quan điểm xây dựng và phát triển đội ngũ viên chức khoa học, công nghệ ở Việt Nam hiện nay
Sau hơn 17 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ đã được tăng lên đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Đây là yếu tố quyết định đến hiệu quả hoạt động khoa học, công nghệ, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước phát triển. Đội ngũ viên chức khoa học, công nghệ là những người trực tiếp tham gia nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn, cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần xây dựng hệ thống quan điểm phát triển đất nước; nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, đã đóng góp tích cực vào việc ứng dụng tiến bộ kĩ thuật và chuyển giao công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ.
Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ thì hiện nay vẫn còn thiếu hụt, bất cập, bên cạnh những đóng góp tích cực vào sự phát triển của khoa học, công nghệ nước nhà, so với yêu cầu thực tiễn hiện nay, năng lực và trình độ của đội ngũ viên chức khoa học, công nghệ vẫn chưa ngang tầm với đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Hiệu quả hoạt động thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, ứng dụng và triển khai công nghệ, trách nhiệm công tác, đạo đức nghề nghiệp, cũng như chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học, công nghệ còn nhiều hạn chế. Đội ngũ này đang đứng trước những thách thức lớn, Đại hội Đảng lần thứ IX đã chỉ ra những hạn chế cơ bản của đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ hiện nay là: “đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ còn ít về số lượng, hạn chế về trình độ và bất hợp lý về cơ cấu” [50, tr.40-41]. Những thách thức hiện nay đối với đội ngũ viên chức khoa học, công nghệ nước ta, là:
- Nền khoa học và công nghệ nước nhà hiện nay đang dần mai một đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ có trình độ cao, chuyên sâu; mặc dù số lượng viên chức khoa học, công nghệ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ngày một đông, nhưng thực tế lại cho thấy ở hầu hết các đơn vị sự nghiệp khoa học, công nghệ công lập đang thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ cốt cán, các chuyên gia đầu ngành có trình độ chuyên môn sâu, có năng lực nghiên cứu vững vàng có thể đảm nhiệm chủ trì các chương trình, đề tài cấp nhà nước, các nhiệm vụ nghiên cứu ở quy mô quốc gia.
- Tình trạng hụt hẫng về thế hệ trong đội ngũ viên chức làm khoa học, công nghệ đang diễn ra, đội ngũ làm khoa học có trình độ ngày càng ít dần, thiếu hụt các cán bộ khoa học trẻ có tâm huyết và năng lực để kế cận. Một đội ngũ khá đông các viên chức trẻ tuổi đời, tuổi nghề chưa thể đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi thực tế ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đặt ra. Hiện nay, giới trẻ không muốn theo đuổi sự nghiệp khoa học vì không nhìn thấy tương lai phát triển và ổn định cuộc sống. Vấn đề ở đây không chỉ là chế độ đãi ngộ mà còn là hệ thống của chúng ta đang còn mang nặng tính hành chính, không theo thông lệ quốc tế. Cơ chế đang làm khó các nhà khoa học, chưa khơi dậy được niềm đam mê của họ với nghiên cứu.
- Vấn đề “chảy máu chất xám”cũng đang diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, có nhiều nhà khoa học Việt Nam tham gia vào các chương trình khoa học, đề tài nghiên cứu ở nước ngoài đã đạt được những thành tựu lớn, làm rạng rỡ nền khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, họ lại không có “nhu cầu” trở về công tác, cống hiến trong các cơ quan, đơn vị khoa học, công nghệ trong nước. Một lượng lớn các du học sinh sau khi đi học tập, tu nghiệp ở nước ngoài đã không chọn con đường về nước để công tác, cống hiến cho nền khoa học, công nghệ nước nhà. Hiện tượng này đang diễn ra khá phổ biến và trở thành thách thức lớn đối với vấn đề thu hút nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ.
