V. Phương pháp phân vùng kinh tế.
5. Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long.
Vùng KTTĐ vùng ĐBSCL được thành lập theo Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ thướng Chính Phủ. Cùng với 3 vùng KTTĐ Bắc Bộ, miền Trung và Phía Nam. Vùng KTTĐ ĐBSCL đóng vai trò động lực phát triển KT-XH cho cả nước.
Vùng nằm ở phía Tây Nam của tổ quốc bao gồm: TP Cần Thơ, tỉnh Cà Mau, Kiên Giang và An Giang với tổng diện tích hơn 16.600 km2, dân số khoảng 6,4 triệu người.
Trong 5 năm 2001 - 2005 GDP đạt 10,96%/năm (trong khi cả nước 7,5%), từ năm 2006 - 2008 là 13,57%/năm (cả nước 7,5%), 6 tháng đầu năm 2009 các tỉnh đã vượt qua được khủng hoảng và phát triển ổn định.
ĐBSCL là vùng kinh tế có xuất phát điểm kinh tế khá cao, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2009 tuy XK chưa thuận lợi như mọi năm nhưng nhiều mặt hàng đã thấy dấu hiệu vượt qua khó khăn, giữ vững được thị trường XK. Đặc biệt trong công nghiệp ĐBSCL từ là nơi thiếu điện nay đã phát triển vượt lên sản xuất dư thừa có thể XK. Đối với vùng KTTĐ ĐBSCL chúng ta cần qui hoạch sản xuất phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Vùng kinh tế trọng điểm đã biết khai thác những lợi thế khác nhau để tạo được bước phát triển khá cao. Ngoài nông nghiệp trồng lúa và nuôi trồng thủy sản, các tỉnh trong vùng đang tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vùng châu thổ trù phú, đã và đang đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế đất nước. ĐBSCL có diện tích gần 4 triệu ha, chiếm khoảng 12% diện tích cả nước, trong đó loại đất tốt nhất là đất phù sa chiếm gần 30%. Cây lúa - cây trồng chủ lực, là sản phẩm chuyên môn hoá cao nhất vùng.
Hàng năm lúa gạo của vùng ĐBSCL đóng góp phần lớn vào việc cung ứng nhu cầu trong nước và chiếm tới 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Sau lúa là nuôi trồng và khai thác thuỷ sản. Với 8/13 tỉnh giáp biển, lại có 2 sông lớn là sông Tiền và sông Hậu song song nối các tỉnh với biển Đông, vùng ĐBSCL có điều kiện rất thuận lợi để nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, nước lợ cũng như nước ngọt....
Việc xây dựng Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL sẽ góp phần thúc đẩy phát triển hơn nữa kinh tế - xã hội của khu vực này và của cả nước.Định hướng đến năm 2020, vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL tiếp tục
là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông thủy sản của cả nước. Ngoài ra, vùng kinh tế này còn đóng vai trò quan trọng trong chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp giống, các dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cho cả vùng ĐBSCL.
Vùng kinh tế trọng điểm sẽ được phát triển dựa trên việc tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và toàn vùng, trên cơ sở phát triển hiệu quả, toàn diện các khu vực đồng bằng, ven biển và kinh tế biển.
*Trở ngại cần vượt qua
Trở ngại lớn nhất của các tỉnh, thành phố thuộc vùng động lực trăn trở hiện nay là đồng vốn kích cầu dù được sốt sắng giải ngân, nhưng do những thủ tục qui định nên vẫn chậm. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng ở Cà Mau thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất cho vay, đến nay tổng số tiền cho vay được 6.243 tỉ đồng cho 33.577 khách hàng. Thế nhưng với việc cho vay theo quyết định 497/QĐ-TTg của Chính phủ về cho vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng nhà nông thôn chưa đáng kể, mới giải ngân được 100 triệu đồng.
Tính đến ngày 15/6 các ngân hàng thương mại ở Kiên Giang tiếp nhận được 55.187 hồ sơ xin vay thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất với số tiền vay trên 7.451 tỉ đồng, trong đó giải ngân được hơn 6.996 tỉ đồng, chiếm 94 số lượng hồ sơ xin vay. Tuy vậy, số tiền cho vay không đều, chủ yếu tập trung nhiều cho XK gạo. Trong khi đó 146 HTX trong tỉnh chỉ mới có 2 HTX tiếp cận được vốn.
Hiện nay ĐBSCL đang triển khai những công trình xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên nhìn trên thực tế tổng thể vẫn còn những lực cản cần tháo gỡ. Lãnh đạo tỉnh các tỉnh, thành phố đề nghị các Bộ, ngành Trung ương phối hợp các tỉnh trong vùng đẩy mạnh các chương trình dự án phát triển có tỉnh liên vùng, cấp bách trong phát triển GTVT, phát triển nguồn nhân lực,
bảo vệ tài nguyên nước, cát trên sông Hậu, bảo vệ sông Mekong và chuẩn bị ứng phó trước những kịch bản diễn biến biến đổi khí hậu.
Trong đó chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi, đê ven biển vùng bán đảo Cà Mau, khu tránh bão cho hơn 4.000 tàu đánh cá trong vùng…Trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế đẩy mạnh sản xuất XK các mặt hàng chiến lược lúa gạo, tôm, cá trong vùng, tỉnh An Giang kiến nghị Chính phủ cho thành lập hiệp hội sản xuất và tiêu thụ cá tra; phát triển mạng lưới điện trung thế, xây dựng trạm bơm điện đáp ứng nhu cầu hạ giá thành trong sản xuất lúa.
