Những biểu hiện của chủ nghĩa tượng trưng trong thơ Thanh Tâm Tuyền

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) những biểu hiện của chủ nghĩa tượng trưng và siêu thực trong thơ việt nam hiện đại (Trang 111 - 117)

3.1 .Bối cảnh thơ khu vực miền Bắc giai đoạn 1945-1975

3.5. Thơ Thanh Tâm Tuyền trong ảnh hƣởng của chủ nghĩa tƣợng trƣng, siêu

3.5.1. Những biểu hiện của chủ nghĩa tượng trưng trong thơ Thanh Tâm Tuyền

Khi con đường tượng trưng, siêu thực trong thơ ca miền Bắc dần thu hẹp lại từ thời Dạ Đài và Xuân Thu Nhã Tập thì ở miền Nam sau năm 1954, làn sóng cách tân và tiếp thu những yếu tố hiện đại trở nên mạnh mẽ. Thanh Tâm Tuyền một trong số những thành viên chủ chốt của nhóm Sáng Tạo, chính là cây bút quyết liệt, mạnh mẽ hơn cả. Môi trường văn học miền Nam giai đoạn này khá cởi mở, cánh cửa thơ rộng rãi du nhập nhiều học thuyết Tây phương hiện đại. Đơn cử như chủ nghĩa siêu thực và hội họa lập thể có ảnh hưởng rõ rệt đến văn học miền Nam. Trước hết chủ nghĩa siêu thực nhấn mạnh lối viết tự động và ngôn ngữ của giấc mơ, họ cho rằng tri giác đã đánh lừa nhận thức của con người, chính vì thế bằng việc sắp xếp cho các sự vật khác xa nhau trở nên đứng gần nhau các nhà siêu thực muốn làm thức dậy bản chất thế giới, phóng thích cái nhìn ra khỏi một lập trình có tính mặc định của lí trí. Giai đoạn văn học miền Nam 1954 – 1975, chủ nghĩa siêu thực được nâng lên một nấc thang mới, đó là sự va chạm với hội họa lập thể. Hội họa lập thể mà đại diện xuất sắc là danh họa Picasso đã trở thành một trong những dấu ấn chủ yếu của nền nghệ thuật thế giới thế kỷ XX. Đây thực chất là thái độ phản ứng đồng thời chống lại tính phù phiếm nhất thời của chủ nghĩa ấn tượng. Điều đó tương tự như sự bùng nổ cảm xúc của chủ nghĩa dã thú, chủ nghĩa lập thể. Nó chính là sự thiết lập trật tự trở lại đối với cái thực tại, có điều là cái thực tại này tương ứng với một thế giới vật chất và trí tuệ đang biến chuyển sôi động. Vấn đề cốt lõi ở đây là phản ánh cái thực tại không đúng như nó thể hiện nữa, mà đúng như cái thực tại ấy được quan niệm trong hết thảy mọi qui cách của nó, kể cả quy cách về thời gian, đã bị xơ cứng

và chia cắt bởi cái tri giác nhìn ngắm, thành ra các mảng, các mảnh của thực tế. Đặc trưng nổi bật là các khối hình được diễn tả bằng các mặt phẳng hình học đan cài với nhau làm mờ đi ý niệm về thể tích, hay hiểu theo một cách khác, người nghệ sĩ sáng tạo theo cái mình biết chứ không phải theo cái mình thấy. Bên cạnh đó, ý thức hệ đang bừng dậy, nó không còn là một cái Tôi vươn lên để khẳng định sự có mặt của mình như thơ tiền chiến: “Ta là một, là riêng, là thứ nhất” (Xuân Diệu) mà bây giờ là hoang mang thực sự, con người phải đối mặt với tận cùng cô đơn: “Tôi ngủ ngoài

nghĩa địa một mình”“quanh tôi là những người khác”, “chúng tôi cùng cô độc”

(Thanh Tâm Tuyền).

