Kinh nghiệm xuất khẩu hàng nông sản của một số nước trên thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường xuất khẩu hàng nông sản trên địa bàn tỉnh yên bái (Trang 37 - 42)

5. Kết cấu của luận văn

1.2. Kinh nghiệm xuất khẩu hàng nông sản ở một số quốc gia và ở địa

1.2.1. Kinh nghiệm xuất khẩu hàng nông sản của một số nước trên thế giới

1.2.1.1. Kinh nghiệm xuất khẩu hàng nông sản của Thái Lan Công tác nâng cao chất lượng giống nông sản

Ở Thái Lan, chính sách giống đã sớm được quan tâm bởi cả Nhà nước và khu vực tư nhân. Các cơ quan nghiên cứu và các trường đại học được khuyến khích để phát triển giống, thông qua những hỗ trợ và R&D, thương mại hóa sản phẩm và bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Trung tâm Nghiên cứu quốc gia (DOR) chịu trách nhiệm về việc cải thiện di truyền và sản xuất giống nguyên chủng, trong khi các đơn vị sản xuất hạt giống để nhân rộng là các trung tâm giống công cộng - đơn vị ký hợp đồng với nông dân gieo hạt giống trên diện rộng và hạt giống đã đăng ký. Các DOR giúp nông dân thành lập "Trung tâm giống cộng đồng” để sản xuất hạt giống thương mại.

Để tăng cường quản lý giống, Chính phủ Thái Lan đã thiết lập 23 trung tâm giống từ năm 1976 đến năm 1985. Thị trường hạt giống tư nhân đã phát triển mạnh gần đây, nhờ (1) sự hỗ trợ tích cực của chính phủ, (2) đầu tư dài hạn trong nghiên cứu và đào tạo các đơn vị sản xuất giống, (3) Chính phủ khuyến khích khu vực tư nhân nghiên cứu và phát triển giống lúa để bù đắp cho những hạn chế về nguồn lực công của các cơ quan nhà nước. Chính phủ cũng đã chủ động hỗ trợ vai trò của khu vực tư nhân trong việc sản xuất hạt giống lai vì những lý do tương tự.

Một điểm nổi bật là cơ cấu giống nông sản của Thái Lan khá tập trung. Để đảm bảo chất lượng giống, Thái Lan có cơ chế giám sát rất hiệu quả để phát hiện hạt giống chất lượng thấp hơn tiêu chuẩn, hoặc bị ô nhiễm, thoái

giống, lai chéo... Có hai điểm yếu cần khắc phục trong công tác giống tại nhiều nước đang phát triển đã được đúc kết là (i) Phương pháp lấy mẫu lỏng lẻo (ii) chế tài đối với các đơn vị cung cấp giống chất lượng thấp còn chưa đủ tính răn đe. Do đó kinh nghiệm cho Việt Nam là cần đưa ra một quy trình kiểm tra nghiêm ngặt đối với các đầu mối cung cấp hạt giống quy mô lớn để ngăn ngừa một lượng lớn giống chất lượng thấp tràn ra thị trường.

Cải tiến phương pháp canh tác

Thực tế cho thấy Thái Lan đã đi trước Việt Nam trong việc đẩy mạnh ứng dụng những công nghệ và kỹ thuật hiện đại đồng thời kết hợp kinh nghiệm truyền thống. Hữu cơ hóa đất nông nghiệp thông qua sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh và thuốc trừ sâu sinh học đã giúp nước này cải tạo đất thoái hóa và nâng cao độ màu mỡ, nhờ đó sử dụng quỹ đất hiệu quả, giảm nhập khẩu phân bón và tăng xuất khẩu hàng nông sản hữu cơ sạch. Bí quyết thành công của Thái Lan là xây dựng chuẩn các phương thức canh tác với công nghệ và kỹ thuật canh tác đặc thù cho từng vùng sản xuất có điều kiện tự nhiên khác nhau, nhằm đảm bảo hiệu quả tối ưu của sản xuất hàng nông sản theo vùng.

Cơ giới hóa, tin học hóa và các mô hình trang trại thông minh

Cơ giới hóa đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của nông nghiệp Thái Lan. Nước này đã từng bước chủ động sản xuất máy móc nông nghiệp và thiết bị nông nghiệp cho phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của người sử dụng. Hiện nay, hầu hết các thiết bị nông nghiệp được sử dụng ở Thái Lan được sản xuất trong nước như máy kéo, máy cày, máy bừa, máy bơm nước, phun, máy đập lúa, máy gặt, máy gặt đập, làm sạch thiết bị, máy sấy, máy xay xát lúa gạo, và thiết bị chế biến. Mỗi năm nước này sản xuất khoảng 40.000 máy kéo 4 bánh và 3.000 máy gặt đập liên hoàn.

