Giải mã những giấc mơ

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) những biểu hiện của chủ nghĩa tượng trưng và siêu thực trong thơ việt nam hiện đại (Trang 93 - 99)

3.1 .Bối cảnh thơ khu vực miền Bắc giai đoạn 1945-1975

3.3. Những biểu hiện của khuynh hƣớng tƣợng trƣng, siêu thực trong thơ

3.3.2. Giải mã những giấc mơ

Con đường mở ra sự huyền bí, lớn lao và khám phá hiện thực tuyệt đối chính là giấc mơ. Vì thế người nghệ sĩ của trào lưu này coi trọng giấc mơ và vô thức, cho rằng giấc mơ có thể dùng để giải quyết những vấn đề của cuộc sống, vô thức có thể giúp con người thoát ra hiện thực chật hẹp và phản ánh thế giới chân thực hơn lí tính. Ở trường hợp Hoàng Cầm, ông không chủ định sáng tác theo lí thuyết của chủ nghĩa siêu thực phương Tây, ông không tuyên ngôn hay đề dẫn một quan niệm nào về hình thức sáng tạo này mà chủ yếu là viết theo sự mách bảo của cảm hứng. Tuy nhiên với cách viết tự động như tiếng nói của tiềm thức, kết cấu thi phẩm như bố cục giấc mơ thì siêu thực đã rất nhuần nhị trong ngòi bút Hoàng Cầm. Trong nghệ thuật, dường như có sự phân hóa thành hai địa hạt: thơ khả giải và thơ bất khả giải; ở khu vực thứ nhất thơ thể hiện tư tưởng xã hội, phản ánh cuộc sống, tâm tư, tình cảm của con người, điều này có thể minh định được; nhưng ở khu vực thứ hai bất khả giải, mối liên hệ giữa thơ với thực tại như nhòe mờ đi. Điều đó không có nghĩa là thơ bịa đặt, hư cấu một cách vô lí, mà thực chất cái hiện thực đã được đẩy cao trở thành rất thực (supersurelism), nó hướng nội ở độ sâu thẳm nhất, đi hẳn vào cõi tiềm thức và diễn tả bằng ngôn ngữ vô thức không tuân theo logic thông thường. Trong thực tại cuộc sống, con người còn phải chịu nhiều ràng buộc, thậm chí sự đè nén đến mức độ nhiều khi không được sống thật với chính mình nhưng trong giấc mơ – thế giới vô thức, lí trí không tham gia kiểm soát, con người sống thật nhất và

mượn giấc mơ để giải tỏa những ẩn ức hay ham muốn thầm kín của mình. Thơ Hoàng Cầm hay xuất hiện giấc mơ hồi ức, “lấy về làm khởi bút của bi kịch. Về trong không gian. Về trong thời gian. Về lại đất xưa, quê cũ. Về viếng dĩ vãng, về hỏi tuổi thơ, về lại cuộc tình, về thăm lịch sử, về với những thời đã mất: Về Kinh Bắc” [72 - tr 366]. Ở một góc độ nào đó, thơ là sự nhớ lại, nhớ tuổi thơ, nhớ cảnh, nhớ người. Không gian, thời gian trong thơ Hoàng Cầm thuộc về một giấc mơ lịch sử, những dấu ấn về buổi hồng hoang như thời Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ. Quá khứ dân tộc hào hùng có những người trai đời Trần, gái Hậu Lê mà thậm chí gần gũi hơn là lịch sử của làng quê trong Hội vật, của dòng họ như Đèn

