Mục tiêu chính trị của việc phục dựng lễ hội điện Trường Bà

Một phần của tài liệu Vấn đề phục dựng lễ hội điện Trường Bà ở huyện Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi (Trang 168 - 174)

Chương V: PHỤC DỰNG LỄ HỘI ĐIỆN TRƯỜNG BÀ: SOI CHIẾU TỪ LÝ LUẬN ĐẾN THỰC TIỄN

5.2. Phục dựng lễ hội điện Trường Bà tạo khả năng gắn kết xã hội thông qua việc xây dựng một cộng đồng liên văn hóa

5.2.1. Mục tiêu chính trị của việc phục dựng lễ hội điện Trường Bà

Năm 1983, Benedict Anderson đã đưa ra khái niệm “cộng đồng tưởng tượng” nhằm phân tích chủ nghĩa dân tộc. Ông mô tả dân tộc (Nation) là một cộng đồng do xã hội kiến tạo mà nên (socially constructed), thông qua sự truyền bá của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là sách, báo và tạp chí. Ông khẳng định, chính sức mạnh của báo chí (báo in) trong việc nhào nặn tâm lý các cá nhân cùng với các công cụ mà thể chế có thể vận dụng như bản đồ, điều tra dân số và bảo tàng trong việc định hình một đối tượng đại chúng trong một không gian công. Cộng đồng này có 3 đặc điểm cơ bản: một hình ảnh chung, một ý thức hệ và một ngôn ngữ chung. Đặc biệt, trong cuốn sách của mình, B.Anderson còn nhấn mạnh đến vai trò của nhà thờ - đại diện của thần quyền - trong việc truyền bá đức tin và khẳng định tính thống nhất (tính “chung”) của các cộng đồng/dân tộc. Lý thuyết của B.Anderson đã cung cấp thêm một công cụ hữu ích trong việc phân tích quá trình hình thành các quốc gia châu Âu, và rộng ra là ở những khu vực đa sắc tộc trên thế giới. Trên thực tế, sự hình thành của các dân tộc không hoàn toàn như lý thuyết của B.Anderson, bởi ở một số quốc gia trong khu vực châu Á, các dân tộc được hình thành từ rất sớm, không nhất thiết phụ thuộc vào sự xuất hiện của báo in, hay sự ảnh

hưởng của một tôn giáo thống nhất. Trường hợp Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên

và một số quốc gia Đông Nam Á khác là những ví dụ điển hình.

Tìm hiểu tình hình huyện Trà Bồng nói chung, lễ hội điện Trường Bà nói riêng, cũng có thể nhận thấy những đặc điểm có tính ngoại lệ so với lý thuyết của B.Anderson. Ít nhất, từ những năm đầu thế kỷ XX, khi mà học vấn của đa số người dân còn thấp và báo in chưa từng được phát hành, đại diện của thể chế quân chủ đã

có những nỗ lực nhằm kiến tạo một cộng đồng tưởng tượng thông qua việc thu hút người Thượng tham gia vào lễ hội điện Trường Bà. Tính đa dạng của các nền văn hóa, sự linh hoạt trong ứng xử là có thật trong hiện tại và cũng có thật trong quá khứ. Sự manh nha hình thành từ sớm một cộng đồng văn hóa liên tộc người ở huyện Trà Bồng chứng tỏ rằng, hiện thực cuộc sống phong phú hơn nhiều so với những hệ thống lý thuyết mà chúng ta biết tới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội đương đại, với sự bùng nổ của truyền thông

và nhất là với sự hỗ trợ của Internet, việc vận dụng lý thuyết cộng đồng tưởng tượng vào thực tiễn vẫn đặc biệt hữu ích. Lễ hội Đền Hùng vốn dĩ là một lễ hội liên làng trong khu vực Phong Châu, Phú Thọ. Khi vua Khải Định ban chiếu khẳng định Hùng Vương là Quốc tổ, lễ hội Đền Hùng vẫn chưa vượt qua khuôn khổ của một lễ hội vùng. Nhưng với việc nhà nước (CHXHCN Việt Nam) công nhận ngày 10/03 (âm lịch) hàng năm là ngày Quốc giỗ, lễ hội hàng năm ở Đền Hùng đã có quy mô quốc gia. Với sự chỉ đạo của các cấp chính quyền và sự vào cuộc tích cực của các phương tiện truyền thông, lễ hội Đền Hùng đã trở thành sự kiện quốc gia hàng năm, thu hút sự tham gia của nhiều tầng lớp xã hội, nhiều cộng đồng tộc người trên cả nước.