Từ năm 2008 chính phủ Thái Lan đã thành lập mô hình trang trại thông minh, có áp dụng công nghệ thông tin và công nghệ điện tử để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp mà cuối cùng sẽ nâng cao chất lượng sống của người nông dân trong khu vực nông thôn. Mô hình trang trại thông minh tập trung vào 4 sản phẩm nông nghiệp chính là lúa, sắn, cao su và mía đường.

Chính phủ Thái Lan cũng đưa ra chương trình Trung tâm dịch vụ cơ giới hóa ở cấp làng. Mục tiêu là thiết lập khoảng 886 trung tâm dịch vụ cơ giới hóa làng và dự kiến sẽ nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản; phát triển thị trường. Trung tâm sẽ cung cấp dịch vụ máy kéo, đào tạo hoạt động máy, sửa chữa, bảo trì. Phát triển trong tương lai cần tập trung vào chất lượng và tính bền vững của việc áp dụng khoa học, công nghệ, đổi mới và sáng tạo.

Tổ chức tiêu thụ tại chợ trung tâm/trung tâm giao dịch

Một hệ thống phân phối hiện đại đảm bảo sự kiểm soát tốt hơn cả về giá và chất lượng nông sản. Tại nhiều nước, hệ thống đấu giá nông sản tại các chợ trung tâm đã sớm hình thành và giữ vai trò quan trọng trong việc thiết lập các mặt bằng giá, phân loại, quy cách hóa nông sản và phục vụ đắc lực cho việc truy xuất nguồn gốc nông sản. Các chợ trung tâm có thể được thiết lập bởi cơ quan chính phủ hoặc các nhà kinh doanh, nhưng thường nằm trong khu vực sản xuất chính. Tại Thái Lan, chợ trung tâm của chính phủ được thành lập bởi các cơ quan nhà nước như Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp (BAAC) và Cơ quan Khuyến nông của Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã. Bộ Thương mại Thái Lan hỗ trợ sắp xếp và quản lý các chợ trung tâm của Nhà nước và chợ trung tâm của tư nhân.

Xây dựng thương hiệu

Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy để phát triển thương hiệu ngành hàng tốt bao giờ cũng cần đầu mối đủ năng lực để quản lý, phát triển thương hiệu đó, đặc biệt là duy trì chất lượng của sản phẩm này. Ví dụ như cà phê Colombia, họ cũng phải xây dựng liên đoàn quốc gia, trên cơ sở hoạt động của liên đoàn này giữ được chất lượng cà phê để sản xuất, xuất khẩu ra nước ngoài, đồng thời liên đoàn này có khả năng duy trì hệ thống quản lý, kiểm soát chất lượng hiệu quả. Chính hoạt động hiệu quả của liên đoàn dẫn tới sự thành công của thương hiệu cà phê Colombia.

Xây dựng thương hiệu có trọng điểm cũng là một kinh nghiệm cần tham khảo. Thái Lan là nước xuất khẩu hàng đầu, sản lượng lớn nhưng họ chỉ tập trung làm thương hiệu cho 3 giống lúa. Theo đó, Nhà nước và các doanh nghiệp tổ chức sản xuất giống lúa được lựa chọn với quy trình nông nghiệp cao từ đó mới đăng ký thương hiệu và sản xuất theo chuỗi giá trị. Doanh nghiệp xác định có thị trường, người tiêu dùng thị trường đó dùng gạo gì rồi mới quay lại bàn bạc với nông dân để trồng đúng giống lúa đó. Ngày nay, nói đến gạo, Hom Mali là cái tên thường được người Thái nhắc tới đầu tiên như một niềm tự hào bởi giống lúa Hom Mali chỉ trồng được và sinh trưởng tốt giữa thời tiết nắng nóng gần như quanh năm ở vùng Đông Bắc Thái nhưng nay đã nổi tiếng khắp trên thế giới.

