IV. Các loại vùng kinh tế
3. Vùng kinh tế trọng điểm.
a. Quan niệm
Vùng kinh tế trọng điểm (VKTTĐ) là vùng có ranh giới “cứng” và “mềm”. Ranh giới cứng bao gồm một số đơn vị hành chính cấp tỉnh và ranh giới mềm là khu nhân, gồm các đô thị và phạm vi ảnh hưởng của nó. Lãnh thổ được gọi là VKTTĐ phải thoả mãn các yếu tố sau:
- Có tỉ trọng lớn trong tổng GDP của quốc gia và trên cơ sở đó, nếu được đầu tư tích cực sẽ có khả năng tạo ra tốc độ phát triển nhanh cho cả nước.
- Hội tụ các điều kiện thuận lợi và ở mức độ nhất định, đã tập trung tiềm lực kinh tế (kết cấu hạ tầng, lao động kĩ thuật, các trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học cấp quốc gia và vùng, có vị thế hấp dẫn các nhà đầu tư, có tỉ trọng lớn trong GDP của cả nước…).
- Có khả năng tạo tích luỹ đầu tư để tái sản xuất mở rộng; đồng thời, có thể tạo nguồn thu ngân sách lớn. Trên cơ sở đó, vùng này không những chỉ tự đảm bảo cho mình, mà còn có khả năng hỗ trợ một phần cho các vùng khác khó khăn hơn.
- Có khả năng thu hút những ngành công nghiệp mới và các ngành dịch vụ then chốt để rút kinh nghiệm về mọi mặt cho các vùng khác trong phạm vi cả nước. Từ đây, tác động của nó lan truyền sự phân bố công nghiệp ra các vùng xung quanh với chức năng là trung tâm của một lãnh thổ rộng lớn.
b. Ý nghĩa:
- Tất cả các địa phương trong phạm vi một quốc gia không thể có khả năng phát triển kinh tế như nhau tại cùng một thời điểm. Điều chắc chắn là có sự phân hoá. Một số địa phương có thể bứt lên, phát triển nhanh do có những lợi thế về vị trí địa lí hay về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội. Ngược lại, các địa phương khác gặp nhiều khó khăn đối với việc phát triển kinh tế – xã hội và cho dù rất nỗ lực, nhưng lực bất tòng tâm. Vấn đề là ở chỗ phải làm thế nào để từ các địa phương có nhiều lợi thế tạo thành các vùng có ý nghĩa then chốt cho nền kinh tế của cả nước.
- Liên hệ với thực tiễn Việt Nam, việc hình thành các vùng kinh tế trọng điểm có ý nghĩa rất quan trọng.
Nước ta đi lên từ điểm xuất phát rất thấp. Sau khi đất nước bước vào công cuộc Đổi mới, nền kinh tế tuy đã khởi sấc nhưng trình độ phát triển vẫn còn nhiều hạn chế. Đứng trước xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa, để tránh nguy cơ tụt hậu, việc hội nhập của nước ta vào nền kinh tế thế giới nói chung và khu vực nói riêng trở thành nhu cầu cấp thiết.
Nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội của nước ta tương đối đa dang và phong phú, nhưng lại có sự phân hóa theo các vùng. Trên thực tế, có vùng hội tụ được nhiều điều kiện thuận lợi và có lịch sử khai thác lâu đời như Đồng bằng sông Hồng. Ngược lại nhiều vùng lại đang đứng trước hàng loạt khó khăn về tự nhiên, kinh tế, xã hội như : Tây Bắc, Tây Nguyên.Về tiềm lực, nước ta đang còn là một nước nghèo, nguồn vốn trong nước có hạn. Rõ ràng, trong chiến lược đầu tư với nguồn vốn hạn chế thì phảI lựa chọn cách thức đầu tư có hiệu quả, nghĩ là đầu tư có trọng điểm.
Bên cạnh nguồn vốn trong nước, nước ta đã và đang thu hút được nhiều đầu tư từ nước ngoài. Trong giai đoạn 1988 – 2005, hơn 60 tỉ USD vốn đăng kí đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) đã chảy vào Việt Nam. Đây là nguồn vốn quan trọng góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Song muốn thu hút các nhà đầu tư, cần phải tạo ra các vùng thuận lợi như là một cách trải thảm đỏ cho họ đầu tư vào nước ta…
Tất cả những điều đó đòi hỏi phải lựa chọn và hình thành các vùng kinh tế trọng điểm. Ý nghĩa của các vùng này là ở chỗ, đây là các vùng động lực không chỉ có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế của cả nước phát triển, mà còn tạo cơ hội đi lên cho các vùng khác trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau của một thể thống nhất.