PHẦN 4 KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
4.1. THỰC TRẠNG GDKNS VÀ QUẢN LÝ GDKNS CHO HỌC SIN HỞ
4.1.3. Đánh giá thực trạng việc quản lý giáo dục kỹ năng sống ở các trường
phổ thông trong tỉnh
4.1.3.1. Ưu điểm và hạn chế
Ưu điểm
Nhìn chung học sinh các trường phổ thông Bắc Ninh đều có nhận thức đúng đắn và hiểu rõ tầm quan trọng của việc giáo dục kỹ năng sống đối với bản thân mình. Các em đã tích cực tham gia vào các hoạt động giáo dục kỹ năng sống thông qua các hoạt động do nhà trường tổ chức để nhằm trang bị cho mình những kiến thức, sự hiểu biết và rèn luyện khả năng ứng xử, giao tiếp, ra quyết định...
Bên cạnh đó, các trường, các cán bộ giáo viên và quản lý nhà trường trên địa bàn thành phố Bắc Ninh đã thấy được tầm quan trọng, vai trò, vị trí của công tác quản lý GDKNS cho HS trong quá trình giáo dục toàn diện, nên đã kịp thời xây dựng kế hoạch hoạt động và triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, có chủ trương phối hợp với gia đình và xã hội để GDKNS cho HS nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
Hạn chế
Mặc dù trong thời gian qua công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phổ thông Bắc Ninh đã được các nhà quản lý quan tâm bằng cách xây dựng kế
hoạch giáo dục lồng ghép thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp, giáo dục đạo đức... Tuy nhiên hiệu quả đạt được vẫn còn chưa cao, một số nhà quản lý vẫn còn tỏ ra lúng túng khi hiểu về kỹ năng sống, một số trường học thì vấn đề giáo dục kỹ năng sống cho các em học sinh vẫn là vấn đề mới mẻ và chưa tìm ra phương pháp giáo dục thích hợp để xây dựng nội dung giáo dục cho học sinh. Các trường chủ yếu chú trọng giáo dục trí dục, chưa quan tâm đúng mức đến công tác giáo dục, rèn luyện thái độ, hành vi ứng xử cho học sinh... Hoạt động GDKNS chủ yếu thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp của nhà trường, qua đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, qua các tiết chào cờ... Tuy nhiên các nội dung đó vẫn mới chỉ dừng lại ở kế hoạch tổng thể, tức là lựa chọn những ngày lễ lớn để tổ chức hoạt động giáo dục, chưa cụ thể hóa các hình thức tổ chức có tính sáng tạo. Các hình thức tổ chức chưa phong phú, đa dạng, có chiều sâu để cuốn hút học sinh và nâng cao nhận thức sâu sắc, tình cảm và niềm tin mạnh mẽ để hình thành và phát triển nhân cách một cách toàn diện.
