Đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội ở tỉnh Bắc Giang liên quan đến trợ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Trợ giúp pháp lý cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (Trang 52 - 57)

đến trợ giúp pháp lý cho ngƣời nghèo

2.1.1. Đặc điểm tự nhiên

Bắc Giang nằm ở toạ độ địa lý từ 21007’ đến 21037’ vĩ độ bắc; từ 105053’ đến 107002’ kinh độ đông; là một tỉnh miền núi nằm chuyển tiếp giữa các tỉnh phía Đông Bắc với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội. Phía Nam giáp các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, phía Bắc giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ninh; phía Tây giáp Thủ đô Hà Nội và tỉnh Thái Nguyên. Đơn vị hành chính gồm 09 huyện, 01 thành phố, trong đó có 06 huyện miền núi và 01 huyện vùng cao (Sơn Động), với 230 xã, phường, thị trấn. Trong đó có 181 xã, thị trấn miền núi (khu vực I: 96, khu vực II: 55, khu vực III: 30); 44 xã, thị trấn vùng cao (Sơn Động: 23, Lục Ngạn: 12, Lục Nam: 4, Yên Thế: 5); 85 xã, thị trấn vùng khó khăn theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ (Sơn Động: 21, Lục Ngạn: 23, Lục Nam: 23, Yên Thế: 13, Lạng Giang: 3, Yên Dũng: 2). Vị trí của tỉnh nằm trên hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cạnh tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc (Hà Nội-Hải Phòng- Quảng Ninh) rất thuận lợi cho việc phát triển và liên kết vùng. Thành phố Bắc Giang (thủ phủ của tỉnh) cách Thủ đô Hà Nội 50km; cách cửa khẩu Hữu Nghị Quan sang Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa 110 km; cách sân bay quốc tế Nội Bài 50 km; cách cảng biển Hải Phòng và cảng biển nước sâu Cái Lân-Quảng Ninh 130 km. Từ đây có thể dễ dàng thông thương với các nước trong khu

Những đặc điểm do điều kiện tự nhiên mang lại có tác động nhất định đến sự phát triển kinh - tế xã hội và đến hoạt động trợ giúp pháp lý nói chung và cho người nghèo nói riêng. Sự tác động này được thể hiện ở một số phương diện sau:

Thứ nhất, là một tỉnh miền núi, địa hình bị chia cắt mạnh, phức tạp, chênh lệch về độ cao lớn nên nhiều vùng hiểm trở, nhiều nơi đường giao thông đi lại rất khó khăn, người nghèo sống tập trung ở những vùng đó mà trong khi các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý lại chủ yếu ở thành phố nên việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ pháp lý của người nghèo còn hạn chế. Do đó nhu cầu trợ giúp pháp lý của Nhân dân và người nghèo, đặc biệt tại các vùng khó khăn là rất lớn.

Thứ hai, nằm trên hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cạnh tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc (Hà Nội-Hải Phòng- Quảng Ninh), lại có mạng lưới giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường sắt phát triển, việc thông thương kinh tế của Bắc Giang với các tỉnh, thành khác có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, vị trí địa lý này cũng liên quan nhất định đến hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo trên địa bàn bởi kinh tế càng phát triển thì khoảng cách giàu nghèo và các tệ nạn xã hội xảy ra ngày càng nhiều và phức tạp, mà xã hội càng phức tạp thì các tranh chấp, kiện tụng xảy ra ngày càng nhiều, các vụ án hình sự cũng có sự gia tăng, do đó nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng nhiều.

