Sự tương hợp, tương giao trong cảm nhận về thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) những biểu hiện của chủ nghĩa tượng trưng và siêu thực trong thơ việt nam hiện đại (Trang 49 - 57)

CHƢƠNG 1 : TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

2.2. Những biểu hiện của chủ nghĩa tƣợng trƣngtrong Thơ mới

2.2.1. Sự tương hợp, tương giao trong cảm nhận về thế giới

Tính chất tương hợp, tương giao được coi là một trong những đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa tượng trưng. Những tác giả đại diện của chủ nghĩa tượng trưng Pháp như Jean Moréas, Baudelaire, Rimbaud, Mallarmé ... cũng nêu lên trong tuyên ngôn nghệ thuật và thể hiện trong sáng tác của mình cách nhận thức thế giới đầy đột phá và tinh tế. Như một sự phản ứng lại lối thơ mô tả đời sống hay thiên về kể lể, giãi bày tâm trạng, các nhà thơ tượng trưng mà cho rằng thế giới chứa đựng những điều bí ẩn kì diệu, thơ có khả năng giúp con người khám phá, thụ cảm và biểu hiện nó. Nhà thơ Baudelaire – người khai sinh ra thi phái tượng trưngđã nêu lên quan niệm thẩm mĩ này, ông viết bài thơ Tương ứng nổi tiếng như một sự công nhận “mối tương quan huyền bí tạo nên “thống nhất âm u và sâu xa” của vũ trụ vượt ra ngoài sự cảm nhận hời hợt của các giác quan thông thường” [157- tr 44 – 48]. Thậm chí bên cạnh thế giới hữu hình đang vận động mà chúng ta nhìn thấy bằng đôi mắt hiện thực còn có một vũ trụ khác sâu thẳm, huyền diệu, thiêng liêng được khám phá bằng tâm linh, hai thế giới này tương thông với nhau. Cuộc sống bình thường của chúng ta vốn đã phong phú, muôn hình muôn vẻ, có tạo vật, có hương thơm, màu sắc, ánh sáng, âm thanh nhưng nó không hiện diện biệt lập mà có sự kết nối, nhiều khi lồng gắn, hòa nhập vào nhau. Thuyết tương giao còn chỉ ra sự đánh thức các giác quan để nắm bắt và thấu thị về vạn vật một cách sống động, xóa đi ranh giới cảm nhận khô cứng. Quan điểm mĩ học này của chủ nghĩa tượng trưng đã có sự gặp

gỡ với nhiều nền văn học, nhất là phương Đông đầy bí ẩn như Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc ... trong đó có Việt Nam. Các nhà thơ của phong trào Thơ mới đã khai thác ưu thế này trong phương diện khám phá thế giới và những rung động sâu xa trong tâm hồn con người.

Mở đầu là sự tương giao giữa các giác quan để nắm bắt trọn vẹn về thế giới. Mỗi con người chúng ta nhận biết về cuộc sống xung quanh là nhờ vào năm giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Cơ chế hoạt động của ngũ quan bao gồm sự tiếp nhận các kích thích từ môi trường bên ngoài, sau đó tạo ra tín hiệu truyền đến hệ thần kinh thuộc não bộ, thành các hưng phấn và chuyển thành cảm giác. Với sự truyền dẫn này chúng ta hiểu được giá trị tồn tại cũng như sự hoạt động tinh vi của giác quan con người. Vận dụng những rung động thầm kín và nhạy cảm trong hệ cảm giác đó, chúng ta hiểu sâu hơn về nguyên tắc thẩm mỹ tổng hòa tất cả giác quan. Nếu như theo logic thông thường sự phân biệt năm giác quan giúp con người cảm nhận từng phương diện của sự vật và đời sống thì đối với các nhà thơ tượng trưng họ quan niệm rằng nhiều khi tất cả những giác quan ấy chỉ là một, người ta có thể nhận ra một tác động nào đó bằng bất cứ giác quan nào, chẳng hạn như nghe thấy một hương thơm hoặc ngửi thấy một màu sắc. Trong bài thơ Những

