8. Cấu trúc của luận văn
1.3.3. Phương pháp giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh THPT
Theo hướng dẫn của CV Số: 3857/BGDĐT-GDTrH ngày 11 tháng 05 năm 2009 của Bộ GD&ĐT V/v: Tích hợp nội dung GDBVMT các môn học cấp THCS và THPT thì những môn học thực hiện tích hợp GDBVMT ở cấp THPT bao gồm: Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục công dân, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ…[2]. Mỗi môn học, bài học có những điểm riêng biêt nên giáo viên cần căn cứ vào nội dung của các bài học cụ thể có thể lựa chọn phương pháp dạy học thích hợp hoặc có thể kết hợp các phương pháp để nâng cao hiệu quả giáo dục. Người dạy có thể sử dụng một số phương pháp dạy học chung như sau
1.3.3.1. Phương pháp vấn đáp
Vấn đáp (đàm thoại) là phương pháp trong đó giáo viên đặt ra câu hỏi có liên quan đến những vấn đề về môi trường để HS trả lời, HS có thể tranh luận với nhau và với cả giáo viên; qua đó HS lĩnh hội được nội dung giáo viên muốn truyền đạt. Phương pháp này thường được sử dụng khi lồng ghép các nội dung liên quan đến GDBVMT vào các đơn vị kiến thức nhỏ của môn học. Hệ thống câu hỏi được xây dựng có thể nhằm gợi mở cho họ sáng tỏ những vấn đề mới hoặc giúp HS tái hiện những kiến thức cũ, nghiệm đã tích luỹ được trong cuộc sống để trả lời cho những câu hỏi liên quan đến vấn đề BVMT.
1.3.3.2. Phương pháp dạy phát hiện học giải quyết vấn đề
Dạy học giải quyết vấn đề có thể sử dụng để tổ chức dạy học các nội dung lớn của bài học liên quan trực tiếp đến thực tiễn bảo vệ môi trường.
Phương pháp dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề nhằm phát triển năng lực tư duy sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề của HS. Bản chất của phương pháp dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề là đặt ra trước HS các vấn đề nhận thức có chứa đựng mâu thuẫn giữa cái đã biết và cái chưa biết, chuyển HS vào tình huống có vấn đề, kích thích họ tự lực, chủ động và có nhu cầu mong muốn giải quyết vấn đề. Khi sử dụng phương pháp nay giáo viên có thể nêu ra nhưng tình huống cần giải quyết như một khu vực bị ô nhiễm tại địa phương, một cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm… yêu cầu HS phân tích nguyên nhân, thảo luận để đề xuất những biện pháp để giải quyết hoặc lập kế hoạch giải quyết. Trên cơ sở kết quả làm việc của HS, giáo viên đánh giá và kết luận.
1.3.3.3. Phương pháp dạy học dự án
GDBVMT luôn gắn liền với thực tiễn đời sống, các hoạt động dạy học không chỉ diễn ra trên lớp thông qua các nội dung được tích hợp trong các bài học của nhiều môn học mà còn được thực hiện dưới hình thức tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Do vậy, hình thức dạy học này rất thuận lợi cho việc tổ chức dạy học dựa trên dự án, nhằm tạo điều kiện cho HS giải quyết các vấn đề thực tiễn bằng các việc làm cụ thể, khoa học.
Dạy học dựa trên dự án được thực hiện qua các nội dung như tham quan, điều tra, khảo sát thực địa … để tìm hiểu thực trạng vấn đề, ví dụ như điều tra khảo sát về tình hình sử dụng đồ nhựa dùng một lần tại địa phương và mối nguy hại đối với môi trường.
Quá trình thực hành làm dự án thường được thực hiện trong thời gian dài, kết hợp các khâu làm việc ở nhà, ngoài tự nhiên với ở lớp. Giáo viên cần tổ chức cho HS thực hiện theo nhóm, để có sự hỗ trợ, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Giáo viên cần lập kế hoạch và tìm hiểu thực tiễn trước khi tổ chức thực hiện dự án để dự kiến những khó khăn, tình huống phát sinh và cách giải quyết, khắc phục. Đồng thời, giáo viên cần xây dựng hệ thống các biểu mẫu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức HS thực hiện, báo cáo và đánh giá dự án.
1.3.3.4. Phương pháp thí nghiệm
Có những hiện tượng xảy ra môi trường khó có thể quan sát trong điều kiện bình thường vì vậy phương pháp thí nghiệm là cần thiết để giúp HS có thể quan sát được những hiện tượng đã xảy ra trong thiên nhiên. Từ những thí nghiệm HS hiểu rõ được bản chất và có cách nhìn khoa học đối với những hiện tượng trong thiên nhiên để phát huy hoặc hạn chế theo hướng có lợi cho môi trường. Ngoài ra việc trực tiếp làm thí nghiệm giúp HS khắc sâu những kiến thức cần thiết và có thể vận dụng những kiến thức này để bảo vệ môi trường sống của bản thân, cộng đồng trong hiện tại và cả tương lai.
1.3.3.5. Phương pháp khai thác kinh nghiệm thực tế để giáo dục
Trong đời sống hằng ngày HS đã có sẵn những kinh nghiệm thực tế về môi trường sống xung quanh như nguồn nước uống, môi trường không khí, khu vui chơi, sân trường, phố chợ…. Người dạy có thể giúp HS vận dụng những kinh nghiệm của bản thân để tiếp cận, nắm bắt được một số kiến thức BVMT hiệu quả đồng thời hình thành ý thức bảo vệ môi trường sống của chính bản thân.
1.3.3.6. Phương pháp hoạt động thực tiễn
Mục tiêu quan trọng của GDBVMT là giúp HS có được phương pháp hành động cụ thể BVMT. Phương pháp hoạt động thực tiễn giúp HS ý thức được giá trị của lao động, rèn luyện kỹ năng, thói quen BVMT. Cho các em tham gia các hoạt động như dọn dẹp vệ sinh trường lớp, tạo các sản phẩm từ nguyên liệu là rác thải nhựa, trồng cây xanh…là những hoạt động mang tính giáo dục cao về ý thức BVMT.
1.3.3.7. Phương pháp nêu gương
Đây là phương pháp mang ý nghĩa tích cực cho cả cộng đồng bởi hành động của một cá nhân có thể bị chi phối rất nhiều bởi những người xung quanh. Những gương tốt về ý thức, hành động BVMT sẽ có sức lan tỏa lớn nếu như được quan tâm và khuyến khích. Để nâng cao hiệu quả GDBVMT thì nhiệm vụ nêu gương trước tiên là từ thầy cô giáo và cha mẹ HS.
1.3.3.8. Phương pháp tiếp cận kỹ năng sống bảo vệ môi trường
Hoạt động BVMT sẽ hiệu quả hơn nếu chủ thể có kỹ năng. Trong quá trình giáo dục cần chú ý việc giúp HS rèn luyện các kỹ năng BVMT thông qua việc luyện tập xử lý các tình huống môi trường cụ thể. Một số kỹ năng quan trọng cần phát triển cho người học bao gồm: kỹ năng nhận biết và phát hiện các vấn đề về MT; kỹ năng xây dựng kế hoạch hành động vì môi trường; kỹ năng ra quyết định về MT; kỹ năng kiên định thực hiện kế hoạch hành động BVMT. Việc rèn luyện các kỹ năng này giúp HS có khả năng ứng xử tích cực đối với các vấn đề về môi trường.