Chương 4: QUÁ TRÌNH TRÙNG TU DI TÍCH VÀ PHỤC DỰNG LỄ HỘI ĐIỆN TRƯỜNG BÀ SAU ĐỔI MỚI
4.3. Quá trình trùng tu di tích điện Trường Bà và phục dựng lễ hội
4.3.2. Quá trình phục dựng lễ hội điện Trường Bà
Mặc dù điện Trường Bà được trùng tu từ đầu những năm 1980, nhưng do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên việc thực hành các sinh hoạt tín ngưỡng ở điện Trường Bà thời điểm này diễn ra hết sức hạn chế. Thay vì tổ chức lễ hội với đầy đủ các nghi lễ, các hoạt động vui chơi giải trí, vào ngày diễn ra lễ hội, Ban Quản lý di tích duy trì ở đây các lễ cúng nhỏ với trà rượu, hoa quả, xôi chè… hoặc chỉ tổ chức lễ tế chánh điện. Các nghi lễ, hoạt động khác đều bị lược giảm do không
đủ kinh phí tổ chức.
Từ đầu những năm 2000, lễ hội điện Trường Bà từng bước được phục dựng trở lại với đầy đủ quy trình “lễ” và “hội”. Nhưng không phải nhất thành bất biến, việc phục dựng lễ hội điện Trường Bà cũng trải qua nhiều năm thử nghiệm với những phương án khác nhau.
4.3.2.1. Những thử nghiệm trước năm 2011
Trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2010, lễ hội điện Trường Bà được tổ chức trong 1,5 ngày, bắt đầu từ tối ngày 15 đến hết tối ngày 16 tháng Tư âm lịch. Tuy nhiên, vào những năm 2002, 2005, 2009, lễ hội điện Trường Bà được mở trong vòng 3 ngày, từ tối ngày 15 đến hết ngày 17 tháng Tư âm lịch. Việc kéo dài thời gian diễn ra lễ hội điện Trường Bà giai đoạn này thường gắn liền với việc kỷ niệm các sự kiện lớn trong năm như kỷ niệm 30 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2005); kỷ niệm 50 năm ngày Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi (28/8/1959 – 28/8/2009). Mặt khác, việc rút ngắn hay kéo dài thời gian tổ chức lễ hội còn cơ bản phụ thuộc vào ngân sách hỗ trợ của chính quyền địa phương và nguồn quỹ điện Trường Bà được nhân dân, các nhà hảo tâm và khách hành hương đóng góp hàng năm.
Những năm này, trên danh nghĩa, việc quản lý di tích điện Trường Bà được giao cho UBND thị trấn Trà Xuân, với sự hỗ trợ của Phòng Văn hóa Huyện và một vài cơ quan chuyên môn cấp Huyện. Ban tổ chức lễ hội cũng được giao cho UBND thị trấn Trà Xuân ra quyết định thành lập. Tuy nhiên, việc trực tiếp quản lý và thực hành các nghi lễ trong Điện được giao cho các thành viên của Ban khánh tiết điện Trường Bà, được bầu lên bởi nhân dân làng Xuân Khương xưa. Quy mô lễ hội được xác định là ở cấp xã/thị trấn.
Việc tổ chức lễ hội gắn với các sự kiện chính trị không khiến cho cốt lõi của nghi thức tế tự bị biến dạng. Những thay đổi dễ nhận thấy nhất chỉ là bề nổi. Ngoài người dân đóng vai trò chủ đạo, thành phần và số lượng khách mời tham dự lễ hội tùy từng năm có sự khác nhau, tùy chủ trương của UBND thị trấn Trà Xuân. Riêng
bộ phận người Cor ở các xã lân cận và người Hoa ở Hội quán Phúc Kiến Hội An (Quảng Nam) năm nào cũng tự giác đóng góp lễ vật và tham gia đầy đủ, trọn vẹn quy trình lễ hội. Ngoài ra, còn có khách hành hương đến từ tỉnh Quảng Ngãi và một
số tỉnh thành khác.
