8. Cấu trúc của đề tài luận văn
1.3.4. Nội dung hoạt động giáo dục pháp luật
Hoạt động GDPL phải bàn đến một yếu tố quan trọng đó là nội dung GDPL, việc xây dựng nội dung phù hợp sẽ giúp việc cung cấp thông tin pháp luật kịp thời, GDPL có hiệu quả và người học cũng có thể nắm bắt thông tin, khả năng ứng dụng pháp luật vào các tình huống cụ thể đang xảy ra. Khi xây dựng nội dung chương trình GDPL, các chủ thể quản lý hoạt động GDPL cần phải xét đến các yếu tố chi phối như mục tiêu của giáo dục đại học, mục tiêu của GDPL, mục tiêu đào tạo của ngành, căn cứ vào đối tượng học, tình hình kinh tế xã hội, sự thay đổi của hệ thống pháp luật và vì vậy, nội dung GDPL cho SV thường phải được hiệu chỉnh hoặc được thay đổi cho phù hợp
với thực tiễn của xã hội và thực tiễn của pháp luật thông qua việc xây dựng hoạt động GDPL chính khóa và ngoại khóa. Xét về tổng thể, nội dung GDPL cho SV tại các trường Đại học thường được chia ra thành ba nhóm cơ bản sau:
Nhóm thứ nhất là nhóm kiến thức chung. Với nhóm kiến thức này, SV sẽ được
nghiên cứu và tiếp cận những vấn đề cơ bản nhất về pháp luật, hình thành nền tảng pháp luật về nguồn gốc, chức năng, bản chất, hình thức của nhà nước và pháp luật; hệ thống các ngành luật Việt Nam; xác định quan hệ xã hội nào là quan hệ pháp luật; các hình thức thực hiện pháp luật; hiểu rõ về hành vi vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý. Trên cơ sở đó, SV sẽ có niềm tin vào bộ máy nhà nước Việt Nam; có thể phân tích hiểu và vận dụng được một số quy định cơ bản trong các ngành luật của hệ thống pháp luật Việt Nam; có khả năng phân tích, đánh giá một số hiện tượng pháp luật; có cách ứng xử phù hợp với các quy định của pháp luật trong thực tiễn. Ngoài ra, theo tinh thần Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013 - 2014 [36] và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo trình độ đại học, cao đẳng không chuyên về luật tích hợp, lồng ghép nội dung phòng chống tham nhũng vào môn học pháp luật đại cương hoặc môn học khác phù hợp với thời lượng 5 tiết góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Nhóm thứ hai là kiến thức pháp luật phù hợp với ngành nghề, nhóm kiến thức
này được xây dựng tùy theo các chuyên ngành cụ thể của SV nhằm cung cấp khối lượng kiến thức pháp lý cần thiết trong lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp của SV trong tương lai. Nội dung GDPL theo ngành nghề thường liên quan đến một số vấn đề như: các quyền và nghĩa vụ của công dân trong lĩnh vực hoạt động; các điều kiện hành nghề đối với các trường hợp nghề nghiệp có điều kiện; đạo đức, chuẩn mực nghề nghiệp và các trình tự giải quyết tranh chấp phổ biến liên quan trong lĩnh vực nghề nghiệp... Như vậy, với khối lượng kiến thức này, SV có cách ứng xử phù hợp với các quy định của pháp luật trong hoạt động nghiệp vụ, hạn chế các vi phạm có thể xảy ra.
Nhóm thứ ba là kiến thức chuyên ngành đối với sinh viên luật, đây là nhóm kiến
thức ở cấp độ cao nhất của giáo dục pháp luật (đào tạo chuyên ngành luật), bởi vì đối tượng được GDPL sẽ là những người thực thi công lý trong tương lai bằng những tri thức pháp luật liên quan đến quan điểm, học thuyết về nhà nước và pháp luật trong lịch sử và hiện tại; hiểu biết tương đối toàn diện về hệ thống pháp luật trong nước và quốc tế trong lĩnh vực chuyên sâu của chuyên ngành (dân sự, hình sự, hành chính, tố tụng…). Đồng thời, họ sẽ được rèn luyện các kỹ năng tư vấn pháp luật, vận dụng chính xác, linh hoạt pháp luật vào các quan hệ pháp luật vào việc xử lý, giải quyết các
tranh chấp, vi phạm pháp luật trong hoạt động thực tiễn. Vì vậy, trong quá trình đào tạo GDPL cần phải chú ý đến xây dựng các nội dung pháp luật nhằm gia tăng sự hiểu biết, thái độ, tình cảm cũng như kỹ năng sử dụng pháp luật của các SV và phải là chuẩn mực của ý thức và hành vi tuân thủ pháp luật.
Trong xu thế phát triển của khoa học, công nghệ thì giáo dục đào tạo cũng phải thay đổi theo định hướng phát triển năng lực của SV, nghĩa là các cơ sở giáo dục đại học, bên cạnh cung cấp thông tin pháp luật thực định, cần hình thành và phát triển kỹ năng thể hiện năng lực tự học của SV để hình thành nền tảng kiến thức pháp luật cho riêng mình. Việc phát triển nội dung hoạt động GDPL theo định hướng phát triển năng lực, các trường Đại học cần phải đảm bảo các yêu cầu khi xây dựng nội dung, đó là: phù hợp với mục tiêu GDPL trong từng giai đoạn, cung cấp hệ thống dữ liệu về hệ thống pháp luật, định hướng các yêu cầu thực tiễn của ngành, nghề đào tạo.