THỰC TRẠNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CHỦ NHIỆM LỚP CỦA HIỆU TRƯỞNG CÁC TRƯỜNG THPT TỈNH BẮC NINH
2.1.3 Đặc điểm dân số, nguồn nhân lực
Đặc điểm dân số:
Năm 2004, ước tính dân số Bắc Ninh là 987 nghìn người. Tốc độ tăng trưởng dân số là 1.01% trong đó tốc độ tăng dân số tự nhiên của Bắc Ninh (1.09%); biến động cơ học không đáng kể (-0.08%). Nửa năm 2002 tốc độ tăng trưởng dân số tự nhiên của Bắc Ninh (1,16%) tương đương với mức trung bình của cả nước (1,17%) và cao hơn mức trung bình của đồng bằng sông Hồng (1,09%) thì năm 2004, chỉ số này của Bắc Ninh đã có tiến bộ hơn. Ước tính năm 2005, dân số Bắc Ninh là 996,5 nghìn người. Cơ cấu dân số Bắc Ninh thuộc loại
nhóm trẻ: nhóm 0 – 14 tuổi chiếm tới 27,7%; nhóm 15 – 64 tuổi khoảng 66% và 6,3% số người trên 65 tuổi. Do đó, tỷ lệ nhân khẩu phụ thuộc cao (0,59%). Dân số nữ chiếm tới 51,73% tổng dân số của tỉnh, cao hơn so với tỷ lệ tương ứng của cả nước (50,83%). Kết quả này có thể do nguyên nhân kinh tế – xã hội là chủ yếu.
Phân bố dân cư Bắc Ninh mang đậm sinh thái nông nghiệp, nông thôn với tỷ lệ 89,6%, dân số sống ở khu vực thành thị chỉ chiếm 10,47%, chưa bằng 1/2 tỷ lệ dân số đô thị của cả nước. Mật độ dân số trung bình của tỉnh là 1226 người/km2. Dân số phân bố không đều giữa các huyện, thị xã. Mật độ dân số của Quế Võ và Gia Bình chỉ bằng khoảng 1/3 của thị xã Bắc Ninh và 1/2 của Từ Sơn.
Nguồn nhân lực:
Ước tính 2005, dân số trong độ tuổi lao động chiếm 62,6% tổng dân số, tương đương với 624 nghìn người. Như vậy trong 5 năm 2001 – 2005, mức gia tăng dân số trong độ tuổi lao động tăng hàng năm khoảng 27,8 nghìn người với tốc độ bình quân 5,16%/năm. Nguồn nhân lực chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn. Nguồn nhân lực trẻ và chiếm tỷ trọng cao, một mặt là lợi thế cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, mặt khác, cũng tạo sức ép lên hệ thống giáo dục - đào tạo và giải quyết việc làm.
Chất lượng của nguồn nhân lực được thể hiện chủ yếu qua trình độ học vấn và đặc biệt là trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trình độ học vấn của nguồn nhân lực Bắc Ninh cao hơn so với mức trung bình của đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tuy chỉ còn 1,12% nguồn nhân lực mù chữ, 6,92% chưa tốt nghiệp tiểu học, 70,6% tốt nghiệp tiểu học và trung học cơ sở nhưng số tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ 21,36%.
Năm 2003, tỷ lệ lao động qua đào tạo công nhân kỹ thuật Bắc Ninh là 24,8%, trong đó số có bằng từ công nhân kỹ thuật trở lên chiếm 11,31%. Như vậy, chất lượng nguồn nhân lực Bắc Ninh cao hơn mức trung bình cả nước (20,99% và 11,83%), nhưng thấp hơn chỉ tiêu tương ứng của đồng bằng sông
Hồng (27,99% và 15,76%) và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (30,04% và 18,11%). Năm 2005, ước tính tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt mục tiêu của đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 đề ra (28%), tương đương với mức trung bình của đồng bằng sông Hồng năm 2003.
Trình độ phát triển nguồn nhân lực còn thể hiện qua trình độ phân công lao động theo nhóm ngành/ngành. Tổng số lao động đang làm việc 551,7 nghìn người (2003), trong đó khoảng 376,2 nghìn (68,2%) làm việc trong nhóm ngành nông, lâm, ngư nghiệp; 104,7 nghìn người (19%) làm việc trong nhóm công nghiệp - xây dựng và 70,7 nghìn người (12,8%) làm việc trong khu vực dịch vụ. Trình độ phân công lao động theo 3 nhóm ngành lớn của Bắc Ninh kém hơn so với mức trung bình của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (52,54%; 21,8% và 25,62%) và đồng bằng sông Hồng (56,9%; 20,4% và 22,8%) trong cùng năm 2003.
Mặc dù còn khó khăn về vốn cũng như đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm cho số người trong độ tuổi lao động tăng thêm hàng năm và số lao động còn thiếu việc làm, trong 4 năm 2001 – 2004, bình quân mỗi năm Bắc Ninh đã giải quyết được việc làm cho 14 nghìn lao động, tăng 27% so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh. Kết quả nói trên đã góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp (4,87% - 2003, thấp hơn so với mức trung bình của đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ), tăng hệ số sử dụng thời gian lao động nông thôn (78,76%, cao hơn so với đồng bằng sông Hồng là 78,25% - 2003), giảm tỷ lệ đói nghèo (theo chuẩn mới) còn 5,8% (2003) và ước đạt 3,5% (2005); đồng thời cải thiện một bước quan mức sống của dân.