Quy trình tổ chức lễ hội điện Trường Bà trong hồi ức của người dân

Một phần của tài liệu Vấn đề phục dựng lễ hội điện Trường Bà ở huyện Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi (Trang 112 - 118)

Chương 3: DI TÍCH VÀ LỄ HỘI ĐIỆN TRƯỜNG BÀ TRONG LỊCH SỬ

3.3. Những hồi ức về lễ hội điện Trường Bà trong giai đoạn trước 1945

3.3.1. Quy trình tổ chức lễ hội điện Trường Bà trong hồi ức của người dân

Lễ hội điện Trường Bà xưa kia gồm 5 bước chính: lễ rước sắc, lễ mộc dục, lễ

tế ngoại đàn, lễ tế chánh điện, và lễ rước Bà khai hội. Mỗi nghi lễ đều mang một ý nghĩa khác nhau.

Lễ rước sắc: Các đạo sắc phong thần được ông thủ sắc cất giữ tại nhà. Trước khi tiến hành lễ hội tại Điện, phải rước sắc Bà từ nhà thủ sắc về Trường Bà. Lễ rước sắc diễn ra khoảng 8 giờ sáng ngày 15 tháng Tư âm lịch. Dẫn đầu đoàn rước sắc là 8 học trò lễ và 32 học trò gươm, đi theo hai hàng, học trò gươm vừa đi vừa múa gươm. Tiếp theo là chánh tế theo hầu kiệu rước sắc. Kiệu rước sắc có 4 người khiêng. Theo sau kiệu có 30 người cầm cờ vuông và cờ đuôi nheo. Sau nữa là ban nhạc và cuối cùng là tập thể dân làng. Khi đến nhà thủ sắc, mọi người đứng thành hai hàng trang nghiêm. Chánh tế vào dâng hương khấn vái xin rước sắc Bà về điện. Khấn xong, chánh tế thỉnh sắc của Bà. Sau đó, trống nhạc lại được nổi lên, đoàn lễ thỉnh sắc Bà trở về Trường Bà. Sắc Bà được đặt trên ban thờ trong những ngày diễn

ra lễ hội. Khi lễ hội kết thúc, đoàn rước sắc thực hiện lễ nghinh sắc từ điện về nhà thủ sắc với thành phần tham gia và nghi thức diễn ra như lúc rước sắc.

Lễ mộc dục hay còn gọi là lễ tắm Bà, được cử hành vào 10h đêm 15 tháng

Tư âm lịch. Tuy nhiên, trước khi làm lễ mộc dục, dân làng phải chuẩn bị nước tắm, dụng cụ tắm và trang phục cho Bà. Nước tắm Bà phải được múc ở các giếng khơi giữa đồng vào 12 giờ đêm 14. Người dân ở đây quan niệm, chỉ có nước này mới thật sự tinh khiết. Nước tắm Bà được nấu cùng với quế, sả và lá mơ gan (còn được gọi là lá mơ tía, lá mơ lông). Sau đó, nước được cho vào chậu và ngâm vào đó một

ít hoa sen. Trước khi tiến hành lễ tắm thì trống kèn nổi lên, chánh tế làm lễ xin keo (gieo đồng xu xin quẻ âm dương), nếu Bà đồng ý thì nghi lễ mới được tiến hành.

Lễ mộc dục diễn ra trong khoảng một đến một tiếng rưỡi. Trong thời gian này, các cửa vào điện thờ đều được đóng kín và có người canh phòng cẩn mật. Lễ tắm Bà được giao cho các cụ bà trong làng thực hiện. Bà ngự ở trên ngai thờ. Chánh

tế chịu trách nhiệm thỉnh Bà xuống chiếc bàn lớn đặt ở giữa gian chánh điện. Chánh