Đối với các cộng đồng tộc người ở Trường Sơn - Tây Nguyên nói chung, huyện Trà Bồng nói riêng, việc hội nhập đầy đủ vào quốc gia Việt Nam diễn ra tương đối muộn. Như chúng tôi đã trình bày trong những chương trước, huyện Trà Bồng ngày nay vốn dĩ được hình thành từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, trên cơ

sở sát nhập 3 xã thuộc huyện Bình Sơn vào nguồn Thanh Bồng của người Thượng. Mặc dù có quan hệ giao thương với người Việt đến từ đồng bằng tương đối sớm,

các tộc người thiểu số ở huyện Trà Bồng chỉ thực sự trở thành một bộ phận máu thịt của dân tộc Việt Nam sau thời điểm này. Tuy nhiên, sự gắn bó cơ học dựa trên các quyết định mang tính hành chính hoàn toàn không thể khỏa lấp khoảng cách giữa các tộc người được tạo nên bởi sự khác biệt về văn hóa. Nguy cơ xung đột tộc người ít nhiều vẫn tiềm ẩn. Nhu cầu gắn kết tộc người để ổn định xã hội và phát triển luôn được đặt ra.

Ở một cấp độ khác, thị trấn Trà Xuân được thành lập (từ năm 1999) trên cơ

sở khuôn vi địa lý và dân cư của làng Xuân Khương xưa. Từ đó, các cấu trúc xã hội thôn làng đã lần lượt bị giải thể, thiết chế tự quản bị bãi bỏ. Thay cho cách gọi ngõ xóm truyền thống, hiện tại các cụm dân cư được đổi thành “tổ dân phố”. Làng Xuân Khương đã không còn là một đơn vị kinh tế - xã hội cơ sở. Dân nhập cư xuất hiện nhiều hơn. Thiết chế văn hóa làng vốn dĩ lấy ngôi đình, sau đó là điện Trường Bà làm tâm điểm đã bị phá vỡ.(1) Nếp sống thị dân dựa trên nền kinh tế phi nông nghiệp thay thế dần cho nếp sống nông thôn của những người nông dân phần lớn sống dựa vào canh tác lúa nước, chăn nuôi nhỏ lẻ và thủ công nghiệp gia đình.

Các nhân tố kinh tế mới xóa bỏ dần môi trường xã hội thôn làng vốn dĩ dựa nhiều hơn vào quan hệ láng giềng/cận cư. Kinh tế thị trường đã dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo khá sâu sắc. Khoảng cách trong thu nhập kinh tế tất yếu dẫn đến những khoảng cách xã hội. Chỉ còn văn hóa dòng họ là yếu tố dễ nhận biết nhất trong các cấu trúc xã hội cổ truyền. Ở Việt Nam, các ngôi làng bị đô thị hóa đều từng xảy ra hiện tượng như vậy và mang lại cho người dân sở tại sự nuối tiếc nhất định, nhất là với những người lớn tuổi, vốn dĩ thường sống nặng về ký ức. Nếu chỉ nhìn “truyền thống” dưới quan điểm chức năng một cách máy móc, có thể nói đó là một sự “đổ vỡ”.

Nhưng văn hóa không phải là hiện tượng nhất thành bất biến. Nó luôn có khả năng thích ứng, tái tạo, hồi sinh và thiết lập nên một cấu trúc mới để đảm bảo sự ổn

(1) Sau khi ngôi đình làng Xuân Khương bị tàn phá trong chiến tranh, người dân đã rước bài vị Thành hoàng

và các vị Tiền hiền-Hậu hiền về phối thờ bên điện Trường Bà (1957). Từ đó, điện Trường Bà có thêm chức năng như một ngôi đình làng.

định, bình hòa trong bối cảnh mới. Ở những ngôi làng được đô thị hóa, ngoài những

nỗ lực tự điều chỉnh hành vi ở mỗi gia đình/cá nhân theo quy định của luật pháp cũng như những tiêu chí được đặt ra trong cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị, việc phục dựng các thực hành văn hóa tâm linh hay hoạt động tín ngưỡng cổ truyền được coi là giải pháp hữu dụng nhằm tạo nên một diện mạo mới mang bản sắc riêng. Việc phục dựng lễ hội điện Trường Bà cũng mang ý nghĩa như vậy. Các thành viên trong cộng đồng luôn cảm thấy bình đẳng đối với nhau trong niềm kính tín Bà, và nhất là khi đứng trước bức tượng Bà. Quan hệ giữa những người có khoảng cách trong thu nhập nhờ vậy trở nên gần gũi. Yếu tố tâm linh có thể được coi là một giải pháp an ninh tinh thần trong bối cảnh kinh tế thị trường, là sựtái tạo thể chế tự quản trong thực hành văn hóa, và là sự hồi sinh quan hệ giữa các cửa họ vốn dĩ từng rất khăng khít trong lịch sử. Nhưng trong đời sống thực, rõ ràng yếu tố đó cũng có tác dụng gắn kết hơn nữa các cá nhân thành viên trong cộng đồng làng.

