Dòng chảy siêu thực trong thơ Bùi Giáng

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) những biểu hiện của chủ nghĩa tượng trưng và siêu thực trong thơ việt nam hiện đại (Trang 129)

3.1 .Bối cảnh thơ khu vực miền Bắc giai đoạn 1945-1975

3.6.2. Dòng chảy siêu thực trong thơ Bùi Giáng

Nếu chỉ dừng lại ở khí chất tượng trưng độc đáo, thơ Bùi Giáng không tiêu biểu cho tinh thần hiện đại, trong khi đó với năng lực ngôn ngữ siêu tuyệt đến mức

được mệnh danh là Tề Thiên chữ nghĩa và phong cách làm thơ bát ngát, Bùi Giáng là một minh chứng cho lối viết tự động của chủ nghĩa siêu thực. Andre Breton thế kỉ XX đã chủ trương một số lí thuyết nhận diện bản chất siêu thực, mà yếu tố đầu tiên là cách viết như dòng chảy vô thức. Dường như Bùi Giáng làm thơ tự nhiên như sự sống vậy, ông không cần nhọc nhằn “phu chữ” hay uốn nắn “thôi xao” mà thơ tuôn ra dào dạt, bất tận. Nhiều thi sĩ, trí thức Sài Gòn cùng thời với ông như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Tạ Tỵ… khi hồi tưởng những kỷ niệm về ông đều thán phục sức sáng tạo dị kỳ của Bùi Giáng. Ngay cả số lượng tác phẩm thơ ca, tiểu luận triết học, phê bình, dịch thuật Bùi Giáng cũng thuộc vào hàng thượng thừa, đến ngày nay những trước tác ấy vẫn được tái bản đều đặn. Khám phá thơ Bùi tiên sinh chúng ta không thể đi vào một vài bài hay một số câu tuyệt bút được, đọc thơ Bùi Giáng cần lĩnh hội ở chiều kích tổng thể, kết hợp cùng triết học luận giải về hiện tượng học, có khi chạm ngõ vào siêu hình Phật giáo. Nhà văn Mai Thảo từng ngợi ca thi tài ông: “Bùi Giáng đã đem lại cho cuộc đời biết bao nhiêu châu ngọc. Bằng tài thơ trác tuyệt. Bằng cõi ngôn ngữ ảo diệu, không tiền khoáng hậu. Có ông, thi ca mới đích thực có biển có trời”. Bức tranh toàn cảnh về văn học miền Nam 1954 – 1975 được bao bọc với một hệ thống triết thuyết hiện đại: siêu thực với Andre Breton và phong phú nhất là chủ nghĩa hiện sinh với S. Kiekegaard, F. Nietzsche, J.-P. Sartre… Con người nhận ra cuộc sống đang lên cơn xáo trộn đầy phi lý, cảm thức tha hóa, phi nhân thấm sâu trong sáng tác. Bùi Giáng cũng bị “vây khốn” (chữ dùng của Thanh Tâm Tuyền) bởi cảm quan ấy nhưng theo một cách khác. Ông làm thơ là một cách để phản ứng với thế cuộc:

Sao bằng riêng một biên thùy Cõi điên vũ trụ tùy nghi tung hoành Xiết bao vô ngại ngọn ngành

Chọc trời khuấy nước tan tành thịt xương (Sao Bằng)

Trong Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du xây dựng hình tượng Từ Hải có sức mạnh phi thường đã công phá vào bức tường thành phong kiến thì Bùi Giáng

cũng chuyển hóa tinh thần “cái thế” ấy khuynh đảo cả thơ ca. Sự bày tỏ thái độ của Bùi Giáng nhiều khi còn hiện hữu thành mặc cảm hoài nghi, nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc trong bài viết Cuộc hòa giải vô tận: trường hợp Bùi Giáng đã chỉ ra nhiều nội dung quan trọng, trong đó có phát hiện ra điều này:

Đi vào giữa cuộc thị phi

Nửa tam bành tới nửa nghi vấn về

(Y Ư Mông, Du Ư Mê)

