Bối cảnh văn hóa

Một phần của tài liệu Vấn đề phục dựng lễ hội điện Trường Bà ở huyện Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi (Trang 140 - 144)

Chương 4: QUÁ TRÌNH TRÙNG TU DI TÍCH VÀ PHỤC DỰNG LỄ HỘI ĐIỆN TRƯỜNG BÀ SAU ĐỔI MỚI

4.2. Bối cảnh của việc phục dựng lễ hội điện Trường Bà

4.2.3. Bối cảnh văn hóa

Với việc Đảng và Nhà nước thay đổi cách nhìn về văn hóa và ghi nhận các giá trị văn hóa tâm linh, công tác nghiên cứu, giới thiệu và từng bước phục hưng văn hóa truyền thống được đẩy mạnh. Riêng về lễ hội, theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến năm 2017 “cả nước có 7.966 lễ hội; trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là

lễ hội khác (chiếm 0,5%).”.(1) Ngoại trừ các lễ hội lớn mang tầm quốc gia hay khu vực như lễ hội Đền Hùng, lễ hội chùa Hương (Hà Nội), lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), lễ hội Phủ Dày (Nam Định), lễ hội

bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang), lễ hội Núi Bà Đen (Tây Ninh)... được duy trì liên tục, tuyệt đại đa số các lễ hội dân gian đều chỉ mới được phục dựng từ sau ngày đất nước thực hiện chính sách Đổi mới.

Bên cạnh các lễ hội truyền thống được phục dựng, hiện nay tại Việt Nam còn

có nhiều loại hình lễ hội được du nhập từ nước ngoài; các lễ hội được tổ chức để quảng bá về văn hóa, thể thao, du lịch; và các lễ hội ngành nghề. Các lễ hội du nhập

từ nước ngoài có thể kể đến “Ngày tình yêu” (Valentine’s Day) được tổ chức vào ngày 14-2 hàng năm, lễ hội Haloween (lễ hội hóa trang), lễ hội Diwali (hay còn gọi

là lễ ánh sáng - Festival light) là lễ hội truyền thống lớn nhất của Ấn Độ du nhập

vào Việt Nam, và lễ hội hoa Anh Đào (Nhật Bản). Các lễ hội quảng bá văn hóa, thể thao, du lịchbao gồm các festival, liên hoan văn hóa, thể thao, du lịch, Các lễ hội ngành nghề là lễ hội được tổ chức theo một ngành, một nghề hoặc một nhóm ngành, nghề nhất định với các tên gọi festival, liên hoan và các hình thức tên gọi khác. Đây

là loại hình lễ hội nhằm tôn vinh thương hiệu sản phẩm của ngành hoặc địa phương.

Có thể kể đến các lễ hội đã định hình và được tổ chức liên tục hàng năm như Festival dừa Bến Tre, lễ hội “Quả điều vàng Việt Nam” (tỉnh Bình Phước), lễ hội trái cây Nam Bộ tại Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, thành phố Hồ Chí Minh, Festival Thủy sản Việt Nam,… Trên thực tế, các loại hình lễ hội quảng bá văn hóa, thể thao, du lịch cũng như các lễ hội ngành nghề đều là các truyền thống được sáng tạo trong bối cảnh đương đại với mục tiêu thị trường và gắn kết cộng đồng.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, phong trào phục dựng lễ hội cũng diễn ra sôi nổi ở hầu khắp các huyện thị. Các lễ hội tiêu biểu như lễ hội nghinh Ông, lễ hội Cầu ngư, lễ hội đua thuyền, lễ hội ăn trâu, lễ tế “khao lề thế lính” Hoàng Sa… sau nhiều năm gián đoạn đều được phục dựng với quy mô lớn hơn. Lễ hội Nghinh Ông (còn được gọi là lễ cúng cá Ông) và lễ hội Cầu ngư được ngư dân nhiều làng ven biển tổ chức hàng năm, vào mùa Xuân, mùa Thu hoặc đầu mùa đánh bắt trên biển. Lễ cầu ngư được tổ chức vào mùng 3 Tết Âm lịch, còn được gọi là lễ xuống nghề hay lễ ra nghề, điển hình nhất là lễ hội cầu ngư Sa Huỳnh. Lễ hội ăn trâu được đồng bào các tộc người thiểu số Cor, Ca Dong và Hrê tổ chức vào mùa ning nơng (tháng 11 năm trước đến tháng Giêng năm sau). Các lễ hội này đều do gia đình đứng ra tổ chức nhằm những mục tiêu khác nhau như tạ ơn thần linh, cầu con, cầu sức khỏe. Tuy nhiên, tất cả các lễ ăn trâu đều có sự tham gia đầy đủ của cả cộng đồng. Vì thế, danh nghĩa là nghi lễ gia đình, nhưng trên thực tế, là ngày hội của cả thôn làng.

