Tổ chức dạy học trải nghiệm trong môn Toán cho học sinh lớp 1

Một phần của tài liệu Một số biện pháp hỗ trợ học tập toán cho học sinh lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 1 (Trang 114 - 116)

CHƯƠNG 5 : THỰC NGHIỆM SƯ PHẠM

5.5. Phân tích kết quả thực nghiệm

5.5.4. Tổ chức dạy học trải nghiệm trong môn Toán cho học sinh lớp 1

- Tiêu chí đánh giá về mức độ hứng thú của học sinh khi tổ chức dạy học trải nghiệm, chúng tôi đưa ra ba mức sau:

+ Mức độ 1: Học sinh không tham gia hoặc tham gia một cách miễn cưỡng, thụ động theo yêu cầu của giáo viên, không đưa ra nhận xét hay trao đổi, thảo luận với bạn trong nhóm.

+ Mức độ 2: Trong quá tình học tập, học sinh có tham gia vào việc giải quyết các nhiệm vụ học tập nhưng không đưa ra được ý kiến riêng của mình.

+ Mức độ 3: Học sinh tỏ ra thích thú, tích cực tham gia vào các hoạt động học tập. Tích cực suy nghĩ, tìm tòi, khám phá tri thức; có sự hợp tác trao đổi, đưa ra các ý kiến của riêng mình để giải quyết nhiệm vụ học tập đề ra.

- Tiêu chí đánh giá khả năng phát triển năng lực tư duy và ngôn ngữ của học sinh, chúng tôi đưa ra hai mức:

+ Mức độ 1: Nhận thức được vấn đề cần giải quyết nhưng không có khả năng giải quyết vấn đề đó; không tư duy để đưa ra ý kiến của bản thân hay nhận xét ý kiến của người khác.

+ Mức độ 2: Nhận thức được vấn đề, biết cách giải quyết nhưng biết diễn đạt cách làm của mình.

Qua dự giờ và quan sát ở hai lớp thực nghiệm và đối chứng, dựa vào các tiêu chí đánh giá mà chúng tôi đã nêu ở trên, chúng tôi đưa ra một vài nhận xét như sau:

- Về mức độ hứng thú của học sinh khi tổ chức dạy học trải nghiệm

+ Ở lớp thực nghiệm, học sinh được hoạt động nhiều cùng với nhiều hình thức như trao đổi, thảo luận, làm việc nhóm, làm việc cá nhân, cả lớp. Giờ học sôi nổi. Học sinh hăng hái trình bày kết quả cũng như tự tin đưa ra các nhận xét, ý kiến của mình. Các em hào hứng với những hoạt động mình được trải nghiệm và vì đó là những nội dung các em được làm, được kiểm chứng nên các em nói về nó rất tự nhiên và đầy tin tưởng. Tuy nhiên vì đôi khi việc trình bày của các em còn chưa trôi chảy nên tiết học cần nhiều thời gian hơn.

+ Ở lớp đối chứng, không khí lớp học có vẻ khá trật tự, hầu hết các em đều ngoan ngoãn lắng nghe cô giáo giảng bài. Học sinh vẫn thực hiện các yêu cầu của giáo viên nhưng một số em tỏ ra khá uể oải và tác phong không nhanh nhẹn. Khi giáo viên đặt các câu hỏi, nhiều học sinh giơ tay phát biểu nhưng chủ yếu đó là những học sinh khá, giỏi. Bên cạnh đó cũng có học sinh tỏ ra thờ ơ và không quan tâm đến câu hỏi của cô và câu trả lời của bạn. Những câu hỏi cần sự lí giải nhiều em diễn đạt đứt quãng do vừa nói vừa phải tưởng tượng ra sự vật hay ra cách làm. Mặc dù thời gian hoàn thành tiết học của lớp đối chứng ít hơn nhưng vẫn khiến người dự cảm thấy tiết học khá dài và mệt mỏi.

Qua đó để thấy rằng hoạt động trải nghiệm có thể kích thích được hứng thú của học sinh, tạo cho các em cơ hội được hoạt động nhiều. Các em cũng tham gia tiết học rất tích cực, chủ động và vui vẻ.

- Về khả năng phát triển tư duy và ngôn ngữ của học sinh

+ Về khả năng phát triển tư duy, qua dự giờ chúng tôi thấy rằng học sinh lớp thực nghiệm đã có cơ hội phát triển tư duy. Nhờ việc học sinh được làm nhiều mà các em nghĩ ra nhiều phương án thực hiện khác nhau, tạo tiền đề phát triển óc sáng tạo trong các em.

+ Về khả năng phát triển ngôn ngữ, rõ ràng khi các em hoạt động trải nghiệm, các em hiểu rõ mình đang làm gì và đã làm gì nên các em hoàn toàn có thể diễn tả những điều đó, nhờ vậy mà khả năng lập luận, giải thích của các em ngày càng tốt lên. Không những vậy, các em còn có những trao đổi, thảo luận với bạn, thắc mắc với giáo viên hay tương tác với các đối tượng khác,... điều đó cũng góp phần phát triển năng lực giao tiếp, phát triển ngôn ngữ cho các em.

Qua quá trình thực nghiệm, chúng tôi thấy rằng chất lượng lớp thực nghiệm về kiến thức, kĩ năng cao hơn lớp đối chứng mặc dù trình độ đầu vào của hai lớp tương đương nhau. Cụ thể:

- Ở lớp thực nghiệm, học sinh rất hào hứng tham gia học tập. Năng lực vận dụng kiến thức và kĩ năng giải quyết vấn đề thực tế của học sinh lớp thực nghiệm cũng tốt hơn lớp đối chứng.

- Học sinh ở lớp thực nghiệm có cơ hội rèn luyện và phát triển ngôn ngữ nên học sinh diễn đạt tốt hơn.

Một phần của tài liệu Một số biện pháp hỗ trợ học tập toán cho học sinh lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 1 (Trang 114 - 116)