Ngay cả một bài thơ nổi tiếng nhất của ông là Tặng Mã Giám Sinh thần hứng đến mang mang niềm nghi hoặc:

Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu

Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa Gọi tên là một hai ba

Đếm là diệu tưởng đo là nghi tâm

Vận ý từ thơ Truyện Kiều: “Hỏi tên, rằng: Mã Giám Sinh/ Hỏi quê, rằng:

huyện Lâm Thanh, cũng gần”,nhưng thơ Nguyễn Du cụ thể con người, địa chỉ bao

nhiêu thì Bùi Giáng lại nhòe mờ ranh giới bấy nhiêu. Đích thực đây là một bức chân dung tự họa, tên của thi sĩ là bể dâu hay thương hải tang điền, chịu, làm sao có câu trả lời chính xác, chỉ biết rằng nó biến thiên, vật đổi sao dời như thân phận long đong, đa đoan của kiếp người. Còn quê hương, cũng là cội nguồn đấy nhưng xa xôi, diệu vợi: “Hỏi rằng: người ở quê đâu/ Thưa rằng: tôi ở rất lấu quê nhà”. Tất cả đều nằm trong lẽ biến dịch, hưng vong không có gì là mãi mãi. Nếu học thuyết của F. de Saussure, Roland Barthes cho rằng ngôn ngữ mang tính ký hiệu, nó bao gồm hai mặt cái biểu đạt và cái được biểu đạt thì thơ kiểu Bùi Giáng đã xóa nhòa đường biên ấy. Ngôn ngữ thơ Bùi Giáng hoàn toàn mang tính chất tự trị, vấn đề nghĩa không còn giá trị bởi lẽ thơ tiệm cận vào hư vô. Dòng chảy của suy niệm đồng hành cùng ngòi bút, từ ngữ vận chuyển không ngừng nghỉ, chữ này vừa xuất hiện thì chữ khác đã dào tuôn thay thế. Khế Iêm gọi đó là quá trình “hóa thân”, khoảnh khắc “bốc hơi” ngôn ngữ. Bùi Giáng cùng với Thanh Tâm Tuyền, Đặng Đình Hưng,

Trần Dần, Lê Đạt làm nên cuộc cách tân, chuyển đổi mô hình nghĩa – chữ, tuy nhiên giữa họ tồn tại nhiều khác biệt. Thơ Thanh Tâm Tuyền lưu chuyển nhịp điệu hình ảnh, tần số hình tượng dày đặc và ngôn ngữ giàu tính “bạo động”, Lê Đạt thì cầu kỳ, nhiều khi nệ cổ trong điển cố, điển tích còn Bùi Giáng một mình múa gậy giữa không gian, thơ đi vào vùng trực giác vừa trong trẻo, khôi nguyên những đầy bí ẩn:

Những nhịp bước trên đường còn dội mãi Vang về đâu không vọng lại hồi âm Của réo rắt riêng một lần mãi mãi Gió phương trời ủ mộng giữa hoa tâm Em hỏi mãi tuy biết lời đáp lại

Chẳng bao giờ thỏa đáng giữa đời câm Em ngó mãi những chiều về trở lại Mang những gì về trong cõi trăm năm

(Chiều)

Lạc giới vào cõi phiêu bồng nên bản thân thi sĩ không thể minh định được về sự tồn sinh của mình, Bùi Giáng lại nhận về nỗi cô đơn, sầu héo:

Ngàn năm độc đối riêng hàng Tờ xanh ứa lệ đẫm trang xuân đầu

(Khởi Từ)

Ngôn từ thơ Bùi Giáng là kết quả của ảo giác hay nói đúng hơn nó sản sinh từ giấc chiêm bao: “Hỗn mang về giữa hiên nhà/ Bây giờ cố quận tên là chiêm

bao”(Rượu Uống), “Người nằm ngủ thấy gì/ Thấy thật nhiều nắng lạ”(Mưa

Nguồn). Trong điệp trùng lớp sóng từ ngữ, Bùi Giáng sáng tạo đến tận cùng, góp

phần lạ hóa hình ảnh thơ: lá hoa cồn,ngày Hy Nga, đêm bé chị, mọi trên ngàn, sóng Hồng Hoang, thềm dục vọng, miên trường, sa mạc phát tiết, ngàn thu rớt hột, mình

mẩy, Như Lai sầu thảm, thân thể máu me và da xương,… Thơ phiêu diêu thần diệu

như cánh chuồn, cánh bướm nơi đồng nội nhưng cũng lấp lánh nhiều ẩn mật cổ điển, đầy trang trọng.

