Một số chỉ tiêu trong chăn nuôi lợn đực giống của hộ điều tra

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển chăn nuôi lợn giống trên địa bàn huyện sóc sơn, thành phố hà nội (Trang 77 - 80)

Diễn giải ĐVT Số lượng Tỷ lệ (%)

Số hộ điều tra Hộ 15 1. Đàn đực giống Con 33 Phân loại: - Lợn nội Con 0 0 - Lợn ngoại Con 13 39,39 - Lợn lai Con 20 60,61 2. Trọng lượng BQ - Lợn ngoại Kg 137 - Lợn lai Kg 96

3. Thời gian sử dụng Năm 4,8

4. Tần suất khai thác tinh (phối giống trực tiếp) Lần/tuần 4,3

5. Tỷ lệ phối giống thành công % 82,38

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu điều tra (2016) Số liệu bảng 4.6 cho thấy một số chỉ tiêu trong chăn nuôi lợn đực giống của các hộ điều tra, cụ thể:

- Với tổng số 15 hộ chăn nuôi lợn đực giống ở 3 xã được chọn nghiên cứu có tổng số đực giống là 33 con, bình quân mỗi hộ 2,2 đực giống/hộ. Trong tổng số 33 lợn đực giống thì tất cả đều là lợn đực giống ngoại và giống lai, không có đực giống nội: có 20 con đực giống lai, chiếm tỷ lệ 60,61% và 13 con lợn đực giống ngoại, chiếm tỷ lệ 39,39%;

- Trọng lượng bình quân của lợn đực giống ngoại là 137 kg/con và của lợn đực giống lai là 96 kg/con;

- Thời gian sử dụng lợn trong công tác phối giống bình quân là 4,8 năm. Với thời gian sử dụng thực tế này của các hộ, hiện đang cao hơn mức bình quân cho phép trong công tác sử dụng lợn đực giống: với lợn đực lai thường chỉ sử dụng trong 3 – 4 năm, với đực ngoại thường chỉ sử dụng trong 2 – 3 năm với điều kiện kỹ thuật tuyển chọn, chăm sóc, nuôi dưỡng tốt. Không nên sử dụng đực giống quá lâu vì nó sẽ làm giảm khả năng cải tạo đời sau, dễ gây nên hiện tượng

đồng huyết gần. Còn với kinh nghiệm sử dụng lợn đực giống của các nước phát triển, thì việc sử dụng lợn đực giống chỉ trong thời gian từ 1,5 – 2 năm, nên sử dụng đực giống trẻ để nâng cao sức cải tạo giống.

- Tần suất khai thác tinh phối giống trực tiếp trung bình của lợn đực giống ở các hộ điều tra là 4,3 lần/tuần. Thực tế cho thấy, khoảng cách giữa các lần phối giống của đực giống phụ thuộc rất nhiều vào tuổi, chế độ dinh dưỡng, những điều kiện thực tế tại hộ chăn nuôi. Thông thường, nếu việc nuôi đực giống được thực hiện theo đúng quy trình thì năm đầu tiên đực giống cho khả năng phối giống cao nhất và chất lượng cũng tốt hơn so với đực giống ở giai đoạn mới bắt đầu làm việc và đực giống nhiều tuổi/già. Kết quả khảo sát hộ chăn nuôi đực giống cho biết, tỷ lệ phối giống thành công trong lần phối giống đầu tiên đạt 82,38%.

Công tác quản lý đực giống của hộ chăn nuôi: công tác quản lý đực giống có vai trò quan trọng trong việc phát triển và lai tạo giống của đàn lợn ở mỗi địa phương. Nếu việc quản lý đực giống không tốt thì nguy cơ bị cận huyết hoặc đồng huyết rất dễ xẩy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng đến kết quả chăn nuôi của những hộ chăn nuôi nái sinh sản nói riêng và đàn lợn trên địa bàn huyện nói chung. Thực tế công tác quản lý đực giống trên địa bàn huyện Sóc Sơn chưa nhận được sự quan tâm của cán bộ chuyên môn địa phương và nhận thức của người chăn nuôi về vai trò của đực giống còn có phần hạn chế; việc mở sổ ghi chép lý lịch con giống: nguồn gốc, chỉ tiêu sinh trưởng, tăng trọng, chỉ tiêu sinh sản, việc theo dõi tiêm phòng chưa được người chăn nuôi thực hiện; hầu hết người chăn nuôi không mở sổ theo dõi phối giống với các thông tin cơ bản như ngày phối giống cho nái và kết quả của những lần phối giống... Tất cả được người chăn nuôi thực hiện dựa trên kinh nghiệm của bản thân là chính.

b. Công tác phối giống cho đàn lợn nái

Kết quả điều tra trên địa bàn cho thấy, các hộ chăn nuôi hiện nay chủ yếu tập trung nuôi lợn nái của các dòng nái ngoại và nái lai, nái nội hiện chỉ được nuôi ở một số ít hộ chăn nuôi. Các giống nái nội trên địa bàn chủ yếu là lợn nái Lang Hồng và lợn Móng Cái, các giống nái ngoại chủ yếu là giống lợn Yorkshire thuần hoặc con lai giữa Yorkshire và Landrace, con lai F1 giữa các giống ngoại thuần và giống nội. Các giống nái ngoại hoặc nái lai thường có ưu điểm: đẻ sai con, nuôi con khéo, tuổi sử dụng kéo dài, khả năng tiết sữa cao và có khả năng thích nghi, chịu đứng tốt với thời tiết khí hậu ở địa phương. Nái hậu bị khi được

7 – 8 tháng tuổi thường có trọng lượng từ 80 – 100 kg.

