II. Các nguyên tắc phân vùng kinh tế
2. Nguyên tắc “hành chính” a Nguyên tắc này yêu cầu:
a. Nguyên tắc này yêu cầu:
Phải có sự kết hợp thích đáng giữa phân vùng kinh tế và việc chia các đơn vị hành chính trong nước.
Như đã biết, phân vùng kinh tế là một biện pháp để thực hiện kế hoạch hóa và quản lí nền kinh tế theo lãnh thổ, nhưng vùng kinh tế là đơn vị kinh tế, đơn vị hành chính là đơn vị có chức năng hành chính , mà những kiến nghị do phân vùng kinh tế đưa ra (về kế hoạch hóa nền kinh tế theo lãnh thổ, về phân bố sản xuất trong các vùng kinh tế…) lại phải thông qua sự chỉ đạo và quản lí của các cơ quan nhà nước mới thực hiện được, nên nếu chỉ khư khư bó hẹp trong vùng kinh tế thì sẽ làm cho vùng kinh tế bị tước đoạt mất sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Còn việc phân chia các đơn vị hành chính không chỉ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo và quản lí nền kinh tế theo lãnh thổ - tuy đó là mục đích chủ yếu – mà còn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo và quản lí nền chính trị và văn hóa; vì thế, việc phân chia các đơn vị hành chính không chỉ căn cứ vào những yêu cầu kinh tế - tuy đó là căn cứ chủ yếu – mà còn phải chú ý thích đáng đến những yêu cầu chính trị và văn hóa.
Như vậy, phân vùng kinh tế không thể hoàn toàn thay thế cho phân chia các đơn vị hành chính và ngược lại, phân chia các đơn vị hành chính càng không thể thay thế cho phân vùng kinh tế, do đó, cần có sự kết hợp thích đáng giữa hai việc này.
b. Vận dụng nguyên tắc này vào phân vùng kinh tế.
Khi phân vùng kinh tế, có thể gặp hai trường hợp: Ranh giới của các vùng kinh tế và của các đơn vị hành chính trùng hợp hoặc không trùng hợp với nhau. Trong trường hợp thứ nhất, không có gì cần phải xét. Trong trường hợp thứ hai, người phân vùng kinh tế phải vận dụng nguyên tắc này như thế nào?
Sự vận dụng nguyên tắc này trước hết và chủ yếu phải nhằm mục đích bảm đảm hiệu quả kinh tế cao nhất cho việc tổ chức sản xuất trên lãnh thổ đất nước, nói cách khác, phải bảo đảm bản chất của vùng kinh tế.
Trong việc chia các vùng kinh tế cơ bản, do các vùng này thường có diện tích rất lớn, nên ít xảy ra mâu thuẫn giữa phân vùng kinh tế và phân chia hành chính – lãnh thổ, việc giữ vững ranh giới hành chính thường được thực hiện tương đối dễ dàng.
Vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn khi phân vùng kinh tế ở cấp thấp. Ở đây, nhiều khi ranh giới các vùng kinh tế lại không trùng hợp các ranh giới các đơn vị hành chính, do đó, phải đặt vấn đề kết hợp thích đáng giữa phân vùng kinh tế và phân chia hành chính – lãnh thổ. Nói chung, về nguyên tắc, phải điều chỉnh ranh giới hành chính theo ranh giới kinh tế để trước hết, đảm bảo được bản chất của vùng kinh tế, đồng thời cũng để đảm bảo được sự chỉ đạo, quản lí kinh tế của nhà nước ở trong vùng, mặc dù làm như thế, có thể phải bỏ qua một số yêu cầu nào đó về mặt hành chính. Vùng kinh tế khi đó được gọi là vùng kinh tế - hành chính. Làm như thế là hoàn toàn hợp lí, vì, như đã biết, kinh tế là cơ sở hạ tầng, còn hành chính là một vấn đề thuộc kiến trúc thượng tầng; bảo đảm tốt việc xây dựng và phát triển kinh tế - bảo đảm bản chất vùng kinh tế - chính là bảo đảm nền tảng vững chắc cho việc quản lí hành chính. Cũng chính vì thế mà trong những chức năng của các cấp hành chính, thì chỉ đạo và quản lí kinh tế là chức năng chủ yếu.
Tóm lại, quá trình phân chia hành chính – lãnh thổ phản ảnh chủ yếu quá trình phát triển của nền kinh tế đất nước, cho nên người phân vùng kinh tế cần có kiến nghị về việc điều chỉnh sự phân chia hành chính – lãnh thổ khi không có sự trùng hợp giữa ranh giới kinh tế và ranh giới hành chính. Trừ trường hợp thật đặc biệt cần được chiếu cố (về chính tri, dân tộc…) nói chung và về nguyên tắc, phải điều chỉnh ranh giới hành chính theo ranh giới kinh tế.