Trước di sản đồ sộ của Bùi Giáng, chúng ta mới chỉ bước vào cánh cửa đầu tiên trong muôn lối mê cung. Bản thân Bùi Giáng luôn chủ trương làm thi sĩ không khác gì một cuộc rong chơi nhưng nhiều năm tháng tỉnh mê, Bùi Giáng đã để lại cho hậu thế một dòng chảy thi ca vừa thấm đượm nguồn mạch Đông phương vừa ôm chứa tinh thần thời đại. Thơ Bùi Giáng đến hôm nay vẫn có chỗ đứng riêng trong lòng người yêu thơ.

*Tiểu kết

Với sự lựa chọn hướng đi từ nghiên cứu điển hình, chúng tôi đặc biệt tâp trung vào thơ Trần Dần, Hoàng Cầm, Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng. Những biểu hiện siêu thực, tượng trưng như ngôn ngữ giàu sức gợi cảm, nhạc tính, biểu tượng đầy ám ảnh, lối viết tự động, những giấc mơ chứa đầy mật mã, các thủ pháp tạo hình, tính tương giao và những sáng tạo bất ngờ, tính nhạc… không phải là những miền riêng có của họ mà là còn có tiếng nói đồng điệu với nhiều tác giả khác cùng thời.

Có thể khẳng định rằng, giai đoạn này không chỉ có những tác giả tiêu biểu chúng tôi nêu trên, nhưng thơ ca của họ đại diện cho thơ ca của cả giai đoạn. Như những người thầm lặng nhưng mạnh mẽ và quyết liệt, họ sáng tác những vần thơ thể hiện được cái “tôi” sâu lắng và chờ đến khi có điều kiện thuận lợi, hoàn cảnh lịch sử cho phép để “bung nở” những bông hoa tượng trưng, siêu thực trong vườn văn học Việt Nam. Điều đó không chỉ cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của một khuynh hướng văn học mà còn cho thấy tài năng, lòng say mê, sáng tạo thơ ca của các tác giả.

CHƢƠNG 4: YẾU TỐ TƢỢNG TRƢNG,SIÊU THỰC TRONG THƠ VIỆT NAMSAU 1975 THỰC HÀNH SÁNG TẠO

TRONG THẾ GIỚI ĐA TRỊ 4.1. Phác thảo diện mạo thơ Việt Nam từ sau 1975

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp nhận định thơ ca Việt Nam giai đoạn này: “đã đi được một đoạn đường dài trên con đường hiện đại hóa, hội nhập với thơ ca nhân loại” [36]. Thơ ca Việt Nam sau 1975 nở rộ với nhiều nhiều khuynh hướng khác nhau như: trở về với cái tôi cá nhân, hiện đại và hậu hiện đại…Trong đó, hướng đi tượng trưng, siêu thực là một trong những miền thơ ca đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần tạo nên diện mạo của thi ca Việt Nam nói riêng và văn học Việt Nam nói chung trong giai đoạn này. Sự thể nghiệm và ghi dấu của các tác giả theo lối tượng trưng, siêu thực được đánh giá bởi mức độ thu hút độc giả, các nhà nghiên cứu đọc thơ họ, tên tuổi của các nhà thơ như Đặng Đình Hưng…xuất hiện trong Từ điển văn học bộ mới với tư cách là những gương mặt tiêu biểu có đóng góp lớn trong công cuộc cách tân thơ hiện đại Việt Nam. Cuộc hành trình để khẳng định diện mạo thơ giai đoạn này cũng rất đỗi gian nan. Nếu như nàng Kiều mất 15 năm phiêu dạt mới được đoàn tụ với gia đình, thì các nhà thơ giai đoạn này phải mất không ít thời gian để khẳng định được vị thế của mình trên thi đàn văn học Việt Nam.

