Công cụ của chính sách tài khoá

Một phần của tài liệu Tác động của chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá đến tăng trưởng kinh tế. (Trang 34 - 36)

5. Phương pháp nghiên cứu

1.2. Chính sách tài khoá

1.2.2. Công cụ của chính sách tài khoá

CSTK gắn liền chặt chẽ với trạng thái của NSNN, được cấu thành bởi thu NSNN và chi NSNN. Trong đó thu thuế là nguồn thu mang tính thường xuyên, lâu bền, chiếm tỷ trọng lớn hơn và chủ chốt so với các nguồn thu khác như thu từ hoạt động kinh tế nhà nước, đóng góp của tổ chức, cá nhân và viện trợ (Dương Đăng Chinh và Phạm Văn Khoan, 2009). Do đó, việc xác định loại CSTK được thực thi được dựa vào tương quan giữa mức thu thuế (T) và chi tiêu chính phủ (G). Khi T>G, ta nói CSTK thu hẹp đang được thực thi vì nguồn lực tài chính mà Chính phủ lấy từ nền kinh tế không được bơm trở lại vào nên kinh tế hoàn toàn. Ngược lại, G>T là biểu hiện của CSTK mở rộng, lúc này Chính phủ không chỉ sử dụng toàn bộ nguồn thu từ thuế để đầu tư, tăng tổng cầu mà còn sử dụng thêm các nguồn khác như vay nợ, viện trợ để đầu tư. Trường hợp G=T được xem là CSTK trung lập vì nó không làm thay đổi tổng cầu trong nền kinh tế dưới hoạt động của Chính phủ. Như vậy, có thể thấy sự thay đổi của thu thuế và chi tiêu tác động trực tiếp đến tổng cầu nên đây chính là hai công cụ của CSTK.

Chi NSNN (Chi tiêu Chính phủ)

Chi tiêu Chính phủ đề cập đến việc sử dụng NSNN để thực hiện các mục tiêu kinh tế và xã hội trong từng thời kỳ. Các khoản chi tiêu của Chính phủ đều xuất phát từ chức năng quản lý vĩ mô, kinh tế xã hội như: chi cho quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, phát triển kinh tế; chi trả nợ chính phủ; chi trợ cấp, viện trợ.

Các khoản chi này được phân thành chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Theo đó, các khoản chi thường xuyên là những khoản có tác động ngắn hạn đến kinh tế và thường là trong một năm như thanh toán tiền lương cho công chức, viên chức hoạt động trong mọi lĩnh vực; chi cho các khoản chi chí về điện nước, trang thiết bị, vật tư hoạt động của bộ máy hành chính;… Chi đầu tư phát triển là những khoản chi có tác động dài hạn đến nền kinh tế, hình thành nên tài sản vật chất đóng vai trò làm nền tảng cho các ngành nghề phát triển như xây dựng các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng phân phối điện, nước, viễn thông, bệnh viện, trường học, và các công trình phúc lợi khác.

Thuế

Thuế là một khoản đóng góp bắt buộc từ các pháp nhân và thể nhân cho Nhà nước theo mức độ và thời hạn được pháp luật quy định nhằm sử dụng cho mục đích công cộng (Nguyễn Thị Liên và Nguyễn Văn Hiệu, 2008).

Hệ thống thu thuế được chia thành hai nhóm chính là thuế trực thu và thuế gián thu. Trong đó, thuế trực thu là thuế đánh trực tiếp lên tài sản hoặc thu nhập của người dân như thuế thu nhập danh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế gián thu là thuế đánh lên giá trị hàng hóa, dịch vụ được mua bán, trao đổi trên thị trường như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thông qua đối tượng của từng sắc thuế được ban hành, nhà đầu tư có thể nhận ra được định hướng sản xuất, chuyển dịch của Chính phủ như đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào bia, thuốc lá nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, hạn chế các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này; hay giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các công ty niêm yết mới trên thị trường tài chính trong một khoảng thời gian nhất định để khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng kênh huy động vốn ngoài ngân hàng, góp phần phát triển thị trường tài chính. Như vậy, mọi sự thay đổi trong chính sách thuế đều hướng tới những đối tượng nhất định trong nền kinh tế, điều này sẽ ảnh hưởng đến sản lượng trong nền kinh tế, tác động đến việc làm, thu nhập và giá cả hàng hóa.

Một phần của tài liệu Tác động của chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá đến tăng trưởng kinh tế. (Trang 34 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(159 trang)
w