8. Cấu trúc luận văn
1.5.3. Các yếu tố thuộc về môi trường quản lý
Có nhiều yếu tố thuộc về môi trường quản lý ảnh hưởng đến quá trình quản lý dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh ở trường THPT, trong đó có hai yếu tố cơ bản, ảnh hưởng sâu sắc:
Một là, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường THPT. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học vừa là nội dung quản lý, vừa là biện pháp quản lý hoạt động dạy học nói chung bởi đó là điều kiện đảm bảo tốt hơn cho đổi mới phương pháp dạy học. Đối với, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học lại càng có ý nghĩa quan trọng. Vì trong quá trình dạy học, học sinh không chỉ làm việc với sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, mà với các nội dung mang tính trừu tượng cao, học sinh còn rất cần được trực quan, thực nghiệm, thí nghiệm. Có như vậy mới phát huy được tính tích cực, tự lực và chủ động trong hoạt động nhận thức của học sinh, cũng có nghĩa là phát triển được năng lực của học sinh.
Hai là, điều kiện về kinh tế - văn hoá - xã hội ở địa phương. Chất lượng dạy học của mỗi nhà trường chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi điều kiện kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa phương. Các điều kiện này có ảnh hưởng trực tiếp tới việc phối hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội, tác động tới chất lượng dạy học chung của nhà trường. Địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, trình độ dân trí cao, nhân dân đầu tư cho học tập, chính quyền địa phương quan tâm đến sự nghiệp giáo dục thì việc dạy học, đổi mới dạy học, dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh được tạo thuận lợi. Những địa phương mà điều kiện kinh tế khó khăn, nhân dân ít quan tâm đến việc học tập của con em thì việc dạy học gặp những trở ngại. Tìm giải pháp khắc phục những khó khăn, phát huy tối đa những cơ hội từ môi trường địa phương để phục vụ phát triển giáo dục là một trong những khía cạnh thể hiện năng lực quản lý của đội ngũ quản lý giáo dục trong nhà trường THPT.
Kết luận chương 1
Dạy học định hướng phát triển năng lực nhằm mục tiêu phát triển năng lực người học, đảm bảo chất lượng đầu ra của việc dạy học, thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện các phẩm chất nhân cách, chú trọng năng lực vận dụng tri thức trong những tình huống thực tiễn nhằm chuẩn bị cho người học năng lực giải quyết các tình huống của cuộc sống
Quản lý dạy học định hướng phát triển năng lực cũng quản lý theo các chức năng vốn có, nhưng chú ý đến rèn luyện kỹ năng, thực hành, vận dụng tri thức lý thuyết vào thực tiễn, tức là chú ý đến kết quả đầu ra - năng lực.
Nội dung của hoạt động quản lý dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh ở trường THPT bao gồm quản lý mục tiêu, kế hoạch dạy học; quản lý nội dung dạy học; quản lý phương pháp, hình thức dạy học; quản lý phương tiện, trang thiết bị, kỹ thuật và kiểm tra, đánh giá hoạt động dạy học của giáo viên theo định hướng phát triển năng lực học sinh ở trường THPT. Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động quản lý dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh ở trường THPT bao gồm ba nhóm: các yếu tố thuộc về chủ thể quản lý (Hiệu trưởng), các yếu tố thuộc về đối tượng quản lý (giáo viên, học sinh) và các yếu tố thuộc về môi trường quản lý (điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, điều kiện kinh tế - văn hoá - xã hội của địa phương).
Những vấn đề chủ yếu về dạy học theo tiếp cận năng lực học sinh trong các trường THPT nêu trên là các căn cứ mang tính cơ sở lý luận để triển khai các hoạt động khảo sát, đánh giá thực trạng dạy học và thực trạng quản lý hoạt động dạy học theo tiếp cận năng lực học sinh trường THPT huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình được trình bày tại chương 2 dưới đây.
Chương 2
THỰC TRẠNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HỌC SINH