2.1.2. Tình hình kinh tế xã hội

Bắc Giang là một tỉnh miền núi nhưng có cả vùng trung du, đồng bằng xen kẽ. Lợi thế kinh tế của tỉnh là nông, lâm nghiệp, thương mại, dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Nông, lâm nghiệp đang có sự chuyển dịch cơ cấu một cách tích cực. Tiến bộ khoa học kỹ thuật không ngừng được ứng dụng, nhất là việc đưa giống mới, phương pháp canh tác mới. Tốc độ tăng tỷ

trọng nông sản hàng hoá mỗi năm đều tăng. Những cây trồng có giá trị kinh tế cao đã được phát triển, mở rộng ngày một nhanh hơn. Chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp tiếp tục có những bước phát triển rất khả quan. Dịch vụ nông nghiệp không ngừng phát triển đến tận các thôn bản, xóm làng vùng cao, hẻo lánh. Thương mại dịch vụ phát triển nhanh trong nền kinh tế thị trường, nhiều chợ nông thôn đã được khôi phục, mở rộng hoặc nhanh chóng hình thành. Các thị trấn, thị tứ ngày càng sầm uất thêm. Công nghiệp là ngành kinh tế có nhiều tiềm năng của tỉnh. Khu công nghiệp Đình Trám rộng hơn 100ha đã được các nhà đầu tư vào gần kín, ngoài ra còn gần 10 cụm công nghiệp tại các huyện đã và đang đi vào hoạt động hoặc đang thiết kế quy hoạch hoàn chỉnh. Tính tháng 12 năm 2014, Bắc Giang có 4.422 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng khoảng hơn 65.000 lao động [35]. Các làng nghề truyền thống ngày càng được khôi phục và phát triển như: mây tre đan Tăng Tiến, tơ tằm Song Mai, bún Đa Mai, rượu làng Vân, mì Chũ, bánh đa Kế…

Về điều kiện xã hội: Hiện Bắc Giang có dân số hơn 1.569,5 triệu người, có trên 20 dân tộc. Theo chuẩn nghèo toàn t ỉnh Bắc Giang có 38.386 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,88%; 21.490 gia đình liệt sỹ, 10.790 thương binh, 24 bà mẹ Việt nam anh hùng, 205 gia đình có công với cách mạng và hàng nghìn người bị nhiễm chất độc hoá học do chiến tranh để lại. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động có 1.021 nghìn người, chiếm 70,7%, đây là tiềm năng và lợi thế của tỉnh [35]. Cơ cấu nhân lực theo trình độ chuyên môn kỹ thuật chuyển dịch theo hướng tích cực phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội, tỷ trọng người lao động chưa qua đào tạo trong thành phần lao động tham gia các ngành kinh tế quốc dân giảm dần, người lao động qua đào tạo các trình độ và đặc biệt là người lao động có trình độ từ đại học trở lên tăng cao với tốc độ tương đối nhanh. Bắc Giang được đánh giá là địa phương có hoạt động giáo dục phát triển vào loại khá trong cả nước. Nằm trong vùng Kinh Bắc giàu

truyền thống văn hoá, Bắc Giang được đánh giá là địa danh có nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Hai di sản hát Quan họ và Ca trù trên địa bàn đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá Thế giới. Có 341 điểm di tích văn hoá được xếp hạng như: khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám, chùa Đức La, chùa Bổ Đà, khu di tích Đình chùa Tiên Lục và cây Dã Hương ngàn năm tuổi, v.v. những điểm này rất hấp dẫn khách tham quan và nghiên cứu. Hàng năm có hàng trăm lễ hội dân gian diễn ra trên địa bàn, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Con người Bắc Giang hiền hậu, mến khách, trọng nghĩa tình, luôn khát khao phát triển [35].

