5. Kết cấu luận án
5.3. Hàm ý về các giải pháp phát triển chăn nuôi đại gia súc tỉnh Bình Định
5.3.1. Hàm ý về giải pháp liên quan tới nội dung phát triển
Thứ nhất, muốn tăng nhanh quy mô kinh tế trong chăn nuôi ĐGS cần phải điều chỉnh lại quy hoạch phát triển phù hợp với nguồn lực của địa phương và nhu cầu thị trường. Tập trung hình thành các vùng chuyên canh lớn theo hướng vừa cải tạo vừa duy trì chăn nuôi con đặc sản giống địa phương, phải chú trọng không chỉ tập trung năng lực chăn nuôi mà cả năng lực cơ sở hạ tầng, các dịch vụ hỗ trợ, giết mổ và chế biến bảo quản. Sự cân đối hài hòa cần phải được xác định ngay từ khâu quy hoạch và các chính sách kèm theo. Phát triển chăn nuôi ĐGS theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đồng thời bảo vệ tốt môi trường và góp phần tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Đặt vấn đề xây dựng quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi ĐGS trọng điểm cần phải xem đây như là sự cụ thể hoá quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi và quy hoạch phát triển đàn đại gia súc của tỉnh. Quy hoạch phải đảm bảo vừa bổ sung, vừa có thể phát huy giữa các ngành chăn nuôi ĐGS, điều chỉnh bổ sung này còn nhằm đảm bảo sự thống nhất hài hoà và nâng cao hiệu quả của quy hoạch tổng thể và quá trình phát triển chăn nuôi, từ đó sẽ không gây ảnh hưởng xấu tới quá trình phát triển chung của nông nghiệp nông thôn (chẳng hạn như vấn đề xử lý phân rác do chăn nuôi với môi trường), mặt khác sẽ nâng cao hiệu quả của các công trình đầu tư khác như đường xá, hệ thống cung cấp điện.
Từ đặc điểm của sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm ĐGS nói riêng cũng như điều kiện tiêu thụ các sản phẩm này có thể đưa ra nguyên tắc để xây dựng quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi ở tỉnh Bình Định như sau: Phát triển chăn nuôi ĐGS tập trung theo hướng CNH: từ nuôi đến mua gom, chế biến thịt và tiêu thụ ở các địa bàn có điều kiện thuận lợi để phát huy tiềm năng lao động, đất đai, khí hậu. Như vậy, vùng chăn nuôi bò trọng điểm bao gồm các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, An Nhơn và Hoài Nhơn, Vùng chăn nuôi lợn trọng điểm bao gồm Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Ân, Phù Cát, An Nhơn, với vùng quy hoạch các huyện này bảo đảm thực hiện phát triển vùng sản xuất tập trung chuyên canh hàng hóa lớn, thuận lợi cho thu mua chế biến. Quy mô vùng trọng điểm chiếm khoảng 80% tổng đàn và vùng ngoài trọng điểm ở các huyện còn lại là 20% tổng đàn, việc duy trì quy mô như vậy cho khu vực này là phù hợp vì: thứ nhất, khu vực này có lượng phụ phẩm nông nghiệp khoảng 100 ngàn tấn, cộng với diện tích quy hoạch 200 ha và diện tích rừng và ruộng sau thu hoạch có thể chăn thả sẽ đủ thức ăn và thứ hai là phù hợp với điều kiện và trình độ sản xuất của nông dân của khu vực.
Với các huyện trong vùng trọng điểm nên duy trì quy mô hiện có và tăng chút ít, trọng tâm là nâng cao chất lượng vì với quy mô hiện có việc giải quyết cỏ cho chăn nuôi hiện đang là vấn đề khó khăn, hiện nay ngoài phụ phẩm nông nghiệp, diện tích đồng cỏ trồng rất không đáng kể, vẫn phải mua cỏ và thức ăn xơ từ các huyện khác và chăn thả tự nhiên trên diện tích rừng, đồng ruộng sau thu hoạch và vùng đất cỏ hoang. Các huyện còn lại chú trọng vừa tăng quy mô với tốc độ khoảng
5% năm, điều này có thể thực hiện trên cơ sở các liên kết liên doanh giữa người chăn nuôi với nhau.
