3.1 .Bối cảnh thơ khu vực miền Bắc giai đoạn 1945-1975
3.2. Những biểu hiện của khuynh hƣớng tƣợng trƣng, siêu thực trong thơ Trần
3.2.1. Ngôn từ thơ giàu sức gợi cảm và nhạc tính
Sáng tạo mở ra con đường tồn tại của nghệ thuật, người nghệ sĩ cách tân chính là chủ thể đã dũng cảm vượt qua những rào cản cũ mòn để khai phá chân trời mới. Trần Dần được coi là người tiên phong số một trong thơ ca Việt Nam. Sau
biến cố Nhân văn giai phẩm năm 1956 – 1960, sáng tác của ông bị đình chỉ, không có cơ hội công khai nhưng ông vẫn quyết liệt đổi mới. Trần Dần sống chết với bản mệnh của nghệ thuật, đối với ông: “Thơ là mạng sống, là lý lịch thật của đời tôi”; “Thơ là bản gốc, đời là bản sao” [135 - tr 210]. Gắn liền với tiến trình vận động trong thơ ca Việt, vào khoảng thập kỉ năm mươi, phong trào Thơ mới vẫn còn nhiều dư vang thì Trần Dần khi ấy mới mười chín tuổi đã nhận ra Thơ mới không còn “mới” nữa. Ông cùng Vũ Hoàng Địch, Trần Mai Châu chủ trương xây dựng nhóm Dạ Đài, bước đầu họ đã lập ngôn đầy khẩu khí. Sau năm 1946, trong thời kì kháng chiến chống Pháp, Trần Dần cũng như phần đông các nhà thơ tiền chiến cũng hòa vào dòng chảy “người người lớp lớp”, tạm gác lại cái tôi “bất phương chủ nghĩa” để viết nên “những dòng thơ lửa cháy” chỉ có điều nó khác biệt so với tính chất đại chúng hóa lúc đương thời. Trần Dần vẫn chủ trương tìm tòi trong thơ và cố gắng tạo ra một lối diễn tả riêng biệt, không phải lập dị, nhưng độc đáo”. Theo Trần Dần, thơ tồn tại không phải là vì chức năng xã hội của nó, tư tưởng “văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí” bị ông khước từ, sự đổi mới bắt đầu manh nha từ trong hình thức thơ. Không còn được chấp nhận cái hào sảng như thơ Maiakovski, hầu hết các tác phẩm của Trần Dần đều mang tính đối thoại, dần dần từ bỏ lối thơ “dòng nghĩa” mà đồng nhất thơ vào chữ, khẳng định“Làm thơ tức là làm Tiếng Việt”. Theo quan điểm ngôn ngữ học của F.Sausure, kí hiệu ngôn ngữ gồm có hai mặt: cái biểu đạt và cái được biểu đạt, còn nghĩa của từ ngữ chính là sự thống nhất giữa hai mặt vừa nêu. Tuy nhiên việc truyền đạt ý niệm bằng từ ngữ không phải là mục đích chủ yếu và duy nhất của ngôn ngữ. Với Trần Dần, ông cũng có đồng quan điểm như vậy, nhà thơ cho rằng ngôn từ không còn giữ vai trò là công cụ của tư tưởng mà sâu sắc hơn, bản thân từ ngữ đã là mục đích hướng đến của chính nó. Nếu như trước đây ngôn ngữ Tiếng Việt vận động theo hệ hình lấy nghĩa làm hệ quy chiếu, rồi từ đó người nghệ sĩ làm thao tác lựa chọn từ, tổ chức ngữ pháp sao cho đạt hiệu quả thẩm mĩ nhất. Trong khi đó đa số những nhà thơ có tư tưởng cấp tiến lại xoay chuyển mô hình đó theo chiều ngược lại: chữ là căn cứ thứ nhất sau đó mới xây dựng nghĩa. Làm được điều này, người nghệ sĩ đã hai lần sáng tạo, vừa tiếp nhận nghĩa cơ sở
ban đầu theo mô hình cũ, đồng thời gia công và tạo sinh thêm những nét nghĩa mà trước nay chữ chưa có bao giờ.
