Đặc thù tri thức môn Giáo dục công dân lớp 11

Một phần của tài liệu TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM TRONG DẠY HỌC MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN LỚP 11 TẠI MỘT SỐ TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG (Trang 31 - 33)

B. NỘI DUNG

1.2.1. Đặc thù tri thức môn Giáo dục công dân lớp 11

* Đặc thù tri thức môn Giáo dục công dân

Một là, hệ thống tri thức môn GDCD được tích hợp, tổng hợp từ nhiều môn khoa học và lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Hệ thống tri thức của môn GDCD ở bậc THPT là tổng hợp kiến thức của Triết học, Đạo đức học, Kinh tế chính trị học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Đường lối, quan điểm của Đảng, Pháp luật học. Bên cạnh đó, mỗi phần, mỗi bài học, mỗi đơn vị kiến thức lại có những nội dung liên quan đến các lĩnh vực, các môn khoa học khác nhau như: Dân số, Môi trường, Y tế, Ngoại giao, Quốc phòng, Giới tính và sức khỏe sinh sản, Vật lý học, Sinh học, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Văn học.

Hai là, hệ thống tri thức môn GDCD mang tính khái quát, trừu tượng. Tính khái quát, trừu tượng của môn học GDCD được thể hiện thông qua một số hệ thống khái niệm, phạm trù, nguyên lý, quy luật hết sức đặc thù, đặc biệt là phần kiến thức liên quan đến Triết học với nhiều khái niệm, phạm trù trừu tượng trong chương trình GDCD lớp 10 như: “Thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng”, “Thế giới vật chất tồn tại khách quan”, “Sự vận động của thế giới vật chất”, những phạm trù cơ bản của đạo đức học,… Bên cạnh đó, những nguyên lý, quy luật của Triết học, Kinh tế chính trị học trong môn GDCD được trình bày một cách ngắn gọn, nên trong khuôn khổ thời lượng 1- 2 tiết/ 1 bài học thì học sinh khó có thể hiểu rõ được nội dung các kiến thức trên.

Ba là, hệ thống tri thức môn GDCD mang tính thời sự. Tri thức của tất cả các môn học đều gắn liền với thực tiễn cuộc sống ở những góc độ và lĩnh vực khác nhau. Đối với môn GDCD, bên cạnh tính thực tiễn thì tri thức của môn học luôn mang tính thời sự sâu sắc. Những tri thức của môn học dù trừu tượng, khái quát hay cụ thể đều tập trung phản ánh những vấn đề, những hiện tượng đang nảy sinh trong cuộc sống hằng ngày. Môn học cung cấp nội dung kiến thức liên quan đến những vấn đề thách thức của toàn cầu như bùng nổ dân số, dịch bệnh hay ô nhiễm môi trường, những vấn đề của từng quốc gia phải giải quyết như chính sách giải quyết việc làm, chính sách

24 giáo dục, chính sách bảo vệ môi trường. Đồng thời, GDCD cũng cung cấp kiến thức liên quan đến các vấn đề kinh tế - xã hội, như hàng hóa, giá cả, các quy luật kinh tế, tình hình dân số, việc làm,…

Bốn là, hệ thống tri thức môn GDCD mang tính định hướng chính trị sâu sắc. Đối với môn GDCD ở trường THPT, mục tiêu dạy người - giáo dục để học sinh trở thành một công dân có ích cho xã hội luôn được xác định là quan trọng nhất. Quá trình giáo dục để học sinh trở thành công dân có ích cho xã hội trước hết phải bắt đầu từ việc giáo dục ý thức công dân, ý thức chính trị cho học sinh. Ở nhà trường THPT hiện nay, nhiệm vụ này trước hết thuộc về môn GDCD. Do đó, hệ thống tri thức của môn học này luôn hướng vào việc giúp học sinh hình thành được những thái độ, tình cảm công dân lành mạnh, có lập trường, quan điểm chính trị rõ ràng. Nội dung của mỗi bài học, tiết học môn GDCD luôn định hướng cho học sinh về trách nhiệm của các em đối với bản thân, gia đình và xã hội, cũng như xác định thái độ, trách nhiệm của các em trước những vấn đề lớn lao của dân tộc và thời đại; giáo dục, bồi dưỡng và vun đắp cho các em để giúp các em từng bước hình thành nhân cách trong sáng, biết lựa chọn lý tưởng, lẽ sống đúng đắn.

