Chương 2 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.2. Thực trạng xuất khẩu hàng nông sản trên địa bàn tỉnhYên Bái
3.2.3. Thực trạng về quy trình xuất khẩu hàng nông sản trên địa bản tỉnh
Yên Bái
Quy trình xuất khẩu hàng nông sản từ vùng sản xuất đến thị trường tiêu thụ phải trải qua rất nhiều bước khác nhau, bao gồm hoạt động nghiên cứu, tiếp cận thị trường; hoạt động xây dựng kế hoạch, chiến lược xuất khẩu; hoạt động tìm hiểu đối tác và đàm phán để thỏa thuận hợp đồng xuất khẩu; hoạt động tổ chức thực hiện hợp đồng; hoạt động xây dựng thương hiệu và hoạt động xúc tiến thương mại. Nếu quy trình xuất khẩu được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả thì sẽ có tác động rất lớn đến hiệu quả xuất khẩu hàng nông sản của tỉnh Yên Bái sang thị trường quốc tế. Tác giả tiến hành khảo sát các đối tượng cán bộ quản lý phụ trách về hoạt động NSXK của tỉnh Yên Bái để đánh giá hiệu quả của quy trình XKHNS trên địa bàn tỉnh. Kết quả khảo sát được thể hiện ở bảng 3.9.
Về hoạt động nghiên cứu, tiếp cận thị trường, kết quả khảo sát cho thấy hoạt động này còn chưa được các doanh nghiệp XKHNS trên địa bàn tỉnh quan tâm. Có tới 37% các cán bộ được khảo sát cho rằng hoạt động này còn kém hiệu quả, 8% cho rằng rất kém. Kết quả này đánh giá đúng thực trạng hoạt động nghiên cứu, tiếp cận thị trường trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay khi các doanh nghiệp XKHNS hiện chỉ đơn giản tìm kiếm nguồn đầu ra cho nông sản (bán cái mình có) chứ chưa nghiên cứu các đặc điểm thị trường để
có cách tiếp cận hiệu quả hay để thay đổi sản phẩm phù hợp theo nhu cầu thị trường (bán cái khách hàng cần). Đây chính là một hạn chế lớn ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu trên địa bàn trong thời gian qua.
Bảng 3.9. Đánh giá về quy trình xuất khẩu hàng nông sản trên địa bản tỉnh Yên Bái
Đơn vị: %
Chỉ tiêu Rất tốt Tốt Trung
bình Kém
Rất kém
Hoạt động nghiên cứu, tiếp cận
thị trường 8 21 26 37 8
Hoạt động xây dựng kế hoạch,
chiến lược xuất khẩu 5 32 39 16 8
Hoạt động đàm phán để thỏa
thuận hợp đồng xuất khẩu 13 45 32 11 0
Hoạt động tổ chức thực hiện hợp
đồng đã kí kết 13 37 42 8 0
Hoạt động xây dựng thương hiệu
cho hàng NSXK 5 18 32 37 8
Hoạt động xúc tiến thương mại
cho hàng NSXK 0 26 39 29 5
(Nguồn: Kết quả xử lý số liệu điều tra của tác giả)
Đối với hoạt động xây dựng kế hoạch, chiến lược xuất khẩu, 32% các cán bộ được khảo sát cho rằng hoạt động này được các doanh nghiệp XKHNS thực hiện tốt, 5% đánh giá rất tốt. Về cơ bản, đầu mỗi năm tài chính hay mỗi quý, các doanh nghiệp đều đưa ra bản kế hoạch khá chi tiết để thực hiện hoạt động xuất khẩu trong năm, từ việc xây dựng ngân sách, dự toán về nguồn hàng cũng như kế hoạch lượng hàng xuất khẩu trong năm để đưa ra phương án thực hiện, chiến lược quản trị giúp hoạt động xuất khẩu diễn ra trôi chảy, hạn chế các rủi ro về việc thừa hay thiếu nông sản cho xuất khẩu.
Sau khi nghiên cứu thị trường, tìm hiểu đối tác và đàm phán để thỏa thuận mọi điều kiện có liên quan thì doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản và đối tác sẽ thực hiện bước tiếp theo là ký kết hợp đồng. Khi đã ký kết hợp đồng thì giữa doanh nghiệp và đối tác cùng ràng buộc với nhau thông qua các điều khoản quy định trong hợp đồng. Đối với hoạt động đàm phán để thỏa thuận hợp đồng xuất khẩu, 45% đối tượng khảo sát cho rằng các doanh nghiệp XKHNS đã thực hiện tốt hoạt động này, 13% đưa ra đánh giá rất tốt. Điều này cho thấy hoạt động này đã được thực hiện khá hiệu quả trong quá trình XKHNS trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Hoạt động tổ chức thực hiện hợp đồng đã kí kết của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản trên địa bàn tỉnh cũng nhận được đánh giá tốt, 37% đánh giá tốt và 13% đánh giá rất tốt. Kết quả này có được là do các công tác thực hiện hợp đồng đa phần được các doanh nghiệp thực hiện rất nghiêm túc, từ khâu xin giấy phép xuất khẩu hàng hoá, chuẩn bị hàng xuất khẩu, kiểm tra chất lượng đến làm thủ tục hải quan và làm thủ tục thanh toán.
Hoạt động xây dựng thương hiệu cho hàng NSXK hiện nay vẫn còn là một điểm yếu của cả các doanh nghiệp cũng như các đơn vị chức năng trong tỉnh. 37% phiếu khảo sát nhận ý kiến đánh giá cho yếu tố này là kém, 8% đánh giá rất kém, 32% đưa ra đánh giá trung bình và chỉ có 18% cho rằng hoạt động này là hiệu quả. Phần lớn các nông sản xuất khẩu trên địa bàn hiện nay chưa xây dựng được thương hiệu cho mình. Ý thức xây dụng thương hiệu cho nông sản xuất khẩu của chính quyền địa phương còn yếu kém, phần lớn cán bộ địa phương chưa xóa được cách nghĩ cũ, trì trệ nên không thể định hướng cho nông dân trong việc xây dựng thương hiệu nông sản xuất khẩu. Không những thế, ý thức của các doanh nghiệp về các nội dung nói trên còn kém, chỉ chú trọng đến lợi ích trước mắt mà không nghĩ đến cái lợi lâu dài.
Công tác xúc tiến thương mại cho hàng NSXK cũng là một hoạt động còn yếu kém trong hoạt động xuất khẩu hàng nông sản trên địa bàn. 34% đối tượng khảo sát cho rằng hoạt động này được thực hiện ở mức kém đến rất kém. Tỉnh hiện chưa có các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong công tác quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Việc tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia các hội nghị kết nối cung cầu với các kênh phân phối hoàng hóa nội địa và khu vực phía Bắc được tổ chức không thường xuyên, còn nhiều hạn chế.