Sự phối hợp các lực lượng chưa đồng bộ, nhất là các bậc cha mẹ học sinh chưa nhận thức rõ được mục tiêu, nội dung GDKNS và các giải pháp GDKNS để cùng nhà trường và các tổ chức đoàn thể trong quá trình GDKNS cho học sinh. 4.1.3.2. Nguyên nhân của những yếu kém
Nguyên nhân khách quan
- Xã hội ngày một phát triển thì đồng nghĩa với nó là các mối quan hệ xã hội cũng ngày càng phức tạp hơn kéo theo đó là sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường nên một số học sinh đã có những quan niệm, những suy nghĩ lệch lạc. Nhiều em sớm có biểu hiện của lối sống buông thả, ham chơi, thực dụng, một số học sinh có hiện tượng bỏ giờ để đánh bi a, chơi điện tử, ham mê tìm cảm giác khác lạ, có học sinh lại luôn muốn tỏ ra mình là người hiểu biết, thích tự khẳng định mình thậm chí có em còn tự cho mình là có đủ tự tin để bước vào cuộc sống… Song trong thực tế rất ít em khi gặp phải biến cố xảy ra như gia đình bị phá sản, người thân mất, bố mẹ ly hôn, bạn bè phản bội... mà biết tự mình gượng dậy vượt qua được giai đoạn khó khăn đó. Nhiều em khi không may gặp phải các sự cố còn tỏ ra bi quan, chán chản tinh thần mệt mỏi, uể oải, mất niềm tin vào cuộc sống… Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các em không được trang bị đầy đủ các kiến thức về kỹ năng sống từ phía gia đình, nhà trường và xã hội, đây có thể nói là kẽ hở để các em dễ bề bị lôi cuốn vào việc tìm cái mới, cái lạ... Một số em do không có bản lĩnh còn bị kẻ xấu rủ rê làm các việc
phi pháp, thậm chí là phạm tội khi đang ở lứa tuổi vị thành niên. Một bộ phận các học sinh khác chỉ chú ý đến việc học kiến thức văn hoá mà không quan tâm đến các vấn đề khác, ngại tiếp xúc và giao tiếp với người khác. Có nhiều em không tự quyết định được các vấn đề của mình mà phải trông chờ, ỷ lại vào bố mẹ hoặc người thân.
- Do sự chỉ đạo thiếu đồng bộ từ trên xuống và do thiếu các tài liệu, văn bản pháp quy hướng dẫn nên công tác quản lý GDKNS cho học sinh chưa được coi là một tiêu chí quan trọng, chưa được đặt ngang hàng với giáo dục văn hóa.
Nguyên nhân chủ quan
- Nguyên nhân từ phía gia đình: Gia đình là nơi diễn ra những mối quan hệ xã hội đầu tiên của con người. Những mối quan hệ trực tiếp giữa đứa trẻ và cha mẹ là những tác động qua lại đầu tiên trong đời sống xã hội của đứa trẻ. Trong gia đình, các em nhận thức được những kinh nghiệm và kỹ năng sống đầu tiên. Kết quả điều tra cho thấy, phần lớn những học sinh cho rằng các em học hỏi và tiếp nhận những kỹ năng sống; cách giao tiếp; cách ứng xử xã hội từ bố mẹ và các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, dường như bố mẹ và những người lớn trong gia đình ít dành thời gian dạy các em những kỹ năng sống cần thiết, ngay cả những kỹ năng tự chăm sóc và phục vụ bản thân mình; Vẫn còn không ít phụ huynh phải lo vấn đề mưu sinh nên chưa thật sự quan tâm sâu sát đến việc giáo dục con cái, quản lí giờ giấc học hành, sinh hoạt của con. Có nhiều gia đình có điều kiện kinh tế dư dật do đó nuông chiều, đáp ứng mọi nhu cầu vật chất mà không chú trọng đến việc dạy con những kỹ năng sống, các em không biết làm bất cứ một công việc nào kể cả những công việc nhà đơn giản mà đáng lẽ ra ở tuổi này các em bắt buộc phải biết làm để chuẩn bị cho bản thân những kỹ năng sống cần thiết khi các em bước chân ra khỏi cổng trường bước vào một cuộc sống độc lập của những người trưởng thành; Một số phụ huynh học sinh bất lực trong việc giáo dục, quản lý con em, chỉ trông nhờ vào sự giáo dục của nhà trường; Một số phụ huynh học sinh chưa gương mẫu về lối sống. Có thành viên của gia đình mắc các tệ nạn xã hội: cờ bạc, rượu chè, số đề, làm ăn phi pháp..Bố mẹ thiếu sự hiểu biết về tâm sinh lý lứa tuổi, thiếu kiến thức về GD và chăm sóc con cái.
