- Từ phía khách hàng
• Nhu cầu tiêu dùng của khách hàng
Các sản phẩm CVTD của ngân “hàng chủ yếu là nhằm tài trợ cho nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng, bao gồm cá nhân và hộ gia đình, những sản phẩm mang tính dịch vụ nên nhu cầu của khách hàng chính là yếu tố quyết định các hình thức CVTD của ngân hàng. Xuất phát từ những nhu cầu đó mà ngân hàng xây dựng chiến lược, đưa ra các sản phẩm tiêu dùng nhằm thỏa mãn một cách tốt nhất các nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên trong từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển mà nhu cầu về các sản phẩm tiêu dùng của khách hàng sẽ có những thay đổi và ngân hàng cần phải xác định được sự thay đổi nhu cầu đó để đưa ra các sản phẩm, dịch vụ phù hợp ở thời điểm hiện tại và đón đầu được trong tương lai. Nếu phát hiện các nhu cầu một cách chậm chạp sẽ khiến ngân hàng bỏ lỡ cơ hội kinh doanh và có thể đưa ra các sản phẩm lỗi thời không còn phù hợp với nhu cầu hiện tại. Trong khi đó nếu ngân hàng đưa ra thị trường các sản phẩm mới nhưng người tiêu dùng chưa có nhu cầu sử dụng thì sản phẩm đó sẽ không được tiêu thụ và nó sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng.
• Khả năng tài chính của khách hàng
Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu vay tiêu dùng và khả năng trả nợ của khách hàng. Do vậy, xem xét mức thu nhập của người tiêu dùng có vai trò quan trọng trong quyết định cho vay của các ngân hàng. Các khoản CVTD có độ an toàn cao khi người tiêu dùng có thu nhập cao và ổn định. Bên cạnh đó, với những người có thu nhập cao và ổn định, họ sẽ có ý thức cao trong việc thanh toán nợ cho ngân hàng để tránh những rắc rỗi về mặt pháp lý có thể ảnh hưởng đến công việc của họ. Ngược lại, với những cá nhân hay hộ gia đình có thu nhập hay không ổn định thì việc thanh toán khoản vay cho ngân hàng có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động chi tiêu khác trong gia đình và người tiêu dùng không thể xác định khi nào thì họ có thu nhập, nó có thể không trùng khớp với thời điểm mà ngân hàng thu nợ, do vậy mà ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong thu nợ. Tuy nhiên, trong thực tế thu nhập của người tiêu dùng là yếu tố có tính biến động cao, có thể tại thời điểm ký hợp đồng thì thu nhập cao và ổn định nhưng vì một yếu tố khó có thể tránh khỏi như: ốm đau, bệnh tật, tai nạn… của người chính khách hàng hay của người thân cũng làm thay đổi tính ổn định về thu nhập của khách hàng một cách nhanh chóng. Ngân hàng có thể hạn chế bằng cách mở rộng quy mô khách hàng, trên cơ sở lấy số đông bù số ít.
• Tư cách của khách hàng
CVTD tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó tư cách của khách hàng có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi trả nợ của họ. Để ngân hàng có thể chấp nhận cho vay, khách hàng cần có tư cách đạo đức tốt, có tình hình tài chính vững vàng, có thu nhập sẽ sẵn sàng hoàn trả các khoản vốn vay của ngân hàng khi đến hạn, qua đó phải đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng tín dụng. Tuy nhiên, điều này không phải dễ thực hiện nhất là trong CVTD vì khách hàng đến với ngân hàng thường là lần đầu. Nếu người vay thực sự có thu nhập ổn định, tài sản thế chấp có giá trị cao nhưng khách hàng không có ý định trả nợ ngân hàng, sử dụng vốn sai mục đích hay nghiêm trọng hơn là cố tình lừa đảo thì vẫn tồn tại những rủi ro khá cao về phía ngân hàng. Do vậy, đòi hỏi cán bộ ngân hàng phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khả năng
phán đoán, đồng thời phải có phẩm chất đạo đức tốt để đánh giá được một cách khách quan và đúng đắn.
- Các yếu tố từ môi trường bên ngoài
• Chính sách kinh tế của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước
Các chính sách của Chính phủ với mục tiêu phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ thất nghiệp… có ảnh hưởng rất lớn đến CVTD của các ngân hàng. Khi các chính sách của Chính phủ đưa ra được thực hiện thành công, nền kinh tế có sự tăng trưởng, đời sống người dân được cải thiện, xã hội phát triển, nhu cầu tiêu dùng và trình độ dân trí cũng phát triển theo hướng có lợi cho việc mở rộng CVTD của các ngân hàng.