Thanh Tâm Tuyền cho rằng “nổi loạn là điều kiện sáng tạo” nhưng điều đó không có nghĩa là chặt đứt hoàn toàn hay ly khai với quá khứ, bên cạnh khả năng đón nhận những luồng tư tưởng ngoại nhập tân tiến nhất, người nghệ sĩ vẫn giữ lại linh hồn dân tộc qua cấu trúc tư duy văn hóa:

Không đa đa siêu thực thẳng thắn

khởi từ ca dao sang tự do

(Một bài thơ – Tôi không còn cô độc)

Trước hết Thanh Tâm Tuyền tiếp thu những chất liệu để cách tân dựa trên đặc trưng của chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực của thế kỉ XX. Một trong những biểu hiện rõ rệt của chủ nghĩa tượng trưng là hệ thống hình ảnh giàu tính biểu tượng. Qua từng thời đại, cách khai thác thi ảnh cũng khác nhau phản ánh ý thức thẩm mĩ, kiểu tư duy, cốt lõi văn hóa. Thời trung đại, hình ảnh không có nhiều dấu ấn của sự sáng tạo, phần nhiều nệ cổ điển, ước lệ, coi quá khứ là tấm gương mẫu mực. Sang thời Thơ mới, thi ảnh giũ bỏ lớp áo cũ kĩ ngàn năm, khoác lên sự chau chuốt, tân kì, đậm chất lãng mạn. Đến với thơ hiện đại, thơ là cuộc chơi của chữ nghĩa và hình ảnh, Thanh Tâm Tuyền đã đẩy xa cuộc chơi ấy đến cấp độ táo bạo, vượt xa tầm kiểm soát của lí trí. Ngay từ buổi ban đầu khi khởi bút, ông đã chọn cho mình một con đường gai góc. Bình thường người ta yêu thơ, mơ mộng với thơ là bởi cái đẹp, vẻ lấp lánh hơn so với đời sống thực, nhưng trường hợp Thanh Tâm

Tuyền, ông đã quyết tâm không tô vẽ, nhát bút của ông hằn in nhiều bức tranh đời sống xám xịt, thô tháp. Trước hết nó hiện diện một bộ mặt đô thị, bủa vây trong thơ là dấu ấn của không gian văn hóa xô bồ với: nhà, phố, quán bar, chuyến ô tô buýt,

chuyến tàu, vỉa hè, cột đèn, gạch ngói, khối sắt khối thép … Trong hai tập thơ, có

mười bảy lần xuất hiện “phố”, “thành phố”. Đây là thế giới máy móc, cơ giới đầy ngột ngạt mà con người muốn quay lưng để trốn tránh:

Anh sợ những cột đèn đổ xuống Rồi dây điện cuốn lấy chúng ta Bóp chết mọi hi vọng

Nên anh dìu em đi xa

(Dạ khúc)

Con người nhìn thấy hàng ngày những phương tiện giao thông lưu chuyển

như “chiếc đầu máy mệt nhọc, tàu chạy qua cầu nghe tiếng mưa và tiếng nước

trôi mau”, “toa tàu hạng ba”, “chuyến xe hàng ốm yếu”, họ hững hờ không

niềm giao cảm: “mỗi ngày chúng ta đứng bên nhau không quen nhau… ngó vào mắt hoang xa dòng sông không bờ … Xe còn chạy mưa hoài dòng sông hoang mắt bỏ cố níu lấy cửa xe/ Nhưng chúng ta không kiếm được lời nào mà nói”(Một

chỗ trên ô tô buýt). Thiên nhiên tươi xanh, đầy sức sống phải nhường bước cho

nhiều dạng vật thể khô khốc:

Những đám cỏ hèn bên diện tích xi măng khô (Chiều trên phi trường)

