7. Cấu trúc luận văn
4.1.3. Nguyên tắc đảm bảo mục tiêu, nội dung bài học
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chương trình mở, linh hoạt thể hiện ở chỗ chương trình không quy định chi tiết về các chủ đề hoạt động mà chỉ đưa ra những gợi ý về các mạch nội dung cần giáo dục cho học sinh. Tuy vậy, hoạt động nhận thức phải có sự thống nhất với chương trình dạy học môn Toán của nhà trường, đặc biệt là môn Toán lớp 1. Mục tiêu của chương trình phải hướng đến mục tiêu hình thành năng lực, phẩm chất toán học cho học sinh theo quy định. Thời gian phân bổ chương trình, nội dung kiến thức phải phù hợp với kế hoạch dạy học của nhà trường.
Tùy theo mục tiêu cần đạt của bài học, chủ đề học mà GV sẽ thiết kế và tổ chức hoạt động nhận thức cho học sinh để phù hợp với thời gian, địa điểm. Đặc biệt, cần xác định các phương pháp, kết hợp với hình thức dạy học tích cực để phát huy tối đa, toàn diện tính tự chủ, tích cực trong học tập của học sinh. Đảm bảo cho học sinh lĩnh hội tri thức của bài học, chủ đề học và vận dụng chúng vào thực tiễn cuộc sống sau khi hoạt động nhận thức kết thúc.
Trước khi xây dựng và vận dụng tổ chức một hoạt động nhận thức trong dạy học, giáo viên cần xác định được mục tiêu của hoạt động. Đó là kiến thức, kỹ năng, thái độ và năng lực học sinh cần đạt được sau khi tham gia vào hoạt động nhận thức đó. Tùy vào từng hoạt động, trình độ nhận thức của học sinh, cơ sở vật chất của lớp học và nhà trường mà giáo viên trong một giờ lên lớp có thể sử dụng nhiều hình thức khác nhau và
tổ chức hoạt động sao cho phù hợp nhất, đạt được mục tiêu dạy học đã đề ra. Người giáo viên dựa vào kế hoạch, mục tiêu chương trình dạy học của nhà trường để thiết kế hoạt động nhận thức một cách hợp lí để mang lại hiệu quả cao nhất. Trên cơ sở đó, giáo viên có thể đánh giá kết quả hoạt động của học sinh được chính xác và khách quan.