PHẦN 2 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰCTIỄN CỦA ĐỀ TÀI
2.2. CƠ SỞ THỰCTIỄN
2.2.2. Kinh nghiệm trong nước
Giáo dục kỹ năng sống đối với nước ta là một vấn đề đã được quan tâm và có nhiều công trình nghiên cứu nhưng cũng mới chỉ có sự tiếp cận trên một số phương diện chủ yếu như GD sức khoẻ và GD vệ sinh môi trường ở một số Dự án như: “Trường học nâng cao sức khoẻ” của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO); Dự án “giáo dục kỹ năng sống cho HS trung học cơ sở” của Bộ GD&ĐT...Tuy nhiên trong nhà trưởng chủ yếu HS chỉ được dạy KN học tập, tiếp thu kiến thức, còn việc giáo dục kỹ năng sống theo đúng nghĩa của nó chưa được quan tâm nhiều.
Theo các chuyên gia tâm lý: Hiện nay, thuật ngữ KNS được sử dụng khá phổ biến nhưng có phần bị “lạm dụng” khi chính những người huấn luyện hay tổ chức và các bậc cha mẹ cũng chưa thật sự hiểu về nó.
Thuật ngữ KNS được người Việt Nam biết đến bắt đầu từ chương trình của UNICEF(1996) “Giáo dục kỹ năng sống để bảo vệ sức khỏe và phòng chống
HIV/AIDS cho thanh thiếu niên trong và ngoài nhà trường”. Quan niệm về KNS được giới thiệu trong chương trình này chỉ bao gồm những KN cốt lõi như: KN tự nhận thức, KN giao tiếp, KN xác định giá trị… nhằm vào các chủ đề GD sức khỏe do các chuyên gia Úc tập huấn. Tham gia chương trình này đầu tiên gồm có ngành GD và Hội chữ thập đỏ.
Sang giai đoạn 2, chương trình này mang tên: “GD sống khỏe mạnh, KNS cho trẻ và vị thanh niên”. Khái niệm “kỹ năng sống” thực sự được hiểu với nội hàm đa dạng sau hội thảo “Chất lượng giáo dục và kỹ năng sống” do UNICEF và VIện chiến lược, chương trình giáo dục tổ chức từ ngày 23-25 tháng 10 năm 2003 tại Hà Nội. Từ đó người làm công tác giáo dục ở VIệt Nam đã hiểu đầy đủ hơn về kỹ năng sống. Từ năm học 2002-2003 ở Việt Nam đã thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông trong cả nước. Theo đó các nội dung GDKNS được triển khai theo các cấp học và được chủ yếu thông qua chương trình các môn học và các hoạt động GDKNS của nhà trường cùng với một số chương trình dự án do nước ngoài tài trợ như: Dự án VIE 01/10 do UNFPA tài trợ đã biên soạn tài liệu “Giáo dục dân số và sức khỏe sinh sản vị thành niên thông qua hoạt động ngoại khóa trong nhà trường”; Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) đã hỗ trợ Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh dự án: “Hỗ trợ tăng cường sức khỏe vị thành niên”; tổ chức UNESCO hợp tác với Viện chiến lược giáo dục thực hiện xây dựng tài liệu GDKNS cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn..
Từ năm học 2009 - 2010, Bộ GD&ĐT đã đưa chương trình giáo dục kỹ năng sống vào Chỉ thị thực hiện nhiệm vụ năm học. Nội dung giáo dục kỹ năng sống cho HS trong nhà trường phổ thông tập trung vào các KN tâm lý - xã hội là những KN được vận dụng trong những tình huống hàng ngày để tương tác với người khác và giải quyết hiệu quả những vấn đề, những tình huống của cuộc sống. Ngày 28 tháng 2 năm 2014, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 04/2014/TT- BGD-ĐT, Quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động GD ngoài giờ chính khóa. Điều này thể hiện tầm quan trọng của việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tại các trường phổ thông trong bối cảnh hiện nay.
Theo báo cáo nghiên cứu được Bộ GD-ĐT kết hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc công bố năm 2016, thì bạo lực học đường là một trong những vấn đề nóng nhất của trường học phổ thông hiện nay. Theo số liệu của Bộ GD- ĐT, năm học 2012-2013, có khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau (khoảng 5 ngày/1 vụ). Cứ khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau.
Một kết quả nghiên cứu của Viện Y - Xã hội thực hiện năm 2014 trên 3.000 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Hà Nội cho thấy một thực trạng báo động hơn của bạo lực học đường: 80% học sinh cho biết từ trước đến nay đã bị bạo lực giới trong trường học ít nhất một lần; 71% học sinh bị bạo lực học đường trong vòng 6 tháng trước đó. Trong đó, 73% học sinh bị bạo lực tinh thần (mắng chửi, đe dọa, bắt phạt, đặt điều, sỉ nhục…), 41% bạo lực thể chất và 19% bị bạo lực tình dục.
Một khảo sát của Bộ GD-ĐT thực hiện tại một số trường phổ thông và đại học ở Hà Nội và Hải Dương cho thấy có tới 93,75% học sinh, sinh viên gặp phải những khó khăn, vướng mắc cần được chia sẻ trong học tập và cuộc sống hàng ngày, trong đó tỉ lệ học sinh phổ thông cao hơn sinh viên đại học.
