Đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn là những đối thủ cạnh tranh có thể sẽ tham gia thị trường của ngành trong tương lai hình thành những đối thủ cạnh tranh mới. Đối thủ này có thể biết được những điểm yếu của các doanh nghiệp hiện hữu và với tiềm lực tài chính họ có thể đầu tư vào công nghệ mới để sản xuất ra những sản phẩm có tính ưu việt hơn sản phẩm của doanh nghiệp tạo ra những nguy cơ rất lớn cho doanh nghiệp.
Đối thủ cạnh tranh mới này có thể xuất hiện qua các con đường như: xuất khẩu, liên doanh, đầu tư trực tiếp dưới hình thức 100% vốn nước ngoài, mua lại các công ty khác trong ngành..nguy cơ xâm nhập vào ngành phụ thuộc vào những rào cản gia nhập ngành. Theo M. Porter thì có các rào cản gia nhập ngành sau:
- Lợi thế kinh tế theo quy mô.
- Sự khác biệt của sản phẩm tạo ra sự trung thành của khách hàng. - Các đòi hỏi về vốn.
- Chi phí chuyển đổi tức khách hàng sẽ tốn chi phí khi chuyển đổi từ sản phẩm doanh nghiệp sang sản phẩm khác.
- Khả năng tiếp cận kênh phân phối.
- Những bất lợi không liên quan đến quy mô như: công nghệ sản phẩm thuộc quyền sở hữu: sáng chế, làm chủ một công nghệ; sự tiếp cận các nguồn lực đặt thù: nhân lực, nguồn nguyên vật liệu thô thuận lợi; vị trí kinh doanh thuận lợi; đường cong kinh nghiệm.
- Các chính sách của chính phủ đối với ngành.
Tuy nhiên các rào cản xâm nhập này luôn thay đổi theo thời gian và tiềm lực của đối thủ xâm nhập. Nếu một ngành mà có khả năng sinh lợi tức cao thì sớm muộn gì cũng sẽ bị xâm nhập. Vì vậy, các doanh nghiệp phải luôn trong tư thế cạnh tranh và luôn có những chiến lược cạnh tranh làm tăng rào cản thâm nhập, phát huy tối đa năng lực của mình.