Biện pháp 5: Xây dựng không gian lớp học phù hợp, khoa học

Một phần của tài liệu Một số biện pháp hỗ trợ học tập toán cho học sinh lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 1 (Trang 99)

7. Cấu trúc luận văn

4.2.5. Biện pháp 5: Xây dựng không gian lớp học phù hợp, khoa học

4.2.5.1. Mục đích của biện pháp

Mục đích của biện pháp là giúp HS làm quen với sự thay đổi về môi trường học tập mới, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho các em học tập làm quen với việc học, thích nghi với phương pháp học tập mới. Từ đó, HS sẽ cảm giác được sự gần gũi, quen thuộc, tìm được hứng thú trong môi trường mới. Biện pháp này không những giúp HS thích nghi với môi trường học tập ở lớp 1 mà còn đem đến niềm vui, thích thú đi học bởi vì mỗi ngày đến trường là một niềm vui.

4.2.5.2. Cơ sở khoa học của biện pháp

Trên cơ sở Tâm lý học, HS đầu cấp tiểu học tâm sinh lý chưa phát triển, các em là những sinh linh bé bỏng, khi môi trường sống thay đổi sẽ làm cho tâm lý của các em bất an. Các em sẽ co mình lại để bảo vệ bản thân, để thủ thế, đây là tâm lý dễ nhận ra. Do đó khi chuyển từ mầm non lên tiểu học trẻ em dễ bị biến đổi tâm lý, sẽ sợ sệt môi trường lạ lẫm, cảm thấy vô cùng bất an. Xây dựng môi trường lớp học hiệu quả sẽ giúp HS dần thích nghi ở môi trường mới, các em sẽ cảm thấy an toàn, vui vẻ và tự tin để tham gia những hoạt động giáo dục trong môi trường mới.

4.2.5.3. Nội dung và cách thực hiện

Môi trường học tập hiệu quả là môi trường mà ở đó HS được tạo điều kiện tốt nhất để học tập và phát triển năng lực phù hợp với khả năng và thực tế cuộc sống của các em; được khuyến khích, hỗ trợ và tạo cơ hội học tập; cảm thấy thoải mái, tự tin tham gia vào quá trình học; được tôn trọng và thấy mình có khả năng học tập; được an toàn và phát triển về thể chất. Mọi lớp học đều đa dạng bởi lẽ mỗi HS là một cá thể, khác nhau về cá tính, khả năng học tập, hoàn cảnh và kinh nghiệm sống, sở thích và nhu cầu học tập. Hơn nữa, HS học theo nhiều cách khác nhau và phát triển theo những nhịp độ khác nhau. Đó là sự đa dạng trong học tập. Sự đa dạng này có giá trị tích cực đối với việc học của tất cả các em vì mỗi HS có thể đóng góp và mang lại nhiều gia vị khác nhau cho “món súp” học tập. Sự đa dạng là một món quà chứ không phải là một gánh nặng. Vì vậy, tạo lập một môi trường học tập phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu học tập, năng lực khác nhau của HS là một cách tiếp cận để môi trường học tập thực sự có hiệu quả đối với trẻ. Không gian lớp học được bố trí/trưng bày phong phú, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu học tập và vui chơi của HS. Lớp học phải là một không gian có các thiết bị, đồ dùng học tập để các em học và khám phá; có các đồ vật/sản phẩm của HS được trưng bày để các em cảm thấy mình thuộc về lớp học và lớp học thuộc về mình. Môi trường vật chất lớp học không phải là môi trường tĩnh/cố định mà cần được khai thác và thay đổi, bổ sung thường xuyên trong quá trình dạy học.

Một không gian học tập thông thoáng, gọn gàng, đẹp mắt sẽ góp phần không nhỏ trong việc tiếp thu bài giảng cho các em học sinh. Sau đây chúng tôi xin đưa ra một số gợi ý về trang trí lớp học và trưng bày sản phẩm của HS.

*Trang trí lớp học đẹp mắt, hợp lí:

- Đưa thiên nhiên vào lớp học

Thiên nhiên luôn có tác động tích cực đến sự phát triển và kích thích sự sáng tạo của HS một cách hiệu quả. Chính vì thế, việc đưa thiên nhiên như: cây cỏ, hoa lá vào

lớp học chính là biện pháp tốt nhất để tạo hứng khởi trong học tập cho học sinh. Mặt khác điều này cũng giúp HS cảm thấy yêu thiên nhiên hơn để tự có ý thức bảo vệ môi trường sống xung quanh, đồng thời tạo nên một không gian tươi xanh, mát mẻ, giúp giải tỏa căng thẳng cho cả thầy lẫn trò sau những giờ học căng thẳng.