Năm là, hệ thống tri thức môn GDCD gắn liền với hệ thống kiến thức pháp luật và các quyền cơ bản của công dân. Bên cạnh một số hệ thống kiến thức liên quan đến nhiều lĩnh vực như: Đạo đức, Kinh tế, Triết học, thì một trong những nội dung được đề cập xuyên suốt trong chương trình và gắn liền với nhiệm vụ của môn GDCD là kiến thức về các quyền con người, quyền công dân. Một hệ thống các quyền cơ bản của công dân được đưa vào chương trình môn học từ Trung học cơ sở đến Trung học phổ thông như quyền bình đẳng, các quyền tự do cơ bản, quyền dân chủ,… Hiện nay, giáo dục về các quyền con người, quyền công dân trong nhà trường là một xu thế tất yếu không chỉ ở nước ta mà còn phổ biến trên toàn thế giới. Không có môn học nào có thể thay thế môn GDCD trong việc trang bị những tri thức về quyền công dân cho học sinh. Pháp luật chính làm công cụ để mỗi công dân dựa vào đó xác định được quyền và nghĩa vụ của mình.

Sáu là, hệ thống tri thức môn GDCD ở trường THPT gắn liền với việc hình thành kỹ năng sống của học sinh. Do đặc thù về nhiệm vụ, vị trí của môn học nên môn GDCD chủ yếu hướng vào việc rèn luyện cho học sinh những kỹ năng sống hết sức cần thiết cho các em. Những kỹ năng trong bài học GDCD như: Giao tiếp và ứng xử, tổ chức quản lý, hoạt động chính trị - xã hội, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, định hướng lao động nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp, thích ứng với những điều kiện và hoàn

25 cảnh cụ thể trước những biến động không ngừng của đời sống xã hội. Gắn liền với nội dung mỗi bài học GDCD luôn có một loạt những kỹ năng tương ứng, có thể là những kỹ năng tiếp cận, nhận diện, xử lý thông tin, giải quyết những thách thức, những hiện tượng hoặc những vấn đề đang không ngừng nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày của chính bản thân học sinh. Nhiều kỹ năng rất cần thiết và sẽ đi theo các em trong suốt cuộc đời như cách ứng xử, cư xử với chính bản thân các em, trong quan hệ với bạn bè, trong tình yêu, hôn nhân và gia đình, trong quan hệ cộng đồng… Một bài học GDCD thực sự bổ ích là bài học mà ở đó học sinh không chỉ học được những trí thức, tình cảm cần thiết, mà ở đó các em còn học được cả những trải nghiệm và kỹ năng sống của người dạy.

Những đặc thù tri thức của môn GDCD nói trên yêu cầu người giáo viên bộ môn trước khi dạy học cần nghiên cứu kĩ nội dung, mục tiêu, đặc thù của từng bài học, từng tiết dạy, từng đơn vị kiến thức để lựa chọn phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, nội dung thông tin, tài liệu và phương tiện dạy học sao cho phù hợp và hiệu quả.

* Đặc thù tri thức môn GDCD lớp 11

Nội dung chương trình môn GDCD lớp 11 ở bậc THPT được cấu trúc thành 2 phần: “Công dân với kinh tế” và “Công dân với các vấn đề chính trị - xã hội” với thời lượng tổng cộng là 35 tiết (37 tuần). Trong đó, phần “Công dân với kinh tế” gồm 18 tiết lý thuyết. Phần này, cung cấp cho HS những hiểu biết cơ bản về một số phạm trù như: Sản xuất của cải vật chất, hàng hóa, thị trường, cung, cầu, quy luật lưu thông tiền tệ, quy luật giá trị, Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa, thành phần kinh tế, phương hướng phát triển kinh tế ở nước ta. Từ đó, phần nội dung này giúp học sinh có thể xác định được phương hướng học tập, lựa chọn ngành nghề hoặc các lĩnh vực hoạt động cho bản thân sau khi các em tốt nghiệp THPT. Phần “Công dân với các vấn đề chính trị - xã hội” sẽ được giảng dạy trong 17 tiết lý thuyết. Phần này giúp học sinh có những hiểu biết cơ bản về chủ nghĩa xã hội và một số chính sách quan trọng của Nhà nước như: Chính sách dân số và giải quyết việc làm, chính sách tài nguyên và bảo vệ môi trường, chính sách giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, chính sách đối ngoại, chính sách quốc phòng an ninh, để học sinh có thể xác định được trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.

Một phần của tài liệu TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM TRONG DẠY HỌC MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN LỚP 11 TẠI MỘT SỐ TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)