Thời điểm phối giống có ý nghĩa quan trọng quyết định đến số con đẻ/lứa. Khi lợn nái động dục lần đầu thường được các hộ bỏ qua vì khi đó cơ thể lợn nái phá triển chưa hoàn thiện, số lượng trứng rụng ít, nếu lấy giống ngay ở lần đầu này thì số lượng con sinh ra sẽ ít, không hiệu quả; đến chu kỳ sau lấy giống bằng nhảy trực tiếp để lợn nái lứa so/lứa đầu được kích thích tự nhiên, dễ sai con. Chu kỳ động dục của lợn là 21 ngày, thời gian động dục của lợn nái biến động từ 3 – 5 ngày. Thời điểm phối giống thích hợp nhất cho lợn nái thường là vào cuối ngày thứ 4, thời điểm này có thể thay đổi tùy từng con nên yêu cầu hộ chăn nuôi cần phải quan sát biểu hiện của lợn lên giống. Nếu âm hộ từ chỗ sưng đỏ chuyển sang héo dần, có nếp nhăn và dịch nhờn tiết ra thì đó là thời điểm phối giống tốt nhất và nên phối giống vào lúc sáng sớm hay chiều mát, có thể phối 2 lần (sáng – chiều hoặc ngược lại).

Thực tế công tác phối giống cho đàn lợn nái của các hộ hiện nay cho thấy, 100% các hộ chăn nuôi lợn nái đều thực hiện thụ tinh phối giống trực tiếp cho lợn nái. Và các kỹ thuật liên quan đến việc theo dõi chu kỳ động dục, xác định thời điểm phối giống đều được hộ chăn nuôi thực hiện dựa trên kinh nghiệm của cá nhân là chính, chưa có sự ghi chép theo dõi để xác định chính xác ngày động dục, thời điểm phối giống cho đàn lợn nái để đạt hiệu quả phối giống cao nhất. Do đó, hiệu quả phối giống lần đầu chưa cao, vẫn còn có những trường hợp phải thực hiện phối giống lại cho đàn nái đến lần thứ 2 – thứ 3 mới đạt kết quả.

Số liệu bảng 4.7 cho thấy một số chỉ tiêu trong công tác phối giống cho đàn lợn nái của hộ điều tra, cụ thể:

- Tổng đàn lợn nái nghiên cứu khảo sát ở 96 hộ ở 3 xã là 2.181 con, trong đó nái nội chiếm tỷ lệ 7,61%, nái ngoại chiếm tỷ lệ 29,67% và nái lai chiếm tỷ lệ 62,72%; trong đó với hộ quy mô chăn nuôi lớn không nuôi nái nội, chỉ nuôi nái lai và nái ngoại với cơ cấu tỷ lệ: 28,07% nái ngoại và 71,93% nái lai. Ở hộ chăn nuôi quy mô vừa, tỷ lệ nái nội là 14,36%, nái ngoại là 32,13% và nái lai là 53,51%; hộ chăn nuôi quy mô nhỏ có tỷ lệ nái nội là 18,79%, nái ngoại là 26,06% và nái lai là 55,15%;

- Hình thức phối giống cho đàn nái ở tất cả các hộ nghiên cứu khảo sát đều là phối giống trực tiếp, không hộ nào thực hiện phối giống nhân tạo. Thực tế cho thấy, với hình thức thụ tinh trực tiếp thì mức thành công sẽ thấp hơn thụ tinh nhân tạo, tuy

biết điều đó, nhưng với những hộ chăn nuôi lợn nái họ vẫn chọn biện pháp thụ tinh trực tiếp, vì kỹ thuật thụ tinh nhân tạo với hộ chăn nuôi còn nhiều hạn chế và hầu hết các biện pháp thụ tinh nhân tạo, người chăn nuôi đều chưa được đào tạo qua, chưa thực hành bao giờ nên người dân rất e ngại không dám thực hiện.

- Tỷ lệ phối giống thành công ở hộ chăn nuôi lợn nái là 81,9%, trong đó với hộ có quy mô chăn nuôi lớn có tỷ lệ phối giống thành công cao nhất: 85,12%, hộ có quy mô chăn nuôi vừa có tỷ lệ phối giống thành công đạt 82,35% và hộ có quy mô chăn nuôi nhỏ có tỷ lệ phối giống thành công thấp nhất đạt 79,46%. Điều này phản ánh đúng thực tế điều kiện chăn nuôi của hộ, với hộ chăn nuôi quy mô lớn thường có sự đầu tư hơn, việc chăm sóc theo dõi cũng được thực hiện tốt hơn so với các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, nhiều hộ chỉ là chăn nuôi dưới hình thức tận dụng, lấy công làm lãi, lấy ngắn nuôi dài nên việc chăn nuôi chưa thật sự được chú trọng và có hiệu quả.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển chăn nuôi lợn giống trên địa bàn huyện sóc sơn, thành phố hà nội (Trang 77 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)