Chương 4: QUÁ TRÌNH TRÙNG TU DI TÍCH VÀ PHỤC DỰNG LỄ HỘI ĐIỆN TRƯỜNG BÀ SAU ĐỔI MỚI
4.1. Quá trình gián đoạn lễ hội từ 1975 đến trước 1986
Tháng Tư năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất. Tháng 12 năm 1975, Quốc hội ban hành Nghị quyết sát nhập một loạt các tỉnh từ Bắc vào Nam. Năm 1976, tỉnh Quảng Nghĩa (Ngãi) sát nhập với tỉnh Bình Định thành tỉnh Nghĩa Bình. Giai đoạn 1975-1986, khuôn vi huyện Trà Bồng không có sự thay đổi so với trước năm 1975, vẫn bao gồm nguồn Thanh Bồng cũ và 3 xã Trà Xuân, Trà Phú, Trà Bình.
Ngay sau ngày thống nhất đất nước, tháng 9 năm 1975, BCHTW Đảng (khóa III) đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 24, “về nhiệm vụ của cách mạng miền
Nam trong giai đoạn mới”, chủ trương áp dụng khuôn mẫu quản lý nhà nước, quản
lý kinh tế - xã hội và văn hóa vốn được định hình ở miền Bắc từ sau 1954 cho toàn miền Nam. Trong khuôn mẫu này, đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng do nhà nước quản lý. Nền kinh tế thị trường vốn dĩ đã tương đối phát triển ở miền Nam những năm trước 1975 bị xóa bỏ, thay vào đó Chính phủ chủ trương xây dựng 3 mô hình kinh tế mới: toàn dân, tập thể và công tư hợp doanh. Kinh tế toàn dân bao gồm các nhà máy, xí nghiệp, nông - lâm trường do nhà nước quản lý; kinh tế tập thể bao gồm các hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, và hợp tác xã tín dụng. Công tư hợp doanh là mô hình kinh tế trong đó có sự hợp tác giữa các hộ kinh doanh cá thể và nhà nước, trong đó nhà nước giữa vai trò quan trọng. Mô hình này được áp dụng phổ biến trong lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng và các cơ sở xay xát nông sản. Để thực hiện chủ trương đó, trong những năm 1976-1979, Chính phủ
đã thực hiện chính sách cải tạo công thương nghiệp, loại bỏ tư sản mại bản, quốc hữu hóa các nhà máy xí nghiệp công nghiệp. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được cải tạo và đưa vào hợp tác xã. Ở khu vực nông thôn, các nông hộ cũng được vận động tham gia các tập đoàn sản xuất và hợp tác xã. Trong khu vực thương mại
và dịch vụ, Chính phủ buộc các hộ kinh doanh vật tư và các mặt hàng công nghiệp
do nhà nước quản lý phải chấm dứt hoạt động. Lực lượng lao động trong lĩnh vực này hoặc được chuyển sang sản xuất, hoặc gia nhập hệ thống thương nghiệp quốc doanh hay đi xây dựng các vùng kinh tế mới. Phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, xây dựng và xay xát nông sản được chuyển sang hình thức công tư hợp doanh. Đến năm 1979, các mô hình kinh tế mới cơ bản chiếm ưu thế trong tất cả các lĩnh vực, ở cả thành thị và nông thôn. Để đảm bảo thắng lợi các chủ trương kinh tế, việc quản lý xã hội được thực hiện gắt gao bằng biện pháp ngăn sông cấm chợ, hạn chế giao thương.
Chủ trương chuyển đổi mô quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội được
áp dụng trên toàn miền Nam, do vậy tỉnh Quảng Ngãi nói chung và huyện Trà Bồng nói riêng cũng không là ngoại lệ. Trà Bồng là huyện miền núi, lại nằm trong vùng tranh chấp giữa các lực lượng cách mạng với chính quyền Sài Gòn, do vậy trước năm 1975 kinh tế còn kém phát triển, hầu như không có các cơ sở công nghiệp, thương mại dịch vụ và kinh doanh cá thể. Sau năm 1975, nhà nước chủ trương thành lập lâm trường Trà Bồng, nhưng nhiệm vụ chính của doanh nghiệp này chỉ là khai thác gỗ để xuất khẩu hoặc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong khu vực nhà nước. Tại các vùng nông thôn, kể cả người Việt và các dân tộc thiểu số, một số tập đoàn sản xuất và hợp tác xã nông nghiệp được thành lập.
Trong thời gian 10 năm sau ngày thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước đã thực hiện 2 kế hoạch năm (1976-1980 và 1981-1985) với những mục tiêu đầy tham vọng: thực hiện thành công quá trình Công nghiệp hóa-Hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, cả 2 kỳ kế hoạch đều không đạt được những mục tiêu
đề ra. Đến giữa thập niên 1980, kinh tế của cả nước rơi vào tình trạng trì trệ, cung không đủ cầu, lạm phát tăng nhanh. Thời kỳ này, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, tình trạng thiếu đói phổ biến trên cả nước, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong tỉnh Quảng Ngãi, huyện Trà Bồng là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo tương đối cao, đặc biệt là ở các dân tộc thiểu số.