Nguyên Âm (Les Voyelles) nhà thơ Rimbaud không những nhìn thấy các nguyên âm

qua những hình ảnh thật bất ngờ mà còn nghe thấy, ngửi thấy những chữ đó. Hay một thi phẩm khác là Xuất hiện (Apparition), thi sĩ Mallarmé viết:

De blancs sanglots glissant sur l`azur des corolles

(Những tiếng nức nở trắng đang lướt trên mầu thanh thiên của những vành cánh hoa)

Còn thi sĩ Xuân Diệu – một đại diện tiêu biểu trong phong trào Thơ mới đã đồng điệu với tư tưởng của Baudelaire trong thi phẩm Tương hợp

(Correspondances). Xuân Diệu mở đầu bài Huyền diệu của mình bằng lời đề từ:

“Les parfums, les couleurs et les sons se répondent” (Hương thơm, màu sắc và âm

thanh tương ứng nhau) đã có trong Tương hợp. Trước hết với Tương hợp,

khuynh hướng “tương ứng cảm giác” ở Pháp. Trước đó tác giả người Đức là Hoffmann cũng chỉ ra rằng: “Không chỉ trong mơ mà ngay cả khi thức, khi tôi nghe nhạc, tôi tìm thấy sự tương hợp và sự thống nhất nội tại giữa màu sắc, âm thanh và mùi hương”. Hoffman diễn giải “từ mùi thơm của những bông cúc nâu, đỏ” người ta có thể nghe được “những âm thanh trầm và sâu thẳm của những chiếc kèn

ôboa”. Điều độc đáo ở đây là các thi sĩ tượng trưng đã tạo nên những “tương ứng”

bằng cách làm sát lại gần nhau những cảm giác vốn cách xa nhau hoặc những cảm giác mà mối liên hệ của chúng vốn bị “lãng quên” hoặc “mờ nhạt” (Hương thơm, màu sắc, âm thanh đáp ứng nhau. Có những mùi hương mát như da thịt trẻ con. Êm

nhẹ như tiếng sáo, xanh mướt như cỏ non...). Baudelaire quan niệm vũ trụ là một

thể thống nhất với nhiều mối tương quan bí ẩn và mọi vật như được bao bọc trong một từ trường qua lại, bởi lẽ buổi ban đầu Thượng đế đã sáng tạo ra thế giới “như một thể phức hợp và không thể chia cắt”. Tư tưởng triết học này nâng tầm quan niệm “tương ứng” của Baudelaire thành “tổng hòa giác quan” như một thi pháp quan trọng của chủ nghĩa tượng trưng. Trên cơ sở quan niệm thẩm mĩ này, Xuân Diệu đã không ngừng mở rộng biên độ sáng tạo của mình qua hệ thống ngôn ngữ, hình ảnh độc đáo và mới lạ, đạt tới sự truyền cảm mãnh liệt đến các cơ quan cảm giác của người đọc. Thi sĩ thực sự “thức nhọn giác quan” tức là căng mở, nhạy bén các giác quan trước thiên nhiên, cái đẹp và tình yêu. Dù chỉ là cảm xúc với ánh trăng, khúc nhạc, chiếc lá, cành khô, làn gió ... qua tâm hồn nhà thơ đã trở thành sự rung động đầy tinh vi. Sự bùng nổ cảm giác của Xuân Diệu xuất hiện đầu tiên ở bài

thơ Huyền diệu trong trạng thái thái đắm say đến ngây ngất. Sự giao cảm kì diệu

trong thi phẩm này được dẫn dắt bởi âm nhạc, cả bốn khổ thơ đều lan tỏa những khúc nhạc du dương. Điều đáng chú ý là cách cảm nhận về nó rất đặc biệt, không phải bằng thính giác thông thường mà bằng sự thấm thía của khứu giác “khúc nhạc thơm”, thị giác “khúc nhạc hường”, thậm chí vị giác “uống thơ tan trong khúc nhạc”. Giây phút bắt đầu bản nhạc tân kì ấy là làn hương nồng nàn:

Này lắng nghe em khúc nhạc thơm Say người như rượu tối tân hôn; Như hương thấm tận qua xương tuỷ, Âm điệu, thần tiên, thấm tận hồn.