Bên cạnh đó, những vấn đề thiếu kiến thức, kỹ năng sống nhất là các vấn đề liên quan tới sức khỏe sinh sản hiện nay của học sinh đang trở lên báo động. Theo thống kê của Tổng Cục dân số, năm 2015, có 5.500 vụ phá thai của vị thành niên trong số 28.000 ca phá thai được thống kê tại các cơ sở ý tế công lập. Tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên là 2,2% các vụ phá thai. Vị thành niên thanh niên nhiễm HIV/AIDS trong tổng số ca được xét nghiệm là 11/43 ca chiếm tỷ lệ 25,58%.
Riêng vấn đề bạo hành tình dục ở trẻ vị thành niên và vị thành niên là tội phạm ngày một gia tăng. Theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 5 năm từ 2011 đến 2015, cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Tính trung bình, cứ 8 giờ trôi qua lại có một trẻ em Việt Nam bị xâm hại. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê. Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an năm 2016, mặc dù chỉ là phần nhỏ so với thực tế nhưng mỗi năm trung bình có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, số vụ mà trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%), tuy nhiên số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm tới 13,2%.
Không chia sẻ được với chính những người thân, với cha mẹ của mình, một bộ phận giới trẻ tự tìm đến những phương tiện kết nối như Internet, trung tâm tư vấn. Tại một diễn đàn học sinh còn nêu lên những biện pháp... tự tử êm ái. Có học sinh vì buồn chuyện không hòa nhập được ở môi trường mới tự lập topic:
"Chán đời muốn chết" để tìm những lời khuyên... tự tử. Nhiều phản hồi khuyên can nhưng có những phản hồi không kém phần tiêu cực.
Trần Thu Hương, giảng viên khoa Tâm lý, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: Để hạn chế tình trạng tự tử ở lứa tuổi học sinh, thì những người đang đứng trên bục giảng, bên cạnh những kiến thức học đường, cần nắm bắt được tâm tư, sự phát triền tâm sinh lý của mỗi cá nhân học sinh. Từ đó mới có thể giúp học sinh hiểu được ở lứa tuổi mình những điều mình nên làm, những điều mình không nên làm. Nắm bắt kịp thời những biểu hiện bất thường của các em, để nhà trường và gia đình thông tin cho nhau biết, còn có biện phá ngăn chặn những hành vi nông nổi của các em. Ở lứa tuổi học trò, nhất là lứa tuổi dậy thì, học sinh cần phải hiểu rằng nhà trường, gia đình, bè bạn chính là chỗ mình có thể nương tựa, chia sẻ ở mọi nơi mọi lúc. Như vậy, suy nghĩ "muốn được giải thoát", "chán sống", "ghét tất cả"... không còn trong suy nghĩ của các em nữa.
Kế thừa kinh nghiệm của các nước trên thế giới, KNS đã áp dụng thực hiện tại các trường phổ thông ở Việt Nam với nhiều cách khác nhau như:
- Lồng ghép vào các môn học và các hoạt động giáo dục. - Các chuyên đề giáo dục KNS.
Thực trạng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phổ thông ở Việt Nam đã được thông báo 242-TB/TW ngày 15/04/2009 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (Khóa XIII) và phương hướng phát triển giáo dục và đòa tạo năm 2020 nêu bật: “Giáo dục phổ thông mới chỉ quan tâm nhiều đến “dạy chữ”, chưa quan tâm đúng mức đến “dạy người”, kỹ năng sống và “dạy nghề” cho Thanh thiếu niên”. Và đến nay sau khi đã đưa giáo dục kỹ năng sống vào giảng dạy trong trường học nhiều năm (từ năm học 2010 – 2011) khi tổng kết năm học 2015 – 2016 Bộ GD – ĐT vẫn thẳng thắn thừa nhận: “Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống chưa được quan tâm đúng mức…”.
- Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản và toàn diện GD và ĐT đã chỉ ra những yếu kém trong công tác quản lý GD. Từ thực tế nêu trên, trong định hướng đổi mới, nghị quyết cũng nhấn mạnh “Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo…Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo”
Tìm hiểu về thực trạng công tác quản lý GDKNS ở các trường trong thành phố Hà Nội, cho thấy:
- Một số trường chưa xác định rõ ràng mục tiêu giáo dục KNS cho HS - Quy trình thiết lập bộ máy và bố trí nhân sự chưa được thực hiện tốt
- Năng lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia thực hiện giáo dục KNS còn nhiều hạn chế.
- Công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện giáo dục KNS cho học sinh chưa được thực hiện tốt.
- Hệ thống tiêu chí đánh giá công tác quản lý, thực hiện hoạt động giáo dục KNS chưa đủ, chưa hoàn thiện.
- Cơ chế quản lý phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để GD KNS cho HS chưa phù hợp.
Với thực trạng nói trên, cần tiếp tục nghiên cứu và đề ra các biện pháp phù hợp, mang tính khả thi để tăng hiệu quả quản lý cũng như hiệu quả GD KNS cho HS, tạo tiền đề cho những nhân cách tốt cho việc xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn hiện nay.