Sự xuất hiện của tượng trưng, siêu thực giai đoạn sau 1975 đến nay kỳ thực chính là sự trở lại một cách mạnh mẽ, dứt khoát. Thời đại với bối cảnh mới cho phép đời sống thi ca phát triển yếu tố tượng trưng, siêu thực đến đỉnh điểm, mà đôi khi đó là sự nở rộ của những nụ hoa đã được nâng niu từ trước đó như Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Dương Tường, Đặng Đình Hưng…Sự đứt gãy diễn ra trong một thời kỳ dài nên khi trở lại, thơ ca tượng trưng siêu thực như mang theo một luồng gió mới, thổi bùng lên ngọn lửa thi ca đã được ấp ủ từ lâu. Nếu như ở các tác giả Hoàng Hưng, Dương Tường, Thanh Thảo, Mai Văn Phấn...yếu tố siêu thực, tượng trưng trở lại với dáng vẻ mới mẻ nhưng vẫn còn dè dặt thì trong thơ Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Văn Cầm Hải,

Nguyễn Bình Phương … trở nên đậm đặc hơn.

Sau 1975, được mở rộng tầm nhìn ra quốc tế, môi trường văn thơ Việt Nam cho phép các nhà thơ được tiếp thu và thể nghiệm sự đổi mới một cách linh hoạt và tự do hơn, các nhà thơ có sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, đặc biệt là tư duy tượng trưng – siêu thực. Các nhà thơ hình thành được một mô hình nhận thức – sáng tạo mới mang dấu ấn của tượng trưng, siêu thực. Sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố này trong thơ ca giai đoạn sau 1975 đã tạo nên những giá trị đáng kể, khẳng định giá trị của thơ ca Việt Nam hiện đại. Nếu như thơ tượng trưng thể hiện được quan niệm về sự tương giao giữa vũ trụ và con người, cảm giác, không gian, màu sắc và mùi vị thì thơ siêu thực lại tràn ngập màu sắc của thế giới vô thức, đề cao cái tôi cá nhân với những điều ngẫu hứng, tự do, phi logic, thay vào đó là giấc mơ, ảo giác, sự tiên tri, linh cảm của con người.

Sự đổi mới tư duy thơ trước hết thể hiện ở bước chuyển đổi từ cái “tôi” hướng ngoại sang cái “tôi” hướng nội để khám phá các cảm xúc tâm lý của con người. Với Thanh Thảo: “Bản chất thơ là thơ ngay, là bất thường, là xuất thần bất ý”. Vì vậy, theo ông, thơ vừa là chữ nghĩa, vừa là ý thức, vô thức vừa không phải là chữ nghĩa, vô thức, ý thức. Thơ đích thực phải bộc lộ được “tiếng nói của tâm linh, tiếng nói của sự chiêm nghiệm nhiều khi cả đời người, của nhiều đời người”. Theo Nguyễn Quang thiều, thơ chính là kết quả của: “một trí tưởng tượng vô cùng hoang dại, và bằng những cơn mơ bất tận, đầy nhạc tính”, nó: “luôn luôn biến động, sinh nở và biến ảo” nhằm “đánh thức kí ức và ý thức sống, tạo dựng những mối liên hệ bí ẩn, gợi mở một hình thức nào đó của vật chất đã mất, dựng nên một đời sống khác, một nhận biết khác” [129 - tr.10-18]. Điều này khác với tư duy thơ ca thời kháng chiến, là tiếng nói “đồng chí, đồng ý, đồng tình”, tiếng nói của lí tưởng cách mạng. Nhà thơ là chiến sĩ trên mặt trận đấu tranh cách mạng. Tư duy thơ thời kỳ này cũng khác với thơ lãng mạn theo kiểu Xuân Diệu thơ là: “con