Thật kì diệu khi âm nhạc như đang tỏa ra mùi hương thơm thấm vào thể xác và linh hồn. Từ “khúc nhạc thơm”, thi sĩ đã chuyển gam độ sang “rượu tối tân hôn”, đó là dư vị ngọt ngào làm cho nhà thơ chìm trong men say tình yêu đang tràn ngập khắp không gian. Không chỉ ngưng đọng lại ở giây phút “lắng nghe”, những dòng thơ của Huyền diệu còn nâng đôi cánh cảm xúc thăng hoa hòa vào màu sắc và âm thanh Du Dương: “Hãy tự buông cho khúc nhạc hường/ Dẫn vào thế giới của Du

Dương/ Ngừng hơi thở lại, xem trong ấy/ Hiển hiện hoa và phảng phất

hương”. Đường truyền giao cảm của nhà thơ còn mở ra sự hòa hợp tâm hồn với

không gian bên ngoài: “Hãy nghe lẫn lộn ghé bên tai/ Giọng suối, lời chim, tiếng

khóc người”, âm nhạc và âm thanh đời sống cùng nổi lên, quyện hòa cùng nhau.

Không phải lúc nào người nghệ sĩ cũng đắm chìm trong ảo giác đê mê mà có khi trở về với thực tại, từ cảm xúc phức hợp trở về với sự trong trẻo, hoài niệm về một “thuở xa khơi”. Huyền diệu khép lại khi “khúc nhạc đã ngừng im” nhưng trái tim vẫn run rẩy như chiếc lá sau trận gió.

Dường như Xuân Diệu nhạy bén với âm nhạc nên không chỉ Huyền diệu mà rất nhiều thi phẩm khác như Nhị hồ, Nguyệt cầm, cũng đều khởi phát cảm hứng bằng những rung cảm về âm thanh. Từ những cảm nhận ban đầu mong manh, tinh tế, khúc nhạc nhị hồ gợi nhớ đến điệu múa nghê thường, bản “Lạc âm thiều”, sang bài “Mạnh Lệ Quân” và nhất là cuộc đời bi ai của bao mĩ nhân khép mình nơi cung cấm. Những tương thông ở đây thật độc đáo, nối liền hiện tại và quá khứ, cộng hưởng âm điệu da diết, ngân vang cùng nỗi tương tư, nhung nhớ Bao Tự, Ly Cơ, Dương Quý Phi. Với Nguyệt cầm, năng lực tương giao khá dồi dào, âm thanh, ánh sáng, màu sắc lan tỏa tràn trề khắp không gian. Đàn và trăng không còn là sự vật vô tri mà như cựa quậy, thấu động linh hồn hòa kết cùng nhau thành linh giác rất đỗi diệu kì. Ở đây, ranh giới của thính giác, thị giác, xúc giác đã bị xóa nhòa, chỉ còn lại

sự ngưng đọng âm thanh thành giọt lệ, rồi chuyển hóa sang nỗi lạnh lẽo, cô đơn thấm vào xương tủy: “Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh/ Trăng thương, trăng

nhớ, hỡi trăng ngần/ Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm/ Mỗi giọt rơi tàn như lệ

ngân”. Bên cạnh ba thi phẩm xuất sắc Huyền diệu, Nhị hồ, Nguyệt cầm, nhà thơ còn

sáng tạo nên nhiều câu thơ hay chứa đựng sự rung cảm tinh tế: “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”, “Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi”, “Hỡi xuân hồng ta

muốn cắn vào người” (Vội vàng); “Cành biếc run run chân ý nhi”(Thu); “Những

luồng run rẩy rung rinh lá”, “Đã nghe rét mướt luồn trong gió” (Đây mùa thu tới);

“Tôi kẻ đưa răng bấu mặt trời, (...) Kẻ uống tình yêu dập cả môi” (Hư vô), “Anh

một mình nghe tất cả buổi chiều/ Vào chầm chậm ở trong hồn hiu quạnh” (Tương

tư chiều), ...