tế cũng là người cởi y phục ngoài của Bà, sau đó các cụ bà cởi tiếp lớp áo trong và dùng những cánh hoa sen đã ngâm nước vẫy lên tượng. Sau đó, họ dùng gáo cho nước tắm lên tượng Bà, kèm với động tác xoa tay rửa tượng nhẹ nhàng. Tiếp theo, các cụ bà dùng khăn sạch nhúng nước hoa sen lau tượng. Sau đó dùng khăn khô lau ráo tượng và mặc trang phục mới cho Bà. Lễ tắm Bà hoàn tất, ba hồi trống vang lên, một lần nữa những người tham gia lễ tắm vào vái Bà. Nghi lễ hoàn tất, dân làng lần lượt vào vái, xin nước tắm Bà. Nước tắm Bà được người dân gọi là nước thánh, tương truyền có nhiều mầu nhiệm. Nếu bệnh tật, người dân dùng nước tắm Bà để uống hoặc rửa mặt bệnh sẽ chóng khỏi.

Lễ tế ngoại đàn còn được gọi là lễ nhập yết. Đây là lễ tế các thổ thần, sơn

thần, thủy thần, thần Bạch Hổ, thần hoàng bổn xứ và thần Tri Diện. Lễ ngoại đàn thể hiện lòng thành kính của nhân dân đối với các vị thần linh, đồng thời cũng mong mỏi được các thần che chở. Đây còn là lễ bày tỏ sự đền ơn đáp nghĩa đối với những bậc tiền nhân đã có công khai phá xây dựng vùng đất vốn xưa kia nổi tiếng là một vùng rừng thiêng nước độc. Bên cạnh đó, lễ tế ngoại đàn còn tế các âm binh, âm hồn lang thang bên ngoài, những vong hồn lưu lạc, không nơi nương tựa, không người thờ cúng. Lễ tế ngoại đàn diễn ra khoảng 2 tiếng đồng hồ vào lúc 2 giờ sáng ngày 16 tháng Tư âm lịch ở sân trong của điện.

Ban tế tự trong lễ tế ngoại đàn gồm có 1 chánh tế, 3 phân hiến, 1 tư nghi, 1

tư văn, 12 học trò lễ, ban nhạc lễ và 5 ông rót rượu. Sau khi chuẩn bị xong, trong không khí trang nghiêm, linh thiêng nghi lễ được bắt đầu. Ban tế lễ đứng vào vị trí. Chánh tế đứng đối diện mâm Bổn xứ, 3 phân hiến đứng đối diện ba mâm tả, hữu ban và mâm tế Bạch Hổ. Tư nghi xướng văn điều khiển toàn bộ lễ tế. Nghi lễ ngoại đàn bắt đầu khi Tư nghi xướng “Củ soát tế vật” (kiểm tra các vật phẩm dâng cúng). Sau đó, đại chinh, tiểu chinh (chiêng lớn, chiêng nhỏ) gióng lên 3 hồi và tiếp theo là nhạc lễ nổi lên. Trong tiếng nhạc, các học trò lễ theo nhịp bước hình chữ “Chi”, tay khuỳnh trước trán thực hành qua các bước sơ hiến, á hiến và chung hiến dưới sự điều hành của tư nghi. Trong phần sơ hiến, sau khi các học trò lễ dâng rượu xong thì nhạc lễ dừng để đọc chúc văn. Chánh tế, tư nghi và 2 học trò bưng đèn lên án nội. Tư nghi là người đọc văn tế có giọng tốt, âm điệu du dương trầm bổng làm cho không gian tế lễ thêm phần cung kính, thiêng liêng. Sau ba bước (sơ hiến, á hiến và chung hiến) là đến tuần trà, trà được rót đều ở các bàn án. Sau đó, 5 người dự cúng lạy đều ở các bàn án trước khi thu giấy vàng bạc đem đi đốt. Nghi lễ kết thúc khi Tư nghi xướng “Tạ thần cúc cung bái”, tất cả những người tham gia cúng tế lạy 4 lạy rồi đứng lên, trống nhạc nổi lên đều hồi rồi dứt. Nghi lễ kết thúc. Đánh giá về nghi thức lễ tế ngoại đàn, tác giả Nguyễn Đăng Vũ viết: “là buổi tế lễ mà không có nơi

nào trong tỉnh nói riêng, ngoài tỉnh nói chung, có được, nếu x t dưới góc độ ý nghĩa nhân văn và cả hình thức hiến tế”[141:185].

