Khái niệm viên chức khoa học, công nghệ

Một phần của tài liệu Luận án Thể chế quản lý viên chức khoa học công nghệ ở nước ta trong giai đoạn hiện nay (Trang 28 - 32)

2.1.1.1. Khái niệm viên chức

Từ trước đến nay đã có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm viên chức, theo Từ điển Tiếng Việt, viên chức là một từ Hán - Việt, theo nguyên nghĩa của từ này, thì viên là người giữ một chức vụ, chức là các việc về phần mình, viên chức là người giữ một chức nghiệp nhất định, thường là trong bộ máy chính quyền. Tuy nhiên, trải qua các thời kỳ khác nhau, nội hàm của khái niệm viên chức cũng có sự thay đổi lớn. Suốt một thời gian dài, khái niệm “cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước” được dùng để chỉ những người phục vụ trong các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, nhà nước và một số tổ chức khác. Hiến pháp năm 1992 quy định: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, viên chức nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân” (Điều 8). Như vậy, có thể thấy, trong đạo luật cơ bản của đất nước, những người làm việc trong các cơ quan, tổ chức của nhà nước được gọi là cán bộ, viên chức, Hiến pháp không có quy định nào đối với đối tượng “công chức”.

Khái niệm cán bộ, công chức, viên chức chưa được phân định rõ ràng nên việc áp dụng thể chế quản lý các đối tượng này là như nhau. Chỉ tới năm 2003, sau khi Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh cán bộ, công chức 1998 được ban hành và đặc biệt được đánh dấu bởi các Nghị định 116, 117/2003/NĐ-CP thì khái niệm viên chức mới có sự phân biệt tương đối rõ với các khái niệm cán bộ, công chức. Điều 2 của Nghị định 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự

nghiệp của Nhà nước xác định: “Viên chức là công dân Việt Nam, trong biên chế, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào một ngạch viên chức hoặc giữ một nhiệm vụ thường xuyên trong đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hưởng lương từ ngân sách nhà nước và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật”.

Tháng 11/2008, Quốc hội ban hành Luật Cán bộ, công chức đã thể hiện quan điểm của Nhà nước trong việc chuyên biệt hóa đối tượng phục vụ trong các cơ quan quản lý nhà nước và các đối tượng làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập, tách hẳn nhóm đối tượng viên chức ra khỏi phạm vi cán bộ, công chức, phân biệt giữa hoạt động công vụ của công chức với hoạt động có tính chất chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức, nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển các đơn vị sự nghiệp, nâng cao chất lượng của đội ngũ viên chức, theo đó đã quy định: “Các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến những người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập mà không phải là cán bộ, công chức quy định tại Luật này được tiếp tục thực hiện cho đến khi ban hành Luật Viên chức”.

Tuy nhiên, phải đến khi Luật Viên chức được ban hành (Luật số 58/2010/QH12) thì khái niệm Viên chức mới được nêu một cách cụ thể: “Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật” (Điều 2, Chương I). Các tiêu chí để xác định viên chức là: được tuyển dụng theo vị trí việc làm; làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập; làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc và hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 9, Luật Viên chức năm 2010 quy định đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước. Đơn vị sự nghiệp khoa học, công nghệ công lập gồm:

- Đơn vị sự nghiệp khoa học, công nghệ công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự;

- Đơn vị sự nghiệp khoa học, công nghệ công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự.

Việc phân loại đơn vị sự nghiệp khoa học, công nghệ công lập là nhằm tạo căn cứ cho việc xác định cơ chế thích hợp trong quản lý, sử dụng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp khoa học, công nghệ công lập có quy mô, tổ chức, tính chất hoạt động khác nhau, thuộc các lĩnh vực, địa bàn khác nhau. Do vậy, việc xác định đơn vị sự nghiệp khoa học, công nghệ công lập thuộc loại nào sẽ không đơn thuần chỉ căn cứ vào khả năng bảo đảm chi phí hoạt động của đơn vị hay mức độ tự chủ về tài chính mà cần căn cứ vào đặc điểm, tính chất của từng lĩnh vực hoạt động sự nghiệp, điều kiện thực tế, yêu cầu quản lý đối với mỗi loại hình đơn vị sự nghiệp cũng như trình độ, năng lực quản lý tại các đơn vị này. Riêng về phương diện quản lý tổ chức bộ máy và nhân sự thì đơn vị sự nghiệp khoa học, công nghệ công lập nào cũng được giao quyền tự chủ, chỉ khác nhau về mức độ giao quyền.