Lễ “Khao lề thế lính Hoàng Sa” trước đây được người dân Lý Sơn tổ chức trong 3 ngày (từ 15 đến 17 tháng 3 Âm lịch hàng năm), nhằm tưởng nhớ các chiến binh trong các hải đội trấn giữ và khai thác hải sản ở quần đảo Hoàng Sa xưa, đồng thời cầu phúc cho những người sẽ ra thay phiên bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Các nhà nghiên cứu và báo giới đều có chung nhận định: Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

góp phần phản ánh về lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng Biển Đông, đặc biệt là chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong những năm gần đây, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được địa phương tổ chức long trọng, với sự tham gia đông đảo của nhân dân trên đảo Lý Sơn và nhiều địa phương khác trong tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một cấu trúc văn hóa tâm linh tổng thể, mang đậm nét nhân văn, vừa có các nghi thức tín ngưỡng, vừa có các hoạt động văn hóa thể thao (thả hoa đăng, hát bội, múa lân, lễ rước và đua thuyền tứ linh truyền thống. Đây cũng là nghi lễ gắn liền với lịch sử chủ quyền lãnh thổ trên vùng biển Đông của Việt Nam. Sau khi được nâng cấp, tăng cường quảng bá, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã nhận được sự quan tâm của công chúng trên cả nước. Năm 2013,

lễ hội này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Mặt khác, xu hướng thị trường hóa văn hóa cũng là một trong những thực tế phổ biến trên cả nước. Về lý thuyết, văn hóa và kinh tế có mối quan hệ mật thiết, tương tác biện chứng với nhau. Kinh tế phát triển sẽ thúc đẩy văn hóa phát triển và ngược lại, văn hóa phát triển cũng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.Kinh tế được coi là nền tảng vật chất, còn văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Trong nhiều văn kiện Đại hội, hoặc văn kiện các Hội nghị BCHTW Đảng từ sau Đại hội

VI, văn hóa luôn được nhắc đến với tư cách là động lực trong phát triển kinh tế. Một số nhà nghiên cứu lý giải rằng, quan điểm đó cần được hiểu theo nghĩa “văn hóa thẩm thấu và lan tỏa trong kinh tế biểu hiện ra trong quá trình xây dựng và thực hành các giá trị văn hóa trong doanh nghiệp và cá nhân tham gia hoạt động kinh tế nhằm nâng cao tính nhân văn trong kinh tế. Văn hóa trong kinh tế đề cao các giá trị khoa học, pháp lý và giá trị đạo lý trong hoạt động kinh tế, đề cao tinh thần chia sẻ, trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp. Với tư cách là động lực cho sự phát triển kinh tế, văn hóa tham gia điều tiết và thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở nhiều phương diện. Hệ giá trị văn hóa khi được phát huy sẽ điều tiết các hoạt động kinh tế theo hướng ngày càng nhân văn hơn. Khi các giá trị văn hóa thấm sâu vào hoạt

động kinh tế, nó sẽ có tác dụng định hướng, điều chỉnh các hoạt động của các chủ thể kinh tế theo hướng nhân văn.”(1)