nhang 1, Đèn nhang 2. Xứ Kinh Bắc hiện ra trong không khí hội hè đình đám, chùa

chiền, trong cảm thức về Sương Cầu Lim, Khói Yên Thế,Nước sông Thương,Trai

đời Trần, Gái hậu Lê,và nhiều khi biến thể thành cõi mộng mị với Lá Diêu bông,

Cầu bà Sấm, Bến cô Mưa, Cỏ Bồng Thi… Thiên nhiên Kinh Bắc tươi đẹp, trù phú

“ngô khoai biêng biếc, lúa nếp thơm nồng” có dòng sông Đuống nghiêng nghiêng, dòng Tiêu Tương “liễu buông dài”, dòng sông Thương “nước chảy đôi dòng”; ngọn núi Thiên Thai lung linh huyền sử. Con người Kinh Bắc hiện hữu trong từng “gương mặt búp sen”, “những nàng môi cắn chỉ quết trầu”, nụ cười rạng rỡ như “mùa thu tỏa nắng”, là những người thân yêu trong công việc tảo tần: “Vợ xách giỏ cua đồng nghén nước” …Nhưng nét độc đáo trong thế giới nghệ thuật thơ Hoàng Cầm là nhà thơ tiếp cận hiện thực từ sâu thẳm cõi tâm linh, có xu hướng huyền thoại hóa, tâm linh hóa đối tượng mà nói như Thụy Khuê đó là một “sa mạc Hoàng Cầm lung linh giữa mơ và thực”. Hoàng Cầm đã kiến tạo nên những hình tượng phi logic, ranh giới hiện thực và ảo diệu hoàn toàn mờ nhòe đi. Theo từng cấp độ, trước hết thi sĩ tạo sinh ra sự vật siêu thực. Kinh Bắc đầy hoa, cỏ, lá, quả; có cả bóng dáng những con vật quê bé nhỏ ở nơi đồng đất nhưng chúng cũng được đặt vào một từ trường hư ảo. Lá thực mà lại hóa thành “lá trường sinh”, “lá diêu bông”, “lá lan đao”, “lá bẽ bàng”, cỏ mềm mại biến thân thành “cỏ Bồng thi”, “cỏ Thiên Đồng”, con dế là “dế đầu si”, cánh bướm thắm lung linh hóa thành “bướm bạc đầu”, rồi “ngựa lưu li”.Những tạo vật biến thể ấy là sáng tạo riêng trong trạng thái thăng hoa

của Hoàng Cầm, khả năng tri nhận của con người không lí giải được. Chỉ có điều cảm thức siêu hình ấy được gắn kết với mĩ cảm về tình yêu. Chiếc lá diêu bông đến giờ vẫn là ẩn số. Âm điệu của hai chữ “diêu bông” thật độc đáo, nó cứ chơi vơi đầy thao thiết đưa người ta đến tận miền hư vô. Diêu bông ở một cõi nào xa vắng, như ám ảnh về tình yêu không thành để Em (chính nhà thơ) cứ suốt đời tìm kiếm trong vô vọng: “Từ thuở ấy em cầm chiếc lá/ Đi đầu non cuối bể/ Gió quê vi vút gọi/ Diêu

bông hời/… Ới diêu bông”. Nắng, gió, mưa, trăng đậm đặc chất huyền ảo “nắng

phù sa”, “nắng hồng hoang”, “gió lông ngỗng”, nhất là mưa, mưa giăng mắc khắp Thuận Thành, Kinh Bắc: “mưa thổ hoàng bách chiến”, “ao mưa dằng dịt lá trường sinh”, thi vị hơn cả là mưa như một sinh thể sống động “mưa ngồi”, “mưa nằm”, “mưa lùa”, “mưa lơi”, “mưa chơi”, “mưa khép nép”,mưa bừng lên khát vọng ái ân:

Nhớ mưa Thuận Thành long lanh mắt ướt là mưa ái phi tơ tằm óng chuốt Ngón tay trắng nuột nâng bồng Thiên Thai

(Mưa Thuận Thành)

Đêm là môi trường đặc biệt của sáng tạo vô thức, nó chứa đựng sự huyền bí, linh thiêng nên đêm dù xuất phát là dòng chảy của thời gian hiện thực: “Đêm buông

xuống dòng sông Đuống”, “Mỗi đêm một lần mở hội”(Bên kia sông Đuống), “Đêm

hội Lim về/ Đê quai rảo bước”(Theo đuổi), thì nó cũng thấm thía một cảm thức bí

ẩn đầy linh giác. Trong đêm, thi sĩ khấn nguyện, “cúi lạy”, định hình thành “đêm Thổ, đêm Kim, đêm Mộc, đêm Thủy, đêm Hỏa”, “đêm tiền sử”, và có khi đậm chất liêu trai “đêm hồ tinh”. Bản chất của việc tâm linh hóa là người nghệ sĩ xóa nhòa dấu vết trần tục của đối tượng và nâng tầm đối tượng trở thành cái cao cả, thiêng liêng thậm chí trở thành huyền thoại. Điều này khác với phương thức của chủ nghĩa lãng mạn là xây dựng hình tượng theo khuynh hướng lí tưởng hóa, đại diện cho khát

vọng, mơ ước chính đáng của con người. Ở trường hợp Hoàng Cầm mối quan hệ giữa con người trong thơ và con người đời thực được hình thành dựa trên nhận thức về mẫu tính, về thiên tính nữ. Chính nhà thơ từng lí giải: “Tôi theo dòng mẫu hệ/

Cứ mê man lạc đường”. Đầu tiên là hình tượng người mẹ, mẹ Hoàng Cầm quê gốc ở

làng Bựu Xim, Đình Bảng, Bắc Ninh, mẹ rất đẹp, lại hát quan họ hay nức tiếng, bóng hình mẹ lâng lâng, mê đắm:

Khấn thầm như gặp mẹ lỡ đò ngang Miệng hé hạt na nhòa bến vắng Cổ tay tròn đẫn mía gie

(Đợi mùa)