Có thể nói rằng thuyết tương giao có một sức thu hút đặc biệt đối với các tác giả của phong trào Thơ mới, Huy Cận cũng ghi lại dấu ấn về sự tương hợp giữa các giác quan bằng những cảm nhận mới mẻ, trong sáng, thanh tân. Như một chàng trai lần đầu rung động trước vẻ đẹp đang bừng lên của cuộc sống, thi sĩ nhìn đất trời đang thay da đổi thịt trong độ xuân về. Những bài thơ Xuân, Chiều xuân, Xuân ý,

Áo xuân, Hồn xuân, Trông lên, Vỗ về Huy Cận nâng niu từng mạch sống của thiên

nhiên tạo vật: “Rộn ràng bước nhịp hương vương gót,/ Nhựa mạnh tuôn trào tưởng

dính chân” (Xuân); “Gió đưa hơi, gió đưa hơi/ Lá thơm như thể da người: lá

thơm...” (Trông lên); “Thơm tho quá, lòng ơi, vườn mới xới,/ Vẩn vơ thơm như mùi

của tơ duyên” (Vỗ về). Những tế bào cuộc sống và tâm hồn như đang “họa điệu”

cùng nhau, không khỏi làm say lòng người. Như vậy có thể nói rằng nghệ thuật tương giao cảm giác là một trong những đặc điểm thi pháp quan trọng của thơ tượng trưng. Nó đã mở ra cho thơ khả năng và cách thức mới trong cảm nhận thế giới ở những chiều kích khác mà thơ trước đó và đương thời không có. Từ đó, thế giới mở ra trước mắt các nhà thơ không phải như những gì quan sát được, mà quan trọng và cơ bản hơn là cái phần linh diệu, huyền nhiệm mà tư duy thuần lí khó bề nắm bắt nổi, nhờ đó không gian trong thơ tượng trưng được mở rộng đến vô tận và thế giới cũng hiện ra trong tính đầy đủ, trọn vẹn nhất của nó.

Đối với thơ tượng trưng, khám phá và làm hé mở sự bí ẩn sâu xa của thế giới là bản chất và mục đích chính. Vì vậy không chỉ làm nổi bật sự tương giao giữa các giác quan, các nhà thơ tượng trưng còn hướng đến biểu hiện tương giao của vạn vật

qua trực cảm của nhà thơ trở nên thú vị và sống động hơn bao giờ hết. Xuân Diệu vốn là người thi sĩ nhìn thế giới bằng đôi mắt “xanh non, rờn biếc” nên luôn phát hiện ra những vẻ đẹp tươi tắn, hòa hợp tràn đầy thơ mộng và dồi dào trữ lượng sống. Cũng xuất phát từ triết lí tương giao và chất xúc tác là cảm hứng về tình yêu, Xuân Diệu như muốn kể câu chuyện tình đầy rung động của cỏ cây, hoa lá: “Một tối bầu trời đắm sắc mây/ Cây tìm nghiêng xuống cánh hoa gầy/ Hoa nghiêng xuống

cỏ, trong khi cỏ/ Nghiêng xuống làn rêu một tối đầy” (Với bàn tay ấy). Thiên nhiên

tạo vật đang mong manh, run rẩy trong một bầu không khí yêu đương nồng nàn. Nghệ thuật nhân hóa còn giúp chúng ta hình dung ra những cử chỉ âu yếm, tình tứ vẫn thường bắt gặp ở những đôi tình nhân. Ở đây “lời huyền bí, ý bao la” chính là tiếng nói thầm kín của vạn vật đang tỏ bày cùng nhau, nó là sợi dây vô hình mà mạnh mẽ gắn kết tất cả với nhau. Mở rộng hơn đó còn là biểu hiện của một năng lượng vũ trụ đang bao trùm khắp không gian. Với sự đồng điệu ở cấp độ siêu tính như thế có thể thấy rằng quan niệm tương hợp rất gần gũi với tư tưởng “vạn vật nhất thể” trong triết lí phương Đông. Tồn tại giữa vũ trụ rộng lớn, bao la nhưng sự vật không hề bị chìm lấp đi mà vẫn dung chứa một nội lực có sức lan tỏa và tác động đến xung quanh.

