4 Nội dung và phương pháp công tác của giáo viên chủ nhiệm với cha mẹ học sinh

Một phần của tài liệu một số biện pháp tăng cường quản lý của hiệu trưởng đối với hoạt động chủ nhiệm lớp trong các trường thpt tỉnh bắc ninh (Trang 29 - 33)

với cha mẹ học sinh

Gia đình là tế bào đầu tiên, tự nhiên của xã hội, là môi trường giáo dục đầu tiên của đứa trẻ. ảnh hưởng giáo dục của nó, - trước hết tập trung ở ảnh hưởng giáo dục của cha me, - có ý nghĩa sâu sắc đối với đứa trẻ không những khi chúng còn bé mà cả khi chúng trưởng thành. Vì vậy, giáo dục gia đình đã trở thành một bộ phận hữu cơ trong sự nghiệp giáo dục chung đối với các thế hệ đang lớn lên. Vấn đề là giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình như thế nào? Ai là người chủ trì sự kết hợp này? Thực tiễn cho thấy vai trò đó là thuộc về giáo viên chủ nhiệm.

Giáo viên chủ nhiệm trước hết cần làm cho các bậc cha mẹ học sinh nắm được mục đích giáo dục nói chung, mục tiêu từng cấp học nói riêng có liên quan

đến việc học của con cái họ. Đồng thời, cần giới thiệu cho họ biết những đặc điểm, kế hoạch và nội dung các hoạt động giáo dục của trường, của lớp - nơi con cái họ đang học. Trên cơ sở đó, giữa giáo viên chủ nhiệm và các bậc cha mẹ học sinh sẽ thống nhất những yêu cầu giáo dục và cùng phối hợp hoạt động nhằm góp phần tích cực vào việc nâng cao trình độ tư tưởng, chính trị, đạo đức, chất lượng học tập, lao động và chất lượng rèn luyện thể chất...của học sinh; đồng thời nhằm tạo nên những điều kiện để học sinh vui chơi, giải trí ở lớp và ở trường. Như vậy, mục đích và nội dung phối hợp giáo dục phục vụ việc giáo dục toàn diện học sinh.

Trong thực tiễn, việc phối hợp giáo dục giữa giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ học sinh có thể được tiến hành bằng nhiều hình thức. ở đây chúng ta bàn tới một số trong những hình thức đó:

Suốt quá trình giáo dục, giáo viên chủ nhiệm cần có kế hoạch định kỳ thông báo cho gia đình học sinh biết kết quả tu dưỡng, học tập, lao động...của con em họ qua sổ liên lạc gia đình. Trong sổ này, giáo viên chủ nhiệm cần ghi rõ các số điểm về các môn học, kết quả xếp loại về lao động, về đạo đức kèm theo những lời nhận xét, đánh giá toàn diện, phản ánh những tiến bộ, những khuyết nhược điểm cơ bản của từng học sinh và những kiến nghị cần thiết đối với gia đình. Điều quan trọng là nhận xét, đánh giá phải cụ thể, khách quan, tránh chung chung, hời hợt. Cha mẹ học sinh, sau khi xem sổ liên lạc, cần ghi rõ ý kiến của mình về những kết quả phấn đấu của con cái cũng như về nhận xét, đánh giá và kiến nghị của giáo viên chủ nhiệm. Bên cạnh đó, cha mẹ học sinh có thể thông báo thêm tình hình tu dưỡng học tập, lao động và sinh hoạt của con cái mình ở gia đình và nêu lên những kiến nghị nếu thấy cần thiết. Chính sự thông báo, trao đổi ý kiến qua lại như vậy giúp cho cả nhà trường, cả gia đình thường xuyên và kịp thời thu được những thông tin cần thiết về học sinh, để có thể không ngừng điều chỉnh và hoàn thiện những tác động sư phạm, điều chỉnh và hoàn thiện sự phối hợp giáo dục.

Để phối hợp giáo dục có hiệu quả hơn, bên cạnh hình thức thông báo qua lại về tình hình học sinh, giáo viên chủ nhiệm còn định kỳ tổ chức các cuộc họp cha mẹ học sinh (thường thường vào đầu năm học, và cuối học kỳ I đầu học kỳ II và vào cuối năm học). Có thể nói, đây là một hình thức tổ chức phối hợp tích cực.