Về quy trình tổ chức nghi lễ tế tự, Ban tổ chức hoàn toàn giao cho Ban khánh tiết thực hiện. Phần “lễ” được bắt đầu bằng lễ mộc dục, diễn ra vào khoảng 10h đêm ngày 15 tháng Tư âm lịch. Tiếp theo là các lễ tế vào sáng ngày 16: lễ tế ngoại đàn vào khoảng 2h sáng, lễ tế chánh điện vào khoảng 7h sáng. Sau lễ tế chánh điện là phần khai hội, Ban Khánh tiết trao lại quyền điều hành Ban Tổ chức với các hoạt động: đọc diễn văn khai mạc; múa lân khai hội của người Việt; múa ka đáo và đấu chiêng của người Cor. Những nghệ nhân người Cor đánh chiêng ngay tại sân điện. Bên cạnh những tiếng chiêng vang vọng là điệu múa ka đáo của các nữ nhân người Cor. Sau phần khai hội là lễ dâng hương tưởng niệm Bà. Từng đoàn người lần lượt vào dâng hương viếng Bà. Dẫn đầu đoàn dâng hương là lãnh đạo địa phương và các đại biểu. Tiếp đến là các đoàn người Cor đến từ các xã phụ cận mang theo các lễ vật mật ong, trầu, quế… vào viếng Bà; đoàn người Hoa đến từ Hội quán Phúc Kiến Hội An; dân chúng địa phương và khách hành hương. Sau lễ dâng hương là phần tọa đàm và hưởng lộc Bà. Tiếp đến là các trò chơi dân gian như bài chòi, đi cà kheo... Khoảng 6h tối ngày 16, Ban Khánh tiết thực hiện nghi thức rước Bà xem hát bội. Lễ hội được tiếp diễn bằng các vở diễn, các tích tuồng. Khi đêm hội kết thúc, ban tế lễ tiến hành thỉnh Bà vào lại điện thờ. Lễ hội chính thức được khép lại. Riêng những năm lễ hội được tổ chức trong 3 ngày, ban tổ chức bổ sung thêm các phần thi bóng chuyền, kéo co vào các ngày 16 và 17, và hát bội vào các đêm 16 và 17. Các hoạt động còn lại của lễ hội được thực hiện như đã trình bày ở trên.
4.3.2.2. Lễ hội điện Trường Bà từ năm 2011 đến nay
Từ năm 2011 đến nay, lễ hội điện Trường Bà được nâng cấp thành lễ hội cấp huyện. Thời gian tổ chức lễ hộiđược ấn định diễn ra trong vòng 3 ngày, bắt đầu từ chiều ngày 15 đến hết tối ngày 17 tháng Tư âm lịch. Để chuẩn bị cho lễ hội, hàng năm UBND huyện Trà Bồng đều giao nhiệm vụ cho phòng Văn hóa thông tin chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Di tích điện Trường Bà xây dựng kế hoạch, kịch bản
tổ chức lễ hội, phân công người chịu trách nhiệm điều hành và tổ chức lễ hội; giao nhiệm vụ cho Ban Khánh tiết chủ trì và tổ chức phần tế lễ. Các cơ quan, tổ chức còn lại như UBND thị trấn Trà Xuân, Uỷ ban MTTQ Việt Nam thị trấn Trà Xuân,
HĐND thị trấn Trà Xuân có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với phòng Văn hóa thông tin và BQL Di tích điện Trường Bà nhằm thực hiện các công tác đề ra của lễ hội. Về phía nhân dân, có sự tham gia của đại diện các tộc người Việt, Hoa, và người Cor đến từ các xã lân cận.