Lễ tế chánh điện diễn tra trong 2 giờ, bắt đầu từ lúc 7 giờ sáng ngày 16 tháng

Tư âm lịch tại chính điện Trường Bà. Đây là lễ tế các vị thần được thờ trong chính điện. Ban tế lễ gồm 1 chánh tế, 1 bồi tế đứng ở gian thờ Bà; 1 phân hiến nội đứng ở

tả ban thờ Quan Thánh, Quan Bình, Chu Thương; 1 phân hiến nội đứng ở hữu ban thờ Bùi Tá Hán và Mai Đình Dõng; 3 phân hiến ngoại đứng ở khám thờ Bạch Hổ, Thổ địa và Tiền hiền; 1 tư nghi đứng ở chính điện; 7 ông rót rượu đứng ở 7 ban thờ;

12 học trò lễ chia làm 3 hàng, đứng ở các gian chính, tả, hữu ban tiền đường; 32 –

40 học trò gươm đứng ở sân điện. Ngoài ra còn có ban nhạc lễ. Lễ vật trên bàn thờ

Bà được bày 1 bình hoa, đĩa trầu cau, đĩa trái cây, giấy, 3 đĩa lòng và 3 đĩa xôi, 1

chén xôi in. Vật tế chính trong lễ tế chính điện là lợn sống nguyên con làm sạch đặt

úp song song trên bàn, ở giữa là đĩa ngũ tạng và bó hương lớn. Ngoài ban thờ Bà, các ban thờ khác cũng có hương hoa, trà quả, 3 đĩa lòng và 3 đĩa xôi.

Các nghi thức của lễ chính điện giống như lễ tế ngoại đàn, bao gồm: củ soát

tế vật, sơ hiến lễ, á hiến lễ, chung hiến lễ và tuần trà. Tuy nhiên, trước khi thực hiện nghi thức củ soát tế vật, lễ chính điện còn có nghi thức hầu Bà của học trò lễ. Đến giờ hành lễ, học trò lễ sắp thành hai hàng ngoài sân điện, mỗi hàng 6 em. Khi tư nghi xướng: “lệ xuân Trường Bà bắt đầu”, 12 em học trò vào chánh điện nhận tay văn (bút), tay võ (gươm) đi trở ra ngoài sân rồi quay lại về vị trí cũ, đứng giao mặt nhau, tay văn tay võ đối diện nhau. Tư nghi xướng: “choàng dàn hầu”, học trò lễ dạ một tiếng rồi đứng quay mặt vào gian chính điện. Sau đó, học trò lễ trả tay văn tay

võ vào vị trí cũ trong gian chính điện, quay trở ra đứng ở các gian chính, tả, hữu ban tiền đường. Mỗi gian nơi học trò lễ đứng có một chiếc bàn nhỏ đựng 2 cây đèn, 2 đĩa đựng ly và rượu. Nghi thức hầu bà của học trò lễ kết thúc, các thành viên trong ban tế lễ vào vị trí chuẩn bị cho các nghi thức tế chính đã liệt kê ở trên.

Khi lễ chánh điện hoàn tất, dân làng lần lượt vào dâng hương viếng Bà. Sau

đó, mọi người tụ họp ở nhà hội uống trà nước và cùng bàn luận về những vấn đề liên quan đến xóm làng cũng như vấn đề tôn tạo Trường Bà và kế hoạch chuẩn bị cho nghi lễ tiếp theo. Trong lúc này, bộ phận hậu cần mang số lễ vật tế sống xuống nhà bếp chế biến, rồi dành một phần lễ vật đem cảnh tại nhà ông cả, ông thủ sắc và những người trong ban tế tự. Số còn lại được dọn lên mâm để dân làng hưởng lộc

