Học toán thông qua hoạt động nhận thức

Một phần của tài liệu Một số biện pháp hỗ trợ học tập toán cho học sinh lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 1 (Trang 39 - 40)

7. Cấu trúc luận văn

2.5.3. Học toán thông qua hoạt động nhận thức

Chương trình tổng thể Ban hành theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 nêu rõ “Giáo dục toán học hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và năng lực toán học với các thành tố cốt lõi: năng lực tư duy và lập luận toán học, năng lực mô hình học toán học, năng lực giải quyết vấn đề toán học, năng lực giao tiếp toán học, năng lực sử dụng các công cụ và phương tiện học toán; phát triển kiến thức, kĩ năng then chốt và tạo cơ hội để học sinh được trải nghiệm, áp dụng toán học vào đời sống thực tiễn, giáo dục toán học tạo dựng sự kết nối giữa các ý tưởng toán học, giữa toán học với các môn học khác và giữa toán học với đời sống thực tiễn’’[29]. Vì thế, các phương pháp, cách dạy truyền thống mà GV là đối tượng hoạt động chính không còn phù hợp và không thể nào giúp tiết học đạt được mục tiêu đã đề theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Để HS đạt được các năng lực, phẩm chất cần có, không còn cách nào hữu hiệu hơn là để các em tự suy nghĩ, tự hành động, nói cách khác là gắn quá trình nhận thức của HS vào bài học, để kiến thức của bài học trở nên sống động, thực tế, dễ hiểu, dễ tiếp thu.

Hoạt động nhận thức là hoạt động cực kỳ quan trọng trong việc học Toán. Hoạt động này kích hoạt trí óc non nớt của các em. Các em hứng thú học tập được hay không? Thích môn học toán đến mức độ nào? Các em suy nghĩ, tri giác về các vấn đề toán học như thế nào? Các em tự suy nghĩ, hệ thống các dấu hiệu, đặc điểm toán học để đưa ra những cách làm, cách xử lý, cách giải quyết vấn đề ra sao?... đều tuỳ thuộc rất nhiều vào năng lực, trình độ tổ chức quá trình phát triển nhận thức của người dạy.

Để học toán thông qua hoạt động nhận thức, GV cần tổ chức quá trình dạy học phù hợp với tiến trình nhận thức của học sinh (đi từ cụ thể đến trừu tượng, từ dễ đến khó); quán triệt tinh thần “lấy người học làm trung tâm”, chú ý nhu cầu, năng lực nhận thức, cách thức học tập khác nhau của từng cá nhân học sinh; tổ chức quá trình dạy học theo hướng kiến tạo, trong đó học sinh được tham gia tìm tòi, phát hiện, suy luận giải quyết vấn đề; linh hoạt trong việc vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực, kết hợp nhuần nhuyễn, sáng tạo với việc vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học truyền thống; kết hợp các hoạt động dạy học trong lớp học với hoạt động thực hành trải nghiệm, vận dụng kiến thức toán học vào thực tiễn.

Trong mỗi tiết dạy nếu các em được trải nghiệm đầy đủ các hoạt động trên, có nghĩa là các em đã tiếp thu kiến thức thông qua quá trình tự nhận thức của mình, các em không chỉ nắm vững kiến thức một cách tự chủ, năng động, sáng tạo mà còn góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và các năng lực đặc thù.

Việc học toán thông qua hoạt động nhận thức giúp các em khám phá bản thân, rèn luyện bản thân, phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô và cả người thân trong gia đình.

Đặc biệt là có ngôn ngữ toán học chuẩn xác, khả năng lập luận trở nên logic, tư duy phát triển.

“Dạy học là quá trình tổ chức các HĐNT cho HS”. Nói như thế, đủ biết rằng HĐNT có vai trò quan trọng như thế nào trong việc tiếp thu kiến thức, đặc biệt là ở môn học cần nhiều sự suy nghĩ, tư duy như môn Toán. Nhiều nghiên cứu giáo dục trên thế giới đã chỉ ra rằng để giúp HS độc lập giải quyết nhiệm vụ và lĩnh hội các kiến thức toán học thì việc tổ chức HĐNT là cách thức làm việc đạt được kết quả cao nhất.

Người dạy toán tuyệt đối không phản biện trực tiếp một cách mạnh mẽ, đơn điệu; không cho là sai, trật,… mà nên “trưng cầu dân ý” để nhiều em được nêu ý tưởng, tạo điều kiện để các em được suy nghĩ, thể hiện, được tranh luận càng tốt.

Giáo viên cần có kế hoạch dạy học thật chuẩn xác và chặt chẽ, kích thích được sự suy nghĩ của HS về đối tượng toán học được đề cập trong bài học; cần tập trung rèn luyện những đối tượng suy nghĩ còn thụ động, chưa có khả năng phân tích, suy luận, tìm ra các điểm chung.

Giáo viên có thể phân chia các kiểu tính, bài tính, các dạng toán, bài toán sao cho phù hợp để các em được trải nghiệm; kích thích thái độ học tập tích cực, phát huy tính năng động, sáng tạo, đạt mục tiêu đã đề ra.

Việc dạy toán thông qua HĐNT không những đưa việc dạy và học toán phù hợp với yêu cầu môn học, mục tiêu của việc thay đổi chương trình mà còn đóng vai trò chính yếu trong sự phát triển trí tuệ của các em.

Một phần của tài liệu Một số biện pháp hỗ trợ học tập toán cho học sinh lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 1 (Trang 39 - 40)