Sự lan tỏa tương giao còn kết nối vạn vật bằng những vận động của màu sắc,

âm thanh, ánh sáng, hương vị. Ở phương diện này các nhà thơ tượng trưng chủ yếu

khai thác đặc trưng thẩm mỹ của đối tượng được cảm nhận biểu hiện ra bên ngoài. Nó khác với tương giao giác quan vốn là phương tiện chủ thể cảm thụ đối tượng và thế giới xung quanh. Cách thức hòa trộn ấy góp phần tạo nên một thế giới phong phú, đầy sự thú vị, giúp khám phá những vẻ đẹp độc đáo của con người và tạo vật. Bài thơ Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ là một minh chứng sống động về tính triết học, đầy sự ám gợi về vẻ đẹp tương giao này. Dòng thời gian vốn chảy trôi vô hình, nó thuộc về phạm trù trừu tượng nhưng ở đây đã được nhìn nhận thành một thực thể hữu hình có màu sắc và hương thơm:

Màu thời gian không xanh Màu thời gian tím ngát Hương thời gian không nồng Hương thời gian thanh thanh

Nhà thơ Pháp Apollinaire từng cảm nhận: “Ôi ngát hương thời gian mùi

thạch thảo” trong thi phẩm bất hủ Mùa thu chết, còn với Đoàn Phú Tứ trong một

buổi sớm mai trong lành, tinh khiết có tiếng chim kêu và “ngọn gió xanh”, “dìu vương hương ấm thoảng xuân tình”, thời gian hiện hữu màu “tím ngát”. Hương thời gian thoang thoảng, thanh sạch, trong trẻo, vấn vương khắp không gian. Sắc màu ấy nhẹ nhàng, quyến rũ và rất đặc biệt bởi vì nó gắn liền với kỉ niệm tình yêu của riêng nhà thơ, đó là những ngày đang yêu, thi sĩ rất thích thú sắc hoa màu tím, nên màu thời gian cũng chính là màu tình yêu và hoài niệm. Bài thơ nhuốm một chút day dứt, xót xa vì “duyên trăm năm đứt đoạn”, với những chia lìa, xa cách khi gợi nhắc những điển cố về bậc mĩ nhân phải cách biệt đấng quân vương, nhưng những ấn tượng ấy mờ nhòe đi, chỉ còn lắng đọng lại biểu tượng thời gian độc đáo trong sự tương hợp màu sắc và hương thơm.

Nói đến tượng trưng trong Thơ mới chắc chắn phải kể đến thi tài Bích Khê. Trong khi các tác giả khác như Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên,... còn nâng niu dòng mạch lãng mạn thì Bích Khê tuy là người đến muộn của Thơ mới nhưng đã bứt phá để bước vào chiếm lĩnh cả khu vườn tượng trưng đầy ảo giác. Cũng bắt đầu khởi phát từ tương giao, có thể nói Bích Khê đã đi đến tận cùng trong quá trình khám phá và thể nghiệm những cảm giác thần diệu, vươn tới linh giác của con người. Ở đây cần phân biệt rõ con đường tri nhận sự tương giao, thực ra chủ nghĩa lãng mạn cũng đậm đặc sự giao cảm với vũ trụ, thiên nhiên nhưng chủ yếu khai thác bằng trực cảm (direct perception) với cách miêu tả cụ thể hình ảnh bằng

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) những biểu hiện của chủ nghĩa tượng trưng và siêu thực trong thơ việt nam hiện đại (Trang 49 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)