- Nguyên nhân từ phía nhà trường: Một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên, GVCN, cán bộ Đoàn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác GDKNS gắn với kết quả quá trình dạy học với hoạt động giáo dục toàn diện. Vì
nhận thức còn hạn chế nên họ chưa thật nhiệt tình tham gia việc quản lý hoạt động GDKNS cho HS. Bên cạnh đó, năng lực của người tổ chức giáo dục kỹ năng sống còn nhiều hạn chế, phương tiện tổ chức giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thì vẫn còn thiếu. Chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy hiện nay các em học sinh đều thiếu hụt kiến thức, sự hiểu biết để giải quyết những vấn đề của cuộc sống, sự lệch lạc trong nhận thức và hành vi dẫn đến các sai phạm, sống thiếu trách nhiệm với bản thân và cộng đồng... chính là hậu quả trực tiếp của việc thiếu KNS cần thiết.
Các tổ chức chính trị xã hội nói chung và tổ chức Đoàn thanh niên nói riêng trong một số trường hoạt động chưa đạt hiệu quả cao, sự phối hợp với nhà trường trong GD kỹ năng sống cho HS chưa tốt.
Các nguyên nhân khách quan và chủ quan được kể trên nếu được khắc phục kịp thời sẽ nâng cao việc quản lý hoạt động GDKNS cho HS ở các trường trên địa bàn Thành phố Bắc Ninh.
4.1.3.3. Các yếu tố ảnh hưởng
Những yếu tố ảnh hưởng đến việc quản lý GD KNS cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn thành phố Bắc Ninh:
- Do mục tiêu giáo dục và yêu cầu GDKNS chưa được định hướng rõ ràng, sự chỉ đạo từ cấp trên xuống dưới chưa được sát sao, thiếu các tài lệu, văn bản pháp quy hướng dẫn nên công tác quản lý GDKNS cho học sinh còn nhiều hạn chế.
- Một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của GDKNS cho học sinh. Trình độ nhận thức chưa đồng đều, vẫn còn một số ít các thầy cô giáo còn chưa mẫu mực, chưa quan tâm GD đạo đức, nhân cách cho HS.
- Năng lực người tổ chức GDKNS còn nhiều hạn chế, điều kiện cơ sở vật chất và phương tiện để thực hiện GDKNS cho HS còn thiếu, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc GDKNS cho học sinh.
Kết luận
Như vậy, ở phần 4.1 trên cơ sở khảo sát thực trạng về kỹ năng sống và GDKNS cho HS cũng như các giải pháp quản lý công tác giáo dục kỹ năng sống ở 3 trường phổ thông Bắc Ninh, tôi nhận thấy rằng: bên cạnh những kết quả đã làm được như: bước đầu trang bị cho HS một số kiến thức cơ bản về sự hiểu biết
và rèn luyện khả năng ứng xử, giao tiếp, ra quyết định..., áp dụng một số hình thức giáo dục hợp lý, phối hợp sự hỗ trợ giáo dục từ các lực lượng trong và ngoài xã hội….đem đến tác động tích cực góp phần chuyển biến nhận thức của HS thì các trường trên địa bàn Thành phố Bắc Ninh vẫn còn mắc phải một số hạn chế như: trong các nhà trường vấn đề giáo dục kỹ năng sống vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức, công tác quản lý GDKNS cho học sinh còn hạn chế, các giải pháp quản lý GDKNS chưa thiết thực và khả thi.
Xuất phát từ thực trạng giáo dục KNS, quản lý GDKNS và căn cứ trên tình hình thực tế của các trường trên địa bàn Thành phố Bắc Ninh, tôi cho rằng, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý phải tìm tòi, nghiên cứu tìm ra những giải pháp quản lý tích cực mang tính đồng bộ, khoa học để nâng cao chất lượng GDKNS cho HS, làm giảm dần tình trạng HS đánh nhau, bỏ học, chơi điện tử, có cảm giác bi quan, chán nản khi gặp một vấn đề không may xảy ra trong cuộc sống. Nhằm bồi dưỡng một thế hệ trẻ, khỏe, có trình độ chuyên môn và phẩm chất tốt đáp ứng yêu cầu của xã hội về nguồn nhân lực hiện nay.