chim đến từ núi lạ/ngứa cổ hát chơi”. Thời điểm sau 1975, thơ được xem như một

“hộp đen báo bão” (theo quan niệm của Phan Hoàng) bí ẩn và thẳm sâu trong tiềm thức của mỗi cá nhân. Con đường sáng tác thơ của các nhà thơ là quá trình đi tìm

những mã nghệ thuật:

hộp đen con tàu bất an

lưu giữ những giấc mơ chênh vênh tiềm thức những giấc mơ chênh vênh

như con người vốn chênh vênh giữa thiên thần và ác quỉ

(Phan Hoàng)

Một điều nổi bật là vẫn là tư duy phản ánh hiện thực, nhưng nếu như thơ ca cách mạng phản ánh hiện thực của toàn dân tộc với những cuộc đấu tranh chống thù trong giặc ngoài oai hùng thì hiện thực trong tư duy của các nhà thơ sau 1975 là hiện thực đằng sau hiện thực. Đó chính là hiện thực ẩn sâu trong thế giới cảm xúc, tâm linh, vô thức của con người. Chính vì thế, hệ đề tài, chủ đề của giai đoạn này cũng thay đổi. Thay vào những đề tài về số phận của toàn dân tộc là đề tài về số phận, tâm tự, hồi ức của các cá nhân. Bức tranh hiện thực tâm linh được dệt nên bởi hiện thực tâm linh của mỗi cá nhân trong dòng chảy cuộc đời.

Đặc biệt, thước đo về chuẩn mực thơ ca cũng có sự thay đổi bên cạnh sự xem trọng nội dung còn dịch chuyển sang hình thức. Khái niệm “thi pháp” bắt đầu được các nhà thơ chú ý và càng về sau càng được ưa chuộng. Nếu như giai đoạn trước, tính đơn giản, đại chúng của hình thức được đề cao, sao cho dễ hiểu, đi sâu vào quần chúng thì giai đoạn này giá trị thẩm mỹ hay hình thức của thi phẩm lên ngôi. Có lẽ vì vậy, mà không phải độc giả nào cũng đọc được thơ ca giai đoạn này, đặc biệt là thơ ca siêu thực. Nhiều bài rất khó đọc, khó tiếp nhận từ hình thức đến nội dung. Theo Mai Văn Phấn đổi mới thi pháp học, điều quan trọng đầu tiên: “từ chối ve vuốt những sở thích của người đọc, nhằm tạo ra những sóng từ khác, những mã số khác trong không gian thơ vừa được khám phá. Lý tưởng thơ ca của sự cách tân nhằm gọi đúng bản chất sự việc trong nhịp sống hiện đại” [101 - tr.378]. Thơ trong những trường hợp cụ thể là cuộc thi về chữ nghĩa. Ở đó, những điểm độc đáo, mới lạ về hình thức nghệ thuật đặc biệt được xem trọng. Đó là mảnh đất màu mỡ để các thế hệ nhà thơ đã bị “lạc lõng” giữa thơ ca kháng chiến sinh sôi, nảy nở và bùng lên

mạnh mẽ. Những tên tuổi như Dương Tường, Lê Đạt, Bùi Giáng, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, Trần Dần…nhanh chóng được công chúng đón nhận và tỏa sáng trên thi đàn thơ ca Việt Nam. Các nhà thơ không còn quan trọng nghĩa đen của câu chữ mà nghĩa bóng ẩn đằng sau câu chữ mới là điều họ quan tâm. Quan niệm về các thể loại thơ cũng tự do và mở rộng hơn. Các thể thơ được sử dụng một cách linh hoạt, từ thể loại thơ truyền thống đến hiện đại.

Rõ ràng, các nhà thơ sau 1975 đã có sự đổi mới mạnh mẽ, triệt để trong tư duy thơ để hướng đến những cách tân về nội dung và nghệ thuật thơ. Đó là một quá

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) những biểu hiện của chủ nghĩa tượng trưng và siêu thực trong thơ việt nam hiện đại (Trang 129)