Những sản phẩm văn minh công nghiệp vốn là bước tiến của con người nhưng đến một mức độ nào đó, con người lại lệ thuộc và trở thành nô lệ cho thế giới vật chất ấy. Điều này rất gần với những dấu ấn của thể loại kịch phi lí trong văn học phương Tây thế kỉ XX, nó là hệ quả của xã hội tư bản chủ nghĩa thế kỉ XIX, máy móc hiện đại phát triển cao độ khiến con người trở thành nô dịch, phát sinh tình huống “dị hóa”, làm mất đi bản chất người, cảm giác phi lí có thể tìm thấy ở bất kì gương mặt nào trên đường phố, con người cũng phát tán ra những thứ phi nhân tính.

nhà hay ngõ phố đều chật ních đồ vật: ghế, bức tranh, bình hoa, đồng hồ, các nhân vật người có muốn di chuyển, đi lại cũng khó khăn, nó là hình ảnh rõ nhất về văn minh vật chất đang chi phối, tạo áp lực con người và con người biến dạng thành những sinh vật có khối óc phẳng lì, có con tim chai cứng, giá băng, thiếu vắng nhân tính. Qua hai tập thơ, cảm thức đô thị của Thanh Tâm Tuyền có sự thay đổi, nếu trong “Tôi không còn cô độc” mới chỉ nhen nhóm, manh nha, thành phố được nhắc tới chủ yếu với tư cách là địa bàn cư trú, phản ánh diện mạo mỏi mệt, rã rời của con người sau chiến tranh. Đến “Liên, Đêm, Mặt trời tìm thấy”, suy niệm về đô thị di chuyển từ khách thể sang chủ thể, đi vào cái tôi bị giằng xé, phân mảnh, biến thể. Không gian vô hồn, trống rỗng “Chiều không xanh không tím không hồng”,“thành trì oán hờn dựng lên ngang dọc”, “bệnh viện thành công viên khuất nẻo” đầy vắng lặng, hoang liêu, “kỉ niệm kim khí thủy tinh hành hạ”, “chăn chiếu héo khô giống

như chiếc quan tài”. Con người không tồn tại vô tri, không có sự kết nối, họ là cái

bóng đi lại, nói năng: “mỗi ngày chúng ta đứng bên nhau không quen nhau… ngó vào mắt hoang xa dòng sông không bờ … Xe còn chạy mưa hoài dòng sông hoang mắt bỏ cố níu lấy cửa xe/ Nhưng chúng ta không kiếm được lời nào mà nói”(Một

chỗ trên ô tô buýt). Âm thanh nhịp điệu của thành phố được xây dựng qua hai ám

ảnh, trước hết là âm thanh chát chúa, đinh tai, cơ giới “xưởng máy rầm rầm nghiền nát”, “bánh thép lăn nhanh thành chấn động cuồng điên”, “tiếng động cơ”, “tiếng máy nổ”, minh chứng cho sự lấn át, đè nén lên thế giới người. Thứ hai là âm thanh tiếng kèn đồng – thứ khí nhạc chiêu hồn vang lên thê thiết:

Chiếc kèn hát mãi than van

Điệu nhạc gầy níu nhau tuyệt vọng

(Dạ khúc)

Có lúc nó âm u, thấm vào xương tủy để hủy diệt con người: Xé nát thân thể bằng tiếng kèn đồng

(Đen)

Tại sao thơ Thanh Tâm Tuyền lại đầy rẫy cảm quan đô thị bi đát thế? Nhìn lại quá trình “đô thị hóa thơ Việt”, trước Thanh Tâm Tuyền, phong trào Thơ mới đã

thoát thai từ đô thị, cái tôi Thơ mới là cái tôi thị dân sinh ra từ sự va chạm Đông – Tây đầu thế kỉ XX. Đời sống đô thị dần hình thành phá vỡ đi những đặc trưng của xã hội tiểu nông, kẻ sĩ trước đây chỉ coi kinh thành là nơi phồn hoa đô hội, tranh đoạt lợi danh để đối lập nó với núi biếc, am mây trong lành, thanh sạch thì nay đô thị nhiều lên, lan rộng, vươn tỏa theo bước chân khai hóa của người phương Tây, lòng người không khỏi ngỡ ngàng. Có lẽ người bàng hoàng thứ nhất là Tú Xương

