Chủ thể thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Trợ giúp pháp lý cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (Trang 31 - 36)

1.4. Chủ thể của hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo

1.4.1. Chủ thể thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo

Chủ thể thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo gồm tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý.

1.4.1.1. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý

Trên thế giới, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý ở hầu hết các nước đều có hệ thống trợ giúp pháp lý của Nhà nước và các tổ chức trợ giúp pháp lý phi Chính phủ (trợ giúp pháp lý xã hội). Hệ thống trợ giúp pháp lý của Nhà nước được tổ chức từ Trung ương đến địa phương, có nhiệm vụ thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng nhất định mà chủ yếu là người nghèo. Ví dụ, ở Philippine là Văn phòng luật sư công (hiện nay là Cục luật sư công) - giữ vai trò nòng cốt, các Văn phòng khu vực, Văn phòng cấp quận và các Văn phòng cấp dưới trực thuộc, ngoài ra còn có Ủy ban trợ giúp pháp lý về đất đai thuộc Bộ Cải cách ruộng đất. Ở Canada và Hàn Quốc, tổ chức trợ giúp pháp lý được gọi là Cục trợ giúp pháp lý.

Song song với hệ thống trợ giúp pháp lý Nhà nước này là các tổ chức trợ giúp pháp lý phi Chính phủ và trợ giúp pháp lý của Luật sư tư. Ở Canada gồm tổ chức trợ giúp pháp lý cộng đồng, Hội trợ giúp pháp lý sinh viên, tổ chức trợ giúp pháp lý thổ dân… Các tổ chức phi Chính phủ này muốn thành lập và hoạt động cần gửi đơn xin cấp kinh phí và xin phép hoạt động đến Cục trợ giúp pháp lý. Sau khi xem xét, nếu đồng ý cho thành lập, Cục trợ giúp

pháp lý sẽ ký một bản thỏa thuận với người sáng lập ra tổ chức đó, trong đó nêu rõ việc phê duyệt thành lập tổ chức, phạm vi, thời gian hoạt động của tổ chức đó. Trong quá trình hoạt động, Cục trợ giúp pháp lý có thể đưa ra các hướng dẫn và tiêu chuẩn cụ thể để các tổ chức đó tuân theo. Nếu các tổ chức này không tuân thủ các hướng dẫn của Cục trợ giúp pháp lý thì Cục có thể ngừng cấp kinh phí hoặc giảm kinh phí hoạt động theo từng trường hợp. Ở Phillipine các tổ chức này gồm Trung tâm pháp luật Alterlaw, Hiệp hội Luật sư là tổ chức xã hội nhưng cũng thực hiện trợ giúp pháp lý. Ở Úc có các Trung tâm pháp lý cộng đồng, Trung tâm pháp trợ giúp pháp lý cho thổ dân… Đối với một số nước Bắc Âu (Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan), hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý thường gồm 2 hệ thống: Hệ thống thứ nhất hình thành từ các tổ chức tình nguyện của các tầng lớp Nhân dân lao động do các Luật sư chuyên về lao động thành lập để xử lý các vụ việc về hôn nhân, nhà ở và lao động; hệ thống thứ hai do Hiệp hội Luật sư thành lập để thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo [3, tr16-17].

Ở Việt Nam, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý nói chung và cho người nghèo nói riêng gồm Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý (Điều 13, Luật Trợ giúp pháp lý).

Theo đó, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập. Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp, có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng.

Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước được thành lập với chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý, giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, giải quyết các vướng mắc, tranh chấp pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm

công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật. Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước là lực lượng nòng cốt, đại diện cho Nhà nước trong hoạt động trợ giúp pháp lý.

Với đặc điểm là đơn vị sự nghiệp công lập, được cấp kinh phí, bảo đảm về cơ sở vật chất, phương tiện, cùng đội ngũ trợ giúp viên, cộng tác viên đông đảo, so với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước có nhiều ưu thế trong hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí và ngày càng khẳng định được vị trí của mình trong hoạt động này.

Về các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thì Luật Trợ giúp pháp lý đã quy định bao gồm tổ chức hành nghề luật sư và tổ chức tư vấn pháp luật thuộc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Trong đó tổ chức hành nghề luật sư là các Văn phòng luật sư, Công tư luật được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về luật sư. Tổ chức tư vấn pháp luật thuộc tổ chức chính trị - xã hôi, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp là các Trung tâm tư vấn pháp luật được thành lập theo Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật. Tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý phải đăng ký bằng văn bản về phạm vi, hình thức, lĩnh vực trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp nơi đã cấp giấy Chứng nhận đăng ký hoạt động.

Trong thời gian tới, với xu thế xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, các tổ chức hành nghề luật sư với các luật sư chuyên nghiệp, có khả năng, kỹ năng và nhiều kinh nghiệm trong hoạt động tranh tụng sẽ là tổ chức ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo đặc biệt là hoạt động tham gia tố tụng. Bên cạnh đó các tổ chức tư vấn pháp luật với nguồn lực xã hội mạnh mẽ là lực lượng giải quyết những nhu cầu tư vấn pháp luật nhỏ của người nghèo.