1.2.1.2. Kinh nghiệm xuất khẩu hàng nông sản của Úc

Úc là nước có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Điều kiện tự nhiên ưu đãi, khí hậu ôn hòa, đất đai rộng lớn, phì nhiêu với khoảng 75-90% diện tích có điều kiện canh tác thích hợp là những lợi thế vô cùng quan trọng. Dựa vào điều kiện tự nhiên của mình (ruộng đất, tổng lượng nhiệt, lượng mưa…), các yếu tố kỹ thuật và các yếu tố kinh tế (gần thị trường tiêu thụ, có nhân lực, mạng lưới vận tải, công nghiệp chế biến…), Úc đã bố trí các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế nhất. Để phát huy tiềm năng thương mại trong xuất khẩu hàng nông sản, chính phủ Úc đã áp dụng nhiều biện pháp thúc đẩy xuất khẩu rất đúng đắn, hiệu quả.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất hàng nông sản: Nông nghiệp Úc phát triển từ một nền nông nghiệp trẻ, nhưng là nền nông nghiệp kế thừa được những tiến bộ khoa học công nghệ từ các nước Châu Âu. Nông nghiệp Úc phát triển trên cơ sở nền kinh tế thị trường đã phát triển cao. Các yếu tố đầu vào, đầu ra của sản xuất nông nghiệp đều là hàng hóa và chịu sự chi phối của các Tập đoàn công nghiệp, tài chính và xuất nhập khẩu. Nông nghiệp Úc được hình thành trên cơ sở một hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh, gắn khâu sản xuất nông nghiệp với công nghiệp sản xuất vật tư-thiết bị kỹ thuật nông nghiệp và công nghiệp chế biến, với dịch vụ lưu thông, cung ứng

vật tư nông nghiệp và tiêu thụ nông sản. Tất cả các khâu đó tạo thành mạng lưới gọi là Agribusiness (thương mại nông nghiệp). Mối quan hệ trong mạng lưới này không dựa trên cơ sở tổ chức hành chính mà dựa trên mối quan hệ đảm bảo lợi ích của các ngành hữu quan theo quy luật kinh tế. Tức là mọi hoạt động kinh doanh sản xuất nông nghiệp đều vận hành theo quy luật của nền kinh tế thị trường. Như vậy, nông sản Úc được sản xuất ra với chi phí thấp nhất và chất lượng cao nhất. Đây là một nhân tố quan trọng giúp nông nghiệp nước này có các nông sản phẩm với sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới.

Nông nghiệp Úc phát triển với các hình thức tổ chức sản xuất đa dạng, trong lĩnh vực sản xuất chủ yếu tồn tại dưới hình thức kinh tế trang trại gia đình (bao gồm các trang trị nhỏ, vừa và lớn) và các trang trại cực lớn thuộc công ty và Tập đoàn nông công nghiệp, của các doanh nghiệp tư nhân. Trên cơ sở phát triển kinh tế trang trại, các hợp tác xã được phát triển với các hình thức và quy mô khác nhau. Sự phát triển của kinh tế hợp tác đã hỗ trợ kinh tế trang trại và góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển, tạo nên ưu thế trong cạnh tranh của nông sản.

Sự hỗ trợ của Chính phủ đối với nông nghiệp mà trực tiếp là các trang trại dưới nhiều hình thức như: Trợ cấp các trang trại cất trữ nông sản, trợ cấp theo giá chuẩn, trợ cấp thiệt hại mùa màng do ảnh hưởng của thiên tai, trợ cấp cho trang trại giảm bớt diện tích gieo trồng, trợ cấp cho trang trại bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, đã ban hành các chính sách tài trợ xuất khẩu hàng nông sản, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Những tác động đó, một mặt tạo điều kiện cho nông nghiệp khai thác tốt các tiềm năng, sản xuất ra nhiều nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân, mặt khác lại tạo nên những ưu thế cạnh tranh cho sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản.

Tuy nhiên, nông nghiệp Úc cũng có những hạn chế:

Công nghiệp hóa chất đưa và nông nghiệp khối lượng lớn thuốc trừ sâu,trừ cỏ, phân bón hóa học làm ô nhiễm đất đai và nguồn nước, gây tác hại đối với người, gia súc, thú hoang dã, côn trùng và vi sinh vật có ích, để lại dư lượng chất độc hại trong nông sản thực phẩm.

Thủy lợi hóa nông nghiệp tại Úc với các kỹ thuật và công nghệ hiện đại dùng nguồn nước mặt và nước ngầm tưới cho các cây trồng cạn, lúa nước ở những địa hình khác nhau đã có những biểu hiện tiêu cực như xói mòn, nhiễm mặn, mực nước ngầm giảm.

Cơ giới hóa, ngoài lợi ích mang lại vẫn còn có tác hại như: phá hoại kết cấu của đất, gây xói mòn đất màu, đưa các chất dầu mỡ vào đất làm giảm chất lượng đất.

Những hậu quả trên của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp biểu hiện mặt trái của khoa học và công nghệ, là sự cảnh tỉnh trong việc lựa chọn phương hướng phát triển nông nghiệp trong thời kỳ mới không chỉ cho Úc, mà còn là bài học kinh nghiệm cho nhiều nước khác.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường xuất khẩu hàng nông sản trên địa bàn tỉnh yên bái (Trang 37 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)