“Sông kia rày đã nên đồng/ Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai”, đến thời Thơ

mới, thi sĩ không đủ dũng khí để tự nhận mình là con đẻ của xã hội thị thành, họ băn khoăn vì nhiều lẽ, họ có một không gian khác song hành để nương náu. Thế Lữ có

lúc “rũ áo phong sương trên gác trọ/ Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang”, để đi về

cõi Bồng Lai diệu vợi; Nguyễn Bính thì coi đô thị gần với sự sa ngã của những tâm hồn nhà quê: “Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”, “Bỏ lại

vườn cam bỏ mái gianh/ tôi đi dan díu với kinh thành” để rồi có phút giây “sáng

nay sực tỉnh sầu đô thị”, lại mơ giấc mơ hồi hương. Giai đoạn cuối kì Thơ mới, đô

thị mang hơi hướng trụy lạc, Vũ Hoàng Chương quay cuồng cùng “điệu kèn biếc” nhưng lòng vẫn khắc khoải tiếng thở dài của Đông phương trầm mặc. Con người Thơ mới cuối cùng vẫn phủ nhận thành thị vì phố xá là hiện diện của thực tại có phần lai căng, chôn vùi đi ý thức hệ chuẩn mực thời phong kiến mà họ thì đang muốn quay lưng, thoát ly khỏi hiện thực nên họ cảm thấy cô đơn, lạc loài trong lòng phố, phố không thể đồng hành cùng họ trong xã hội này.

Với trường hợp Thanh Tâm Tuyền, ông sống trong hoàn cảnh xã hội miền Nam sau năm 1954, nơi thiết lập nên mẫu hình đô thị nhưng đó không phải là lí do chính yếu, quan trọng nhất là người nghệ sĩ ấy đã viết bằng suy niệm về một tính chất đang ngự trị trong đời sống – tính phi nhân. Thơ Thanh Tâm Tuyền bộc lộ phản ứng quyết liệt với một xã hội khô héo tình người, ngay cả chiến tranh, bom đạn cũng là một hệ quả của nền khoa học kĩ thuật tiến bộ mà con người đã sáng tạo ra. Không khước từ, không trốn tránh như thơ tiền chiến, Thanh Tâm Tuyền dấn thân và chống đối trật tự phi nhân của đô thị, ông viết hẳn một bài thơ mang tên

thấy thấy thành phố nhớ thương tôi. Tôi đi bên trái, những thanh sắt nhọn xuyên thủng ngực, người ta muốn giày xéo tôi cho đỡ chướng mắt. Tôi vẫn dửng dưng và người ta bắt đầu lo sợ. Tôi bảo mọi người: Hãy đi sang bên này, chối bỏ những thói quen ngu muội của người, chúng ta sẽ gọi bên này là bên phải. Không ai dám cười tôi nhiều băng qua nhưng còn sợ chết giữa đường. Mặc dù họ thế nào tôi cũng đi theo phía trái. Thân và hồn tôi nặng nề những kim loại. Và tôi đau đớn nhớ người

đàn bà chít khăn tang trên đồi cỏ may hoang vu dưới trời cao mùa Hạ”. Những lời

thơ mang dáng dấp như lời kêu gọi con người tỉnh giấc, đập bỏ đi lề thói cũ, rời xa ngục tù xám xịt do chính con người trước đây thiết lập nên. Sự nhận thức về bản thể cô độc và bị xói mòn nhân cách giữa một xã hội công nghiệp còn thấm đẫm trong nhiều tác phẩm nghệ thuật của thế giới thế kỉ XX.