Khác với các bộ môn nghệ thuật như hội họa, âm nhạc, điêu khắc, điện ảnh thường sử dụng chất liệu biểu đạt trong khách thể (màu sắc, đường nét, âm thanh, hình khối, vật liệu…), văn chương dùng ngôn ngữ - một công cụ nằm trong chủ thể (người viết) để tái hiện thế giới và truyền đạt tư tưởng. Ở địa hạt ngôn ngữ, thơ là thể loại nhạy cảm nhất. Với nhà thơ Trần Dần, ngôn ngữ thơ được đẩy lên bình diện trung tâm, sáng tạo thơ đồng thời cũng là sáng tạo ngôn ngữ “Xây một tập thơ là phá một nhà tù”. Tác giả đưa ngôn từ vượt thoát ra khỏi chức năng giao tiếp thông thường, triệt tiêu dần ý nghĩa tiêu dùng đưa ngôn ngữ trở về với chính bản thể thuần khiết của nó. Chữ trở thành trung tâm phát sinh nghĩa trong mối liên hệ tuyến tính với các đơn vị ngôn từ lân cận. Trong sáng tạo nghệ thuật, người nghệ sĩ theo đuổi nhiều mục đích khác nhau nhưng có những hướng đi làm dậy lên niềm đam mê, kích thích tư duy vận động không ngừng nên ở nhiều trường hợp việc truyền đạt ý niệm chỉ là thứ yếu, ngôn ngữ thơ Trần Dần cũng thuộc kiểu tạo lập như vậy. Nhưng Trần Dần không đơn độc, vẫn có những thi sĩ dấn thân và đồng hành cùng với ông, Lê Đạt, Dương Tường, Hoàng Hưng. Họ đã khơi lên một nguồn mạch thơ “dòng chữ”. Lê Đạt nói “Nhà thơ làm chữ chủ yếu không phải bằng nghĩa tiêu dùng”, “nghĩa tự vị” của nó mà là ở diện mạo, âm lượng, độ vang vọng, sức gợi cảm của chữ trong tương quan với câu thơ, bài thơ” [30]. Họ cổ súy cho tính năng của chất liệu ngôn từ: “Thơ cổ lai đặt ở tứ lạ, lời hay, hình ảnh đẹp, âm điệu ru hồn. Tôi giản dị đồng nhất thơ vào chữ” (Trần Dần). Tác giả Trần Ngọc Hiếu trong bài
viết “Tìm hiểu một quan niệm về nghệ thuật ngôn từ trong thơ đương đại” còn phát
hiện ra điểm gặp gỡ với quan điểm của các nhà cấu trúc luận về tính thơ: “Nhưng tính thơ thể hiện ra như thế nào? Theo cái cách từ ngữ được cảm nhận như là từ ngữ, chứ không phải như vật thay thế đơn giản của đối tượng được chỉ định, theo cái cách những từ, những cú pháp, những ngữ nghĩa của chúng, hình thức bên trong và bên ngoài của chúng không phải là những dấu hiệu vô hồn của hiện thực mà có trọng lượng riêng của chúng” [59]. Giai đoạn 1945 – 1975, xu hướng chung của thơ
Việt Nam là đề cao tính chất đại chúng, ngôn từ không cần hoa mĩ, cầu kì mà cần sự trong sáng, giản dị đảm bảo yêu cầu tuyên truyền, cổ vũ. Thơ Trần Dần, ngay từ buổi đầu đã lựa chọn con đường độc đáo, nhà thơ ứng xử với chữ thật khác lạ, muốn khám phá và đào sâu đến tận cùng năng lực của nó, đưa chữ bứt phá lên khỏi những quy chuẩn thông thường. Chữ cựa quậy như một sinh thể đang phập phồng sống, mà trạng thái sống nào cũng bạo liệt, khắc khoải ít xuất hiện sự bằng phẳng, nhàn nhạt: “cỏ hoa làm chứng; cờ đỏ cãi cho tôi”(Hãy đi mãi); “Lưng Tổ Quốc hôm nay rớm máu; đem thân làm ụ cản đường đi, Thơ phải khua gió bão, tiếng đời ầm ã; đâm trời chảy máu; vô địch của lòng tin; đỏ mọi buồng tim lá phổi; Em khuân tất
cả tim gan chúng mình phơi nắng hết, hát hò vỡ phổi” (Nhất định thắng – 1955);
“khản tiếng kêu gào”(Tình yêu), Tôi với tường/ cãi vã vài câu(Bốn mặt
tường),“Đạn bom/ chầu chực/ bốn bên nhà; Nhưng ta không quen/ châm chích/ nhọt tim buồn” (Đây Việt Bắc);“Nên khối óc/ không bao giờ/ lặng bão, Anh nắm tóc/ cuộc đời/ chất vấn”(Xin nghỉ phép);“Ai treo cổ rặng đèn trên dãy phố bồ
côi?”(Cổng tỉnh); “Leo ngang cột đèn đánh đu ngõ tới khi...” (Khai tù – Cổng
tỉnh). Chúng ta có cảm giác khoảng cách giữa chủ thể và các hoạt động, trạng thái
bị tỉnh lược đến mức tối giản, Trần Dần còn cấu trúc từ ngữ bằng phép đảo, đưa danh từ đứng sau hệ thống động từ, tính từ tạo nên cách định danh lạ lẫm: “cởi trần mưa nắng, gãy cẳng ngày đêm”(Tình yêu),“Nhịn mùa xuân/ lại đến/ nhịn mùa