Bà. Ngoài ra, để có đủ cỗ thết đãi dân làng, nhà bếp còn mổ thêm heo, bò, thổi xôi, nấu bánh... Khoảng 11 giờ trưa, cỗ được bày ra, người dân bắt đầu hưởng lộc Bà. Tuy nhiên, việc hưởng lộc Bà cũng có những quy định theo cấp bậc. Theo đó, ông

Cả và ban tế lễ là những người được ăn trước. Kế đến là những người có vai vế trong làng, những người đứng đầu tộc họ lớn, giàu có ở địa phương. Tiếp theo nữa

là dân làng, và sau cùng là những người mới nhập cư. Dù vậy, ai nấy trong làng cũng đều rất vui vẻ, hồ hởi. Với người dân, ăn cỗ Bà không chỉ có ý nghĩa vật chất

mà còn mang ý nghĩa tinh thần sâu sắc. Họ quan niệm, bất kỳ ai được hưởng lộc Bà

cũng sẽ gặp được nhiều điều may mắn trong năm. Hơn nữa, ăn cỗ Bà còn là dịp để dân làng chia sẻ niềm vui trong ngày hội, thắt chặt tình cảm làng xóm thêm keo sơn, gắn bó.

Lễ rước Bà xem hội diễn ra vào khoảng 6 giờ tối ngày 16 tháng Tư âm lịch. Ban lễ rước Bà gồm có 1 chánh tế, 3 phân hiến, 8 học trò lễ, 16 học trò gươm, ban nhạc lễ và một số người phụ khác. Đúng giờ hành lễ, ban tế lễ vào điện Bà làm thủ tục xin rước Bà đi xem hội. Sau đó, chánh tế thỉnh tượng Bà lên kiệu, đặt sẵn trước sân điện. Dẫn đầu đoàn rước Bà là học trò lễ và học trò gươm, đi theo hai hàng, học trò gươm vừa đi vừa múa gươm. Tiếp theo là chánh tế và các phân hiến theo hầu kiệu Bà. Kiệu Bà có 4 người khiêng. Theo sau kiệu Bà có ban nhạc lễ, vừa đi vừa nổi nhạc tạo bầu không khí rộn rã, huyên náo. Kiệu Bà được rước ra phía trước cổng chính điện thì dừng lại. Trong thời gian làng mở hội, Bà ngự tại đây. Sau khi kết thúc phần hội, ban tế lễ lại làm thủ tục thỉnh Bà vào điện.

Để tỏ lòng cảm tạ công đức của Bà đồng thời đem lại niềm vui, tình đoàn kết thôn xóm, tại sân điện Trường Bà, dân làng còn tổ chức hội tế Bà với các trò diễn dân gian. Mở đầu hội tế Bà là tiết mục múa lân. Tham gia đội múa lân có 6 người là các thanh niên trong làng, trong đó có 3 người múa, 1 người đóng vai ông Địa, 1 người đóng vai Tề Thiên và 1 người đánh trống. Trong không gian lung linh, huyền hoặc hình ảnh con lân sặc sỡ nhảy múa, uốn lượn theo nhịp trống với những pha nhảy rất đẹp mắt. Ông Địa thì cầm quạt vừa nhún nhảy vừa phe phất cánh quạt, còn

Tề Thiên vừa nhảy vừa biểu diễn gậy rất nhanh. Múa lân đã mở đầu một không khí rất sôi động cho hội tế.