Từ năm 2011, lễ hội điện Trường Bà luôn bắt đầu bằng nghi lễ thả hoa đăng trên sông Trà Bồng, diễn ra vào lúc 6h tối ngày 15 tháng Tư âm lịch. Trước khi hành lễ, chánh tế làm lễ xin được thả hoa đăng. Sau đó, đoàn hành lễ xuất phát từ điện Trường Bà đi về hướng bờ sông Trà Bồng (nằm ở phía Tây, cách Điện thờ khoảng 1,5km). Dẫn đầu đoàn lễ là đội múa lân. Tiếp theo là 28 học trò lễ và học trò gươm đi theo hai hàng, học trò gươm vừa đi vừa múa gươm. Theo sau là chánh
tế đi sát kiệu hoa đăng, do bốn người trong ban tế lễ khiêng, bên trong đầy đủ các vật phẩm hương, hoa,gạo, muối…. Theo sau kiệu hoa đăng là đoàn người khoảng
30 thành viên cầm cờ vuông và cờ đuôi nheo; tiếp đến là ban nhạc lễ và cuối cùng là những người dân tham dự lễ. Khi đến một khoảng đất rộng bằng phẳng ven mép sông Trà Bồng, nghi lễ thả hoa đăng được bắt đầu. Kiệu hoa đăng được thả trước. Người dân tham dự lễ cũng thắp nến và lần lượt thả hoa đăng xuống sông. Hòa chung trong lễ thả hoa đăng là tiếng trống, tiếng kèn, tiếng nhạc vang lên liên hồi tạo nên một bầu không khí vừa thiêng liêng vừa sôi động…
Theo các thông tín viên, hoạt động thả hoa đăng trên sông Trà Bồng vốn dĩ chưa từng có trong tiền lệ. Đó là một truyền thống mới được sáng tạo nhằm thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, với cách thức thực hiện như trong những năm gần đây (chánh tế xin phép Bà, rước kiệu hoa đăng, cử hành nhạc lễ…), hoạt động này dường như đã được “thiêng hóa”. Không loại trừ, hoạt động này sẽ trở thành một truyền thống bền vững, được duy trì lâu dài trong những năm sau.
Sau lễ thả hoa đăng, trình tự tế lễ được thực hiện theo đúng quy trình do tiền nhân để lại: lễ mộc dục (diễn ra vào khoảng 10h đêm ngày 15/4 âm lịch), lễ tế ngoại đàn (vào khoảng 2h sáng ngày 16/4 âm lịch), lễ tế chánh điện (vào khoảng 7h sáng ngày 16/4 âm lịch). Kế hoạch thực hiện các hoạt động khác được xây dựng bởi Ban
Tổ chức lễ hội, không nhất thiết theo một khuôn mẫu cố định, không phải năm nào cũng giống năm nào. Ví như, năm 2014, để chào mừng sự kiện điện Trường Bà được Bộ VH-TT&DL cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (2014), BTC lễ hội đã cấp kinh phí để mời người Cor ở xã Trà Thủy tổ chức lễ ăn trâu xen vào trước lễ tế ngoại đàn. Nghi lễ này được duy trì liên tục cho đến hết lễ hội mùa Xuân năm 2017 thì ngừng hẳn.
Lễ đâm trâu của người Cor được tổ chức trên một khoảnh đất rộng khoảng 500m2, bằng phẳng ngay bên đường đối diện cổng tam quan điện Trường Bà. Lễ đâm trâu diễn ra trong khoảng một giờ đồng hồ. Trước khi tiến hành lễ đâm trâu cúng Bà, người Cor dựng một cây nêu và làm lễ xin các thần linh được phép giết trâu. Trước khi nghi lễ bắt đầu, già làng, theo sau là các vị chức sắc, những người
có uy tín trong các làng nóc người Cor từ vị trí đặt cây nêu tiến thẳng vào chính điện Điện Trường Bà vái lạy, xin phép Bà tiến hành nghi lễ đâm trâu, rồi trở lại vị trí dựng nêu. Tại đây, hòa trong tiếng cồng chiêng cùng điệu múa cà-đáo của các nam nữ thanh niên người Cor, già làng cùng các thầy cúng tiến hành các nghi thức vái lạy thần linh. Sau khi nghi thức kết thúc, già làng cầm thanh kiếm cổ đâm (làm phép) vào con trâu đang bị buộc chặt ở gốc cây nêu. Tiếp đến, già làng cùng các thầy cúng dạt rộng ra hai bên để 2 hoặc 3 thành niên người Cor khỏe mạnh tay cầm giáo đâm thẳng vào cổ con trâu. Họ nhanh chóng mổ thịt, chọn những phần ngon nhất từ con trâu, đặc biệt là phần lòng và gan đem dâng vào cúng Bà. Sau khi lễ ăn trâu của người Cor kết thúc, Ban Khánh tiết mới thực hiện nghi thức tế chánh điện.