Trong lĩnh vực văn hóa, vận dụng những kinh nghiệm từ miền Bắc, Đảng và Nhà nước chủ trương xây dựng Đời sống văn hóa mới, Con người mới XHCN. Tuy nhiên, do không giải thích được một cách khoa học các khái niệm căn bản, thiếu cơ
sở thực tế và duy ý chí, việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, và kết thúc mỗi kỳ kế hoạch 5 năm, không có bất cứ kết quả nào được ghi nhận. Trong lĩnh vực văn hóa tâm linh, mọi lễ hội tín ngưỡng dân gian đều bị coi là mê tín dị đoan và nghiêm cấm thực hành. Các cơ sở thờ tự hoặc bị sử dụng vào các mục đích khác, hoặc bị bỏ hoang dẫn đến tình trạng xuống cấp và đổ nát.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, các địa chỉ văn hóa tâm linh nổi danh như Âm Linh tự trên đảo Lý Sơn hay hệ thống Lăng Ông dọc các huyện thị ven biển (Bình Sơn, thành phố Quảng Ngãi, Mộ Đức và Đức Phổ) đều rơi vào tình trạng xuống cấp trầm trọng. Tại huyện Trà Bồng, các cơ sở thờ tự chung trong khuôn khổ các làng của người Việt ở các xã Trà Xuân, Trà Phú và Trà Bình cũng có số phận tương tự. Riêng tại xã Trà Xuân, phần lớn các cơ sở tín ngưỡng đều bị xóa bỏ hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng. Các hoạt động tín ngưỡng và thực hành văn hóa tâm linh bị ngưng trệ. Chùa Phật học của người Việt và chùa Bổn Tự của người Hoa không được trùng tu. Nền đất của các cơ sở đó được nhà nước trưng dụng cho việc xây dựng trụ sở huyện đội Trà Bồng. Nhà thờ Thiên Chúa giáo bị đổ nát được dỡ bỏ hoàn toàn, nhường chỗ cho Chi cục thuế. Nền thánh thất Cao Đài được bàn giao xây dựng trụ sở công an Huyện. Số phận điện Trường Bà cũng không là ngoại lệ. Ban đại diện điện Trường Bà tự giải thể, ruộng tế tự Trường Bà bị sung vào hợp tác xã. Những năm 1976-1977, nhà hội điện Trường Bà bị trưng dụng làm nơi ở cho cán bộ lâm trường Trà Bồng. Điện Trường Bà ít nhiều bị xâm hại. Lễ hội hàng năm ở điện Trường Bà bị dừng tổ chức.
Mặc dù vậy, đối với người dân làng Xuân Khương, sức sống tâm linh và lòng kính tín đối với Bà luôn mãnh liệt và được truyền thừa từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nó được lưu truyền trong những câu chuyện nhuốm màu sắc liêu trai, được biểu hiện cụ thể bằng việc tự giác bảo vệ Điện, và bằng việc duy trì việc hành lễ mỗi tháng đôi lần.Khoảng những năm 1978-1979, lâm trường Trà Bồng xây dựng
được cơ sở riêng, các cán bộ lâm trường trả lại nhà hội cho làng Xuân Khương. Điện Trường Bà được hoàn trả cho dân làng, nhưng đã xuống cấp trầm trọng. Tuy vậy, một nhóm lão ông sống ở gần ngôi điện vẫn thay phiên nhau hương khói cho
Bà. Do không còn ruộng Bà, kinh phí để duy trì việc thờ cúng trở thành một vấn đề nổi cộm. Để khắc phục tình trạng đó, dân làng đã trồng 1 hàng dừa phía trước ngôi điện nhằm hái trái bán lấy tiền hương hoa trong các ngày sóc và vọng.
Ngay cả các cán bộ huyện Trà Bồng cũng có cái nhìn về điện Trường Bà ít khắt khe hơn so với các cơ sở thờ tự khác. Những người nắm quyền ở địa phương sau ngày đất nước giải phóng (bí thư huyện, chủ tịch huyện, chủ tịch xã…) phần lớn
là các cán bộ tập kết, cán bộ cách mạng nằm vùng nhưng lại có tuổi thơ gắn bó với Trường Bà (tham dự, tham gia lễ hội, tin tưởng vào phép màu, sự linh diệu của Bà..). Họ không quá quyết liệt trong việc bài xích tín ngưỡng thờ Bà và không đưa
ra bất cứ chủ trương nào nhằm triệt thoái cơ sở thờ tự này. Về sau, chính bộ phận này đã tham gia tích cực vào việc trùng tu, phục dựng lễ hội điện Trường Bà. Và trên thực tế, việc trùng tu điện Trường Bà đã bắt đầu từ rất sớm.