Các quy định, chính sách của Ngân hàng Nhà nước có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến CVTD, nó có thể khuyến khích hoặc hạn chế hoạt động cho vay nói chung và CVTD nói riêng. Trong một thời kỳ nhất định, dựa trên tình hình kinh tế xã hội, dự báo xu hướng phát triển của nền kinh tế trong giai đoạn tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước có những chính sách khác nhau sao cho phù hợp với mục tiêu đã đưa ra.
• Thị trường CVTD
Thị trường CVTD tổng hợp từ rất nhiều yếu tố, bao gồm các yếu tố liên quan đến dân số, sự phát triển kinh tế, các yếu tố xã hội và các yếu tố khác… Mỗi yếu tố khác nhau sẽ có tác động khác nhau tới CVTD của các Ngân hàng thương mại.
Quy mô dân số, kết cấu dân số, trình độ dân trí ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi quan hệ cho vay giữa ngân hàng và khách hàng. Thực tế cho thấy, tại các khu vực tập trung đông dân cư có trình độ dân trí cao, có công việc ổn định, thu nhập cao thì nhu cầu vay tiêu dùng là rất lớn. Còn tại các vùng nông thôn tập chung nhiều lao động chân tay, trình độ dân trí cũng như mức sống còn thấp thì họ chỉ làm việc để đảm bảo cuộc sống hằng ngày, ít khi nghĩ đến việc vay ngân hàng để phục vụ mục đích tiêu dùng, mua sắm các vật dụng trong gia đình. Vì thế, CVTD tại đây rất khó mở rộng.
Sự phát triển của nền kinh tế cũng ảnh hưởng lớn đến CVTD. Khi nền kinh tế ổn định, tốc độ tăng trưởng cao, các chỉ số lạm phát, giá cả được kiểm soát sẽ tạo nhiều việc làm, thu nhập bình quân đầu người nâng lên, xu hướng tiêu dùng vì thế cũng tăng lên. Do đó, nhu cầu để vay tiêu dùng tăng lên nhanh chóng vì họ tin tưởng rằng với sự phát triển ổn định của nền kinh tế như vậy thì thu nhập của họ trong tương lai sẽ đủ để trang trải cho các khoản vay này. Đây là cơ hội để CVTD của các Ngân hàng thương mại phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, khi nền kinh tế trong tình trạng kém ổn định, lạm phát tăng cao thì các ngân hàng cũng không thể mở rộng CVTD do tâm lý mất tin tưởng vào nền kinh tế của người dân làm hạn chế tiêu dùng, gia tăng tiết kiệm. Bên cạnh đó, trong giai đoạn nền kinh tế bất ổn bản thân ngân hàng phải thắt chặt cho vay để đảm bảo an toàn vốn.
Yếu tố xã hội cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhu cầu, thói quen tiêu dùng của người dân từ đó tác động đến CVTD của ngân hàng. Yếu tố xã hội bao gồm các yếu tố như: phong tục tập quán, trình độ dân trí, tín ngưỡng, các quan niệm xã hội…
• Môi trường chính trị pháp luật
Sự ổn định của môi trường chính trị có ảnh hưởng rất rõ nét đối với hoạt động của các NH thương mại bởi một quốc gia có nền chính trị ổn định sẽ thu hút các nguồn đầu tư từ nhiều hướng khác nhau, kinh tế phát triển bền vững, chất lượng cuộc sống của người dân được đảm bảo.
Bên cạnh sự ổn định về chính trị thì một hệ thống pháp luật chặt chẽ, quy định phạm vi hoạt động của các cá nhân cũng như các thành phần kinh tế trong xã hội một cách rõ ràng cũng góp phần mở rộng CVTD. Do đó, các văn bản, quy định pháp luật được xây dựng một cách chặt chẽ, đồng bộ sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng cũng như hạn chế được những vướng mắc không cần thiết giữa ngân hàng và khách hàng trong quan hệ vay mượn. Nếu hệ thống pháp luật nói chung và các quy định về CVTD nói riêng thể hiện sự đầy đủ, cụ thể và rõ ràng sẽ hấp dẫn nhiều khách hàng tìm đến ngân hàng hơn do quyền lợi của họ được bảo vệ, đồng thời khuyến khích các ngân hàng tập chung nhiều hơn vào lĩnh vực CVTD. Ngược lại, khi các quy định còn mang tính chung chung, không cụ thể rõ ràng sẽ tạo ra khe hở dẫn đến rủi ro cho cả khách hàng và ngân
hàng. Các chủ trương chính sách của Nhà nước đặc biệt là các chính sách và chương trình liên quan đến kinh tế có ảnh hưởng đến định hướng hoạt động của ngân hàng.