1.4.1.2. Người thực hiện trợ giúp pháp lý

Nhìn chung trên thế giới hoạt động trợ giúp pháp lý chủ yếu được thực hiện bởi đội ngũ luật sư chuyên nghiệp. Ngoài ra, một số nhóm người khác như sinh viên, cán bộ pháp luật Nhà nước, người có kiến thức pháp luật được thu hút khuyến khích làm trợ giúp pháp lý. Ở Hàn Quốc, có 3 nhóm người được thực hiện trợ giúp pháp lý: Luật sư do tổ chức trợ giúp pháp lý tuyển dụng; Ủy viên trợ giúp pháp lý do Cục trợ giúp pháp lý chỉ định luật sư làm ủy viên trợ giúp pháp lý để thực hiện các vụ việc đại điện, bào chữa khi các luật sư đều bận hoặc không có luật sư; Luật sư công là người được Bộ trưởng Tư pháp chỉ định thực hiện trợ giúp pháp lý nhưng không phải là luật sư mà chỉ là người có am hiểu về luật. Ở Canada, Dự luật về trợ giúp pháp lý cho phép những nhóm người sau thực hiện trợ giúp pháp lý: Các luật sư tư có sự thỏa thuận, cam kết với Cục trợ giúp pháp lý về việc đồng ý giúp đỡ pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý của Cục và nằm trong danh sách luật sư đã đăng ký của Cục; Người cung cấp dịch vụ không phải là luật sư và chỉ được cung cấp các dịch vụ giúp đỡ khác, không thuộc loại trợ giúp pháp lý; Thành viên của tổ chức trợ giúp pháp lý cộng đồng không nhất thiết là luật sư nhưng phải qua một khóa đào tạo đặc biệt do Cục trợ giúp pháp lý tổ chức; Sinh viên – người đang theo khóa học để được gia nhập Đoàn luật sư hoặc bất cứ khóa học pháp luật nào mà Hiệp hội luật sư tổ chức (Những người này được phép thực hiện trợ giúp pháp lý dưới dạng “Hội trợ giúp pháp lý sinh viên”. Hội này được thành lập theo yêu cầu của trưởng khoa luật và phải được Cục trợ giúp pháp lý phê chuẩn); Luật sư thường trực – luật sư được Cục trợ giúp pháp lý ký hợp đồng để thường trực tại Tòa và giúp đỡ pháp lý cho những người phải ra tòa mà chưa có luật sư. Những luật sư này có thể làm việc theo cơ chế kiêm nhiệm hoặc chuyên trách và được Cục trả thù lao theo cơ chế chung. Ở Philippine, người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm các luật sư

công, luật sư tư và các luật sư thuộc các tổ chức trợ giúp pháp lý phi Chính phủ. Nhìn chung những người này muốn thực hiện trợ giúp pháp lý đều phải có chứng chỉ luật sư. Bất kỳ người nào muốn làm việc với tư cách luật sư tư hay làm việc trong một cơ quan pháp luật của Chính phủ đều phải có bằng Đại học luật và qua kỳ thi tuyển để trở thành luật sư do Hiệp hội luật sư tổ chức. Sau khi đã được công nhận là luật sư, họ được tự lựa chọn cho mình trở thành luật sư tư hay làm việc cho một cơ quan pháp luật Nhà nước [3, tr18-19].

Ở Việt Nam, theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, người thực hiện trợ giúp pháp lý cũng phải là người có kiến thức pháp luật sâu rộng, cụ thể bao gồm: Trợ giúp viên pháp lý, Cộng tác viên, Luật sư và Tư vấn viên pháp luật (Điều 20, Luật Trợ giúp pháp lý).

Trợ giúp viên pháp lý theo quy định phải là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam và có đủ các tiêu chuẩn sau: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt; có bằng cử nhân luật; có Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; có thời gian làm công tác pháp luật từ hai năm trở lên; có sức khoẻ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trợ giúp viên pháp lý là viên chức Nhà nước, làm việc tại Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước, được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp thẻ Trợ giúp viên pháp lý theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp.

Cộng tác viên là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khoẻ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, tự nguyện tham gia trợ giúp pháp lý mà không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 20 của Luật Trợ giúp pháp lý thì được Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, công nhận và cấp thẻ cộng tác viên trong các trường hợp sau đây: Người có bằng cử nhân luật; người có bằng đại học khác làm việc trong các ngành, nghề có liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Người thường trú ở vùng có điều

kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi có bằng trung cấp luật hoặc có thời gian làm công tác pháp luật từ ba năm trở lên hoặc có kiến thức pháp luật và có uy tín trong cộng đồng; Luật sư, Tư vấn viên pháp luật.

Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về luật sư, tham gia trợ giúp pháp lý với tư cách cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý.

Tư vấn viên pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý theo sự phân công của tổ chức tư vấn pháp luật nơi họ làm việc, tham gia trợ giúp pháp lý với tư cách cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước.

Người thực hiện trợ giúp pháp lý có các quyền và nghĩa vụ sau: Thực hiện trợ giúp pháp lý; Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 45 của Luật Trợ giúp pháp lý và theo quy định của pháp luật về tố tụng; Được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý; Tuân thủ nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý; Tuân thủ nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý; Kịp thời báo cáo với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý những vấn đề phát sinh làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý.

Như vậy, mặc dù người thực hiện trợ giúp pháp lý có thể là người làm việc trong Nhà nước hoặc tổ chức khác nhưng điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất là có đủ khả năng, trình độ để thực hiện hoạt động này.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Trợ giúp pháp lý cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (Trang 31 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)