Ý tưởng như sau:

Giáo viên có thể đặt một kệ gỗ gồm nhiều nấc ngay góc lớp và lựa chọn những chậu cây nhỏ nhắn với khả năng ưa sống trong bóng râm đặt lên đó. Sắp xếp vị trí sao cho thật đẹp mắt, đồng thời giáo viên có thể trang trí thêm trên kệ những quyển sách, một vài hộp quà để tăng thêm sự sinh động.

Cửa sổ là một khu vực lý tưởng để giáo viên đặt các chậu cây xanh ưa ánh sáng, làm dây treo và treo các giỏ cây nhỏ trên cao hoặc các loại cây thân dây dài. Tuy nhiên giáo viên nên lưu ý rằng không nên treo quá nhiều chậu cây lên cửa sổ, vì như thế sẽ cản trở ánh sáng tự nhiên vào lớp học, từ đó khiến lớp học tối hơn đồng thời gây rối mắt không đẹp. Tốt nhất, giáo viên nên bố trí một cách hợp lý, từ 3 - 4 chậu cây nhỏ cho mỗi khung cửa là vừa.

- Trang trí cửa sổ lớp học

Cửa sổ cũng là một không gian để các GV dễ dàng trang trí tạo nên điểm nhấn cho lớp học. Ngoài cách trang trí bằng cây xanh, giáo viên có thể trang trí cửa sổ bằng rèm cửa. Với học sinh tiểu học, giáo viên nên chọn những loại rèm có sự mềm mại, màu sắc tươi vui, nổi bật như hồng, xanh da trời cùng họa tiết hoa lá, nhân vật hoạt hình như Doremon, chuột mickey, gấu teddy,…

Ngoài sử dụng rèm cửa, giáo viên có thể trang trí cửa sổ lớp học với giấy. Các GV hãy để HS thể hiện sự khéo tay của mình bằng cách cắt những bông hoa, lá hoặc các con vật để treo hoặc dán trên cửa sổ. Đây cũng chính là điều mà chúng ta thường thấy ở nhiều trường học. Giấy dán đủ màu sắc ngộ nghĩnh và thu hút sẽ là nơi để nuôi dưỡng tâm hồn và sự phát triển thể chất của học sinh.

Ý tưởng trang trí cửa sổ với hạc giấy: Cũng như các sản phẩm trang trí cửa sổ bằng giấy, GV có thể trang trí không gian lớp học với những chú hạc bay được làm từ giấy hay túi bóng,… Hãy tạo ra các chú hạc với kích thước nhỏ, lớn khác nhau để tăng thêm sự độc đáo. Tiếp sau đó, giáo viên hãy xâu chúng lại thành một chiếc rèm có độ dài vừa phải. Vậy là chỉ cần một vài thao tác đơn giản, GV và HS đã có một cái rèm xinh xắn để che.

Tùy theo sự sáng tạo của mỗi giáo viên mà có thể trang trí lên tường lớp học của mình những nội dung, hình ảnh với tính chất giáo dục sao cho thật phù hợp chẳng hạn như: các bước học tập, nội quy tự quản của học sinh, góc cảm xúc, biển kiến thức,...

Một vài ý tưởng liên quan như sau:

+ Giáo viên có thể cùng HS cả lớp chụp một bức ảnh tập thể cỡ lớn treo ở trung tâm phòng để hằng ngày các em được nhìn thấy hình ảnh của mình, từ đó tạo cảm giác được sống trong một cộng đồng tràn đầy tình thương yêu. Thông qua điều này giúp các em biết yêu và tạo ra cái đẹp; có ý thức gìn giữ môi trường học tập và đồng thời giáo dục về tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết đối với tập thể.

+ Trang trí tường lớp học bằng hình vẽ của học sinh: Với mục đích tạo nên sự tự nhiên một cách tối đa, các GV nên hạn chế việc in ấn hình ảnh đồng loạt, dễ dẫn đến nhàm chán, giáo viên chủ nhiệm có thể làm cùng học sinh. Đặc biệt với các em lớp 1, dù cho nét vẽ, nét cắt còn ngô nghê, thế nhưng đó là sản phẩm của các em. Kể cả chân dung các em cũng để bạn vẽ cho nhau hoặc tự vẽ. Chắc chắn rằng mỗi khi đến lớp, được ngắm nghía các sản phẩm tự tay mình làm ra, học sinh sẽ cảm thấy tự tin, hưng phấn nhiều hơn trong giờ học.

