Các kết quả đạt được

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng hoạt động tài trợ thương mại quốc tế tại ngân hàng KEB Hana – Chi nhánh Hà Nội. (Trang 96 - 100)

Có thể nói, việc nâng cao chất lượng hoạt động TTQT&TTTMQT tại Trung tâm Tài trợ Thương mại – Ngân hàng KEB Hana – Chi nhánh Hà Nội đã đem lại rất nhiều kết quả khả quan cho toàn bộ hệ thống Ngân hàng KEB Hana.

Kết quả nhận thấy rõ rệt nhất đó là doanh số TTQT và TTTMQT cũng như các chỉ tiêu phí dịch vụ, hợp tác ngân hàng quốc tế, triển khai sản phẩm mới của Trung tâm đều tăng rất cao hàng năm, đóng góp lớn vào tổng doanh thu và lợi nhuận của toàn ngân hàng. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, doanh thu từ hoạt động TTTMQT trong giai đoạn 2019-2021 có xu hướng tăng. Với thực tế dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tại Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019, và bùng nổ mạnh mẽ trên quy mô toàn Thế giới vào năm 2020, khiến cho kinh tế Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề, thì việc Ngân hàng KEB Hana – Chi nhánh Hà Nội vẫn ghi nhận doanh thu từ hoạt động TTTMQT tăng cả về chỉ số tuyệt đối lẫn tương đối là một thành công lớn. Điều đó cho thấy Ngân hàng không đánh mất đi sức hấp dẫn về mảng dịch vụ TTTMQT, vẫn có khả năng mở rộng thị trường, thể hiện được sự tin tưởng của các

khách hàng tiềm năng. Sang tới năm 2021, ngân hàng tiếp tục ghi nhận doanh thu tăng mạnh hơn. Đây chính là kết quả của quá trình áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào bộ máy xử lý tác nghiệp. Trong suốt năm 2020, Ngân hàng KEB Hana – Hội sở chính tại Hàn Quốc đã cho thử nghiệm hệ thống quản lý mới thí điểm tại chi nhánh Hà Nội. Hệ thống quản lý mới cho phép rút ngắn thời gian giao dịch cũng như nâng cao tính hiệu quả trong công tác quản lý dữ liệu từ Hội sở. Đến đầu năm 2021, hệ thống được đưa vào hoạt động chính thức, đi kèm với đó, Ngân hàng KEB Hana – Trụ sở chính cũng chuyển một số dự án mới về chi nhánh Hà Nội. Có thể nói, năm 2020 là một năm tích lũy để Ngân hàng KEB Hana – chi nhánh Hà Nội chuẩn bị trở mình vào năm 2021. Trong khi phát triển hệ thống quản lý mới, các nhà lãnh đạo cũng liên tục mở rộng quy mô ngân hàng, tuyển dụng thêm nhân sự, tổ chức các buổi tập huấn hàng tuần chuyên sâu và quan trọng hơn là tập trung phát triển tệp khách hàng mới cũng như phát triển các sản phẩm dịch vụ mới. Sự ra tăng về số lượng khách hàng, số lượng giao dịch, được đón đầu bởi hệ thống quản lý mới tối ưu hơn về mọi mặt đã làm nên sự tăng trưởng về doanh thu từ dịch vụ TTTMQT cho dù năm 2021 là một năm gần như Việt Nam luôn ở trong trạng thái giãn cách xã hội.

Thứ hai, chỉ tiêu lợi nhuận từ hoạt động TTTMQT giảm vào năm 2020 và tăng nhẹ trở lại vào năm 2021. Tuy doanh thu tăng nhưng lợi nhuận năm 2020 lại giảm, điều này là do Ngân hàng KEB Hana – chi nhánh Hà Nội đã thi hành chính sách hỗ trợ giảm phí dịch vụ cho các hoạt động TTTMQT. Điều này là dễ hiểu, vì trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực, thì việc giảm chi phí dịch vụ chính là một cách hữu hiệu để giữ chân những khách hàng cũ cũng như thu hút những khách hàng tiềm năng mới. Sang tới năm 2021, lợi nhuận được ghi nhận tăng về cả số tương đối lẫn tuyệt đối, đó chính là kết quả của một năm 2020 thu hút khách hàng mới, đào tạo nhân sự và phát triển các sản phẩm TTTMQT thêm đa dạng.

