sở đó đều xuống cấp. Thời kỳ 1954-1975, chính quyền Sài Gòn đã hỗ trợ người dân tu tạo lại ngôi điện thờ Nữ thần (1971-1972), nhưng các cơ sở khác không may mắn như vậy. Khi chính quyền cách mạng tiếp quản lại huyện Trà Bồng, các cơ sở tín ngưỡng trong huyện hầu như đã bị bỏ hoang. Điện Trường Bà không bị phá dỡ mà chuyển một phần diện tích cho công nhân lâm trường Trà Bồng sử dụng làm chỗ ở. Đây là một trường hợp khá đặc biệt.

Năm 1984, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ban hành Pháp lệnh về việc Bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa[60], nhiều cơ sở tôn giáo tín ngưỡng trên cả nước nói chung, tỉnh Quảng Ngãi và huyện Trà Bồng nói riêng, bắt đầu có cơ hội được bảo dưỡng. Tuy nhiên, ở thời điểm “đêm trước Đổi mới”, nền kinh tế của cả nước đang gặp rất nhiều khó khăn, việc trùng tu các di tích bị hư hại xuống cấp hầu như không có điều kiện thực hiện.

Năm 1986, với Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ VI của ĐCS Việt Nam, đất nước rẽ sang một đường lối phát triển mới trên mọi lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội và văn hóa. Nhu cầu thực hành văn hóa tâm linh của người dân từng bước được thỏa mãn. Như trong chương IV chúng tôi đã phân tích, từ Đại hội

VI đến Đại hội XIII, quan điểm nhận thức về văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam

đã có những thay đổi rất căn bản. Bản sắc văn hóa dân tộc luôn được đề cao, coi đó

là “căn cước quốc gia”, là một trong 5 trụ cột phát triển của đất nước (kinh tế, thể chế chính trị, môi trường, xã hội và văn hóa).

Mặc dù cho đến nay không ai muốn thừa nhận sự sao chép các chính sách văn hóa của Việt Nam từ Trung Quốc (lục địa), nhưng nếu so sánh tình hình ở 2 quốc gia, có thể dễ dàng nhận thấy có những sự tương đồng nhất định. Một số nhà khoa học cho rằng các hoạt động nghi lễ tại Trung Quốc đương thời, cho dù không

đi ngược hệ tư tưởng nhà nước, nhưng nếu muốn thực hiện cũng bắt buộc phải nhận được sự cho phép của chính quyền.[160:123]. Tình trạng tương tự rõ ràng cũng đã xảy ra ở Việt Nam. Các nhà quản lý văn hóa Việt Nam cũng quan niệm rằng “Các nhân tố vượt qua ranh giới phải được đại chúng để có thể lan truyền ý niệm về nền văn hóa dân tộc, về các đặc điểm tượng trưng của các truyền thống địa phương, thể hiện bản chất của một quốc gia.” [167:31]. Trong những năm qua Tạp chí Cộng sản, tạp chí lý luận chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã đăng tải một số bài viết thể hiện quan điểm về văn hóa nói chung, việc phục dựng lễ hội nói riêng. Trên thực tế, các bài viết đó chủ yếu nhấn mạnh các nội dung: (i) lễ hội dân gian đáp ứng nhu cầu thực hành tín ngưỡng ngày càng cao của người dân; (ii) lễ hội dân gian đáp ứng nhu cầu giải trí, thưởng ngoạn của khách du lịch; nhưng trên hết, (iii) lễ hội dân gian được phục dựng sẽ trở thành nguồn lực trực tiếp cho phát triển du lịch, và vì thế nó trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội. [19]. Hầu hết các bài viết về lễ hội trên các tạp chí nghiên cứu đều nhấn mạnh đến mục đích tạo nguồn lực cho phát triển du lịch. Họ cũng nhấn mạnh, ở chiều ngược lại, du lịch cũng đã góp phần phát triển lễ hội dân gian một cách tích cực, và nhờ sự phát triển của du lịch mà lễ hội dân gian được gìn giữ, phát huy và làm giàu.

