1.4. Chủ thể của hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo
1.4.2. Chủ thể là đối tượng của hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo
Chủ thể được trợ giúp pháp lý hay chủ thể là đối tượng của hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo là người nghèo.
Tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển xã hội, tổ chức tại Coopenhaghen – Đan Mạnh (1995) đã đưa ra một định nghĩa về người nghèo như sau: “Người nghèo là tất cả những ai mà thu nhập dưới 1USD/ngày, là số
tiền được coi như đủ để mua những sản phẩm thiết yếu để tồn tại”. Theo đó, Ngân hàng Thế giới đã từng đưa ra chỉ tiêu đánh giá mức độ giàu nghèo của các nước, dựa vào GDP hàng năm quy ra USD [48].
Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa nghèo theo thu nhập. Theo đó một người là nghèo khi thu nhập hàng năm ít hơn một nửa mức thu nhập bình quân trên đầu người hàng năm (Per Capita Incomme, PCI) của quốc gia [49].
Tuy nhiên, cách đánh giá theo GDP cũng chỉ mang tính chất tương đối và có hạn chế nhất định bởi vì không phải bất cứ nước nào có GDP cao là hết nghèo đói. Vì vậy ngày nay các nước trên thế giới nhất trí cho rằng, việc đánh giá mức sống của con người, việc bình xét các quốc gia thuộc loại nước giàu hay nước nghèo, phát triển hay đang phát triển là dựa vào chỉ số phát triển con người (HDI) – một tiêu chí tổng hợp gồm ba tiêu chí cơ bản là GDP bình quân đầu người trong năm, thành tựu y tế xã hội và trình độ văn hóa, giáo dục.
Dù có nhiều quan điểm khác nhau nhưng tựu chung lại, khái niệm đói nghèo phản ánh những khía cạnh cơ bản sau đây: Không được hoặc ít được thụ hưởng những nhu cầu cơ bản ở mức tối thiểu dành cho con người; Mức sống của người nghèo, hộ nghèo thấp hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư tại địa bàn sinh sống; Thiếu hoặc không có cơ hội lựa chọn để tham gia vào quá trình phát triển của cộng đồng.
Người nghèo là nhóm đối tượng yếu thế của xã hội, chịu ảnh hưởng trực tiếp và đầu tiên từ quá trình phát triển kinh tế, xã hội, quá trình biến đổi khí hậu… Người nghèo luôn mang tâm lý tự ti, dè dặt và là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, luôn sống trong tâm trạng bị gạt ra bên lề và không thuộc về xã hội. Họ nghĩ rằng mình ở vị trí thấp kém trong thang bậc xã hội, chẳng có quyền lực hay tiếng nói gì trong xã hội mà họ đang sống. Do quá vất cả với cuộc sống mưu sinh, người nghèo không có cái nhìn dài hạn mà luôn chọn thái độ sống vì cái hiện tại, các trước mắt, cái ăn cái mặc hàng ngày… Vì vậy,
tìm hiểu cuộc sống, đánh giá đúng về số lượng, mức độ nghèo sẽ giúp cho Nhà nước có những chủ trương, chính sách phù hợp để hỗ trợ người nghèo tự ổn định cuộc sống, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Ở Việt Nam, người nghèo là người thuộc hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật (Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý, Khoản 1, Điều 2, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP của Chính phủ).
Hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân đầu người từ 400.000 đồng/người/tháng (4.800.000 đồng/người/năm) trở xuống và hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân đầu người từ 500.000 đồng/người/tháng (6.000.000 đồng/người/năm) trở xuống (Điều 1, Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015). Hộ nghèo được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hộ nghèo (sổ hoặc giấy chứng nhận hộ nghèo) để họ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước nói chung và chính sách trợ giúp pháp lý nói riêng.