+ Việc trang trí lớp học với tranh ảnh, bảng, biểu, khẩu hiệu, các sản phẩm nghệ thuật của HS giúp lớp học sinh động, thu hút với HS lớp 1.

- Trang trí các góc của lớp học

Việc tạo nên các góc với những chủ đề như: góc nghệ thuật, góc thiên nhiên, góc học tập, góc địa phương, góc thư viện... cũng là cách giúp tăng sự phấn khởi trong học tập của học sinh một cách hiệu quả. Ở những góc như vậy, giáo viên chủ nhiệm có thể cùng với học sinh sáng tạo nên những cách trang trí thật ấn tượng và thu hút chẳng hạn như:

+ Góc thiên nhiên thì giáo viên sắp xếp cây xanh, cây dây leo trong một không gian hợp lý và trang trí bằng những hình ảnh về thực vật, cây cỏ,…

+ Góc học tập thì trưng bày những bài làm tốt, kết quả thi đua, những tấm gương điển hình. Từ đó tạo nên động lực để các em học sinh có kết quả học tập không được tốt phấn đấu mỗi ngày một nhiều hơn để những bài làm hay những sản phẩm của mình tạo nên có thể được trưng bày ở góc. Sự thay đổi trang trí thường xuyên, theo các chủ đề học tập, cũng là cách nhắc HS về các kiến thức đang học.

Ví dụ: Góc “Học Toán”

+ Mục đích: Nhằm củng cố, khắc sâu kiến thức toán học một cách vững chắc, tạo cho các em niềm say mê, hứng thú trong quá trình học Toán

+ Cách tiến hành:

Thể hiện các nội dung kiến thức liên quan đến nội dung bài học theo tuần, tháng, chủ đề.

Sử dụng hình vẽ, màu sắc để lôi cuốn HS.

Thiết kế thuận lợi cho việc thay đổi phù hợp với nội dung kiến thức.

Treo vừa tầm mắt để HS dễ nhìn.

Thay đổi các bài toán đố, thơ vui hằng tuần.

+ Góc địa phương thì giáo viên có thể trưng bày những đặc sản, sản phẩm làng nghề truyền thống (bằng hiện vật hay tranh ảnh), giúp các em có thể tìm hiểu rõ hơn về những sản vật của địa phương mình.

+ Góc thư viện thì trưng bày những cuốn sách mới và hay dành cho học sinh tham khảo, trau dồi văn hóa đọc nhằm tăng sự hiểu biết, mở rộng kiến thức.

- Một số điều cần lưu ý khi trang trí lớp học

Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy, việc trang trí dày đặc trong lớp và màu sắc quá sặc sỡ trong lớp có thể gây phân tán sự chú ý và làm giảm sút mức độ lĩnh hội trong học tập của HS. Vì vậy, trang trí lớp học cần hợp lí, hài hòa, phục vụ mục tiêu giáo dục. Ngoài ra, điểm mà giáo viên cần lưu ý nữa đến không gian phòng học đó chính là ánh sáng. Không có ánh sáng thì không có màu sắc, mà nếu ánh sáng kém thì không rõ màu, làm cho tinh thần con người ta dễ dẫn đến mệt mỏi. Một khi phòng học đã đủ ánh sáng thì giáo viên không cần sử dụng những màu tương phản mạnh. Không nên dùng các màu tươi rực chẳng hạn như: khẩu hiệu nền đỏ chữ vàng; nền xanh lá cây chữ đỏ và ngược lại; hoặc tường sơn màu vàng, rèm cửa cũng màu vàng hay vải hoa màu sặc sỡ… vì như vậy sẽ gây tâm thần phân tán, ức chế tâm lý.

*Trưng bày sản phẩm của HS.

- Một lớp học tràn ngập sản phẩm của HS sẽ rất thú vị vì sẽ cho HS thấy và cảm nhận được là sản phẩm của các em và việc học của các em là quan trọng. Khi bắt đầu năm học, thì số lượng sản phẩm trưng bày của GV là chính, nhưng dần dần thì sản phẩm của HS sẽ thay thế, tăng lên và ngày càng đóng vai trò tích cực hơn ở khu trưng bày. HS nên tham gia vào quá trình trưng bày sản phẩm, các em tự chọn các sản phẩm của mình và đưa cho GV để trưng bày. Các em có thể tự thiết kế và sắp xếp các sản phẩm lại với nhau để đưa vào khu trưng bày kiểu như bảng tin. Các em chủ động trong mọi khâu từ chọn tác phẩm, thiết kế bảng tin đến việc cập nhật liên tục.

