Thực thể được hiểu theo Lyons [154, 442] bao gồm 3 lớp.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) các phương thức biểu hiện ý nghĩa so sánh trong tiếng anh và tiếng việt ( so sánh thang độ ) (Trang 29 - 31)

+ Lớp thực thể thứ nhất (first order entities) là các vật thể vật lý

(physical objects). Xét các câu so sánh tiếng Anh và tiếng Việt sau đây:

(8) Two minnows were no longer than his little finger. [226, 24]

(Hai con cá tuế không dài hơn ngón tay út của anh ta).

(9) My enemies are stronger than I am. [239, 92]

(Kẻ thù của tôi mạnh hơn tôi).

(10) Điền nhớ đến câu thơ của một thi sỹ Tây phương ví khoảng trời sao như một cánh đồng. [211, 216]

(11) Một hôm Phong dẫn về một người đàn bà hơn Phong đến chục tuổi.

[217, 190] Những câu này đều có hai thực thể so sánh: “hai con cá tuế” và “ngón tay út của anh ta” (câu 8); “kẻ thù của tôi” và “tôi” (câu 9); “khoảng trời sao” và “cánh đồng” (câu 10); “người đàn bà” và “Phong” (câu 11). Như vậy, các vật thể vật lý thuộc lớp thực thể thứ nhất có thể là động vật (animate) (câu 8, 9, 11) và bất động vật (inanimate) (câu 10). Trong đó, Lyons [154, 442] cho rằng “con người” có vị trí hàng đầu.

+ Lớp thực thể thứ hai (second-order entities) bao gồm các "sự kiện"

(events), “quá trình” (processes), “tình trạng” (states-of-affairs). Mitchell [160, 54] gọi chung là các “tình huống” (situations). Các thực thể này, theo

Lyons [154, 443], "được định vị trong thời gian và xảy ra chứ không hiện hữu vốn có". Ví dụ:

(12) Just a few years ago we had huge budget deficits, and Congress spent money faster than it could be printed. [233, 25]

(Chỉ một vài năm trước đây thôi, chúng ta đã có những khoảng thâm hụt ngân sách khổng lồ và Quốc hội đã tiêu tiền nhanh hơn in tiền). (Tốc độ tiêu tiền của Quốc hội lớn hơn tốc độ tiền được in).

(13) Cô Phượng ngồi, tay bó gối, trông vừa bé nhỏ, vừa buồn, lại đẹp nữa. Trong tôi trào lên cảm giác xót thương, tựa như thương xót chính em gái mình.

[217, 138] Hai thực thể so sánh trong (12) là “tốc độ tiêu tiền của Quốc hội” và "tốc độ in tiền ra”: đây là hai sự kiện cũng là hai hành động. Ở (13), hai thực thể so sánh là “cảm giác xót thương" của người nói dành cho cô Phượng và “cảm giác xót thương" của người nói dành cho em gái: hai tình trạng. Cả (12) và (13) đều là các quá trình chỉ xảy ra trong những thời điểm xác định chứ không phải là các thuộc tính vốn có.

+ Lớp thực thể thứ ba (third order entities) gồm các thực thể trừu tượng như các mệnh đề (propositions) và “nằm ngoài không gian và thời gian” [154, 443]. Ví dụ:

(14) Nigel is more lazy than stupid. [160, 54]

(Nigel biếng nhác hơn là đần độn).

Hai thực thể so sánh là hai mệnh đề “Nigel is lazy” và “Nigel is stupid”.

(15) The airport is located more to the east than to the north. [186, 98]

(Sân bay nằm về phía Đông chứ không phải phía Bắc).

Hai thực thể so sánh trong (15) biểu thị bằng hai mệnh đề “The airport is located to the east” và “The airport is located to the north”.

(16) Bị một con đàn bà gọi đến nhà mà bóp chân ! Hắn thấy nhục hơn là thích. [211, 410]

(To be called by a woman to massage her legs ! He felt more ashamed than delighted).

Ở (16), hai thực thể so sánh thứ nhất là mệnh đề “Hắn thấy nhục” và thực thể so sánh thứ hai là “Hắn thấy thích”.

Quan sát các ví dụ từ (8) đến (16) có thể kết luận rằng, các thực thể so sánh trong câu so sánh tiếng Anh và tiếng Việt rất giống nhau về chủng loại. Tuy nhiên, việc dịch các câu so sánh có thực thể so sánh thuộc lớp thực thể thứ ba từ tiếng Anh sang tiếng Việt gây không ít lúng túng cho người học nếu không xuất phát từ cơ cấu ngữ nghĩa của câu. Luận án sẽ trở lại vấn đề này ở cuối phần 3.2.1.1, phần bàn về cấu trúc với “more ... than”.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) các phương thức biểu hiện ý nghĩa so sánh trong tiếng anh và tiếng việt ( so sánh thang độ ) (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(181 trang)