Dấu chân mẹ “đê mê cát mịn/ Hội Gióng dong chiêng/ Em bé về nằm khoanh lòng/ Nghe nghìn muôn năm sau/ xoa nắn đôi bầu vú lửa/ Sông dài/ Cát bỏng/ Nắng

hồng hoang(Nắng phù sa). Vẻ đẹp của mẹ rạng ngời sức sống, nhưng cũng vững

vàng, bản lĩnh như điểm tựa của một vùng quê hương, xứ sở. Trong binh lửa chiến tranh, mẹ vừa lo chạy giặc vừa chịu thương chịu khó chăm lo cho đàn con bé dại “Lửa đèn leo lét soi tình mẹ/ Khuôn mặt bừng lên như dựng trăng/ Ngậm ngùi tóc trắng

đang thầm kể/ Những chuyện muôn đời không nói năng” (Bên kia sông Đuống). Trong

cuộc sống hiện tại nhiều biến động và ngổn ngang bất trắc của lòng người, trở về với kí ức, tôn vinh biểu tượng mẹ vĩnh hằng cũng phù hợp với cội nguồn văn hóa bản địa từ xa xưa của người Việt Nam đồng thời tiếp nhận thêm nguồn năng lượng sống dồi dào. Cùng trong suy cảm đầy mẫu tính, hình ảnh người chị cũng nhiều lần hiện hữu trong giấc mơ Về Kinh Bắc. Dáng chị thướt tha nơi đồng chiều cuống rạ “Váy Đình

Bảng buông chùng cửa võng”, nụ cười của chị bừng lên “như mùa thu tỏa nắng”, mái

tóc thơm tho đẫm cả buổi chiều “tóc phủ vai em chiều hương nhu”, ánh mắt sắc huê tình “mắt nứa cứa tay em”, nhan sắc nồng nàn, ấm áp trong hương vị trầu cau “Chị

gọi đôi cây/ trầu cay má đỏ”. Cõi thơ Hoàng Cầm vượt lên trên cõi đời hiện thực,

không cần cố gắng hay dụng công, rất tự nhiên mà chạm đến ranh giới siêu thực, “siêu thơ” (chữ dùng của Nguyễn Đăng Mạnh).

nhà thơ sáng tạo bằng vô thức, vậy cội nguồn vô thức ấy bắt đầu như thế nào? Theo lí giải từ góc độ Phân tâm học của S.Freud, sáng tạo nghệ thuật giống như mơ giữa ban ngày, con người có những khát khao, ham muốn bản năng hay những mặc cảm, xung đột không thể giải tỏa được trong hiện thực sẽ được bung tỏa bằng cơn mơ. Đi tìm lời giải đáp cho cõi mơ Hoàng Cầm cũng chính là hành trình luận giải về ẩn ức cá nhân. Trong lí thuyết lừng danh của S.Freud, có đề cập đến mặc cảm Oedipe để lí giải về đặc điểm tâm lý ở trẻ nhỏ từ ba đến năm tuổi: đứa trẻ thể hiện sự quý mến người sinh thành ra mình, thuộc giới tính khác mình nhưng lại đố kỵ với bậc phụ huynh cùng giới tính với mình. Trong khát khao giải tỏa những ẩn ức của thời thơ ấu, thi sĩ không ít lần thể hiện tình cảm gắn bó thiết tha với người mẹ. Mở đầu tập Tiếng hát quan họ,

thi sĩ đã tự sự về mẹ, thời thiếu nữ mẹ là một liền chị có nhan sắc và giọng hát say lòng người, mẹ lấy cha để rồi tạo sinh ra chính nhà thơ, vậy mà sao cứ có chút gì như khắc khoải, tiếc nuối cho mẹ trót sa chân vào cuộc tình ấy. Không lúc nào thi sĩ nguôi nhớ về mẹ, khát thèm hơi ấm mẹ bao bọc: “Nhớ sữa mẹ gặp con ngựa út”, “Ngón

cụt thói quen rờ ngực yếm”. Tập thơ mang tên Về Kinh Bắc (1959 – 1960), không chỉ

là trở về một miền quê hương mà còn là về với người mẹ yêu thương:

- Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc

Chiều xưa giẻ quạt voi lồng Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông

Theo dẫn luận của Đỗ Lai Thúy trong cuốn Bút pháp của ham muốn “mối quan hệ cha – con – mẹ từ mặc cảm Oedipe “không “nguyên vị” mà luôn có những trường hợp chuyển vị. Có sự thiên di như vậy phải chăng do đứa trẻ cảm nhận được tội lỗi trong cái phức tâm ấy? Ngôi cha có thể chuyển sang một người đàn ông khác. Ngôi mẹ cũng vậy” [133 - tr 164]. Ở đây sự dịch chuyển đã phổ vào một đối tượng khác là người chị. Cuộc đời Hoàng Cầm dệt bằng những mối tình, nhà thơ biết yêu từ năm 8 tuổi, bóng hồng đầu tiên là chị Vinh, sau này khi 14 tuổi thì say mê chị Nghĩa lúc đó chị 22. Những người chị ấy là nguồn thi hứng mãnh liệt suốt đời thơ Hoàng Cầm. Nhân vật trữ tình là Em – một cậu trai đa tình đã sớm biết rung động trước nhan sắc thanh

xuân của chị. Tình yêu đơn phương với chị được biến hóa vào trò chơi tam cúc:

Cỗ bài tam cúc mép cong cong Rút trộm rơm nhà đi trải ổ Chị gọi đôi cây

trầu cay má đỏ

Kết xe hồng đưa Chị đến quê Em

(Cây Tam Cúc)

Sự thật ập đến đầy ngang trái, Quan Đốc đồng xuất hiện, ông ta cướp mất chị, giấc mơ cưới chị tan thành mây khói. Ông ta có quyền uy (áo đen nẹp đỏ), có tiền bạc (thả tịnh vàng) nên đã thắng được “tướng điều sĩ đỏ” của Em. Hình như trò chơi nào Em cũng nhận về phần vô vọng, một lần khác là cuộc chơi đố lá:

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng Chị thẩn thơ đi tìm

Đồng chiều Cuống rạ Chị bảo

Đứa nào tìm được lá Diêu bông Từ nay ta gọi là chồng!

(Lá Diêu bông)

Ẩn ức càng mạnh mẽ, lần này em không cần “rút trộm rơm nhà”, “đi đêm tướng điều sĩ đỏ”vụng trộm, thầm kín nữa, em bày tỏ thành thực khát vọng là chồng của chị. Chị trốn tránh tình yêu của em bằng một tình huống giả định, chị ra điều kiện ai tìm được lá diêu bông chị sẽ “gọi là chồng”. Có ngờ đâu bốn lần em tìm thấy

lá: “Hai ngày Em tìm thấy lá…/ Mùa đông sau Em tìm thấy lá…/ Ngày cưới Chị Em

tìm thấy lá…/ Chị ba con Em tìm thấy lá…” nhưng chị vẫn chối từ. Thực ra cả chị

và em đều biết một sự thật rằng trên đời làm gì có lá diêu bông nhưng chị vẫn cố tình mượn diêu bông như một nguyên cớ còn em tìm “lá” để chứng minh tình yêu mãnh liệt của mình. Lá diêu bông cũng như cỏ bồng thi ở nơi nào heo hút “cheo leo

mỏm đá/ Trước vực/ Sau khe/ Thòng lọng tơ gì quấn gót”, tượng trưng cho một tình

cuối cùng em vẫn nhận về sự vô vọng. Những cản trở khách quan như: cỏ bồng thi ở nơi hiểm trở, “quả vườn ổi”nhiều khi “chín quá tầm tay”, là sự hình tượng hóa về những áp đặt, định kiến ngặt nghèo trong luân lý, đạo đức cộng đồng. Việc em yêu chị vẫn thuộc địa hạt cấm kị, xã hội khó có thể tác thành một tình yêu lệch lạc như thế nên em phải chịu nhận về nhiều đắng cay. Mặt khác trong bề dày văn hóa quê hương Kinh Bắc về phong tục hát quan họ, quy định của hội hát dân ca quan họ là những liền anh, liền chị không bao giờ được kết đôi với nhau, Hoàng Cầm là người con máu thịt cả quê hương Kinh Bắc nên hiểu rõ lề luật này. Nghịch lí ở một sinh hoạt văn hóa và ám ảnh về một tình yêu bị cấm đoán đã tạo nên mặc cảm về sự chia lìa, lỡ dở trong thơ Hoàng Cầm. Những ham muốn đầy bản năng chi phối mạnh mẽ giúp chúng ta lí giải tại sao thơ Hoàng Cầm viết nhiều về tình yêu và thường mang màu sắc nhục cảm. Cõi mơ là một thế giới bí mật của mỗi người, việc minh định giấc mơ và phân tích bản thể vô thức là một việc làm khó khăn nhưng cần thiết. Dù viết từ vô thức hay ý thức, bằng siêu thực hay hiện thực thì thơ Hoàng Cầm bao giờ cũng là tiếng thổn thức của một trái tim yêu đa cảm nhưng chịu nhiều thương tổn. Chính khát vọng yêu mãnh liệt của thi sĩ đã trở thành nguồn nội lực để những mối tình trong thơ trở thành bất tử.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) những biểu hiện của chủ nghĩa tượng trưng và siêu thực trong thơ việt nam hiện đại (Trang 93 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)