Lợi thế của các địa phương vùng KTTĐ ĐBSCL có những đặc điểm nổi bật hoàn toàn có khả năng làm động lực đầu tàu cho cả vùng. Kiên Giang có sản lượng khai thác thuỷ sản lớn nhất nước với hơn 300.000 tấn/năm. An Giang sản lượng lúa và vùng nuôi cá tra lớn nhất cả nước, Cà Mau có vùng nuôi tôm lớn nhất cả nước 260.000ha…
Nhưng đó là hiện tại, tương lai không phải là sản lượng tăng lên mà là làm thế nào nâng cao hiệu quả kinh tế trong đánh bắt, sản xuất lúa và nuôi trồng thuỷ hải sản. Tương lai lâu dài ĐBSCL vẫn là vùng sản xuất lúa gạo, tôm, cá, cần hướng tới sản xuất lúa chất lượng cao để chủ động trước thị trường dù biến động vẫn không bị mất giá.; XK hàng thuỷ sản cẩn chú trọng điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây cũng là điều kiện khách hàng nước ngoài khẳng định sẳn sàng mở cửa thị trường nhập khẩu hàng nông sản, thuỷ hải sản của từ Việt Nam.
* Một số vấn đề khi quy hoạch phát triển vùng:
Từ trước đến nay và cả về sau, đồng bằng sông Cửu Long vẫn và sẽ là vựa lúa lớn nhất của cả nước. Lúa gạo cùng với thủy sản, cây trái là ba thế mạnh chủ yếu của vùng đất này. Đầu tư phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long không thể không tính toán, cân nhắc, xem xét để không được làm ảnh hưởng môi trường cho phát triển nông nghiệp bền vững ở đây.
Con cá, con tôm và cây lúa đòi hỏi cao ở môi trường sinh thái nó sinh sống. Cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc từ hai vùng trọng điểm kinh tế
phía Bắc và phía Nam. Ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi đang có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất cả nước, ô nhiễm môi trường cũng chính là vấn đề gây đau đầu cho các nhà quản lý. Hàng trăm doanh nghiệp đóng trên địa bàn hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu thuộc Vùng kinh tế trọng điểm này đang ngày đêm xả chất thải xuống sông Thị Vải. Kênh Tham Lương và nhiều con kênh khác trong nội thành TPHCM cũng nằm trong tình trạng tương tự.
Còn ở vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, có đến 156.500 cơ sở công nghiệp của 6 tỉnh, thành phố là Hòa Bình, Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình xả trực tiếp chất thải công nghiệp xuống sông Nhuệ, sông Đáy gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ở đồng bằng sông Cửu Long, chỉ riêng việc xử lý chất thải của các cơ sở chế biến cá tra, cá ba sa cũng đã trở thành vấn đề nan giải. Phát triển kinh tế và ô nhiễm môi trường là hai động thái trái chiều nhau, song song tồn tại, không chỉ là vấn đề phải giải quyết của riêng Việt Nam.
Công tác kế hoạch, thực hiện quy hoạch phải được tôn trọng và tuân thủ ngay từ đầu. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cảng sông, cảng biển, sân bay cho vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long cần phải được rút kinh nghiệm từ chính nơi đây (việc xây dựng các cảng cá không có tàu thuyền vào, các trung tâm thương mại không có hoạt động kinh doanh…) và kinh nghiệm từ nhiều nơi trong cả nước (việc các tỉnh đua nhau xây dựng cảng biển, khu công nghiệp, nhà máy xi măng lò đứng, cơ sở chế biến rượu bia, nước giải khát… không theo quy hoạch, kế hoạch gây lãng phí tràn lan).
Cũng giống như nhiều vùng, miền khác trong cả nước, ở đây cũng sẽ có một sự chuyển dịch đất đai mạnh mẽ từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, đô thị vừa theo hình thức tự phát, vừa theo quy hoạch. Cần phải có kế hoạch sử dụng đất hài hòa để đảm bảo giữ đất ổn định cho phát triển nông nghiệp và đủ đất cho phát triển vùng kinh tế trọng điểm này.
* Mục tiêu xây vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL
Đề án đặt ra mục tiêu xây dựng vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL trở thành vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hiện đại, góp phần quan trọng vào việc xây dựng cả vùng ĐBSCL giàu mạnh, tiến kịp mặt bằng chung của cả nước. Cụ thể, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2020 gấp khoảng 1,25 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước.
Tăng tỷ lệ đóng góp của vùng trong GDP cả nước từ 10,5% hiện nay lên khoảng 11,6% năm 2010 và 13,3% năm 2020.
Để thúc đẩy phát triển Vùng, Nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước, bao gồm cả nguồn vốn Trái phiếu chính phủ và ODA cho các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng có liên quan đến phát triển vùng như QL 1A, đường N1, N2, hệ thống đường trên đảo Phú Quốc, các cảng hàng không....
Công tác phát triển nguồn nhân lực cũng sẽ được chú trọng với việc mở rộng quy mô dạy nghề và trung học chuyên nghiệp, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao và đầu tư mạnh cho bồi dưỡng, đào tạo chuyên gia các ngành kinh tế mũi nhọn cho phát triển kinh tế - xã hội của Vùng.