Không chỉ dừng lại ở việc hâm nóng quan hệ thôn làng tưởng chừng đã có lúc bị đóng băng, việc phục dựng lễ hội điện Trường Bà còn tạo cơ hội cho cộng đồng dân nhập cư thời kinh tế thị trường hội nhập sâu hơn vào quê hương mới. Ở một chiều kích khác, việc phục dựng lễ hội điện Trường Bà còn tái tạo hoặc kết nối những mối quan hệ mới đối với các cộng đồng đến từ các địa phương khác, các tộc người khác.

Dưới góc nhìn quan phương ở cấp quốc gia, cấp tỉnh hay huyện, việc phục dựng lễ hội điện Trường Bà còn là cơ hội tốt, hướng đến một mục đích lớn hơn: tạo nên một cộng đồng văn hóa tâm linh liên tộc người, nhằm gia tăng sự đoàn kết toàn dân ở địa phương. Đây là một quá trình tuần tự từ thấp đến cao, từ thử nghiệm đến xây dựng một kịch bản khung như ngày nay. Có thể dễ dàng nhận ra sự cụ thể hóa mục đích trên đây, thông qua các chủ trương và hoạt động cụ thể của các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ngãi và huyện Trà Bồng.

Mục tiêu của các nhà quản trị địa phương hoàn toàn hoàn toàn có cơ sở thực tiễn. Trà Bồng là huyện có tính đa dạng văn hóa cao. Các tộc người ở địa phương từ

lâu đã có quan hệ giao thương khăng khít. Trong trường kỳ lịch sử, giữa các tộc người không chỉ có liên kết kinh tế, mà còn có cả sự chia sẻ các giá trị tinh thần. Cả

3 tộc người nói trên đều có truyền thống thờ Nữ thần. Trong các kỳ lễ hội mùa Thu

ở điện Trường Bà, sự tham gia của các chức sắc người Thượng và thương lái người Việt, người Hoa đã trở thành thông lệ. Một cộng đồng liên tộc người đã manh nha hình thành, nhưng chưa thực sự chín muồi do còn có những khác biệt trong nhận thức và thực hành văn hóa….Với sự truyền bá của các nhà khoa học và giới truyền thông, ký ức của cộng đồng người Cor từng bước được thức tỉnh. Kế thừa truyền thống cũ, họ đã trở nên tự giác hơn trong việc tham gia lễ hội.

Giai đoạn từ 1954 đến 1975, bối cảnh huyện Trà Bồng có nhiều biến động. Trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, phần lớn người Cor theo cách mạng, tình đoàn kết Việt-Cor không ngừng được củng cố. Ý thức về dân tộc/quốc gia của người Cor từng bước được nâng cao. Sau tháng Tư năm 1975, người Cor thực sự hội nhập vào quốc gia Việt Nam, với đầy đủ các quyền như người Việt và các tộc người khác. Tuy nhiên, sự khác biệt về văn hóa và khoảng cách rất lớn về thu nhập và mức sống giữa người Cor và người Việt vẫn là một thực tế không thể phủ nhận. Bên cạnh đó, do những biến động lịch sử những năm 1978-1979, đa số người Hoa ở huyện Trà Bồng đã ly tán, số ít còn lại tự khai là người Việt. Trước tình hình đó, các nhà quản trị địa phương không thể không nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nhằm củng cố và phát triển quan hệ tộc người nhằm bình ổn xã hội. Sự nhập cuộc của các nhà khoa học và giới truyền thông là một trong những giải pháp quan trọng. Diễn ngôn của các nhà khoa học và báo giới đã tạo nên một bức tranh lạc quan về quan hệ tộc người trên phạm vi cả nước nói chung, tỉnh Quảng Ngãi và huyện Trà Bồng nói riêng.

