Những hạn chế trong xuất khẩu hàng nông sản trên địa bàn tỉnh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường xuất khẩu hàng nông sản trên địa bàn tỉnh yên bái (Trang 97 - 101)

Chương 2 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

3.4. Đánh giá chung về tình hình xuất khẩu hàng nông sản trên địa bàn

3.4.2. Những hạn chế trong xuất khẩu hàng nông sản trên địa bàn tỉnh

Bái và nguyên nhân của các tồn tại đó

3.4.2.1. Những hạn chế trong xuất khẩu hàng nông sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Mặc dù có những tăng trưởng tích cực trong thị trường sản xuất hàng nông sản xuất khẩu nhưng so với yêu cầu của thị trường thế giới thì tỷ trọng nông sản xuất khẩu chế biến sâu của tỉnh Yên Bái mới chỉ đạt hơn 5% tổng sản lượng nông sản xuất khẩu của cả nước. Phần lớn các nông sản mới chỉ xuất khẩu thô hoặc qua sơ chế, không đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng cao của thị trường thế giới. Mặc dù các doanh nghiệp của tỉnh đã ý thức được phải nâng cao chất lượng hàng nông sản xuất khẩu, nhưng nhìn chung mức độ vẫn còn chậm, tỷ lệ nông sản thô hoặc mới qua sơ chế còn lớn.

Theo đánh giá của những người được phát phiếu điều tra thì chất lượng sản phẩm nông sản của các cơ sở XKHNS của Tỉnh chưa cao. Chất lượng của sản phẩm vẫn còn phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố khách quan nhau như giống, thời tiết, sâu bệnh, vận chuyển….khiến chất lượng nông sản không

đồng đều, nông sản bị giảm chất lượng trong quá trình vận chuyển. Ngoài ra, độ tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật của nông sản xuất khẩu cũng đang là vấn đề đáng quan tâm của tỉnh Yên Bái trong những năm gần đây.

So với các nước trong khu vực, nông sản xuất khẩu của Yên Bái hiện nay đang có giá xuất khẩu khá thấp, chỉ bằng 60-70% giá chè thế giới, thị trường lại chưa ổn định. Thị trường nông sản xuất khẩu mặc dù được mở rộng song tính ổn định chưa cao. Vai trò điều phối của các hiệp hội ngành nghề chưa thật sự hiệu quả, dẫn đến tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp của tỉnh. Ngoại trừ các doanh nghiệp lớn có thị trường xuất khẩu ổn định, còn lại là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có thị trường ổn định, năng lực cạnh tranh thấp, xuất khẩu phải qua trung gian nên khả năng tiếp cận và mở rộng thị trường bị hạn chế.

Khả năng nắm bắt cơ hội, thông tin trên thị trường còn chậm khiến cho khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế thấp hơn các đối thủ. Bên cạnh đó, chính quá trình hội nhập KTQT đã đưa đến không ít khó khăn cho xuất khẩu hàng nông sản của tỉnh. Bởi, hội nhập càng sâu thì cạnh tranh càng nhiều và hoạt động cạnh tranh được diễn ra ở các cấp độ khác nhau như hàng hóa, doanh nghiệp và quốc gia. Vì vậy, việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho mặt hàng nông sản đang là vấn đề “nóng” cần được quan tâm đúng mức và kịp thời.

Các chính sách kinh tế mặc dù hướng vào xuất khẩu, nhưng việc đầu tư của Nhà nước vào hệ thống cơ sở hạ tầng, hoạt động xúc tiến thương mại còn nhiều bất cập; chưa xem hoạt động này như một “chương trình quốc gia” để đầu tư nguồn lực cần thiết… vì thế hiệu quả chưa cao.

Ngoài ra, cho đến nay, chưa có thương hiệu nông sản Yên Bái nào đủ mạnh để cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên trường quốc tế. Theo kết quả điều tra của Cục khuyến nông - khuyến lâm thì hiện nay Yên Bái chưa có doanh nghiệp nhà nước nào hoạt động trong lĩnh vực nông sản đăng ký nhãn hiệu cho nông sản

3.4.2.2. Nguyên nhân của hạn chế

Thứ nhất, xuất khẩu hàng nông sản của tỉnh Yên Bái dễ bị tổn thương trước những biến động từ bên ngoài như các cú sốc về giá cả hay sự xuất hiện của các rào cản thương mại mới. Trong những năm qua, mặc dù thực hiện theo chủ trương tự do hóa thương mại nhưng hàng nông sản tại các nước và các khu vực vẫn được bảo hộ chặt chẽ với các hàng loạt các hàng rào phi thuế quan. Không chỉ vậy, ở những nước phát triển các rào cản thương mại như chống bán phá giá, tiêu chuẩn môi trường, vệ sinh ATTP,… ngày một tinh vi hơn. Điều này một phần do chủng loại mặt hàng nông sản của Yên Bái còn khá nghèo nàn, sự đa dạng chỉ được tập trungvào một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, thiếu tính đột phá.