- Nhân lực khoa học, công nghệ ở nước ta hiện nay phân bổ chưa hợp lý về cơ cấu, ngành nghề, lĩnh vực, độ tuổi và trình độ, chưa có sự tập trung đối với một số lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên là lĩnh vực tạo sản phẩm cho xã hội có chất lượng cao, như những công nghệ tạo hạt giống, tạo giống cây trồng, vật nuôi trong thủy sản, trong nông nghiệp, hoặc những công nghệ quản lý tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên khai thác biển… Số cán bộ quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ ở 63 tỉnh, thành phố chiếm tỷ lệ nhỏ (khoảng 286 người ở trung ương và 3138 người ở địa phương). Sự phân bổ nhân lực khoa học và công nghệ giữa các vùng, miền có sự chênh lệch lớn, đặc biệt là nhân lực có trình độ cao. Những khu vực cần nhiều chất xám để phát triển (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ...) lại hầu như ít có sự xuất hiện thường trực của các nhà khoa học. Đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao (tiến sĩ, TS khoa học, giáo sư, phó giáo sư) giữa các vùng miền chủ yếu tập trung ở trung ương và các thành phố lớn. Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước thì phần lớn lực lượng khoa học, đặc biệt là số lượng nhà khoa học có bằng cấp tập trung chủ yếu ở Hà Nội (khoảng 70%) còn các vùng khác ngoài Hà Nội chỉ có khoảng 30% số còn lại.
- Công tác quy hoạch phát triển nhân lực trình độ cao chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện còn rời rạc; công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực còn rất yếu kém. Các cơ sở đào tạo chuyên ngành về khoa học, công nghệ nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch đồng bộ.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng đội ngũ viên chức khoa học, công nghệ ở nước ta như trên là: việc quán triệt và triển khai tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa tốt; một số quan điểm, chủ trương chưa được thông suốt, nhất quán dẫn đến việc thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm trễ, thậm chí một số cơ chế, chính sách cụ thể đã được Nhà nước ban hành nhưng vẫn không thể đi vào cuộc sống chỉ vì không có văn bản hướng dẫn chi tiết; việc cải cách thể chế quản lý viên chức khoa học, công nghệ vẫn tiến hành chậm, chưa thực sự đáp ứng kịp yêu cầu khách quan của thực tiễn và xu thế của thế giới; sự thay đổi trong quan niệm về giá trị của con người trong bối cảnh nền kinh tế thị trường bên cạnh việc phát huy năng lực tự chủ, sáng tạo của bản thân, cũng kéo theo các hệ lụy khác như: lối sống buông thả, thích hưởng thụ, tham nhũng…
Trong đó, rào cản lớn nhất là ở khâu quản lý: chính sách phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ chưa phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội; thiếu các chính sách cụ thể nhất là các chính sách đãi ngộ cho các nhà khoa học có trình độ cao và các cơ chế quản lý trọng dụng, kích thích và phát triển đội ngũ viên chức làm việc, sáng tạo, đem hết tài năng cống hiến cho đất nước. Hệ thống thang bảng lương của viên chức khoa học, công nghệ mới chỉ căn cứ vào thâm niên công tác, chưa chú ý tới hiệu quả công việc, chưa phản ánh đúng mức chênh lệch về trình độ chuyên môn cũng như các đòi hỏi của công việc đang đảm nhiệm. Đối với các kĩ sư, các nhà nghiên cứu Việt Nam, việc tiếp cận các chương trình nghiên cứu, hội nghị, hội thảo và các nguồn tài trợ… của nước ngoài cũng không hề dễ dàng.
Mặt khác, bên cạnh sự thiếu hụt trong chế độ đãi ngộ về vật chất thì còn tồn tại vấn đề về những chính sách chăm lo bồi dưỡng và sử dụng hiệu quả đội ngũ viên chức khoa học, công nghệ. Chế độ đãi ngộ đối với các nhà khoa học không nên quan niệm giống như các cơ chế, chính sách với người có công hay các đối tượng chính sách. Đối với lĩnh vực khoa học công nghệ, việc tạo một môi trường tự do sáng tạo và cống hiến tài năng, tâm huyết cho khoa học là rất quan trọng. Bên cạnh đó việc tạo lập môi trường tự do trao đổi học thuật thông qua việc sử dụng, đào tạo
tài năng trẻ và thu hút tri thức nước ngoài, cũng như hệ thống chính sách bồi dưỡng đội ngũ trẻ có năng lực trở thành đội ngũ kế cận - “cánh chim đầu đàn” trong tương lai là vô cùng cần thiết. Trên cơ sở đó, xây dựng cơ chế chính sách để nhà khoa học được hưởng thành quả từ chính sức lao động sáng tạo tương xứng với giá trị đóng góp của họ.