Bối cảnh văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) những biểu hiện của chủ nghĩa tượng trưng và siêu thực trong thơ việt nam hiện đại (Trang 107 - 111)

3.1 .Bối cảnh thơ khu vực miền Bắc giai đoạn 1945-1975

3.4. Bối cảnh văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5/1954, hiệp định Genève được ký kết tháng 7/1954 với nội dung là một cuộc đình chiến và tạm phân đôi Việt Nam tại vĩ tuyến 17. Mười năm sau năm 1954, ở miền Bắc, quân Mĩ ném bom phá huỷ làng mạc, nhà cửa, khu dân cư, làm hàng ngàn người chết, hàng vạn người phải đi sơ tán, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng. Chiến tranh lan rộng, cuộc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 quân giải phóng đã làm lực lượng Việt Nam Cộng hòa bị tổn hại nặng nề. Mĩ tiếp tục thực hiện kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”. Đến tháng 1 năm 1973, Hiệp định Hòa bình Paris được ký kết. Giữa tháng 3 năm 1975, quân đội Việt Nam dân chủ cộng hòa và Mặt trận giải phóng miền Nam mở cuộc tấn công quy mô ở Tây Nguyên khởi đầu những chiến dịch nối tiếp nhau. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, giải phóng Sài Gòn, chính quyền của tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, những người Mĩ ở Sài Gòn và quân đội Việt Nam Cộng

hòa, cùng tháo chạy.

Ở đô thị miền Nam, mặc dù tâm điểm của hiện thực lúc bấy giờ là hoạt động chính trị, quân sự nhưng văn học vẫn là nơi ký thác đời sống tâm hồn, giúp con người cất lên tiếng nói lương tri đầy nhân bản. Văn học miền Nam sau năm 1954 đã đạt được một số thành tựu đáng kể và kết tinh những đặc điểm sau: văn học phát triển nối tiếp thời tiền chiến mà không có sự đứt gãy, văn học mang tính liên thông với thế giới, mang tính nhân bản và nhân văn, đồng thời văn học có sự khai phóng, đa sắc và đa dạng với nhiều xu hướng khác nhau cùng tồn tại. Một điều nữa, có thể nhận thấy rằng ở miền Nam triết học khá phát triển. Văn học miền Nam hấp thụ nhiều luồng tư tưởng từ châu Âu. Các trào lưu, lý thuyết văn học được giới thiệu và tiếp nhận gần như đồng thời với quỹ đạo triết học chung của thế giới. Triết thuyết hiện sinh của S. Kiekegaard, F. Nietzsche, K. Jaspers, M. Heidegger, J.-P. Sartre,… được chuyển hóa trong sáng tác và kịch bản văn học của Sartre, Camus, S. de Beauvoir, F. Sagan. Các tác giả văn học miền Nam thấm sâu dòng mạch hiện sinh, họ tìm thấy ở đó sự đồng điệu khi nhìn cuộc đời như một hố thẳm đầy vô nghĩa và phi lý mà con người đang mất phương hướng và hoang mang. Ngoài ra còn học thuyết hiện tượng luận với Husserl, Merleau-Ponty, Gabriel Marcel, Heidegger, Karl Jaspers, Paul Ricoeur … trường phái cấu trúc, đi từ lĩnh vực ngôn ngữ học của F. de Saussure đến nhân chủng học và văn học với Claude-Levi Strauss, Roland Barthes … Tiếp đó là ảnh hưởng từ phân tâm học của Freud, Jung, Adler, và của những nhà tâm lý khác. Phương pháp “dòng ý thức” (“stream of consciousness”) trong sáng tạo văn học của những tác giả như Hemingway, Faulkner, James Joyce; chủ nghĩa siêu thực của nhóm André Breton cùng quan niệm của nhóm Dada cũng được giới thiệu và áp dụng trong các tác phẩm văn chương của các nhà văn miền Nam. Khi khai mở về triết học, con người mở rộng nhãn quan về thế giới khách thể đồng thời đi sâu hơn vào nội giới từ đó khám phá ý nghĩa sự tồn tại của thực thể trong cuộc sống. Điều đó rất có ý nghĩa, nó là minh chứng cho sự hiện hữu và nhận thức những tiềm năng to lớn của con người.

Nam đến gần hơn với công chúng. Sài Gòn xưa nay các hoạt động báo chí khá đa dạng, qua các tạp chí văn học người đọc được cập nhật nhiều kiến thức về văn chương thế giới, làm quen với nhiều tư tưởng và trào lưu văn học mới nhất cũng như thể hiện lối nhận thức, tư duy nghệ thuật của mình. Nhịp độ phát triển nhanh chóng và tầm phủ sóng rộng khắp cũng tác động đến thái độ tiếp nhận của người đọc, có thể trước đây người ta chỉ mải mê tới vấn đề chính trị, quân sự thì nay đã quan tâm nhiều hơn ở khía cạnh chiều sâu, đánh thức những suy ngẫm trăn trở về nhân sinh, bản thể.

