5. Kết cấu luận án
1.3. Khái niệm, đặc điểm và nội dung phát triển chăn nuôi đại gia súc
1.3.1. Khái niệm và đặc điểm của chăn nuôi đại gia súc
Khái niệm về chăn nuôi đại gia súc
Chăn nuôi là một trong hai ngành sản xuất chủ yếu của nông nghiệp (theo nghĩa hẹp), với đối tượng sản xuất là các loại động vật nuôi nhằm cung cấp các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của con người (Vũ Đình Thắng, 2006).
Gia súc là các loài động vật có vú, có 04 chân được con người thuần hóa và chăn nuôi (Luật Chăn nuôi, 2018).
Theo Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi gia súc lớn (RRDC), đại gia súc là động vật nhai lại. Động vật nhai lại là bất kỳ động vật có số lượng móng guốc chẵn và quá trình tiêu hóa thức ăn của chúng diễn ra trong hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất chúng ăn thức ăn thô và nuốt vào dạ dày và giai đoạn thứ hai, chúng ợ thức ăn đã phân hủy một phần trong dạ dày trở lại miệng để nhai lại. Theo quan điểm này thì động vật nhai lại bao gồm trâu, bò, ngựa, dê, cừu.
Luận án này cũng đồng quan điểm với một số nhà nghiên cứu tại Việt Nam khi cho rằng đại gia súc là những động vật có vú và có số lượng móng guốc chẵn trong đó có cả lợn. Trong Niên giám thống kê của Tổng cục Thống kê cũng xếp trâu, bò và lợn cùng chung đối tượng, là gia súc chính của hộ chăn nuôi. Bên cạnh đó, với đặc thù của tỉnh Bình Định thì đại gia súc được các hộ chăn nuôi chính như: trâu, bò và lợn. Do vậy, trong nghiên cứu này đại gia súc bao gồm các con vật: trâu, bò và lợn.
Đặc điểm của chăn nuôi đại gia súc
Chăn nuôi ĐGS là một hoạt động trong sản xuất nông nghiệp song có những khác biệt so với sản xuất của ngành trồng trọt, nên bên cạnh những đặc điểm chung của sản xuất nông nghiệp thì còn có những đặc điểm riêng mà cần chú ý.
Đối tượng tác động trong sản xuất chăn nuôi đại gia súc là các cơ thể sống. Quá trình chăn nuôi đại gia súc luôn cần một lượng thức ăn tối thiểu cần thiết thường xuyên, không kể rằng các đối tượng chăn nuôi đang nằm trong quá trình sản xuất hay không. Từ đặc điểm này, đặt ra cho người sản xuất hai vấn đề: (i) Bên cạnh việc đầu tư cơ bản phải tính tới phần đầu tư thường xuyên về thức ăn để duy trì và phát triển cho chăn nuôi ĐGS. Nếu cơ cấu đầu tư giữa 2 phần này không cân đối thì dẫn tới tình trạng dư thừa, lãng phí trong chăn nuôi. (ii) Phải đánh giá chu kỳ sản xuất và đầu tư cho chăn nuôi một cách hợp lý trên cơ sở tính toán cân đối giữa chi phí sản xuất và sản phẩm tạo ra, giữa chi phí đầu tư xây dựng cơ bản và giá trị đào thải để lựa chọn thời điểm đào thải, lựa chọn phương thức đầu tư mới hay duy trì tái tạo phục hồi.
Chăn nuôi đại gia súc vừa mang tính chất như sản xuất công nghiệp, vừa mang tính chất như sản xuất nông nghiệp. Chính đặc điểm này đã làm hình thành
và xuất hiện ba phương thức chăn nuôi khác nhau như chăn nuôi tự nhiên, chăn nuôi công nghiệp và chăn nuôi sinh thái. Chăn nuôi theo phương thức tự nhiên là phương thức xuất hiện sớm nhất trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, cơ sở để thực hiện phương thức này là dựa vào các nguồn thức ăn sẵn có ở trong tự nhiên tạo ra. Trong phương thức này, người ta sử dụng các giống địa phương bản địa vốn đã thích ứng với môi trường sống và điều kiện thức ăn ở đó. Phương thức này thường yêu cầu mức đầu tư thấp, không đòi hỏi cao về kỹ thuật song năng suất thịt cũng thấp, chất lượng sản phẩm thường mang đặc tính tự nhiên nên thường được ưa chuộng cao. Do đó phương thức này mang lại cho người chăn nuôi hiệu quả khá cao và dễ tiêu thụ. Phương thức chăn nuôi công nghiệp là phương thức hoàn toàn đối lập với phương thức chăn nuôi tự nhiên. Phương châm cơ bản của phương thức này là tăng tối đa khả năng tiếp nhận thức ăn và giảm thiểu quá trình vận động để tiết kiệm hao phí năng lượng nhằm tăng khối lượng thịt và năng suất thịt. Địa bàn chăn nuôi thường tĩnh tại bằng cách nhốt trong chuồng trại với quy mô nhỏ nhất có thể được. Thức ăn cho chăn nuôi công nghiệp là thức ăn chế biến sẵn theo phương thức công nghiệp và sử dụng các kích thích tố tăng trưởng có thể cho năng suất thịt cao nhất. Phương thức chăn nuôi công nghiệp đòi hỏi phải đầu tư thâm canh rất lớn, không phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên nên năng suất thịt khá cao và ổn định. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm chăn nuôi công nghiệp thường khác xa với sản phẩm tự nhiên kể cả giá trị dinh dưỡng, hương vị và tính chất vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng dù sao phương thức chăn nuôi công nghiệp này vẫn được chấp nhận và thực hiện rộng rãi trên thế giới. Phương thức chăn nuôi sinh thái là phương thức chăn nuôi tiên tiến nhất, nó kế thừa cả những ưu điểm của hai phương thức trên đồng thời hạn chế và khắc phục những mặt yếu kém và tồn tại của cả hai phương thức chăn nuôi trên. Phương thức chăn nuôi này mang tính tự nhiên nhưng do con người chủ động hình thành nên luôn bảo đảm tính cân đối và đầy đủ dinh dưỡng.
Đây là ngành sản xuất cho nhiều sản phẩm đồng thời. Tùy theo mục đích sản xuất để quy định là sản phẩm chính hay sản phẩm phụ và lựa chọn phương hướng đầu tư. Chẳng hạn như bò thì thịt là sản phẩm chính, nhưng còn sinh bê con
và nguồn phân bón cho ngành trồng trọt. Vì có nhiều sản phẩm đồng thời mà nhiều khi giá trị của sản phẩm phụ không kém gì sản phẩm chính. Vì vậy mà trong chăn nuôi phải biết tận dụng tất cả các loại sản phẩm để bảo đảm hiệu quả kinh doanh