Ở phần “hội”, kịch bản chung là đọc diễn văn khai mạc, giới thiệu các hoạt động sẽ diễn ra trong thời gian tiếp theo như múa lân khai hội của người Việt; múa
ka đáo và đấu chiêng của người Cor. Tiếp đến là lễ dâng hương tưởng niệm Bà của lãnh đạo địa phương, của người dân làng Xuân Khương, và các đoàn khách đến từ các địa phương khác, tọa đàm và hưởng lộc Bà. Sau đó là phần hội với các trò chơi dân gian như bài chòi, cờ người, đi cà kheo... Khoảng 6h tối ngày 16, ban tế lễ tiến hành lễ rước Bà xem hát bội. Sang ngày 17, Ban Tổ chức mở ra các hội thi đánh bóng chuyền, thi kéo co để nhân dân các xã tranh tài. Tối ngày 17, nhân dân lại tề
tựu về sân trước điện Trường Bà để xem hát bội. Đêm diễn kết thúc, Ban Khánh tiết làm lễ thỉnh Bà vào lại điện thờ. Lễ hội điện Trường Bà cũng khép lại tại đây.
Bên cạnh những nét chính đã kể trên, trong một vài năm, lễ hội điện Trường
Bà còn có phần giao lưu nghệ thuật giữa các tộc người sống trên địa bàn huyện Trà Bồng như người Cor, Hrê, Xơ đăng, và các tộc người ngoại tỉnh như người Cơ tu ở Quảng Nam hay người Thái ở Nghệ An. Phần giao lưu này được diễn ra vào sáng ngày 16 tháng Tư âm lịch, trong phần khai hội. Tất cả các nghệ nhân đều cố gắng giới thiệu những nét văn hóa độc đáo, mang bản sắc riêng của dân tộc mình.
Cũng trong năm 2015, BTC lễ hội điện Trường Bà đã thử nghiệm việc tái tạo
lễ rước sắc, bản sắc ở đây được thay bằng Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam cấp. Lễ rước Bằng được diễn ra vào khoảng 4h chiều ngày 15 tháng Tư âm lịch. Kiệu rước Bằng do 4 học trò lễ khiêng. Chánh tế đi bên cạnh hầu kiệu rước Bằng. Theo sau kiệu là đội học trò lễ. Tiếp theo là ban nhạc lễ. Theo sau nữa là các thành viên trong ban tế lễ. Tiếp đến là các đoàn người Hoa và đoàn người Cor và sau cùng là tập thể dân chúng. Lúc này, tại quảng trường trung tâm, đại diện chính quyền và nhân dân địa phương đã tụ họp đông đủ để chuẩn bị cho việc trao Bằng công nhận di tích lịch sử cho điện Trường
Bà. Khi đoàn rước Bằng đến nơi, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng đọc quyết định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc công nhận di tích lịch sử đối với điện Trường Bà. Sau đó, chánh tế làm thủ tục truyền thống rước bằng công nhận về điện thờ. Các lễ tế còn lại và phần hội được thực hiện như các năm trước. Nhưng sau
2015, nghi thức rước Bằng đã bị lược bỏ.