Có thể nói, kinh tế là yếu tố thuộc về cơ sở hạ tầng. Trong mối quan hệ với kiến trúc thượng tầng, kinh tế luôn giữ vai trò quyết định. Nằm trong mối quan hệ đó, các yếu tố thuộc về điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương cũng luôn có sự tác động qua lại và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo. Sự ảnh hưởng đó thể hiện ở chỗ: trình độ, quy mô phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ tác động, quyết định đến trình độ, quy mô của hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo. Những thành tựu kinh tế mà tỉnh đã đạt được sẽ tạo ra các tiền đề vật chất cần thiết (phương tiện kỹ thuật, kinh phí...) để phục vụ tốt hơn cho hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo trên địa bàn tỉnh. Song với những thành tựu về kinh tế đó lại dẫn đến tình trạng phân hóa giầu nghèo, chênh lệch vùng miền ngày càng rõ rệt, đặc biệt nó không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế mà còn ở các lĩnh vực về xã hội khác. Trong hoàn cảnh đó, vai trò của hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo càng được coi trọng nhưng cũng có những khó khăn nhất định. Để nâng cao được vai trò của mình cũng như giải quyết khó khăn này, đòi hỏi hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo trên địa bàn tỉnh phải có những biện pháp tích cực để nâng cao hiệu quả, giúp người nghèo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật, trên cơ sở

đó giúp họ ứng xử phù hợp với pháp luật, góp phần đảm bảo công bằng xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

2.1.3. Khái quát về người nghèo ở tỉnh Bắc Giang

Bắc Giang có 10 đơn vị hành chính gồm 9 huyện và 01 thành phố, hoạt động kinh tế với nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó có hơn 60% dân số sống bằng nông nghiệp. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2014, tăng trưởng kinh tế bình quân của Bắc Giang hàng năm đạt 9%/năm, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 1300USD/người [44]. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại lượng hộ nghèo, sự phân hóa giàu nghèo giữa các hộ, các vùng khá lớn.

Theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015, tính đến tháng 12/2014, toàn tỉnh Bắc Giang có 38.386 hộ nghèo trên 432.275 hộ dân, chiếm 8,88% số hộ trong toàn tỉnh [43]. Tuy nhiên mức thu nhập theo chuẩn giai đoạn này so với điều kiện sống hiện nay thì chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu, không đủ tích lũy mở rộng sản xuất, phòng ngừa biến cố vì vậy nguy cơ tái nghèo còn cao.

Theo kết quả điều tra của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang tại Báo cáo giảm nghèo năm 2014 [43], nguyên nhân nghèo đói của các hộ nghèo là do 03 nguyên nhân chính sau: thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, thiếu kinh nghiệm làm ăn…, trong đó nguyên nhân thiếu vốn chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Việc nghèo về vật chất thường dẫn đến tình trạng người nghèo cảm thấy tự ti, hạn chế khả năng tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm do đó việc trợ giúp pháp lý cho người nghèo là cần thiết.

Cũng theo Báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang thì đa số người nghèo (90%) lại sinh sống ở vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, điều kiện cơ sở hạ tầng và sinh hoạt văn hóa tinh thần thấp kém, giao thông đi lại khó khăn. Mức

thu nhập của họ rất thấp, chủ yếu từ lao động thô sơ và nông nghiệp, kết quả khai thác nguồn lực (đất đai, tài nguyên thiên nhiên, vốn, giống cây trồng, vật nuôi, phân bón…) hạn chế, trình độ tay nghề thấp, việc làm thiếu hoặc không ổn định. Nhiều vùng người dân Bắc Giang còn không có cơ hội hoặc năng lực để tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ sản xuất của Nhà nước như khuyến nông, khuyến ngư, bảo vệ động, thực vật; phần lớn hộ nghèo lại đông con nên cuộc sống bấp bênh và dễ bị tổn thương bởi bệnh tật, thiên tai (bão, lũ lụt…). Từ chỗ nghèo đói về vật chất dẫn đến sự thua kém về địa vị xã hội, bất bình đẳng, thiệt thòi trong việc tiếp cận và hưởng lợi từ các nguồn lực xã hội. Người nghèo cũng không có điều kiện tiếp cận với pháp luật, các dịch vụ pháp lý có thu phí của luật sư để giải quyết những vướng mắc, tranh chấp pháp luật nên họ thường phải “hứng chịu” những thua thiệt trong kiện tụng, đã nghèo lại càng nghèo hơn. Do đó, nhu cầu được trợ giúp pháp lý cho người nghèo ở Bắc Giang là rất lớn và cần thiết.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Trợ giúp pháp lý cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (Trang 52 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)