Thứ hai, duy trì xu hướng thay đổi cơ cấu nhưng cần thiết có sự điều chỉnh phù hợp nhằm bảo đảm tính bền vững của ngành chăn nuôi ĐGS, trước hết cần ưu tiên hình thành vùng chuyên canh để bảo đảm các yếu tố nguồn lực cần thiết cho phát triển nhưng cũng cần phát huy thế mạnh của các vùng tuy không có điều kiện để thực hiện sản xuất tập trung nhưng có tiềm năng lớn để duy trì giống trâu, bò, lợn địa phương thuần chủng, con đặc sản có chất lượng thịt ngon phù hợp với thị trường, đi cùng với đó là bảo đảm một cơ cấu chăn nuôi phù hợp giữa các khâu, cần thiết xây dựng thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý sản phẩm ĐGS địa phương và thân thiện với môi trường, Cần thiết phải bảo đảm cân đối giữa tổng đàn và khả năng cung ứng dịch vụ và thức ăn cho chăn nuôi.
Thứ ba, điều chỉnh cách thức huy động và sử dụng nguồn lực tập trung nâng cao chất lượng phát triển lấy năng suất và hiệu quả làm mục tiêu, cụ thể dành quỹ đất thích hợp để bảo đảm nguồn thức ăn sạch kết hợp tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp cho chăn nuôi, trồng cỏ thâm canh với những giống cho năng suất cao là một trong những cách giải quyết tốt nhất đối với những vùng khan hiếm đất đai hoặc những vùng mà việc sử dụng đất còn kém hiệu quả. Hình thành các doanh nghiệp cung cấp thức ăn gia súc dựa trên khai thác phụ phẩm nông nghiệp địa phương gắn với tiêu chuẩn sạch và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhà nước cần đầu tư thích đáng cũng như khuyến khích xã hội hóa và áp dụng nhiều hơn hình thức kết hợp công tư cho các công trình hạ tầng chăn nuôi, đặc biệt là hạ tầng chế biến và bảo quản sản phẩm giết mổ. Cần có giải pháp để cải thiện và nâng cao chất lượng lao động chăn nuôi đại gia súc trên cơ sở phát triển và cải thiện chất lượng đào tạo nghề, công tác khuyến nông và thú y. Áp dụng quy trình quản lý tiên tiến và công nghệ hiện đại trong chăn nuôi, gia trại, trang trại công nghiệp, giết mổ và chế biến công nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi và vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thực phẩm chất lượng cao cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Thứ tư, những năm tới cần tập trung phát triển chăn nuôi dựa trên gia trại, trang trại chuyên môn hóa, chuyển dần từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán ở hộ gia đình sang chăn nuôi trang trại - gia trại với quy mô hợp lý đối với một số loại
vật nuôi thế mạnh của tỉnh với công nghệ tiên tiến, là việc làm cần thiết để nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng kiểm soát dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với bảo vệ môi trường và an toàn sinh học. Khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại - công nghiệp, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện hộ chăn nuôi theo phương thức truyền thống chuyển dần sang phương thức chăn nuôi gia trại, trang trại trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới và công nghệ cao. Từng bước nhân rộng mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng, gắn kết chặt chẽ, hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi, người chế biến và người tiêu thụ, giữa việc áp dụng kỹ thuật công nghệ với đổi mới tổ chức quản lý sản xuất - kinh doanh, giữa phát triển chăn nuôi - giết mổ - chế biến - tiêu thụ gắn với thị trường. Kêu gọi và tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư và làm chủ trì cho chuỗi liên kết chăn nuôi ĐGS theo hướng khép kín từ đầu vào tới đầu ra, tỉnh có thể kêu gọi và mới các công ty lớn như Vissan Việt Nam đầu tư vào tỉnh, Công ty sẽ hỗ trợ đầu vào như giống, thú y và thức ăn cùng quy trình chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm qua hệ thống nhà máy đặt tại Bình Định, với tiềm lực tài chính công ty sẽ bảo đảm chuỗi liên kết hiệu quả nhất.