6. Bố cục của luận văn
2.1 Giới thiệu khái quát về xã Lát
Xã Lát thuộc huyện Lạc Dương giáp với thành phố Đà Lạt; tổng diện tích tự nhiên 25.174,98 ha, chiếm 19,23% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện; mức độ che phủ của rừng lớn, khoảng 85% rừng gần như nguyên sơ, thuộc diện rừng đặc dụng và phòng hộ đầu nguồn của Nhà máy thủy điện Đa Nhim, Suối Vàng và Trị An. Dân số 4.450 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc bản địa gốc Tây Nguyên, chiếm 87% dân số toàn xã [4]. Đây là một địa phương với những tài nguyên tự nhiên còn tương đối hoang sơ như núi Langbiang, vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà, hồ Đan Kia - Suối Vàng, thác Ankroet, hồ thủy điện Đạ Dâng, Đạ Chomo,..đáp ứng nhiều loại hình du lịch: du lịch xanh, du lịch sinh thái, dã ngoại, du lịch kết hợp với nghiên cứu khoa học, du lịch kết hợp với thể thao như leo núi, dù lượn, cưỡi ngựa không yên,… Tài nguyên văn hóa còn đậm bản sắc của các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là các phong tục tín ngưỡng bản địa, sinh hoạt, các hoạt động biểu diễn giao lưu văn hoá cồng chiêng, lễ hội đâm trâu, cúng cơm mới,… cùng với các nghề thủ công dệt thổ cẩm, ủ rượu cần, đan chiếu… và các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc như cồng, chiêng, đàn ống tre, khèn bầu ống sáo,.. đã thu hút khách đến xã Lát ngày càng đông.
Xã Lát thuộc tiểu vùng khí hậu ôn đới với độ cao bình quân 1.500m so với mặt biển, nhiệt độ trung bình hằng năm khoảng 18 độ C, biên độ nhiệt trung bình các tháng khoảng 3,9 độ C, biên độ nhiệt giữa ban ngày và đêm 9 độ C [6].
Nhận thức được những tiềm năng to lớn của du lịch trên địa bàn, một số công ty chuyên kinh doanh về du lịch trong và ngoài nước đã đến xã Lát huyện Lạc Dương. Họ đặt rất nhiều kỳ vọng ở vùng đất này.
Năm 1996, công ty Du lịch Lâm Đồng và 2 tập đoàn của Singapore (gồm Đà Lạt - ĐanKia Holding PTE., LTD và DD Managerment Services PTE.,LTD) lập dự án kinh doanh khu du lịch Đà Lạt - ĐanKia. Dự án này có số vốn 706 triệu USD, tổng thể được phát triển trên diện tích 4,913 ha. Dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép số 2031/GP ngày 26/1/1998. Tuy nhiên, do "Cơn bão tài chính"
thổi vào các nước ASEAN và các nước công nghiệp mới (NICS) năm 1997, cộng với một vài lý do khác nên đến nay dự án vẫn chưa được triển khai.
Cũng từ năm 1994, Công ty Du lịch Thanh niên Xung phong TP. HCM (VYC), được sự đồng ý của UBND tỉnh, đã lập dự án đầu tư phát triển khu Du lịch Langbiang, góp phần phục hồi và bảo tồn di sản văn hóa của các dân tộc bản địa, đầu tư tôn tạo cảnh quan. Cuối năm 1999, VYC đã chính thức bàn giao cho Công ty Du lịch Lâm Đồng tiếp quản và khai thác khu du lịch.
Có thể nói khí hậu tiểu vùng này quanh năm ôn hòa, mát mẻ và phong cảnh thiên nhiên tuyệt hảo, là một địa bàn có tiềm năng rất lớn về du lịch. Theo đánh giá của ngành Du lịch Lâm Đồng: “khoảng 50% du khách đến Đà Lạt đều có nguyện
vọng đến với xã Lát, đặc biệt là được tham gia vào hoạt động giao lưu với dân tộc bản địa” Đến nơi đây, du khách sẽ được thưởng thức những nét âm vang của núi
rừng qua đêm lễ hội cồng chiêng, qua các điệu múa cùng những lời ca mang âm hưởng của núi rừng Tây Nguyên. Thưởng rượu cần, thịt rừng nướng trong lễ hội ăn trâu, lễ hội mừng mùa lúa mới,… và chiêm ngưỡng những đồi thông bạt ngàn, những trang trại trồng rau, hoa quả, hoặc ngắm nhìn hồ Suối Vàng, suối Bạc lấp loáng dưới ánh mặt trời hay đi thăm vườn quốc gia Bidup. Xã Lát còn là nơi tạo ra những tấm thổ cẩm với hoa văn độc đáo tinh tế, mà du khách thích mua để làm kỷ niệm cho chuyến dừng chân. Độc đáo hơn là ở đây có loại nhạc cụ khèn Mbướt (Khèn bầu sáu ống) với âm thanh réo rắt càng làm cho du khách thích thú không muốn rời xa. Lựa chọn phát triển du lịch dựa vào cộng đồng là hướng đi đúng đắn cho hoạt động du lịch tại đây.