Cũng trên Tạp chí Cộng sản, Nguyễn Thị Phương Châm cũng có một bài viết quan trọng liên quan đến “tính không sao chép nguyên bản” (TG) của việc phục dựng lễ hội hiện nay. Trong bài viết, tác giả khẳng định: “sự trở lại của lễ hội

truyền thống trong xã hội đương đại không phải là những sự phục hồi nguyên dạng hay sự lặp lại đơn thuần mà đi c ng với hàng loạt những vấn đề mang hơi thở của cuộc sống, như sáng tạo và làm mới lễ hội, chính trị hóa lễ hội, thương mại hóa lễ hội, sự mất cân bằng giữa khai thác và bảo tồn lễ hội, đời sống tâm linh liên quan đến lễ hội, lợi ích của lễ hội đối với những nhóm xã hội khác nhau, quyền lực và

cạnh tranh giữa các bên liên quan trong lễ hội, chủ thể của lễ hội, các diễn ngôn liên quan đến lễ hội,… Như vậy, sự phục hồi của lễ hội truyền thống trong đời sống

xã hội đương đại đã trở thành một hiện tượng văn hóa đa nghĩa, đa chiều và đa góc nhìn.”[19]. Quan điểm này của tác giả chính là chịu ảnh hưởng từ khái niệm “truyền

thống được sáng tạo” (Hobsbawm 1983), hay nói chính xác hơn là “làm mới lại” truyền thống. Để có được nhận xét như trên, hiển nhiên tác giả đã đúc kết từ việc nghiên cứu rất nhiều trường hợp phục dựng lễ hội trong những năm qua.

Những chuyển biến về nhận thức thể hiện qua hệ thống chính sách có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tiến trình phục hưng văn hóa dân tộc nói chung, các thực hành văn hóa tâm linh nói riêng. Nó xóa bỏ sự ám thị và ẩn ức lâu năm trong tâm thức những người có xu hướng bảo tồn văn hóa truyền thống, nhưng một thời gian dài bị quy chụp là có đầu óc hủ tục/lạc hậu và “mê tín dị đoan”. Nó thỏa mãn được những nhu cầu trong đời sống tinh thần của đông đảo người dân và vì thế kích hoạt nguồn năng lượng to lớn trong cộng đồng.

Tại huyện Trà Bồng, từng có một thời lễ hội đã bị cấm đoán, điện Trường Bà không bị phá hủy nhưng bị bỏ hoang, người dân dè dặt khi thảo luận về Bà, các cơ

sở thờ tự khác đều bị hư hại, nhiều truyền thống văn hóa của vùng đất bị bãi bỏ. Nhờ có những thay đổi trong chính sách của nhà nước, di tích và lễ hội điện Trường

Bà đã được khôi phục; và không dừng ở đó, còn được xem là nguồn lực văn hóa đặc biệt của địa phương, làm nên diện mạo vùng đất, phản ánh đặc trưng vùng đất có lịch sử giao thương và quan hệ tộc người với sự giao lưu lẫn xung đột từ sớm. Đặc biệt lễ hội được phục dựng hướng tới nhiều mục tiêu: củng cố khối đoàn kết, tạo nguồn lực phát triển du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trong đề án phát triển du lịch của huyện Trà Bồng, điện Trường Bà và lễ hội hàng năm ở đây được xem là một trong những tài nguyên văn hóa du lịch quan trọng bên các nguồn lực khác (như suối nước nóng Thạch Bích, cảnh quan thiên nhiên, con người, lịch sử và văn hóa Trà Bồng…). Tất cả điều này cho thấy những chuyển biến sâu sắc của các nhà quản trị địa phương về vai trò của văn hóa, về lễ hội truyền thống đã khác xa với thời kỳ đầu, xem lễ hội là tàn tích cần loại bỏ.

Một phần của tài liệu Vấn đề phục dựng lễ hội điện Trường Bà ở huyện Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi (Trang 159 - 164)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(207 trang)