Nhân tố con người và cơ cấu tổ chức quản trị
Đây là nhân tố đầu tiên và quan trọng nhất, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững cần phải xây dựng một đội ngũ nhân lực lành nghề, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, sắp xếp tổ chức nhân sự phải phù hợp với năng lực, sở trường và tránh kiêm nhiệm chức vụ để hạn chế việc thao túng quyền hành.
Ngoài ra, bộ phận quản lý nhân sự cần đưa ra các chính sách về lương, thưởng, chế độ phúc lợi xã hội phù hợp với năng lực để khuyến khích người lao động làm việc có trách nhiệm hơn, gia tăng năng suất lao động cho công ty.
Nhân tố này được đánh giá qua các yếu tố như trình độ của lao động, cách bố trí sắp xếp tổ chức các phòng ban, phân công nhiệm vụ, chính sách lao động tại Công ty.
Chi phí của doanh nghiệp
Chi phí là nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp. Chi phí sản xuất, quản lý và bán hàng cao sẽ dẫn đến giá thành sản phẩm cao, hàng hoá khó tiêu thụ, vốn bị ứ đọng hoặc chậm thu hồi, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Những nhà quản lý phải đưa ra các phương án sản xuất kinh doanh hữu hiệu, bố trí hợp lý các giai đoạn sản xuất, tránh lãng phí về nhân lực, vốn, nguyên vật liệu. Trong quản trị tài chính, nhà quản lý doanh nghiệp phải xác định chính xác nhu cầu vốn kinh doanh, xác định cơ cấu vốn hợp lý, huy động đủ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh lãng phí vốn. Bên cạnh đó, bộ phận quản lý cần kiểm soát tốt khâu tiêu thụ sản phẩm, khâu thu hồi công nợ khách hàng, tránh để tình trạng vốn bị chiếm dụng quá lâu, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn của DN.
Chi phí của doanh nghiệp được kiểm soát tốt hay không thông qua việc đánh giá công tác lập kế hoạch sản xuất, kế hoạch tiêu thụ dựa trên tình hình thực tế của thị trường, so sánh thực tế đạt được và kế hoạch đưa ra để điều chỉnh cho phù hợp, tránh lãng phí tài chính, theo dõi tốt khoản phải thu, hàng tồn kho,...
Phương thức huy động vốn
Phương thức huy động vốn cũng được xem là nhân tố có ảnh hưởng quan trọng đến hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu phương pháp tổ
chức huy động vốn hợp lý, đáp ứng được nhu cầu vốn của doanh nghiệp, tránh được tình trạng thừa hoặc thiếu vốn trong quá trình sản xuất kinh doanh, với mức chi phí huy động vốn thấp nhất sẽ có tác dụng giúp ổn định sản xuất, tiết kiệm vốn, hạn chế lãng phí vốn, giảm chi phí, hạ giá thành, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh và sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Để đánh giá kênh huy động vốn của Công ty có hiệu quả cao hay không, ta khảo sát các yếu tố như xác định nhu cầu vốn cần trong kỳ, tìm kiếm kênh huy động phù hợp, tận dụng được các nguồn vốn không mất chi phí trong ngắn hạn, uy tín của doanh nghiệp với ngân hàng và đối tác,...
Cơ cấu vốn
Các lý thuyết về cơ cấu vốn cơ bản có những cách nhìn nhận khác nhau về hiệu quả sử dụng vốn vay. Lý thuyết Modigliani và Miller (do 2 nhà kinh tế học Franco Modigliani và Merton Howard Miller khởi xướng) cho rằng vốn vay với chi phí lãi vay được khấu trừ thuế làm tăng giá trị của doanh nghiệp; giá trị doanh nghiệp đạt mức tối đa nếu sử dụng 100% vốn vay. Thực tế, sẽ không có doanh nghiệp nào sử dụng 100% vốn vay, bởi nó tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính, nguy cơ phá sản nếu gánh nặng lãi vay quá lớn. Cơ cấu vốn có ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vốn, đến khả năng đầu tư kinh doanh và khả năng sinh lời của đồng vốn. Chính sách cơ cấu vốn là sự kết hợp chọn lựa giữa rủi ro và lợi nhuận, việc sử dụng vốn vay càng lớn, suất sinh lời kỳ vọng càng cao, mức rủi ro của doanh nghiệp càng cao. Việc xác định cơ cấu vốn tối ưu có sự cân đối giữa rủi ro và lợi nhuận sao cho doanh nghiệp kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất, giúp tiết kiệm thuế từ chi phí vốn vay, nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn của mình.
Nhân tố cơ cấu vốn được đánh giá thông qua việc sử dụng nợ vay của công ty, cách tận dụng tiết kiệm thuế từ nợ vay để giảm chi phí, chú trọng tăng vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu bán cho các cổ đông hiện hữu.
Các yếu tố sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, có rất nhiều yếu tố tác động đến hiệu quả sử dụng vốn như:
Chu kỳ sản xuất kinh doanh: Nếu chu kỳ sản xuất kinh doanh ngắn, vòng quay vốn nhanh, tránh được tình trạng ứ đọng vốn, khả năng tạo ra lợi nhuận cao.
Kỹ thuật sản xuất: giản đơn hay phức tạp ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất sản xuất của doanh nghiệp. Kỹ thuật sản xuất giản đơn, doanh nghiệp không cần đầu tư nhiều vốn, tiết kiệm được vốn, có thể tăng lợi nhuận trên vốn cố định, song trong dài hạn, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn do chất lượng sản phẩm bị giảm đi, khó có sức cạnh tranh. Với kỹ thuật sản xuất phức tạp, doanh nghiệp cần đầu tư một lượng vốn lớn, đổi mới trang thiết bị, máy móc, song song với đó là đòi hỏi chất lượng đội ngũ lao động cao, chất lượng sản phẩm được đảm bảo, lợi nhuận trên vốn sẽ tăng trong dài hạn.
Đặc điểm của sản phẩm: đặc tính sản phẩm thiết yếu hay không thiết yếu, vòng đời sản phẩm dài hay ngắn sẽ tác động đến nhu cầu vốn đầu tư, tốc độ thu hồi vốn qua tiêu thụ sản phẩm, chất lượng sản phẩm kém dẫn đến mất uy tín đối với khách hàng đồng thời tăng chi phí bồi thường, xử lý hàng kém chất lượng. Đặc biệt, dược phẩm là mặt hàng nhạy cảm, khi một lô thuốc có vấn đề không những liên quan đến uy tín doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, dược phẩm cũng có ưu điểm là ít cạnh tranh về giá cả, người tiêu dùng ít khi để ý đến giá cả của loại mặt hàng chăm sóc sức khỏe này.