Một số đặc điểm phát triển nhận thức của trẻ mẫu giáo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động phát triển nhận thức cho trẻ mẫu giáo ở các trường mầm non huyện hoàng su phì, tỉnh hà giang​ (Trang 26 - 28)

8. Cấu trúc nội dung luận văn

1.3.1. Một số đặc điểm phát triển nhận thức của trẻ mẫu giáo

Nhu cầu nhận thức là một trong những nhu cầu cơ bản của con người, xuất hiện từ khi đứa trẻ mới sinh ra và thể hiện mạnh mẽ nhất vào cuối độ tuổi nhà trẻ đầu tuổi mẫu giáo.

Mức độ đầu tiên của nhu cầu nhận thức ở trẻ mầm non là trẻ có ấn tượng với thế giới bên ngoài. Trẻ thích tiếp xúc, chơi và khám phá thế giới thiên nhiên, thế giới đồ chơi, các hiện tượng xảy ra xung quanh… Càng ngày, sự tiếp xúc cá nhân và nhận thức của trẻ càng chiếm vị trí đáng kể.

Mức độ thứ hai của nhu cầu nhận thức ở trẻ mầm non là tính ham hiểu biết. Tính ham hiểu biết thể hiện trong cách trẻ đặt câu hỏi với người lớn về các sự vật hiện tượng ở thế giới xung quanh của trẻ. Nội dung và tính chất của câu hỏi phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ. Những câu hỏi Tại sao? Như thế nào? Thường được trẻ đưa ra cho người lớn. Những câu hỏi ấy không chỉ nhằm mục đích để trẻ biết mà còn tạo tiền đề để trẻ phát triển tư duy.

Mức độ cao của tính ham hiểu biết là hứng thú nhận thức. Hứng thú nhận thức thể hiện ở mong muốn trẻ muốn biết cái mới, làm rõ cái chưa hiểu về đặc điểm, tính chất của sự vật hiện tượng xung quanh. Hứng thú nhận thức của trẻ thể hiện trong hoạt động vui chơi, hoạt động học và các hoạt động khác.

Ở lứa tuổi mầm non nhận thức của trẻ chỉ mang tính nhận diện; trẻ có thể gọi tên được sự vật hiện tượng, biết nó là cái gì nhưng không thể giải thích vì sao nó lại thế. Nói một cách khác, trẻ chưa biết tách dấu hiệu bản chất ra khỏi sự vật hiện tượng. Khi có sự hướng dẫn của người lớn trẻ có thể nhận biết được các thuộc tính của sự vật hiện tượng nhưng cũng chỉ là những thuộc tính bề ngoài.

Đặc điểm phát triển nhận thức của trẻ mẫu giáo được thể hiện ở các mốc phát triển sau:

Lứa tuổi trẻ mẫu giáo bé (3-4 tuổi) (giai đoạn tư duy trực quan- hành động): Trẻ thích các hoạt động chân tay và khám phá bằng các giác quan. Có thể nắm các thông tin thông qua giao tiếp và các cách đơn giản, dễ hiểu. Hay đặt câu hỏi nhưng không phải lúc nào cũng hiểu câu trả lời. Bắt đầu nhận ra các mối quan hệ nhân quả đơn giản dưới dạng các câu hỏi đơn giản: Tại sao? để làm gì? như thế nào? Có thể móc nối các sự kiện khi thảo luận nhưng có thể gặp khó khăn trong phát âm, diễn đạt bằng lời nói. Trẻ cần được người lớn chú ý nghe và nói lại rõ ràng hơn những gì trẻ nói. Học tốt nhất trong những tình huống cụ thể có ý nghĩa với bản thân chúng và khi có sự tin tưởng, khích lệ của người lớn.

Trẻ mẫu giáo của mẫu giáo nhỡ (4-5 tuổi) (giai đoạn tư duy trực quan- hình tượng): Trẻ hay sử dụng các trò chơi đóng vai (chơi giả vờ) để xử lý thông tin mới và để hiểu các khái niệm phức tạp. Bắt đầu hiểu thí nghiệm là gì và trở nên có chủ định cũng như sáng tạo hơn trong việc khám phá. Thường thích các thí nghiệm do chúng tạo ra hơn là các thí nghiệm do người lớn hướng dẫn. Bắt đầu suy nghĩ lập kế hoạch cho một hoạt động, chẳng hạn như nghĩ về việc gieo hạt trước khi trẻ thực hiện hành động thực tế này. Bắt đầu đưa ra những dự đoán dựa trên những gì trẻ được trải nghiệm. Thích nghĩ ra các lời giải thích về những gì quan sát được, thường thêm các chi tiết tưởng tượng vào các sự việc. Thích nói chuyện với những trẻ khác khi chơi và thử nghiệm. Bắt đầu sử dụng các hình vẽ để trình bày và diễn đạt ý kiến. Thích nói để người lớn ghi lại và thử tự viết.

Trẻ mẫu giáo lớn (5-6 tuổi) (giai đoạn tư duy lôgic): Có nhiều thông tin về một số sự vật, hiện tượng nào đó nhưng chưa có hiểu biết đầy đủ về sự vật, hiện tượng đó. Có thể tự tạo ra các thí nghiệm để xem việc gì sẽ xảy ra và nghĩ ra lời giải thích cho những gì trẻ quan sát được, mặc dù trẻ vẫn chưa đủ khả

năng sử dụng suy luận lôgic và trừu tượng. Có thể làm một số thí nghiệm do cô hướng dẫn và có thể giải thích theo nhiều cách khác nhau. Thường dành nhiều thời gian và chú ý hơn vào các hoạt động mà trẻ thích. Thích chơi theo nhóm 5 - 6 trẻ và thích trao đổi trong nhóm nhỏ. Có thể nắm bắt các khái niệm trừu tượng nhưng trẻ vẫn cần các sự việc có thực để giải thích các khái niệm đó. Thích vẽ và viết để ghi lại các sự việc.

Có thể thấy rằng, những đặc điểm phát triển nhận thức của trẻ mẫu giáo chịu sự tác động mạnh mẽ của đặc trưng tâm lý lứa tuổi, đặc điểm hoàn cảnh sống, hoàn cảnh gia đình, đặc trưng vùng miền. Do đó, trong quá trình tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục và phát triển nhận thức cho trẻ, cần phải chú ý đến các yếu tố đó để lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức phù hợp và hiệu quả.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động phát triển nhận thức cho trẻ mẫu giáo ở các trường mầm non huyện hoàng su phì, tỉnh hà giang​ (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)