đông”(Đây Việt Bắc– 1957);“mùi soa đêm, va li tim”(Khai tù! – Cổng tỉnh); “Cô
đơn nắng đào cô đơn mưa tái nhợt đầu ô/ …/ Cô đơn lòng ngõ ngõ rỗng trăng chênh/ Cô đơn sân ga tàu chạy tốc hành/ …/ Cô đơn trống đổ trường chiều/ …/ Cô đơn lá thư xanh xao” (Bơ vơ – Cổng tỉnh);“mắt trợn chân mây” (Nam Định – Cổng
tỉnh); “ướt mượt môi đèn; chiều cong lá đỏ con tim; chân buồn chưa đóng vảy; tơ
lụa phố đùi dài”(Đường cùng – Cổng tỉnh); “rơm rớm ngã tư xưa; chiêm chiếp
sáng”(Người phá tù – Cổng tỉnh). Con đường của chữ mà Trần Dần khơi mở tạo
thành tiền đề để sau này thế hệ thơ trẻ vận dụng khá phổ biến, bởi lẽ sau năm 1975 thơ khai phá chiều vô thức, ngụp lặn trong cái tôi nội cảm chằng chịt những suy cảm nên khuôn khổ chữ theo nghĩa hiện thực không thể đựng vừa, chữ phải mở
thêm nhiều chiều kích suy cảm. Trong thế giới của Trần Dần hệ thống từ láy tiếng Việt khá đa dạng và giàu sức biểu cảm, nhiều khi có sự phá cách nhằm diễn tả đắc địa cung bậc cảm xúc: “-Chúng ta vẫn làm ăn chiu chắt/ - Tiếng người nói xen
tiếng đời ầm ã” (Nhất định thắng); “-Tôi đứng xù xụ bến tàu bùn/ Thì hãy lấy mùi
soa đêm chùi đôi mắt khổ/ Hơn là mỏi răng nhai ràu rạu vỉa hè/ -Sông khuya tì tũm
vỗ” (Khai tù – Cổng tỉnh); “-Cho tôi ngõ hoa thiêm thiếp đèn chiều” (Bạn cũ –
Cổng tỉnh; “-Phố nào nưn nứt nụ dò lan?” (Gái trai thành quách bàn cờ). Ngôn từ
khơi vào bản năng con người: thiêm thiếp, tì tũm, rậm rì, hì hụi, nưn nứt, nhu nhú,
rơm rớm, lách chách, thoai thoải, phay phay. Có khác nào như cách đó vài thế kỷ,
nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã tháo tung cả giường mối thơ Nôm bằng những từ láy thần tình: “Cỏ gà lún phún leo quanh mép/ Cá diếc le te lách giữa dòng”(Giếng nước);
“Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn/ Luồng gió thông reo vỗ phập phòm” (Hang Cắc Cớ). Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, thơ vẫn mang tính chất “biểu ý”, Trần Dần không bao giờ tự bằng lòng với chính mình, trong cuộc duy tân đầy chông gai ông tự coi mình như một tín đồ khổ hạnh nên nhà thơ còn sáng tạo nhiều hình thức biểu âm cho ngôn từ. Đến tập Mùa sạch, Trần Dần thể nghiệm “sử dụng những“chữ rỗng”, tức những âm tiết còn chưa thụ nghĩa, các tổ hợp âm tiết nằm ngoài kho từ điển để tạo ra một từ trường cảm giác nhất định” [59].Ở đây, nhà thơ khai thác cấp độ nhỏ nhất của ngôn ngữ là âm tiết, để các con âm va đập, xô lệch ra ngoài khuôn khổ tạo nên nhạc tính, những tiếng láy được sắp xếp theo dạng kí âm trên khuông nhạc: mòng mọc, thăn thắt, mày mạy, hày hạy, đăm đắp, lạt xà lạt xạt, xồn xột, xần
xật … Chữ trở về dạng thể tinh khiết, không bị đè xuống bởi gánh nặng nghĩa, nó
được thoải mái vận động theo chiều “năng sản”, như vậy là chữ thoát ra khỏi sự đông cứng, nó luôn rơi vào trạng thái đang hoàn thành. Với quan điểm thực hành âm thanh trên ngôn từ, thơ Trần Dần không chỉ ấn tượng bởi tính chất thị giác mà còn mang tiết tấu mới lạ. Trong đặc điểm chung của thơ tượng trưng, vấn đề nhạc điệu cũng được coi là một yếu tính, Paul Valéry (1871 – 1945) định nghĩa rằng: “Thơ là sự phân vân kéo dài giữa âm thanh và ý nghĩa”[78 - tr 9] thơ đích thực phải có sự giao hòa giữa âm và nghĩa. Bám sát vần điệu dồi dào của tiếng Việt, đưa yếu
tố láy mô phỏng nhiều âm thanh nghe rất lạ tai:
Mây xuân lốp xốp xuân
Ếch xuân ì oạp xuân
Gàu xuân xì xoạp xuân
Ngó xuân mùm mụp xuân
(Mùa sạch)
Bản thân ngôn từ và nhịp điệu tự nó đã toát lên cái đẹp non tơ, đầy trinh nguyên như buổi ban đầu của thế giới này và đó cũng là hành trình Trần Dần muốn thanh lọc cuộc sống.