Nghị định số 55/2012/-CP của Chính phủ ban hành ngày 28/5/2012 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công làm rõ hơn hình dung về đơn vị sự nghiệp công lập, đó là các tổ chức được thành lập và hoạt động để phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước và/hoặc thực hiện việc cung cấp các dịch vụ công. Như vậy, viên chức là những người làm việc trong các đơn vị có nhiệm vụ phục vụ cho công tác quản lý nhà nước (bản thân đơn vị này không làm nhiệm vụ quản lý nhà nước) và trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, văn hoá, thông tin, thể dục thể thao, lao động xã hội và các tổ chức sự nghiệp khác... nhằm cung cấp các dịch vụ cơ bản, thiết yếu cho nhân dân và xã hội. Những hoạt động này không nhân danh quyền lực nhà nước, không phải là các hoạt động quản lý nhà nước, chỉ thuần tuý mang tính nghề nghiệp gắn với nghiệp vụ, chuyên môn.

2.1.1.2. Khái niệm khoa học, công nghệ

Khoa học là hệ thống những tri thức về bản chất, các quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy, về những biện pháp tác động đến thế giới xung quanh, đến sự nhận thức và làm biến đổi thế giới đó phục vụ cho lợi ích của con người.

Khoa học bao gồm một hệ thống tri thức về quy luật của vật chất và sự vận động của vật chất, những quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy. Hệ thống tri thức này hình thành trong lịch sử và không ngừng phát triển trên cơ sở thực tiễn xã hội. Phân biệt ra hai hệ thống tri thức: tri thức kinh nghiệm và tri thức khoa học. Tri thức kinh nghiệm là những hiểu biết được tích lũy một cách ngẫu nhiên từ trong đời sống hàng ngày. Tri thức khoa học là những hiểu biết được tích lũy một cách hệ thống nhờ hoạt động nghiên cứu khoa học.

Công nghệ được hiểu theo một nghĩa rộng là sự ứng dụng các tri thức khoa học vào giải quyết một nhiệm vụ thực tiễn. Như vậy công nghệ là một sản phẩm do con người tạo ra làm công cụ để sản xuất ra của cải vật chất. Tuy nhiên, cho tới nay, còn có nhiều cách hiểu khác nhau về công nghệ, nhưng cách hiểu được giới khoa học chấp nhận hiện nay là của UNIDO (United Nation’s Industrial Development organization) Tổ chức phát triển công nghệ của Liên hợp quốc: công nghệ là việc áp dụng khoa học vào công nghiệp bằng cách sử dụng các kết quả nghiên cứu và xử lý nó một cách có hệ thống và có phương pháp.

Khoa học, công nghệ có nội dung khác nhau nhưng chúng lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Mối liên hệ chặt chẽ này thể hiện ở chỗ, khi còn ở trình độ thấp, khoa học tác động tới kỹ thuật và sản xuất rất yếu, nhưng đã phát triển đến trình độ cao như ngày nay thì nó tác động mạnh mẽ và trực tiếp tới sản xuất. Khoa học và công nghệ là kết quả sự vận dụng những hiểu biết, tri thức khoa học của con người để sáng tạo cải tiến các công cụ, phương tiện phục vụ cho sản xuất và các hoạt động khác.

Hoạt động khoa học và công nghệ là hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến và các hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ.

Khái niệm khoa học, công nghệ đã được Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi rõ tại Điều 2, chương I:

hội và tư duy”; “Công nghệ là tập hợp các phương pháp, quy trình, kỹ năng, bí quyết, công cụ, phương tiện dùng để biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm”; “Hoạt động khoa học và công nghệ bao gồm nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và phát triển công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, hoạt động phát huy sáng kiến, cải tiến kĩ thuật, hợp lý hóa sản xuất và các hoạt động khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ”.

2.1.1.3. Khái niệm viên chức khoa học, công nghệ

Căn cứ vào Luật Viên chức 2010 cùng với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000 và dự thảo sửa đổi Luật Khoa học và công nghệ vừa được Chính phủ trình lên Quốc hội, có thể đưa ra khái niệm viên chức khoa học, công nghệ như sau:

Viên chức khoa học, công nghệ là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp khoa học, công nghệ công lập. Hoạt động khoa học, công nghệ bao gồm: nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và phát triển công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, hoạt động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và các hoạt động khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ. Các viên chức khoa học, công nghệ được tuyển dụng và quản lý theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của các đơn vị này theo quy định của pháp luật.

Viên chức khoa học, công nghệ cũng được tuyển dụng, quản lý và sử dụng như viên chức hoạt động trong các lĩnh vực chuyên môn khác, hoạt động của họ để phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển mà nhà nước đặt ra, cung cấp các dịch vụ công về khoa học và công nghệ.

Một phần của tài liệu Luận án Thể chế quản lý viên chức khoa học công nghệ ở nước ta trong giai đoạn hiện nay (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(164 trang)
w