Về đội ngũ sáng tác, thế hệ mở đầu gồm những tên tuổi đã nổi danh từ thời tiền chiến như: Nhất Linh, Lê Văn Trương, Tam Lang, Nguyễn Vỹ, Đỗ Đức Thu, Vi Huyền Đắc, Vũ Bằng, Hồ Hữu Tường, Tạ Tỵ, Tam Ích, Tương Phố, Đông Hồ, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bàng Bá Lân, Quách Tấn… Thế hệ thứ hai là gồm những tác giả khởi nghiệp và thành danh sau năm 1954, họ mang sứ mệnh dấn thân, chuyên chở trong văn chương tiếng nói mãnh liệt của thời đại. Lĩnh vực thơ có Nguyên Sa, Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền, Cung Trầm Tưởng, Tô Thùy Yên, Bùi Giáng, Viên Linh, Hoàng Trúc Ly, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Đức Sơn, Du Tử Lê, v.v... Văn xuôi phải kể đến Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Doãn Quốc Sỹ, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Mạnh Côn, Sơn Nam, Võ Hồng, Minh Đức Hoài Trinh, Túy Hồng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Đình Toàn, Chu Tử, Viên Linh, Duyên Anh, Phan Nhật Nam, Nguyên Vũ, Vũ Hạnh, Thế Uyên, Hoàng Hải Thủy, Văn Quang, Nguyễn Thụy Long, Nguyễn Xuân Hoàng,… Trong bức tranh chung của văn học hiện đại, chặng đường văn học miền Nam có những đóng góp quan trọng. Nó song hành cùng những trào lưu tư tưởng tiến bộ, giàu giá trị nhân văn, đi vào soi rọi con người trong nhiều suy tư, dằn vặt, khủng hoảng, tìm kiếm, không thiếu đi những giây phút thức tỉnh, bừng ngộ trong cõi tâm lĩnh hay khi ý thức về bản thể. Hay nhìn nhận một cách khách quan và công bằng thì văn học miền Nam hai mươi năm đã phải đi qua nhiều gập ghềnh, số phận của con thuyền ấy không hề “thuận buồm xuôi gió”. Cũng từ hoàn cảnh nhiều bi thương ấy chúng ta

thấy được nỗi đau của kiếp nhân sinh và bật lên lẽ sinh tồn mạnh mẽ. Nếu như đặt một sự so sánh mang tính đồng đại, có thể nhận ra ngay điểm khác biệt giữa hai nửa của văn học Việt Nam. Ở miền Bắc giai đoạn kháng chiến chống Pháp 1945 – 1954, văn học tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị, cổ vũ chiến đấu, hướng về đại chúng nhất là tầng lớp công nông binh. Hình tượng con người trong văn học miền Bắc giai đoạn này thường có sự thống nhất cao độ giữa ý thức cá nhân với trách nhiệm vì dân vì nước, họ rất tiêu biểu cho những phẩm chất tốt đẹp đáng ngợi ca của đại đa số quần chúng. Còn trong văn học miền Nam âm hưởng ít nhiều vọng vào tâm thế buồn nản, quan hoài vì chiến cuộc, con người “không mang tính chất mặc định, đông cứng. Mà nó được trình hiện ở đủ mọi góc độ, gam mầu, và trạng thái nhân gian” [105]. Âm hưởng hào hùng, tráng ca nhường chỗ cho cung bậc đau thương, bi phẫn, cay đắng, tuyệt vọng, bản thân con người hiện hữu là một thân phận và một giá trị.

Trong diện mạo chung đầy tính phức tạp đó, thơ giã từ nhiều khuôn khổ chật hẹp từ thời thơ tiền chiến để xây dựng nên một không khí khác lạ. Xưa nay thơ là bản giao hưởng cảm xúc, người ta yêu thơ bởi vì nó là phần linh hồn con người đầy mơ mộng, say đắm, vậy mà thơ miền Nam 1954 – 1975 lại quặn lên những âm vực dằn vặt, suy tư, đầy đau khổ. Những tác giả thơ miền Nam giai đoạn này viết những tập thơ mà ngay cả cái tên cũng đầy ám ảnh như: Mật đắng (Nguyễn Đình Toàn),

Tôi không còn cô độc; Liên, Đêm, Mặt trời tìm thấy (Thanh Tâm Tuyền), Thân

phận (Hoài Khanh), Chiến tranh Việt Nam và tôi (Nguyễn Bắc Sơn) … Thơ thời này còn nghiêng về khuynh hướng triết lý, đưa người đọc vào cõi hư vô nhìn nhận mối quan hệ giữa thân phận với vũ trụ nhân sinh, đào sâu vào bản thể, thức dậy những vấn đề sâu kín trong trái tim con người. Trong hành trình sáng tạo nghệ thuật nền văn học này cũng tập trung nhiều đổi mới về hình thức, càng làm phong phú thêm những thành tựu nghệ thuật của dân tộc. Văn học miền Bắc và miền Nam dẫu khác biệt nhau về môi trường văn hóa xã hội nhưng đều phát triển hướng đến những giá trị nhân bản sâu sắc và bền vững. Về khuynh hướng tượng trưng, siêu thực trong thơ, ở khu vực miền Nam nhìn chung khá lan tỏa. Nhiều cây bút như Đinh Hùng,

Vũ Hoàng Chương, Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa, Nguyễn Tất Nhiên, Nhã Ca, Trần Dạ Từ ... cũng xuất hiện các đặc trưng thi pháp của thi phái này. Tuy nhiên bằng những tiền đề về hệ thống lí thuyết tượng trưng, siêu thực như đã đề cập trong phần khái luận, chúng tôi đi sâu tìm hiểu hai gương mặt đại tiêu biểu nhất là Thanh Tâm Tuyền và Bùi Giáng.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) những biểu hiện của chủ nghĩa tượng trưng và siêu thực trong thơ việt nam hiện đại (Trang 107 - 111)