Thứ ba, chỉ tiêu dư nợ từ hoạt động TTTMQT của Ngân hàng KEB Hana - Chi nhánh Hà Nội có xu hướng tăng trong giai đoạn 2019-2021. Dư nợ mảng TTTM cho hoạt động xuất khẩu sụt giảm mạnh trong năm 2020 và giảm nhẹ vào

năm 2021. Trong khi đó, dư nợ mảng TTTM cho hoạt động nhập khẩu lại tăng vọt. Điều này cho

thấy xu thế của nhập khẩu của các khách hàng cũ đang tăng lên. Cùng với đó ngân hàng trong thời gian này, tập trung khai thác các khách hàng nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài về, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong lãnh thổ Việt Nam ví dụ như Công ty TNHH Orion Việt Nam và Công ty TNHH thép Daeho Việt Nam. Đây là hai khách hàng có tiềm năng mở rộng sản xuất trong tương lai, cùng với đó là sự cần thiết trong nguồn vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu cả 2 mảng xuất khẩu và nhập khẩu tuy có tăng nhưng chỉ là tăng nhẹ, điều này thể hiện sự chủ động trong công tác kiểm soát nợ xấu của ngân hàng KEB Hana – Chi nhánh Hà Nội.

Thứ tư, về các chỉ tiêu định tính đánh giá sự hài lòng của khách hàng, Ngân hàng KEB Hana – Chi nhánh Hà Nội đã ghi nhận những phản hổi tích cực về thái độ khách hàng đối với dịch vụ TTTMQT. Nhìn chung thì hoạt động TTTMQT tại Ngân hàng KEB Hana – Chi nhánh Hà Nội có nhiều dấu hiệu tích cực mặc dù giai đoạn 2019-2021 là một giai đoạn vô cùng khó khăn đối với nền kinh tế Thế giới. Vế các hoạt động tài trợ XNK, TTQT và bảo lãnh đều được khách hàng đánh giá tốt, cơ chế chi phí và lãi suất linh hoạt, biểu giá phù hợp với nhu cầu của cá nhân khách hàng. Khi so sánh với các ngân hàng khác, dịch vụ TTTMQT tại Ngân hàng KEB Hana – Chi nhánh Hà Nội tuy chưa được nhiều doanh nghiệp biết đến nhưng cũng đã chiếm được tình cảm của những khách hàng quen thuộc. Đây là kết quả của những cố gắng của toàn bộ lãnh đạo cũng như nhân viên ngân hàng, cũng chính là kết quả của những đường lối, chính sách phát triển chi nhánh trong giai đoạn 2019- 2021. Các cuộc khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng, dự án trải nghiệm khách hàng cũng được triển khai rộng khắp trên toàn miền bắc, đây chính là tiếng nói của khách hàng về sản phẩm của Ngân hàng KEB Hana – Chi nhánh Hà Nội một cách khách quan nhất.

Thứ năm, khi xem xét các mối quan hệ bên trong và bên ngoài, Ngân hàng KEB Hana – Chi nhánh Hà Nội đã liên hệ, hợp tác với các NHTM, Định chế Tài chính trong nước và nước ngoài liên quan đến hoạt động TTQT và TTTM. Điều này mang đến cho các Định chế Tài chính sự thuận lợi và tin tưởng khi thực hiện giao dịch, nâng cao uy tín và tạo ra lợi thế của Ngân hàng KEB Hana – Chi nhánh Hà Nội so với các ngân hàng khác.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng hoạt động tài trợ thương mại quốc tế tại ngân hàng KEB Hana – Chi nhánh Hà Nội. (Trang 96 - 100)