Sau màn múa lân là hát bội. Đây được xem là hoạt động không thể thiếu trong ngày hội Bà. Thời gian dành cho hát bội thường kéo dài trong 3 ngày 3 đêm, bắt đầu từ tối ngày 16 đến ngày 19 tháng Tư âm lịch. Để phục vụ cho việc xem hát của người dân, trước ngày hội mở, ban tổ chức lễ hội đã phân công nhân sự làm trại xung quanh khu vực biểu diễn. Trại xem hát được dựng đơn sơ bằng các cây gỗ nhỏ, hoặc tre nứa. Mái trại được lợp bằng tranh. Ngoài ra, người dân còn làm khoảng 300 cây đèn gió để thắp sáng trong 3 đêm hội. Khoảng 7 giờ tối, các nghệ

nhân hát bội và ban nhạc với đủ bộ trống, thanh la, mõ, kèn, đàn nhị, đàn cò, đàn nguyệt… tiến vào sân điện ra mắt Bà và người dân. Đêm diễn được mở đầu bằng phần hát cúng Bà. Nội dung vở diễn là những truyền thuyết về Bà nhằm khơi dậy trong nhân dân truyền thống văn hóa của quê hương, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với vị thần nữ đã có công bảo trợ cho bao thế hệ người dân nơi đây. Sau phần hát cúng Bà, các nghệ nhân diễn tích phục vụ Bà và dân làng. Các tích diễn thường là Ngũ hổ bình Tây, Ngũ hổ bình Nam, Phạm Công Cúc Hoa, Lưu Bình Dương Lễ, v.v… hay các tích hài để mua vui. Người diễn viên hát bội, ngoài khả năng hát xướng, vũ đạo, diễn xuất, còn phải biết vẽ mặt mình khi thủ bất cứ vai nào. Bằng đôi tay tài hoa, họ khéo léo tạo ra những đường nét sắc sảo trên mặt mình như những hoạ sĩ tài ba. Có diễn viên đóng hề còn vẽ mặt lòe loẹt. Bên cạnh đó còn có người đánh trống, người đánh phách. Bên ngoài cũng có người đánh trống chầu, cứ đến câu nào hay, câu nào gây cười thì đánh cắt lên một tiếng để tán thưởng.

Lễ hội mùa Thu tại điện Trường Bà diễn ra từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 9

âm lịch. Trình tự chuẩn bị và thực hành lễ hội mùa Thu không khác so với lễ hội mùa Xuân. Tuy nhiên, so với lễ hội mùa Xuân, lễ hội mùa Thu cũng có những khác biệt rất đáng chú ý.

Để tổ chức lễ hội mùa Xuân, nguồn kinh phí được trích ra từ Quỹ Ruộng Bà

và phần nào đó do người dân đóng góp, đặc biệt là từ các dòng họ lớn và người Hoa đang cộng cư trong làng. Đối với lễ hội mùa Thu, từ việc chuẩn bị đến tổ chức thực hiện đều có sự hỗ trợ đắc lực của Sở Tuần ty. Toàn bộ kinh phí để thực hiện lễ hội mùa Thu đều được Sở Tuần ty cấp. Thực tế, khoản kinh phí này không lấy từ khoản tiền thu thuế hay ngân sách nhà nước, mà do các thương nhân thường xuyên buôn bán ở nguồn Thanh Bồng đóng góp, bao gồm cả thương nhân người làng Xuân Khương và những người Thượng tham gia thu gom hàng để tập trung về trường giao dịch. Tuy nhiên, cho đến nay không thấy có bất kỳ ghi chép hay tư liệu khả tín nào đề cập đến mức đóng góp của mỗi hộ môn bài. Không chỉ khép kín trong khuôn khổ làng Xuân Khương, lễ hội mùa Thu còn có sự tham gia của các thương nhân thường xuyên đến buôn bán ở cửa nguồn, các sách trưởng, các chủ làng người

Thượng. Nếu như Sở Tuần ty và các thương lái người Việt, người Hoa đóng góp tiền, thì những người Cor về dự hội chỉ mang theo các vật phẩm như mật ong, quế, trầm để cúng tiến Bà. Các vị khách mời tham gia car phần “lễ” và phần “hội”, nhưng không đảm nhận bất cứ nghi lễ nào.

Một phần của tài liệu Vấn đề phục dựng lễ hội điện Trường Bà ở huyện Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi (Trang 112 - 118)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(207 trang)