Hiển nhiên, quan điểm đó không sai, nhưng không chỉ dừng lại ở đó; trên thực tế, văn hóa có thể trực tiếp tham gia thị trường với tư cách là sản phẩm hàng hóa. Thị trường hóa văn hóa là hiện tượng phổ biến toàn cầu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, trước thời kỳ Đổi mới, xu hướng này không được nhìn nhận và đánh giá đúng mức. Các sản phẩm văn hóa được đưa ra thị trường chủ yếu thuộc về các ngành văn hóa nghệ thuật hàn lâm. Các sản phẩm văn hóa truyền thống ít được chú ý, nhiều ngành nghề và sản phẩm đúc kết tri thức, thể hiện quan niệm thẩm mỹ của cha ông

đã hoặc đang bị thất truyền. Làng tranh Hàng Trống (Hà Nội) đã hoàn toàn biến mất. Cả làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) hiện chỉ còn một vài nghệ nhân gắng gượng chống chịu nhằm cứu vớt di sản của cha ông. Văn hóa không được coi là một ngành công nghiệp. Từ sau Đổi mới, cơ hội để văn hóa tham gia thị trường ngày càng rộng mở. Và cho đến nay, văn hóa đã thực sự đồng hành cùng các ngành kinh

tế khác trên thị trường Việt Nam.

Riêng đối với văn hóa tâm linh, việc tham gia thị trường có nhiều nét đặc thù. Nghiên cứu của các tác giả đi trước đã chỉ ra những chiều cạnh khác nhau về vấn đề này. Thông qua thực hành văn hóa tâm linh, người dân có thể tìm kiếm sự an toàn trong bối cảnh kinh tế thị trường nhiều rủi ro (Lê Hồng Lý 2001); hoặc tìm kiếm chỗ dựa thần linh để vượt qua những khó khăn trong đời sống vật chất (Philip Taylor 2007). Đó là những cách lý giải thuần túy dựa trên sự quan sát thái độ kính tín và hành vi “hợp chuẩn” của những người tham gia hoạt động tín ngưỡng. Nhưng cũng có những góc nhìn khác mang tính phê phán trước hiện tượng “thu phí” trong các hoạt động liên quan đến tôn giáo tín ngưỡn, và coi đó là hành vi trục lợi, “buôn thần bán thánh”[135]. Đây là chủ đề được thảo luận trong nhiều năm qua, kể cả trên diễn đàn khoa học cũng như báo chí và mạng xã hội.

Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, là sự hồi sinh các thực hành văn hóa tâm linh cũng như phục dựng lễ hội có thể mang lại những cơ hội thu nhập kinh

tế chân chính cho các bên tham gia. Nó có thể bồi đắp/bổ sung tài nguyên du lịch.

Có thể kể đến nhiều ví dụ về sự thành công: Đền Hùng (Phú Thọ), Yên Tử (Quảng Ninh), đền thờ Bà Chúa Xứ (An Giang), hoặc như Lý Sơn (Quảng Ngãi). Nó có thể tạo ra các dịch vụ đi kèm như lưu trú, bán hàng lưu niệm… Và như vậy, nó đã trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra các cơ hội việc làm mới.

Việc trùng tu di tích và phục dựng lễ hội điện Trường Bà không chỉ đơn thuần là thực hiện các Nghị quyết bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống được ban hành bởi cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương một cách máy móc.

Nó còn được bắt nguồn từ các động lực khác. Trước hết, đó là sự đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong đời sống tâm linh của đa số người dân làng Xuân Khương. Đó là sức ảnh hưởng lớn lao đến đông đảo công chúng của việc phục dựng, du nhập và sáng tạo các truyền thống lễ hội mới. Đó là sự đóng góp vào việc kiến tạo điểm nhấn/bản sắc của địa phương. Và một nhân tố không kém phần quan trọng khác, là khả năng đưa các sản phẩm văn hóa tham gia thị trường bằng nhiều cách khác nhau.

Một phần của tài liệu Vấn đề phục dựng lễ hội điện Trường Bà ở huyện Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi (Trang 140 - 144)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(207 trang)