Thứ hai, xuất khẩu hàng nông sản của tỉnh Yên Bái vẫn gặp nhiều khó khăn trong cả 3 khâu là sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thực tế cho thấy, hoạt động sản xuất nông sản vẫn còn nhỏ lẻ, chưa tập trung, chưa mang tính liên kết cao khiến cho việc thu hoạch nông sản gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản. Bên cạnh đó việc chế biến nông sản còn thô sơ, chủng loại nông sản chưa phong phú nên chưa đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng ngày một tăng của thị trường thế giới. Hoạt động tiêu thụ nông sản còn mang tính bị động, trong khi vấn đề bảo vệt hương hiệu nông sản chưa được quan tâm đúng mức khiến cho nhiều cơ hội xuất khẩu lớn đã bị bỏ lỡ.

Thứ ba, công nghệ sau thu hoạch và chế biến nông sản vẫn chưa được quan tâm đúng mức, được đánh giá thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Mặc dù đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng hàng nông sản song sự đầu tư cho đến thời điểm hiện tại vẫn được đánh giá là thiếu tính hệ thống và chưa đồng bộ. Trong khi yêu cầu về chất lượng nông sản tại các thị trường nhập khẩu nông sản của tỉnh Yên Bái ngày một nâng cao. Điều này làm cho khả năng cạnh tranh của nông sản Yên Bái trước các đối thủ ngày càng trở nên khó khăn.

Thứ tư, sự liên kết, phối hợp giữa bốn nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) trong sản xuất và xuất khẩu nông sản còn yếu do chưa gắn được lợi ích và trách nhiệm giữa các bên. Thực tế đã xảy ra các trường hợp như nông sản được mùa nhưng “nhà doanh nghiệp” không thu mua hoặc ép giá khiến “nhà nông” điêu đứng; hoặc “nhà nông” không bán nông sản cho “nhà doanh nghiệp” như hợp đồng đã ký kết mà tìm đối tác khác có giá cao hơn làm doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; hoặc sản phẩm nhà khoa học tạo ra song nhà nông không sử dụng; hoặc Nhà nước chưa có chính sách khuyến khích, đầu tư, xúc tiến,… hợp lý trong việc gắn kết bốn nhà. Một nền kinh tế hội nhập sâu cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân tham gia, có như vậy mới tạo nên tính ổn định và bền vững cho các sản phẩm khi tham gia xuất khẩu.

Thứ năm, sự quản lý, kiểm tra, kiểm soát của các ban, ngành, cơ quan chức năng của tỉnh Yên Bái đối với hoạt động xuất khẩu hàng nông sản còn nhiều bất cập, chế tài chưa đủ mạnh để răn đe những vi phạm trong sản xuất và kinh doanh mặt hàng này. Bởi vậy nên có nhiều nông sản được sản xuất và kinh doanh không đảm bảo chất lượng gây ảnh hưởng đến môi trường, đến sức khỏe người tiêu dùng và quan trọng hơn là làm giảm uy tín trong kinh doanh quốc tế.

Thứ sáu, các doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đúng đắn được tầm quan trọng cho việc xây dựng thương hiệu cho nông sản nên việc đầu tư cho xây dựng thương hiệu vẫn chưa được chú trọng. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân vẫn tư duy theo lỗi cũ, thông tin vẫn chưa đến được với nông dân, khoa học kỹ thuật và công tác xây dựng thương hiệu vẫn xa vời với nhà nông, từ đó nông dân chưa ý thức được cần phải xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của chính mình. Ngoài ra, ý thức xây dụng thương hiệu cho nông sản xuất khẩu của chính quyền địa phương còn yếu kém, phần lớn cán bộ địa phương chưa xóa được cách nghĩ cũ, trì trệ nên không thể định hướng cho nông dân trong việc xây dựng thương hiệu nông sản xuất khẩu. Không những thế, ý thức của các doanh nghiệp về các nội dung nói trên còn kém, chỉ chú trọng đến lợi ích trước mắt mà không nghĩ đến cái lợi lâu dài.

Chương 4

GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG XUẤT KHẨU HÀNG NÔNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI

4.1. Phương hướng và mục tiêu cho xuất khẩu hàng nông sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường xuất khẩu hàng nông sản trên địa bàn tỉnh yên bái (Trang 97 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)