Vị trí, vai trò của viên chức khoa học, công nghệ

Một phần của tài liệu Luận án Thể chế quản lý viên chức khoa học công nghệ ở nước ta trong giai đoạn hiện nay (Trang 34 - 37)

2.1.3.1. Vị trí của viên chức khoa học, công nghệ

Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ở nước ta đã có sự thay đổi căn bản, nhằm đáp ứng yêu cầu của mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong tình hình mới, đó là việc từ một bộ máy nhà nước quản lý thuần túy đã dần chuyển sang hoạt động nhằm phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội là chủ yếu. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước thời gian qua đã làm cho bộ mặt nền hành chính nhà nước, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính nhà nước được nâng lên, đời sống kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, các nhu cầu cơ bản, thiết yếu của nhân dân tăng cao và đa dạng hơn trước. Việc tham gia vào các sinh hoạt chính trị của đất nước với những yêu cầu về dân chủ, công khai, minh bạch cũng được nhân dân chú trọng hơn. Tình hình đó đã đặt ra những yêu cầu mới đối với các cơ quan nhà nước, một mặt phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị, mặt khác không làm cản trở sự phát triển tất yếu của xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân, từ đó buộc các cơ quan nhà nước phải thay đổi cách thức hoạt động.

Từ những yêu cầu tất yếu, khách quan đó, Nhà nước xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống chính sách bảo đảm cung ứng những dịch vụ công thiết yếu, bình đẳng cho mọi người dân, đặc biệt là những dịch vụ tối cần thiết cho cuộc sống vật chất và tinh thần của con người mà tư nhân không thể cung cấp được. Đây là kết quả trực tiếp của việc chuyển đổi cách thức giải quyết các yêu cầu của cá nhân, tổ chức với cơ quan hành chính nhà nước thành dịch vụ công phục vụ và bảo vệ lợi ích của cá nhân, tổ chức nằm dưới sự quản lý của nhà nước.

Các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học… là một bộ phận cấu thành của khu vực công được nhà nước thành lập và ủy quyền để thực hiện chức năng và nhiệm vụ của nhà nước, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo các chính sách xã hội của nhà nước và tồn tại vì lợi ích chung của toàn thể cộng đồng.

Những người làm việc trong khu vực dịch vụ công hay còn gọi là các đơn vị sự nghiệp công lập của nhà nước, được gọi chung là viên chức. Viên chức khoa học, công nghệ cùng với đội ngũ viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội giữ một vị trí vô cùng quan trọng, là những người trực tiếp thực hiện các hoạt động sự nghiệp công, là yếu tố cấu thành nên nền hành chính nhà nước, góp phần làm nên hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công phục vụ nhu cầu cơ bản, thiết yếu cho người dân và cộng đồng, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế đi đôi với ổn định, công bằng xã hội, giảm thiểu sự chênh lệch giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư và giữa các vùng, miền trong phạm vi cả nước.

Đội ngũ viên chức khoa học, công nghệ trong các đơn vị sự nghiệp khoa học, công nghệ công lập, là nguồn lực chủ yếu, trực tiếp nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ; cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

2.1.3.2. Vai trò của viên chức khoa học, công nghệ

Khoa học và công nghệ là nguồn lực không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy lao động sáng tạo của tổ chức, cá nhân; mở rộng khả năng sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế; thúc đẩy quá trình hình thành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, vấn đề toàn cầu hoá trở thành xu thế tất yếu, “kinh tế tri thức” trở thành một đặc trưng của nền kinh tế thế giới, vai trò động lực, vị trí trung tâm của con người trong quá trình phát triển đã được khẳng định, đặc biệt là vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao. Ở Việt Nam, công cuộc đổi mới đất nước đã tác động tích cực đến nhiều ngành kinh tế, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang tích cực được đẩy mạnh ngày càng sâu, rộng. Tuy nhiên, hiện nay trình độ công nghệ của nước ta còn lạc hậu, tiềm lực khoa học công nghệ yếu cả về nguồn nhân lực khoa học công nghệ lẫn nguồn vốn cho hoạt động khoa học, công nghệ, cơ chế quản lý khoa học, công nghệ còn yếu kém, ít gắn bó với sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy việc áp dụng khoa học, công nghệ vào công cuộc đổi mới nền kinh tế nước ta là tất yếu. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, một lần nữa đã khẳng định vai trò của đội ngũ các nhà khoa học đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết đề ra định hướng phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, nêu rõ quan điểm “Đầu tư cho nhân lực khoa học và công nghệ là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc. Đảng và Nhà nước có chính sách phát triển, phát huy và trọng dụng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ” [5].

Có thể khẳng định rằng, nếu như tri thức khoa học và công nghệ là nền tảng và động lực cho phát triển kinh tế, thì đội ngũ viên chức khoa học, công nghệ chính là những người đã tạo nên nguồn vốn tri thức đó. Nguồn lực trí tuệ này có tính chất quyết định trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta. Có nhiều cách thức để chúng ta trang bị và trang bị lại công nghệ hiện đại, tiên tiến cho các ngành

kinh tế quốc dân. Tuy nhiên dù bằng hình thức nào đi chăng nữa điều quan trọng và có tính chất quyết định nhất ở đây là cần phải có những con người có đủ trí tuệ và năng lực để có thể khai thác và sử dụng hiệu quả các trang thiết bị hiện đại. Điều này, một lần nữa lại được khẳng định trong định hướng phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường “Sự lãnh đạo của Đảng, năng lực quản lý của Nhà nước và tài năng, tâm huyết của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đóng vai trò quyết định thành công của sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ” [5].

Một phần của tài liệu Luận án Thể chế quản lý viên chức khoa học công nghệ ở nước ta trong giai đoạn hiện nay (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(164 trang)
w