Trong cuộc họp đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm thông báo cho cha mẹ học sinh biết kế hoạch năm học của trường, các đặc điểm và kế hoạch năm học của lớp, những hình thức và biện pháp phối hợp giáo dục giữa nhà trường và gia đình. Trên cơ sở đó, tổ chức thảo luận để cha mẹ học sinh góp ý kiến và đi đến chỗ thống nhất chương trình hoạt động. Trong cuộc họp cuối học kỳ I - đầu học kỳ II, giáo viên chủ nhiệm thông báo cho gia đình kết quả phấn đấu chung của trường, của lớp cũng như kết quả phấn đấu của từng học sinh riêng biệt; đồng thời thông báo kế hoạch công tác học kỳ II. Các bậc cha mẹ sẽ trao đổi ý kiến và thông báo thêm về tình hình con cái mình. Trong cuộc họp cuối năm học, trên cơ sở thông báo kết quả phấn đấu của trường, của lớp, của từng học sinh, các bậc cha mẹ và giáo viên chủ nhiệm trao đổi ý kiến để thống nhất đánh giá học sinh một cách toàn diện; đồng thời, trao đổi kinh nghiệm giáo dục con cái. Thực tiễn đã chứng tỏ rằng, qua các cuộc họp, giáo viên chủ nhiệm có nhiều điều kiện thuận lợi để tìm ra được những biện pháp giáo dục tốt, động viên được cha mẹ học sinh tích cực, nhiệt tình tham gia sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ và đồng thời giúp họ làm quen dần với khoa học giáo dục gia đình và vận dụng khoa học này ngày càng có hiệu quả. Song điều quan trọng là, giáo viên chủ nhiệm phải chuẩn bị các cuộc họp sao cho có nội dung phong phú, thiết thực, hấp dẫn và khi tiến hành các cuộc họp cần khéo léo, tế nhị, không xúc phạm đến nhân cách học sinh, đến danh dự của các bậc cha mẹ.

Một hình thức phối hợp giáo dục có tính phổ biến là kế hoạch đi thăm các gia đình học sinh của giáo viên chủ nhiệm. Trước khi đi thăm, cần xác định rõ: đi thăm nhằm mục đích gì, với yêu cầu và nội dung gì, với biện pháp ra sao? Đồng thời, phải báo cáo cho gia đình biết trước để tránh những tình huống khó

xử có thể xảy ra. Kinh nghiệm cho biết, việc đi thăm gia đình một cách có kế hoạch sẽ giúp cho giáo viên chủ nhiệm hiểu được cụ thể hoàn cảnh sống, lao động học tập của học sinh; hiểu được sự giáo dục của gia đình; cùng gia đình kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình giáo dục; và qua đó, tạo ra và củng cố được sự tin cậy lẫn nhau giữa hai bên. Nhờ vậy, hiệu quả giáo dục học sinh sẽ được nâng cao. Tuy nhiên, nếu giáo viên chủ nhiệm lạm dụng việc đi thăm gia đình học sinh hoặc khi đi thăm, có lời nói, thái độ, hành vi thiếu tế nhị...thì khó thiết lập được mối quan hệ tốt với cha mẹ học sinh và ngay với bản thân học sinh.

Bên cạnh hình thức thăm gia đình học sinh, trong những trường hợp cần thiết, giáo viên chủ nhiệm có thể mời cha mẹ học sinh đến trường để thông báo tình hình đặc biệt nào đó về con em họ (ví như học sinh vi phạm kỷ luật học tập, vi phạm đạo đức...một cách nghiêm trọng). Trên cơ sở này, cùng cha mẹ học sinh tìm ra và áp dụng những biện pháp giáo dục có hiệu quả.

Trong quá trình phối hợp giáo dục với gia đình học sinh, giáo viên chủ nhiệm còn có thể mời một số cha mẹ học sinh tham gia trực tiếp vào một số hoạt động tuỳ theo điều kiện và khả năng của họ, ví như: nếu họ là công nhân cơ khí, có thể mời họ đến dạy kỹ thuật công nghiệp; nếu họ đã kinh qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, có thể mời họ đến nói chuyện về những gương chiến đấu; nếu họ phụ trách những câu lạc bộ văn hoá, thể dục thể thao...có thể mời họ tham gia xây dựng và hướng dẫn những nhóm ngoại khoá có liên quan...

Cuối cùng, chúng ta có thể sẽ nói đến một hình thức tổ chức phối hợp giáo dục có tầm quan trọng đặc biệt là Hội cha mẹ học sinh. Đây là một tổ chức quần chúng của cha mẹ học sinh được thành lập với sự gợi ý và hỗ trợ của nhà trường, trong đó, các giáo viên chủ nhiệm có vai trò quan trọng. Hội cha mẹ học sinh có các chức năng:

a. Tổ chức phối hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường.

b. Tuyên truyền, phổ biến những hiểu biết phổ thông, cơ bản về khoa học giáo dục nói chung, khoa học giáo dục gia đình nói riêng với sự giúp đỡ của các

nhà khoa học; động viên, giáo dục các bậc cha mẹ và quần chúng nhân dân tham gia một cách có ý thức vào công việc giáo dục học sinh nói chung và con cái mình nói riêng

c. Động viên và tổ chức cha mẹ học sinh và quần chúng nhân dân tham gia đóng góp công sức, tiền của vào việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của nhà trường cũng như vào việc cải thiện đời sống cho giáo viên.

Hội cha mẹ học sinh thường được tổ chức chung cho toàn trường, trong đó, có các chi hội thường tương ứng với từng lớp. Vì vậy, giáo viên chủ nhiệm một mặt phối hợp trực tiếp với chi hội ở lớp mình để tổ chức các hoạt động giáo dục, đồng thời giúp đỡ chi hội tiến hành các công việc cần thiết.

Một phần của tài liệu một số biện pháp tăng cường quản lý của hiệu trưởng đối với hoạt động chủ nhiệm lớp trong các trường thpt tỉnh bắc ninh (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(116 trang)
w