Bên cạnh biểu tượng thành phố, thơ Thanh Tâm Tuyền còn xuất hiện hình ảnh thân thể con người với mật độ dày đặc, điều này khẳng định rằng vấn đề nhà thơ quan tâm chính là nhân dạng người như một biểu hiện cho thân phận. Trong hai tập thơ chúng tôi thống kê được 424 từ chỉ bộ phận thân thể, trong đó “Tôi không

còn cô độc” có 151 từ, “Liên, Đêm, Mặt trời tìm thấy” có 273 từ, ví dụ như: tay,

mắt, môi, tim, tóc, mặt, ngực, trán, vai, cổ, đầu, lưng, da, mồm - miệng, má, răng,

lưỡi, phổi… Hình hài con người bị cắt vụn, mỗi bộ phận như được phóng to lên trở

thành ám ảnh trong thi phẩm, giống như chúng ta soi vào những bức tranh lập thể của danh họa Picasso, người họa sĩ này chủ trương phân tách đối tượng thành nhiều dạng hình khối đầy ấn tượng. Trước hết, đôi mắt vốn là biểu hiện của tâm hồn, còn trong thế giới thơ Thanh Tâm Tuyền “con ngươi mù lòa”, “con mắt ráo hoảnh”cạn kiệt cảm xúc, mắt ngập chìm bóng tối “màu đen của tròng mắt”, “trong mắt là hoang đảo”, “mắt hoang xa dòng sông không bờ”, in dấu vết đau thương, chết chóc “trời sẫm như mắt”,“con mắt thâm quầng như vết cắn”,“mắt khép không đợi vuốt” … Trên gương mặt, còn đó đôi môi, bình thường theo logic làn môi thật tinh tế, nó nhuốm màu sắc nhục cảm nhưng Thanh Tâm Tuyền khám phá ở đó“dấu tích mối sầu”, “nước mắt ướp lạnh môi”, “môi ung độc”, “môi em như mật đắng”, “cái chết vuốt ve môi”, “môi son họng súng”. Hình ảnh cánh tay – biểu tượng của sức mạnh

hành động, giờ đây nó cạn kiệt sức sống: “những ngón tay gầy trơ xương nhọn”, “hai bàn tay khô héo”, “hai bàn tay tàn lá về chiều”, “hai bàn tay những đường cỏ cháy”, “hai bàn tay chới với”, “mười đầu ngón tay rưng rưng môi sầu lúc nửa đêm”, không đủ khỏa lấp đi niềm cô độc của con người. Nhiều khi đôi tay gân guốc lên để tự vệ “móng tay buốt sắt”, “ngón tay cấu lấy ống kèn”, “hai bàn tay nắm chặt hư vô” … Nơi trú ngụ của trái tim là lồng ngực nhưng hình như phần thân thể ấy đang rạn vỡ, nó bị đè xuống gánh chịu nhiều vết thương bởi “đạn xuyên giữa ngực”, “ngực thủng lỗ đạn tròn”. Một hình ảnh khác cũng xuất hiện với tần số cao là mái tóc: “làn tóc biếc”, “tóc rối nền trời khuya”, “hư vô đắp dưới mền tóc dày”, “đáy huyệt sâu hồn tóc cũ”, “hơi đất nằm trong tóc”, “tóc xõa như hồn ngơ ngác”, “tóc rũ thành cơn bão mặn”, “rũ tóc nói những lời mê sảng”, “xé tóc cùng những cành lá chết”… Như vậy, có thể khẳng định rằng thơ Thanh Tâm Tuyền cũng có dấu ấn chủ nghĩa tượng trưng mặc dù ngay từ đầu nhà thơ không hề chủ quyết, nhưng hệ thống thi ảnh đặc trưng cho vùng thẩm mĩ của nhà thơ xuất hiện một cách có ý thức. Những biểu tượng đó dồi dào, phong phú vừa dựa trên ý nghĩa hiện thực nhưng lại giàu tính biểu niệm, kí thác những dằn vặt, giằng xé trong tư tưởng nhà thơ. Vì đặc trưng này nên Thanh Tâm Tuyền được coi là “một trong những nhà thơ giàu hình ảnh nhất Việt Nam” (Thụy Khuê).

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) những biểu hiện của chủ nghĩa tượng trưng và siêu thực trong thơ việt nam hiện đại (Trang 111 - 117)