9. Kết cấu của luận văn
1.1.2.2. Tín dụng xuất khẩu sau khi giao hàng
Tín dụng xuất khẩu sau khi giao hàng là hình thức tài trợ sau khi hàng xuất khẩu đã được gửi đi cho nhà nhập khẩu ở nước ngoài theo đúng các điều khoản đã ghi trong hợp đồng thương mại. TDXK sau khi giao hàng có tác dụng hỗ trợ và thúc đẩy xuất khẩu phát triển và làm cho quá trình chu chuyển vốn của doanh nghiệp xuất khẩu được thông suốt và liên tục để tiếp tục cho một chu kỳ kinh doanh mới.
Tín dụng xuất khẩu sau khi giao hàng là hình thức tài trợ xuất khẩu khá phổ biến vì mức độ rủi ro rất thấp, do nhà nhập khẩu ở nước ngoài được ngân hàng bảo lãnh dưới hình thức phát hành thư tín dụng (L/C) hoặc bảo lãnh thanh toán. TDXK sau khi giao hàng bao gồm:
Chiết khẩu bộ chứng từ xuất khẩu
Trường hợp 1: Chiết khấu bộ chứng từ xuất khẩu theo thư tín dụng
Chiết khấu bộ chứng từ xuất khẩu theo thư tín dụng là hình thức tài trợ phổ biến của ngân hàng hiện nay đối với nhà xuất khẩu. Theo hình thức tài trợ này, trước khi gửi hàng ra nước ngoài, nhà nhập khẩu sẽ làm việc với ngân hàng phát hành cung cấp một thư tín dụng gửi đến nhà xuất khẩu thông qua ngân hàng thông báo, sau đó nhà xuất khẩu sẽ gửi hàng đi theo các điều kiện của thư tín dụng, đồng thời lập một bộ chứng từ thanh toán theo điều khoản đã ghi trong L/C. Khi bộ chứng từ phù hợp với các điều khoản của L/C, ngân hàng phát hành L/C phải thực hiện thanh toán, sự thanh toán có tính ràng buộc cao và phụ thuộc vào sự phù hợp, thời gian thanh toán của bộ chứng từ. Do đó, trong thời gian giao hàng, chờ tiền thanh toán, nhà xuất khẩu khi cần vốn có thể xuất trình bộ chứng từ nói trên tại ngân hàng thông báo và đề nghị tài trợ, lúc này ngân hàng thông báo sẵn sàng tài trợ do rủi ro thanh toán bộ chứng từ không phát sinh trong trường hợp này. Tỷ lệ tài trợ theo hình thức này có thể lên đến 100% giá trị bộ chứng từ xuất khẩu.
Như vậy, chiết khấu bộ chứng từ xuất khẩu theo L/C giúp cho nhà xuất khẩu có được tiền ngay để đáp ứng nhu cầu vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, nhờ đó đảm bảo cho doanh nghiệp tiến hành sản xuất kinh doanh một cách liên tục. Thông qua tài trợ XK, góp phần kiểm tra chế độ quản lý ngoại hối đồng thời thông qua đó thực hiện mở rộng việc phát triển nghiệp vụ ngân hàng quốc tế.
Trường hợp 2: Chiết khấu bộ chứng từ xuất khẩu theo hình thức nhờ thu
Trường hợp nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu thỏa thuận ký hợp đồng xuất khẩu theo phương thức thanh toán nhờ thu, việc tài trợ của ngân hàng lúc này mang nhiều rủi ro hơn vì sự ràng buộc nghĩa vụ thanh toán của nhà nhập khẩu là không có và cũng không có sự bảo lãnh của ngân hàng. Nếu ngân hàng tài trợ cho nhà xuất khẩu, trong khi bộ chứng từ không được nhà nhập khẩu nước ngoài chấp nhận thanh
toán thì rủi ro sẽ xảy ra đối với ngân hàng tài trợ. Do đó, trong trường hợp này, tỷ lệ tài trợ chỉ vào khoảng 50 – 80% giá trị của bộ chứng từ để giảm rủi ro cho ngân hàng tài trợ. Trường hợp nhà nhập khẩu được một ngân hàng bảo lãnh thanh toán, tỷ lệ tài trợ có thể lên đến 95% giá trị bộ chứng từ.
Chiết khẩu hối phiếu của nhà xuất khẩu
Nhà xuất khẩu khi bán chịu hàng hóa cho nhà nhập khẩu ở nước ngoài, sẽ ký phát Hối phiếu có kỳ hạn (Bill of Exchange). Nhà nhập khẩu hoặc ngân hàng của nhà nhập khẩu sẽ ký chấp nhận vào hối phiếu để chấp nhận chi trả khi hối phiếu đến hạn, thời hạn chi trả được thống nhất cụ thể trên nội dung của hối phiếu. Do đó, sau một thời gian nhất định, khi hối phiếu đến hạn, nhà nhập khẩu hoặc ngân hàng của nhà nhập khẩu sẽ thực hiện chi trả. Tuy nhiên, nhà xuất khẩu (lúc này là người thụ hưởng hối phiếu) nếu muốn có tiền ngay để đáp ứng các nhu cầu của mình, có thể mang hối phiếu này đến ngân hàng để đề nghị chiết khấu, tức là xin nhận tiền trước và chuyển quyền hưởng lợi hối phiếu cho ngân hàng chiết khấu. Trong nghiệp vụ này, thông thường ngân hàng chiết khấu chỉ nhận chiết khấu đối với những hối phiếu mà khả năng thanh toán khi đáo hạn là chắc chắn.