- Khi được phân công chịu trách nhiệm chính trong việc trưng bày ở lớp học, các em có nhiều cơ hội được học và thực hành các kĩ năng xã hội và các kĩ năng học tập khác. Khi lựa chọn sản phẩm để trưng bày cũng đòi hỏi các em suy ngẫm và phân tích sâu hơn các sản phẩm của mình. Hình thức trưng bày sản phẩm cũng là một cách ghi nhận quá trình học tập của HS hơn là đánh giá các sản phẩm trưng bày, giúp các em hiểu rằng học là cả một quá trình phát triển bản thân chứ không phải là quá trình để tạo ra sản phẩm tuyệt vời. Việc trưng bày ở lớp học sẽ khuyến khích HS phát triển năng lực của mình, giúp cho các em có cơ hội thực hành và đưa ra quyết định cá nhân hoặc quyết định của nhóm. Điều này cũng tạo cơ hội cho HS học hỏi lẫn nhau, tôn trọng sản phẩm của bạn khác, nuôi dưỡng sự cảm thông, tôn trọng và có ý thức cộng đồng.

- Tham gia thực hiện góc trưng bày giúp HS phát huy khả năng sáng tạo và rèn luyện các kĩ năng như kĩ năng đo, cắt, sử dụng các dụng cụ và kĩ năng viết. Duy trì các góc trưng bày cũng sẽ tạo cơ hội cho các em có kĩ năng tổ chức và sắp xếp công việc. Thiết kế và duy trì các góc trưng bày sẽ tạo cho HS có tinh thần trách nhiệm đối với lớp của mình hơn.

- Các gợi ý dành cho việc trưng bày:

+ Sản phẩm trưng bày nên gắn kết với nội dung học tập.

Các nội dung trưng bày nên là công cụ hữu hiệu cho việc học và dạy. Các thông tin trưng bày nên có sự gắn kết, kết hợp và mở rộng kiến thức về chủ đề mà HS đang học.

+ Sản phẩm trưng bày nên khuyến khích sự nỗ lực của HS hơn là tính hoàn hảo của sản phẩm.

Các sản phẩm trưng bày nên làm cho HS cảm thấy nỗ lực của bản thân mình được ghi nhận mà không kể đến khả năng nghệ thuật và khả năng học tập. Tránh việc chấm điểm, đánh giá và xếp hạng những sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm trưng bày.

+ GV hãy đảm bảo là luôn có một chỗ trưng bày thể hiện nỗ lực tất cả của các thành viên trong lớp.

Phần trưng bày này sẽ làm cho HS cảm thấy thân thuộc với lớp của mình và có tác dụng mạnh mẽ trong việc tạo cộng đồng trong lớp học.

+ Hãy giữ cho góc trưng bày luôn sạch đẹp, hữu ích và gọn gàng. Hãy đảm bảo rằng sản phẩm của HS được thay đổi thường xuyên để phù hợp với chương trình học và giúp chúng không bị “cũ”. Với không gian lớp học hạn chế thì nên thường xuyên luân phiên trưng bày sản phẩm của HS trong lớp hơn là trưng bày chen chúc các sản phẩm và làm cho góc trưng bày trở nên lộn xộn vì quá nhiều.

*Ví dụ minh họa: Thiết kế hoạt động làm hoa trang trí lớp học

- Mục đích: Hoạt động này giúp HS biết trang trí không gian lớp học bằng những bông hoa do chính tay mình làm ra, từ đó thêm yêu mến và gắn bó với lớp học của mình.

- Cách tiến hành:

+ GV yêu cầu HS quan sát không gian lớp học của mình và suy nghĩ xem những chỗ nào có thể sử dụng các bông hoa để trang trí cho lớp đẹp hơn. Ví dụ: Phía dưới bảng, bức tường cuối lớp, xung quanh cửa sổ,...

+ GV chia lớp thành các nhóm, mỗi nhóm từ 4 – 5 HS, tổ chức cho các nhóm thảo luận và làm việc theo những bước sau:

++ Từng HS trong nhóm nói suy nghĩ của mình về những chỗ trong lớp học có thể trang trí được bằng những bông hoa.

++ Các nhóm thảo luận để thống nhất những chỗ trong lớp học sẽ được trang trí

Một phần của tài liệu Một số biện pháp hỗ trợ học tập toán cho học sinh lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 1 (Trang 99)