Tại huyện Trà Bồng, các nhà quản trị địa phương đã có nhiều sáng kiến mà một trong những giải pháp được quan tâm thực hiện chính là việc phục dựng, nâng cấp và mở rộng quy mô lễ hội điện Trường Bà. Từ khi có sự tham gia của nhiều tộc người vào lễ hội điện Trường Bà, việc thực hành lễ hội luôn được các cấp chính quyền địa phương nhấn mạnh nhằm mục đích củng cố các mối đoàn kết Kinh -

Thượng. Trong đơn xin tổ chức lệ xuân điện Trường Bà trình UBND huyện Trà Bồng từ năm 2003 đến 2011, UBND thị trấn Trà Xuân/BQL di tích điện Trường Bà luôn khẳng định mục đích của việc tổ chức lễ hội điện Trường Bà là nhằm“khắc ghi

công đức những vị tiền hiền khai canh và thánh mẫu Thiên Yana đã có công khai khẩn v ng đất miền sơn cước lập nên đất nước anh em Kinh – Cor – Hre – Cadong cùng chung sống thủy chung son sắt”. Tuy tuyên bố này không đúng với tình hình

thực tế bởi lẽ 3 tộc người Cor – Hrê – Cadong đều là các tộc người bản địa và đều không có truyền thống thờ Thánh mẫu Thiên Yana; hơn nữa, trong giai đoạn này, lễ hội điện Trường Bà chỉ mới quy tụ được sự tham gia của người Cor nhưng lời khẳng định trên cho thấy thông qua lễ hội điện Trường Bà, đặc biệt là thông qua sự hiện diện của tộc người Cor trong lễ hội, chính quyền địa phương luôn đặt ra mục tiêu củng cố sự đoàn kết toàn dân, cố kết mối quan hệ các tộc người Kinh - Thượng.

Như vậy, có thể thấy mục đích hàng đầu của các truyền thống được sáng tạo trong lễ hội điện Trường Bà (mở rộng cấu trúc tộc người tham gia tổ chức lễ hội, bổ sung các nghi thức, các thực hành văn hóa đến từ các tộc người mới…) chính là nhằm củng cố khối đoàn kết toàn dân, cố kết các tộc người trong bối cảnh xã hội mới vốn đang bị tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường và xu hướng hiện đại hóa. Đây cũng chính là một trong những nội dung mà E. Hobsbawm và Terence Ranger

đã chỉ ra trong hệ thống lý thuyết của mình. Và trên hết, đó chính là cách thức mà nhằm xây dựng nền móng cho một “cộng đồng tưởng tượng - imagined communitity”, theo cách gọi của B.Anderson [6:7].

Ở một góc nhìn khác, việc phục dựng lễ hội còn góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Trên thực tế, nhiều trò chơi và loại hình diễn xướng dân gian cổ truyền đã và đang đứng trước nguy cơ mai một. Múa lân và hát bộ của người Kinh cũng nằm trong số đó. Trong lễ hội truyền thống của điện Trường Bà, đó là 2 tiết mục bắt buộc, gắn liền và không thể thiếu sau phần “lễ”. Trong những năm lễ hội bị ngưng trệ, nghệ thuật hát bộ hoàn toàn bị quên lãng. Duy có trò múa lân vẫn được duy trì vào dịp Tết Trung thu hàng năm. Với việc phục dựng lễ hội, người dân làng Xuân Khương đã khôi phục lại các đội múa lân và dựng lại các tích trò trong hát bộ.

Tham gia phục dựng lễ hội điện Trường Bà, người Cor đang sinh sống tại Trà Bồng cũng có cơ hội để bảo tồn những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc mình, đặc biệt là trong nghệ thuật tạo hình cũng như các hình thức khác nhau của nghệ thuật trình diễn dân gian. Thời hậu chiến, với sự thay đổi của cơ cấu kinh tế -

xã hội và chủ trương xây dựng một nền văn hóa mới, nghệ thuật tạo hình và diễn xướng dân gian của người Cor Trà Bồng đã dần đi vào quên lãng. Ở hầu hết các thôn làng Cor, số lượng nghệ nhân biết làm cây nêu trong lễ ăn trâu chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Với việc được mời tham gia vào phục dựng lễ hội điện Trường

Bà, các nghệ nhân Cor đang từng bước làm sống lại những tinh hoa văn hóa của cha ông. Bên cạnh đó, với việc tham gia lễ hội điện Trường Bà, người Cor còn có điều kiện bảo tồn các loại nhạc cụ dân tộc, các hình thức diễn xướng dân gian (múa đao hoặc hát cà lu), và gìn giữ các làn điệu dân ca (như Xà ru, K’lu, Kà r a, Alác, Agiới…), nghệ thuật tạo hình cây nêu và bộ gu… Đây cũng là dịp mà cộng đồng

người Cor thuộc các lớp tuổi khác nhau có thể thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí và

mở rộng quan hệ giao tiếp.

Bảo tồn văn hóa các tộc người cũng là một nhiệm vụ chính trị được nhà nước ưu tiên thực hiện. Mỗi động thái nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị đó đều được cổ vũ bởi hệ thống truyền thông dưới nhiều hình thức khác nhau.

Một phần của tài liệu Vấn đề phục dựng lễ hội điện Trường Bà ở huyện Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi (Trang 168 - 174)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(207 trang)